Cương quyết di dời dân khỏi khu vực nguy hiểm

Ngày 21-11, TP. Nha Trang họp triển khai công tác ứng phó với cơn bão số 9 trong hoàn cảnh đang khắc phục hậu quả nặng nề do đợt mưa lũ vừa qua.

Nhiều địa phương phải di dời dân

Tại cuộc họp, ông Dương Quốc Việt - Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Nguyên cho biết, lo lắng nhất là những nhà chồ trên núi ở vực Cầu Đá và khoảng 7 - 8 nhà tổ 3 Trí Nguyên có nguy cơ sập. Vì vậy, UBND phường đã rà soát, yêu cầu di chuyển tài sản chuẩn bị cho việc di dời người dân đến nơi an toàn. Riêng đối với lồng bè nuôi trồng thủy sản, địa phương sẽ di dời lao động trên bè vào đất liền, đảo, còn tài sản, chủ bè có phương án xử lý thu hoạch sớm, gia cố lồng bè trước.

Theo lãnh đạo UBND phường Vĩnh Hòa, phường xác định có nhiều khu vực có nguy cơ sạt lở ở các tổ: 1, 12, 17, 11, 10, 9, 8, 13 và đã có phương án di dời. Điểm xung yếu nhất địa phương sẽ tập trung giải quyết là ở khu vực tổ 13 có dãy 5 - 6 nhà đã sạt lở sát đến mép nhà dân, sắp tới sẽ chuyển các hộ này về sống ở hội trường tổ dân phố.

Theo lãnh đạo UBND phường Phương Sơn, tại khu đồi Trại Thủy có 3 tảng đá lớn rất nguy hiểm nếu lăn xuống nhà dân. Phường có 14 khu vực xung yếu với khoảng 145 hộ nếu di dời một lúc sẽ khó khăn. Địa phương đã vận động người dân tìm người thân quen để ở tạm, còn lại sẽ di dời đến các trường học. Tuy nhiên, nếu di dời dài ngày sẽ khó khăn.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Trang - Trưởng phòng Quản lý đô thị thành phố đề nghị để đảm bảo an toàn cho các hộ khu vực ven đồi núi, các xã, phường di dời dân ngay ra khỏi các vùng xung yếu có nguy cơ sạt lở, đặc biệt là khu vực tổ 17 Vĩnh Hòa, thôn Thành Phát, Thành Đạt (xã Phước Đồng).

Thượng tá Lê Thanh Sơn - Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự thành phố yêu cầu phải di dời người dân khỏi những khu vực nguy hiểm trước khi bão đổ bộ; đồng thời, phải có phương án chỗ ăn ở cho người dân. Các địa phương phải tuyên truyền người dân dùng bao cát đắp và chằng chống nhà cửa. Đây là biện pháp rất hiệu quả. Bên cạnh đó, cử lực lượng chốt 2 đầu tại các điểm ngập, tràn, ngầm trên đường để ngăn chặn người dân qua lại.

Sẽ di dời hết lao động trên lồng bè vào đất liền.

Chủ động ứng phó

Hiện nay, Công an thành phố sẵn sàng 100% lực lượng ứng phó với bão trong mọi tình huống, lực lượng cảnh sát khu vực xuống nhà dân vận động di dời và tham gia cưỡng chế di dời khi cần thiết, cử lực lượng cảnh sát giao thông phối hợp chốt chặn ở các khu vực xung yếu; đảm bảo an ninh, trật tự, chú trọng bảo vệ tài sản cho người dân.

Lãnh đạo Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Nha Trang cho biết, đơn vị chỉ đạo các trạm nắm chắc số phương tiện đang hoạt động cũng như đang neo đậu tại bến, giữ liên lạc thông suốt với các phương tiện, thông tin về cơn bão số 9 cho các phương tiện để tìm nơi neo đậu, tránh trú bão an toàn; hướng dẫn phương tiện neo đậu tại cảng Hòn Rớ; vận động lao động lồng bè chằng buộc lồng bè và lên bờ trước khi có bão; tuyệt đối không cho phương tiện xuất bến khi có lệnh cấm; trực 100% quân số, túc trực 2 tàu cao tốc, 1 ô tô sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ.

Đại diện Công ty Cổ phần Cấp thoát nước cho biết, nếu trong bão xảy ra sự cố mất điện thì công ty chỉ cấp nước được 60 - 70% công suất. Vì thế, từ nay đến cuối tuần, công ty sẽ bơm hết công suất và đề nghị các địa phương tuyên truyền người dân chủ động tích trữ nước. Công ty sẽ tiếp tục nạo vét các tuyến cống, nhất là khu vực Nam Hòn Khô, làng SOS để thoát nước và đề nghị tuyên truyền để người dân đổ rác đúng giờ không để rác làm tắc các hố thu.

Đại diện Điện lực trung tâm đề nghị các địa phương thông báo an toàn điện cho người dân trong mùa mưa bão và sử dụng điện an toàn; người dân khi thấy có nguy cơ mất an toàn báo ngay số tổng đài của điện lực để cắt điện và chủ động cắt cầu dao điện tại nhà để đảm bảo an toàn. Phối hợp với Công ty Cổ phần Môi trường đô thị Nha Trang cắt tỉa cây để tránh vướng, đổ ngã vào hành lang an toàn lưới điện. Phòng Quản lý đô thị thành phố đã gửi văn bản yêu cầu các chủ đầu tư có biện pháp gia cố giàn giáo; ngay trong ngày 21-11, tiếp tục làm việc với các đơn vị thi công trên địa bàn để huy động lực lượng, phương tiện ứng cứu kịp thời; sẽ kiểm tra, rà soát các dự án khu vực đồi núi…

Ông Lê Hữu Thọ - Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các địa phương, cơ quan, đơn vị chủ động ứng phó với bão theo phương châm 4 tại chỗ; cập nhật thông tin, tăng cường tuyên truyền về cơn bão; rà soát, bổ sung những điểm xung yếu có nguy cơ sạt lở; bố trí lực lượng ứng trực 24/24 giờ chốt chặn, phân luồng giao thông; cố gắng đảm bảo cấp điện, cấp nước, thông tin liên lạc.

NAM DU

Đến ngày 20-11, trên địa bàn Nha Trang có 19 người chết, 1 người mất tích, 28 người bị thương; 124 nhà sập hoàn toàn, 17 nhà sập một phần; ước tính thiệt hại gần 20 tỷ đồng chưa kể sản xuất nông nghiệp; đã di dời 366 hộ với 1.464 người, trong đó, xã Phước Đồng đã di dời dân tại khu vực sau chùa Lâm Tì Ni với 350 hộ với 1.400 người. Trong 3 ngày từ 18 đến 20-11, các lực lượng tham gia cứu nạn đã huy động 4.312 lượt người, chủ yếu là lực lượng quân đội, công an, dân quân các xã, phường.


Ông Trần An Khánh - Bí thư Thành ủy: Dự báo cơn bão số 9 diễn biến khó lường nên không được chủ quan. Thành phố và các xã, phường phải rà soát phương án phòng, chống bão lụt; kiên quyết di dời dân ở những khu vực xung yếu có nguy cơ sạt lở, không để người dân quay trở lại. Thành phố có phương án hỗ trợ các xã, phường đảm bảo an ninh, trật tự, nhất là các khu vực di dời dân. Mặt trận và các đoàn thể vận động nhân dân khắc phục hậu quả sau bão.

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/201811/cuong-quyet-di-doi-dan-khoi-khu-vuc-nguy-hiem-8097000/