Cường quốc xe tăng

Theo trang Popular Mechanics, trong tương lai Ba Lan sẽ là một trong những quốc gia sở hữu dàn xe tăng hiện đại và lớn nhất trên thế giới.

Thậm chí đến những năm 2030, quốc gia này sẽ sở hữu số lượng xe tăng nhiều hơn cả Anh, Đức, Pháp, Hà Lan, Bỉ và Italy cộng lại.

Xe tăng được coi như quả đấm thép của lục quân. Sở hữu một lực lượng xe tăng hùng mạnh đồng nghĩa với cơ hội chiến thắng trên chiến trường rất cao. Dù môi trường và điều kiện tác chiến của chiến tranh hiện đại ngày càng biến đổi sâu sắc, nhưng các chiến xa này vẫn giữ vai trò chủ chốt trong bất cứ quân đội nào và là biểu tượng sức mạnh của các siêu cường quân sự thế giới.

 Xe tăng chủ lực K2 Black Panther do Hàn Quốc phát triển và chế tạo. Ảnh: Popular Mechanics

Xe tăng chủ lực K2 Black Panther do Hàn Quốc phát triển và chế tạo. Ảnh: Popular Mechanics

Nhận thức rõ điều này, Ba Lan đã không tiếc tiền đầu tư hàng tỷ USD để nâng cấp lực lượng xe tăng. Bằng cách đặt mua hơn 1.200 xe tăng mới của Mỹ và Hàn Quốc, Ba Lan kỳ vọng sẽ sở hữu một trong những lực lượng xe tăng mạnh nhất châu Âu.

Mới đây, hãng sản xuất vũ khí General Dynamics Land Systems có trụ sở tại Michigan (Mỹ) đã công bố những chi tiết đáng chú ý về hợp đồng cung cấp 250 xe tăng chiến đấu chủ lực M1A2 Abrams phiên bản mới nhất (SEPv3) cho Ba Lan.

Đây là phiên bản xe tăng Abrams mạnh nhất được Mỹ xuất khẩu ra nước ngoài. Hợp đồng cung cấp xe tăng này trị giá 1,15 tỷ USD, tương đương mỗi chiếc có giá khoảng 4,6 triệu USD. Đây là một phần của thỏa thuận trị giá 6 tỷ USD, trong đó bao gồm cả việc Mỹ sẽ cung cấp cho Ba Lan 26 xe kéo quân sự M88A2 Hercules, 17 xe cầu M1110, 776 súng máy trang bị cho xe tăng, cùng đạn dược, gói đào tạo, hướng dẫn kỹ thuật trong vòng 5 năm tới.

Các quan chức quốc phòng Ba Lan cho biết, việc đưa vào trang bị biến thể mạnh nhất của dòng xe tăng Abrams sẽ giúp nước này tăng cường đáng kể khả năng chiến đấu của lực lượng tăng thiết giáp, đồng thời cho phép Ba Lan thay thế dần các xe tăng T-72 và PT-91 đã lỗi thời. Theo Defense News, những chiếc xe tăng M1A2 Abrams SEPv3 đầu tiên sẽ được bàn giao vào năm 2025, đưa Ba Lan trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên sở hữu dòng xe tăng này.

Bên cạnh hợp đồng với Mỹ, Ba Lan cũng ký kết với Hàn Quốc để sở hữu 980 xe tăng K2 Black Panther, 648 pháo tự hành K-9 và 48 máy bay chiến đấu hạng nhẹ tiên tiến FA-50.

K2 Black Panther là xe tăng chiến đấu chủ lực thế hệ thứ 4 do Cơ quan Phát triển quốc phòng Hàn Quốc thiết kế và Hyundai Rotem sản xuất. Theo EurAsian Times, với giá hơn 8,5 triệu USD/chiếc, K2 Black Panther là một trong những xe tăng chiến đấu chủ lực đắt nhất hành tinh. Một số chuyên gia phân tích còn ca ngợi đây là “kiệt tác quân sự” tích hợp các công nghệ hiện đại bậc nhất.

Tham khảo các mẫu thiết kế và công nghệ trên thế giới, Hàn Quốc đã thành công khi tạo ra một chiến xa đầy uy lực mang bản sắc riêng. Theo army-guide.com, một trong những khía cạnh ấn tượng nhất của K2 là hệ thống treo của xe có thể điều chỉnh ở nhiều vị trí khác nhau, cho phép K2 hạ thấp hoặc nâng cao gầm xe theo mọi hướng, giúp xe dễ dàng ẩn náu trong phòng thủ, tăng khả năng việt dã ở địa hình gồ ghề và có thể bắn hạ các mục tiêu ở những góc khó ít xe tăng trên thế giới có thể làm được.

Một tính năng đặc biệt khác của K2 Black Panther là nó có thể đi ngầm dưới đáy sông sâu tới 4,1m nhờ hệ thống thông khí đặc biệt. Đây là những thiết kế tối ưu khi tác chiến ở địa hình đồi núi và đầm lầy. Được biết, Ba Lan sẽ nhận lô hàng đầu tiên gồm 180 xe tăng K2PL (phiên bản xe tăng Black Panther dành cho quân đội Ba Lan) từ Hàn Quốc ngay trong năm nay.

Dù Ba Lan có kế hoạch hiện đại hóa lực lượng tăng thiết giáp từ lâu, nhưng gần đây quốc gia này mới tăng tốc mua sắm trang thiết bị vũ khí hiện đại từ nước ngoài. Trang Popular Mechanics lý giải nguyên nhân bắt nguồn từ tình hình địa chính trị của châu Âu.

Nằm cạnh Kaliningrad-vùng lãnh thổ của Nga tại Baltic-Ba Lan được coi là “thành trì” sườn phía Đông của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và phương Tây. Khi xung đột nổ ra ở quốc gia láng giềng Ukraine, Ba Lan đã trở thành một tuyến đường viện trợ vũ khí quan trọng của phương Tây cho Kiev, đồng thời được xem là vùng đệm chính có thể ngăn ngừa xung đột tràn sang Đông Âu. Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa Ba Lan sẽ đứng ở “đầu sóng ngọn gió” nếu xung đột ở Ukraine lan rộng hơn.

Khi bối cảnh địa chính trị trở nên phức tạp hơn, Ba Lan buộc phải nhanh chóng tìm cách tái quân sự hóa, tăng cường khả năng phòng thủ nhằm chuyển từ thế bị động sang chủ động ứng phó với những mối đe dọa tiềm tàng. Bình luận trên trang Geopoliticalmonitor.com mới đây, học giả Julian McBride cho rằng cuộc xung đột Nga-Ukraine đã tạo ra sự thay đổi lớn ở châu Âu.

Và một trong những thay đổi đáng chú ý nhất là Ba Lan đang trên đà trở thành cường quốc quân sự phi hạt nhân lớn nhất và hiện đại nhất châu Âu, nắm trong tay lực lượng xe tăng hùng hậu hơn bất kỳ một quốc gia thành viên NATO nào ở lục địa già.

HÙNG HÀ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/vu-khi-trang-bi/cuong-quoc-xe-tang-706432