Cường quốc kinh tế mới nổi Brazil đang... lặn

Được xếp vào nhóm năm cường quốc kinh tế mới nổi BRICS bên cạnh Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi nhưng nền kinh tế Brazil vẫn đang ngụp lặn trong khủng hoảng những năm gần đây, khiến quy mô nền kinh tế của Brazil hiện nay chỉ ngang bằng với mức năm 2014.

 GDP của Brazil trong quí 1-2019 tăng trưởng âm 0,2% so với quí trước đó. Ảnh: BBC

GDP của Brazil trong quí 1-2019 tăng trưởng âm 0,2% so với quí trước đó. Ảnh: BBC

Hôm 30-5, Viện Thống kê và Địa lý Brazil cho biết GDP của Brazil trong quí 1 dù tăng 0,5% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng lại tăng trưởng âm 0,2% so với quí trước đó. Đây là lần đầu tiên nền kinh tế Brazil chứng kiến tăng trưởng âm kể từ năm 2016.

Cú sụt giảm tăng trưởng GDP diễn ra vào lúc Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro đang đối mặt các áp lực khôi phục kinh tế sau đợt suy thoái kéo hai năm 2015 và 2016.

Song các chuyên gia kinh tế cho rằng nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latin và lớn thứ chín thế giới đang có nguy cơ bước vào một đợt suy thoái khác nếu tiếp tục tăng trưởng âm trong quí 2-2019.

Mức tăng trưởng suy giảm trong quí 1 không nằm ngoài dự báo của các chuyên gia kinh tế nhưng đó là dấu hiệu ban đầu cho thấy năng lực điều hành kinh tế kém so với kỳ vọng của ông Bolsonaro kể từ ông nhậm chức hồi tháng 1-2019.

Khi ông Jair Bolsonaro, một chính trị gia và là một cựu sĩ quan quân đội, đắc cử tổng thống Brazil vào cuối năm ngoái, thị trường chứng khoán và đồng real của Brazil hồ hởi tăng giá vì giới đầu tư đặt niềm tin vào chính phủ mới.

Trong cuộc vận động tranh cử, Bolsonaro tự nhận rằng mình không am hiểu gì về các vấn đề kinh tế, do vậy, ông sẽ giao toàn quyền quyết sách về kinh tế cho các bộ trưởng liên quan.

Sau đó, ông đã bổ nhiệm nhà kinh tế học kiêm doanh nhân Paulo Guedes làm bộ trưởng Kinh tế để giúp tiến hành các cải cách. Nhiệm vụ của ông Guedes rất khẩn cấp và nặng nề, đó là giải cứu nền kinh tế thoát khỏi nguy cơ suy thoái lần hai. Song gần năm tháng sau đó, ông Guedes không mang lại chuyển biến lớn nào cho nền kinh tế Brazil ngoài nỗi thất vọng. Các kỳ vọng với chính phủ mới nhanh chóng tan biến khi hàng loạt cuộc đấu đá chính trị diễn ra. Các chính sách của ông Guedes là mục tiêu công kích của các bộ trưởng khác trong chính phủ và vấp phải sự chống đối của ngay các nghị sĩ quốc hội Brazil thuộc đảng của ông Bolsonaro. Điều này khiến ông Guedes nhiều lần đe dọa từ chức nếu như quốc hội Brazil không thông qua các biện pháp cải cách của ông bao gồm cải cách hệ thống lương hưu.

Guedes, nhà kinh tế được đào tạo ở Đại học Chicago (Mỹ) là người ủng hộ các chính sách kinh tế tự do mới, bao gồm cắt giảm phúc lợi xã hội và siết chặt chi tiêu ngân sách. Ông cho rằng kế hoạch cải cách lương hưu do ông đề xuất bao gồm tăng độ tuổi nghỉ hưu và giảm mức lương hưu tối thiểu sẽ giúp tiết kiệm ngân sách 307 tỉ đô la trong 10 năm tới.

Song một số bộ trưởng khác nói rằng các cải cách này sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng nghèo khổ ở Brazil. Khoảng 55 triệu người dân Brazil, tức hơn 25% dân số nước này, đang sống dưới mức nghèo khổ.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí hôm 24-5, ông Guedes nói: “Tôi sẽ lên máy bay và ra sống ở nước ngoài. Tôi đã đủ già để nghỉ hưu. Nếu chúng ta không cải cách (hệ thống lương hưu), Brazil sẽ gặp nguy và khu vực nhà nước sẽ rơi vào hỗn loạn”. Ông cũng cảnh báo Brazil có thể vỡ nợ vào năm 2020.

Trong ba tháng đầu năm nay, đầu tư và sản lượng công nghiệp lẫn nông nghiệp đều suy giảm ở Brazil. Ngoài ra, xuất khẩu cũng suy giảm 1,9% trong quí 1, một phần do xuất khẩu quặng sắt giảm.

Hiện nay, nền kinh tế Brazil đối mặt với bốn vấn đề lớn nhưng chính phủ mới vẫn chưa tìm ra được các giải pháp khắc phục.

