Cường quốc vào cuộc đua diệt mục tiêu vũ trụ

Xin giới thiệu cùng bạn đọc bài viết với tiêu đề trên của chuyên gia quân sự Nga Ilia Polonski. Bài đăng trên 'Bình luận quân sự' ngày 4/3/2021:

Cách đây không lâu, Tư lệnh Lực lượng Vũ trụ Mỹ, Tướng John Raymond trong một cuộc phỏng vấn của tờ The New York Times đã lên tiếng cáo buộc Nga và Trung Quốc đang đe dọa các lợi ích của Mỹ trong vũ trụ.

Vị tướng Mỹ này cho rằng các mối đe dọa đối với Mỹ đó có liên quan trực tiếp tới các kiểu vũ khí chống vệ tinh đang có trong trang bị của Liên bang Nga và CHND Trung Hoa vì người Nga và người Trung Quốc có thể sử dụng những kiểu vũ khí này để bắn hạ các vệ tinh của Mỹ.

Như đã biết, vũ khí chống vệ tinh được thiết kế để phá hủy hoặc vô hiệu hóa các vệ tinh và các mục tiêu đạn đạo của đối phương.

Khó có thể hình dung một Thế giới hiện đại không chỉ trong lĩnh vực quân sự, mà còn cả lĩnh vực thông tin liên lạc, truyền hình và phát thanh, logistics v.v mà lại không có các vệ tinh, và chính vì vậy nên vũ khí chống lại chúng thực sự trở thành vấn đề rất đau đầu đối với những quốc gia sở hữu vệ tinh.

Trong tình hình như hiện nay, chỉ riêng việc có trong trang bị vũ khí chống vệ tinh cũng đã mở ra những cơ hội rất lớn để tác động vào khả năng phòng thủ của đối phương.

Lấy ví dụ, việc loại khỏi vòng chiến các vệ tinh có thể làm cho hệ thống thông tin liên lạc và dẫn đường của các lực lượng vũ trang đối phương bị trục trặc.

Lịch sử vấn đề

Những quốc gia đi tiên phong trong lĩnh vực thiết kế- chế tạo vũ khí chống vệ tinh là Mỹ và Liên Xô.

Các dự án thiết kế vũ khí chống vệ tinh được triển khai từ thời Chiến tranh Lạnh, vào những năm 1950 và 1960. Lý do rất dễ hiểu- cuộc đối đầu ngày càng căng giữa các siêu cường đã dần lấn sang cả không gian vũ trụ.

Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, cả Mỹ và Liên Xô đều đã khởi động một số dự án trong lĩnh vực chế tạo vũ khí chống vệ tinh.

Ví dụ cụ thể, vào những năm 1960, Mỹ đã thử nghiệm hệ thống phòng thủ chống tên lửa LIM-49 Nike Zeus, và hệ thống này cũng có thể được Các Lực lượng Vũ trang Mỹ sử dụng để phá hủy các vệ tinh trên vũ trụ.

Tuy nhiên, vào năm 1966, dự án trên đã bị dừng lại. Không quân Hoa Kỳ khi đó đã quyết định tập trung nguồn lực cho dự án Program 437 ASAT . Dự án này hoạt động cho đến năm 1975.

Cũng không thể không nhắc tới cả những dự án thiết kế của Hải quân Mỹ trên hướng chế tạo vũ khí chống vệ tinh.

Về phần mình, vào những năm 1970, Liên Xô đã thiết kế và chế tạo thành công vệ tinh đánh chặn IS (viết tắt của từ tiếng Nga “sát thủ vệ tinh”-ND).

Chúng đã được đưa vào trang bị cho Quân đội Xô Viết năm 1978 và trực chiến đến năm 1993. IS được đưa lên quỹ đạo bằng tên lửa “Tsiklon-2”. Cũng vào năm 1978, Liên Xô cho thử nghiệm lần đầu tiên hệ thống phòng thủ chống tên lửa A-135 "Amur".

Trong những năm 1980, Liên Xô bắt đầu thiết kế hệ thống “Contact”. Hệ thống này có chức năng tiêu diệt các vệ tinh vũ trụ của đối phương bằng các tên lửa ba tầng với thiết bị đánh chặn động năng 79M6 “Contact”.

Một tên lửa như vậy có thể được phóng từ máy bay MiG-31D. Trong những năm 1990, các dự án thiết kế trong lĩnh vực vũ khí chống vệ tinh bị đình trệ do tình hình kinh tế và chính trị chung phức tạp của nước Nga khi đó, nhưng sau đó thì tât các dự án này được tái khởi độngc.

Các cường quốc cạnh tranh nhau trong lĩnh vực này- trong việc tìm kiếm những giải pháp hiệu quả để tiêu diệt các mục tiêu trên vũ trụ.

Vũ khí chống vệ tinh của Mỹ

Vào thời điểm hiện tại, có 4 cường quốc trên thế giới đã chính thức sở hữu vũ khí chống vệ tinh: Mỹ, Nga, Trung Quốc và Ấn Độ.

Hai nước đi đầu trong lĩnh vực vũ khí chống vệ tinh là Mỹ và Nga, Trung Quốc tụt hâu rất xa so với hai nước này, còn Ấn Độ- vẫn là kẻ đứng ngoài tuyệt đối trong số 4 cường quốc có vũ khí chống vệ tinh.

Vũ khí chống vệ tinh của Mỹ là một bộ phận cấu thành của hệ thống phòng thủ chống tên lửa quốc gia. Trước hết, khi nhắc tới vũ khí vệ tinh Mỹ- đó là tổ hợp mặt đất GBMD và tổ hợp biển Aegis Aegis Ballistic Missile Defense System.

