Cuống cuồng bỏ chạy ở Syria, Thổ né 'đòn bất ngờ' từ Nga hay sợ cô lập?

Động thái rút quân khỏi nhiều khu vực ở Syria của Thổ Nhĩ Kỳ phải chăng là giải pháp phòng thủ né tránh những 'cơn thịnh nộ' bất ngờ của Nga hay để thoát sự cô lập?

Theo The Syrian Observer, Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu sơ tán các đồn bốt tại Al-Eiss và Tell Touqan, ngoại ô vùng nông thôn phía Nam của Aleppo, nơi đã bị lực lượng của chính quyền ông Assad bao vây trong nhiều tháng.

Các đài quan sát địa phương cho biết, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đóng quân tại khu vực này bắt đầu từ hôm thứ Tư sơ tán hai tiền đồn Al-Eiss và Tell Touqan và chuyển đến khu vực Maarat Al-Naasan ở vùng nông thôn phía bắc Idlib.

Cũng theo các nguồn tin, đây là hai tiền đồn cuối cùng trong khu vực do quân Assad kiểm soát còn bị bao vây và do đó Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải sơ tán tất cả các điểm quan sát bị bao vây.

Các phương tiện truyền thông ủng hộ chính phủ đưa tin, cuộc sơ tán hai tiền đồn cuối cùng của Thổ Nhĩ Kỳ bị bao vây đã diễn ra thuận lợi và Radio Sham FM hôm qua đưa tin, các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu rút khỏi trạm quan sát của mình ở Đồi Xanh gần thị trấn Al-Eiss thuộc vùng nông thôn phía Nam Aleppo.

Thổ Nhĩ Kỳ rút khỏi nhiều nơi tại Syria.

Thổ Nhĩ Kỳ rút khỏi nhiều nơi tại Syria.

Động thái này nằm trong kế hoạch được Thổ Nhĩ Kỳ giữ kín, trong đó bao gồm cả việc Ankara rút khỏi tất cả các điểm quan sát của mình vốn thuộc khu vực kiểm soát của lực lượng chính phủ của ông Assad, đáng kể nhất phải kể đến là: Al-Surman, Morek, Maarhatt, Tell Touqan, Al-Eiss và Al- Rashideen.

Hồi giữa tháng 10, Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu rút quân khỏi Morek ở vùng nông thôn phía bắc Hama, và sau đó sơ tán các điểm quan sát tại Sher Maghar, Maarhatt, Al-Rashideen và Sarman mà không đưa ra lý do rút quân.

Động thái này diễn ra đồng thời với việc quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường hiện diện ở khu vực chiến lược Jabal al-Zawiya và thiết lập hai điểm quan sát tại khu vực này cách đây vài ngày. Hơn tháng nay, Ankara đã cấp tốc xây dựng các điểm quan sát này.

Điều đáng chú ý, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ thiết lập các điểm quan sát mới chủ yếu nằm ở vùng nông thôn phía nam Idlib, đặc biệt là ở Jabal al-Zawiya. Đây chính là cửa ngõ kiểm soát toàn bộ khu vực thống trị.

Trước đó, hồi đầu tháng 11, Ankara cũng đã thực hiện nhiều cuộc rút lui khỏi miền Bắc Syria. Các xe tải đã đến trạm kiểm soát ở Shir Maghar, tỉnh Hama, miền Bắc Syria vào đêm 2/11 để chuẩn bị cho hoạt động sơ tán.

Ngoài ra, một nguồn tin an ninh Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, các lực lượng rút lui khỏi Shir Maghar sẽ chuyển đến đóng quân tại một đồn quân sự mới ở làng Kokfin trong khu vực do phiến quân trấn giữ ở tỉnh Idlib - nơi đồn trú của hàng nghìn binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ.

Thổ Nhĩ Kỳ được cho là đang chuẩn bị rút lui khỏi các chốt bổ sung nằm trong những khu vực mà quân chính phủ Syria đã giành lại quyền kiểm soát trong một chiến dịch tấn công được phát động hồi năm ngoái.

Thổ Nhĩ Kỳ vẫn duy trì khoảng 10.000 đến 15.000 quân ở khu vực Tây Bắc Syria, cùng với các tay súng nổi dậy được Ankara hậu thuẫn và các lực lượng thánh chiến mà nước này đã cam kết giải giáp, kiềm chế.

Động thái Ankara rút quân khỏi nhiều nơi ở Syria diễn ra trong bối cảnh Moscow đã cố gắng thuyết phục Ankara giảm sự hiện diện quân sự ở Idlib và dỡ bỏ một số trạm quan sát trong khu vực. Tuy nhiên, các quan chức Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ chỉ ra rằng việc rút quân là không thể vì sự hiện diện trong khu vực vốn là con bài mặc cả trong các cuộc đàm phán với Damascus và Moscow. Và Idlib nắm giữ vai trò quan trọng với Thổ Nhĩ Kỳ để ngăn chặn làn sóng hướng tới biên giới nước này.

Quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ trở nên căng thẳng thời gian gần đây và việc Nga “ngó mắt làm lơ” cho nhiều hoạt động của Ankara ở Syria sẽ không còn.

Giới chuyên gia nhận định căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga leo thang gần đây sau khi cả hai nước tham gia vào cuộc va chạm giữa Armenia và Azerbaijan, nơi Điện Kremlin chỉ trích Ankara thúc đẩy giải pháp quân sự cho cuộc xung đột Nagorno-Karabakh.

Trong khi đó, theo thỏa thuận hồi tháng 3 giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga, Ankara cam kết xóa sổ các khu vực khủng bố trong và xung quanh Idlib trong vòng 6 tháng nhưng đến nay Ankara chưa thực hiện được lời cam kết này. Nga nhiều lần chỉ trích Thổ Nhĩ Kỳ về vấn đề này.

Động thái rút quân khỏi nhiều khu vực ở Syria của Thổ Nhĩ Kỳ phải chăng là giải pháp phòng thủ né tránh những “cơn thịnh nộ” bất ngờ của Nga hay đơn giản để thoát khỏi các khu vực bị cô lập là câu hỏi chưa có lời giải.

Vũ Thu Hương

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/cuong-cuong-bo-chay-o-syria-tho-ne-don-bat-ngo-tu-nga-hay-so-co-lap-a500197.html