Thứ nhất, triển vọng hồi phục kinh tế vẫn mờ mịt. Trong thập kỷ trước đó, Brazil cùng với Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi được xếp vào khối các cường quốc kinh tế mới nổi BRICS và được dự báo sẽ có có quy mô GDP lớn hơn các nền kinh tế phát triển vào năm 2050. Tuy nhiên, hiệu suất kinh tế của Brazil trong thập kỷ qua lại không cho thấy rằng Brazil xứng đáng được xếp vào khối BRICS.

Đợt suy thoái kinh tế kéo dài hai năm (2015 và 2016) khiến GDP của Brazil suy giảm gần 7%. Kể từ đó, đà hồi phục kinh tế của nước này rất yếu ớt, chỉ tăng trưởng trung bình 1,1% mỗi năm trong hai năm 2017 và 2018.
Và tin xấu hơn nữa là các chuyên gia kinh tế cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế Brazil trong năm nay về mức chẳng khác biệt lắm so với hai năm qua.

Thứ hai, vấn đề thất nghiệp vẫn chưa được giải quyết và các công nhân Brazil là những người đang phải trả giá. Con số này tăng so với 52 triệu người vào năm 2016. Số lao động thất nghiệp của Brazil tăng từ mức 7,6 triệu người trong năm 2012 lên mức 13,4 triệu người trong năm nay.

Con số thống kê chính thức của chính phủ cho thấy có đến 28,3 triệu người không được lao động đầy đủ, tức họ hoặc là đang thất nghiệp hoặc không có công việc ổn định.

Thứ ba, đồng real và thị trường chứng khoán Brazil đã dập tắt các hy vọng sau cuộc bầu cử tổng thống hồi năm ngoái.

Trong phần lớn thời gian cuộc bầu cử tổng thống diễn ra, đồng real tăng giá mạnh mẽ khi các cuộc khảo sát cho thấy ông Bolsonaro có khả năng đắc cử. Đó là dấu hiệu chứng tỏ rằng niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài đã trở lại. Theo kết quả cuộc khảo sát ý kiến của các nhà chiến lược thị trường do Bloomberg thực hiện vào cuối năm ngoái, Brazil đứng đầu danh sách đặt cược tốt nhất ở ba kênh đầu tư: tỷ giá hối đoái, trái phiếu và chứng khoán.
Gần năm tháng sau đó, triển vọng của ba kênh đầu tư này ảm đạm trở lại. Cả thị trường chứng khoán lẫn đồng real đều quay trở lại vạch xuất phát hồi đầu năm. Thị trường chứng khoán Brazil đạt mức cao nhất từ trước đến nay vào tháng 3-2019 nhưng sau đó phần lớn thành quả tăng điểm từ hồi đầu tháng bị xóa sạch do các kết quả kinh doanh đáng thất vọng của các công ty niêm yết.

Cuối cùng, một vấn đề nhận được sự đồng thuận cao của các nhà phân tích cũng như các quan chức bên trong chính phủ của ông Bolsonaro là Brazil đã chi tiêu quá nhiều vào năm 2013 dưới thời chính phủ cánh tả của Tổng thống Dilma Rousseff. Kể từ đó, một trong thước đo sức khỏe nền kinh tế Brazil là thâm hụt tài khóa, tức mức chi tiêu vượt trội so với các nguồn thu của chính phủ. Bà Rousseff đã bị luận tội và phế truất chức vụ tổng thống vì bị cáo cuộc che dấu mức chi tiêu quá mức của chính phủ.

Sau khi bà Rousseff bị hạ bế, tất cả nỗ lực của chính phủ Brazil là tìm cách hạ mức thâm hụt tài khóa. Hiện nay, mức thâm hụt tài khóa của Brazil đang ở mức tương đương 6,95% GDP, có giảm so với những năm trước. Các nhà kinh tế cho rằng hệ thống lương hưu của Brazil là “thủ phạm chính” dẫn đến thâm hụt tài khóa vì cho phép nhiều người về hưu sớm ở độ tuổi đầu 50 nếu họ đóng góp bảo hiểm xã hội đủ 35 năm đối với nam và 30 năm đối với nữ. Bên cạnh đó, các công chức cũng được hưởng mức lương cao.

Ông Bolsonaro đang đề xuất cắt giảm lương hưu và nâng độ tuổi về hưu tối thiểu lên mức 65 năm đối với nam và 62 tuổi đối với nữ. Trong suốt những năm tăng trưởng kinh tế bùng nổ, mức nợ của chính phủ Brazil chỉ ở mức 51% GDP nhưng thâm hụt tài khóa cao trong nhiều năm liên tiếp đã khiến nợ chính phủ tăng lên mức 77,1% GDP. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo nợ công của Brazil sẽ đạt mức 90% GDP trong năm nay. Trong khi đó, chính phủ của ông Bolsonaro cảnh báo nếu không hành động, mức nợ này sẽ tăng lên ngang bằng 100% GDP vào năm 2023.

Theo BBC, Finanical Times

Lê Linh

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/289549/cuong-quoc-kinh-te-moi-noi-brazil-dang-lan.html