Một số chuyên gia không loại trừ khả năng sử dụng hệ thống THAAD chống các vệ tinh

Một số chuyên gia không loại trừ khả năng sử dụng hệ thống THAAD chống các vệ tinh

Ngoài ra, cũng không loại trừ khả năng Mỹ sử dụng tổ hợp phòng thủ cơ động chống tên lửa nổi tiếng THAAD để diệt các vệ tinh ở quỹ đạo thấp vì tổ hợp này có thể tấn công tiêu diệt các vệ tinh của đối phương bằng tên lửa.

Còn đối với các hệ thống chống vệ tinh bố trí ngay trên vũ trụ, chắc chắn ngành công nghiệp quân sự Mỹ đang nghiên cứu chế tạo chúng, mặc dù cho đến thời điểm này người Mỹ không muốn bàn về chủ đề trên một cách rộng rãi.

Lấy ví dụ, vũ khí chống vệ tinh có thể được lắp đặt ngay trên tàu vũ trụ của Mỹ, vì kích thước của các khoang chứa hàng hóa của chúng cho phép làm như vậy.

Vũ khí chống vệ tinh của Trung Quốc và Ấn Độ

Trung Quốc - một quốc gia cũng có tham vọng rất lớn trong lĩnh vực thiết kế vũ khí chống vệ tinh. Một trong những cuộc thử nghiệm đầu tiên loại vũ khí này đã được Quân đội Trung Quốc thực hiện vào năm 2007.

Khi đó, các quân nhân PLA đã bắn trúng một vệ tinh bằng tên lửa chống vệ tinh ở độ cao 865 km.

Năm 2013, Trung Quốc đã thử nghiệm ba vệ tinh- đánh chặn. Năm 2015, Trung Quốc cho thử nghiệm tên lửa Dong Neng-3.

Ngoài Mỹ, Trung Quốc và Nga, Ấn Độ cũng chính thức sở hữu vũ khí chống vệ tinh. Quốc gia này chế tạo vũ khí chống vệ tinh, để trước hết là chống lại mối đe dọa từ Trung Quốc.

Vào ngày 26/ 3/2019, Ấn Độ đã tiến hành thành công thử nghiệm phá hủy vệ tinh. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại thì đây mới chỉ là những thử nghiệm ban đầu.

Cũng có thông tin về các thí nghiệm tự chế tạo vũ khí chống vệ tinh của Israel, và báo chí Mỹ, theo đúng tinh thần chung của phương tiện truyền thông nước này, cũng cáo buộc cả Iran và Bắc Triều Tiên rằng hai nước này đang chế tạo vũ khí chống vệ tinh.

Nga: dẫn đầu trong lĩnh vực tác chiến điện tử và vũ khí chống vệ tinh hiệu quả

Vũ khí chống vệ tinh của Nga tiếp tục truyền thống thiết kế và thử nghiệm của Liên Xô.

Nhiều nghiên cứu theo hướng này vẫn được giữ bí mật cho đến tận bây giờ, nhưng điều này không gây quá nhiều khó khăn cho các nhà phân tích khi đưa ra những đánh giá có liên quan đến khả năng của tên lửa chống vệ tinh Nga.

Cụ thể, mặc dù nhiều chuyên gia phân tích vẫn giữ quan điểm cho rằng các khả năng của tên lửa chống vệ tinh của Nga là chưa đủ để phá hủy những vệ tinh của Mỹ hoạt động ở những độ cao hơn các quỹ đạo thấp gần Trái Đất, nhưng ngay việc các tướng lĩnh Mỹ lo ngại về các mối đe dọa từ Nga cho thấy rằng các dự án của Nga theo hướng này không chỉ đang được tiếp tục mà còn rất thành công.

Nga có thể sử dụng những phương tiện sau đây làm vũ khí chống vệ tinh :

1) Hệ thống A-235 "Nudol" có khả năng đánh chặn mọi vật thể ở độ cao từ 50 km đến 1000 km;

2) Thiết bị đánh chặn phóng từ trên không 30P6 "Contact”;

3) Hệ thống phòng thủ chống tên lửa thế hệ mới nhất S-500.

Cả ba hệ thống trên đều có khả năng tiêu diệt các vệ tinh trên các quỹ đạo thấp gần Trái Đất. Đồng thời, việc tiêu diệt các vệ tinh bằng tên lửa- đấy không phải là cách thức duy nhất mà Các Lực lượng Vũ trang Nga đang sử dụng để chống các vệ tinh.

Còn cần phải thấy rằng các phương tiện tác chiến điện tử được thiết kế để vô hiệu hóa vệ tinh hoặc gây nhiễu và chế áp hệ thống định vị toàn cầu GPS, thông tin liên lạc di động, máy bay không người lái và cả các tên lửa dẫn đường của đối phương tiềm tàng.

Trong lĩnh vực này, Nga hoàn toàn xứng đáng được coi là một trong những nước dẫn đầu thế giới, và điều này được khẳng định qua nhiều đánh giá từ các tướng lĩnh nước ngoài. Và như vậy, tiềm năng của các hệ thống tác chiến điện tử của Nga cũng rất lớn nếu sử dụng chúng làm một công cụ để chống vệ tinh.

Như chúng ta có thể thấy, còn rất nhiều triển vọng phát triển vũ khí chống vệ tinh.

Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều việc phải làm và Nga đang phải giải quyết nhiệm vụ rất quan là không cho phép Mỹ thống trị trong lĩnh vực này và đảm bảo cho mình những giải pháp công nghệ riêng và các phương tiện kỹ thuật tiên tiến để duy trì vị thế hiện nay của Nga.

Lê Hùng- Nguyễn Hoàng (dịch)

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/cuong-quoc-vao-cuoc-dua-diet-muc-tieu-vu-tru-3430899/