Cưỡng chế chuyển giao quyền sử dụng đất trong thi hành án dân sự

Cưỡng chế chuyển giao quyền sử dụng đất là một biện pháp cưỡng chế thi hành án được quy định tại khoản 5 Điều 71 và Điều 117 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2014 (Luật THADS). Đây là một biện pháp cưỡng chế rất phức tạp mà các cơ quan THADS thường xuyên phải áp dụng, tuy nhiên thực tiễn áp dụng các quy định của pháp luật hiện nay vẫn còn khá nhiều vấn đề phát sinh.

Ảnh minh họa từ internet.

Ảnh minh họa từ internet.

Quyết định số 116/2015/QĐSTHNGĐ ngày 18/10/2015 của Tòa án nhân dân huyện X tuyên: Bà Nguyễn Thị A được quản lý, sở hữu và sử dụng khối tài sản chung vợ chồng bao gồm: Thửa đất 197 có diện tích 129,5m2 . Trên đất có các tài sản là sân gạch, công trình phụ diện tích 20 m2 . Tổng giá trị tài sản là 100.000.000đ. Bà Nguyễn Thị A có trách nhiệm thanh toán trả ông Nguyễn Văn B số tiền là 50.000.000đ.

Đây là vụ việc chia tài sản chung vợ chồng, trong đó Tòa án đã xác định rõ phần sở hữu của từng người. Kết quả xác minh cho thấy ông Nguyễn Văn B đang quản lý, sử dụng toàn bộ phần tài sản của cả hai vợ chồng và không tự nguyện giao phần tài sản theo bản án tuyên cho bà Nguyễn Thị A.

Có hai quan điểm được đưa ra đối với việc thi hành án này:

Quan điểm thứ nhất: Bản án chỉ tuyên: “Bà Nguyễn Thị A được quản lý, sở hữu và sử dụng khối tài sản…” chứ không tuyên rõ nghĩa vụ buộc chuyển giao tài sản của ông Nguyễn Văn B cho bà Nguyễn Thị A. Theo khoản 1 Điều 117 Luật THADS: “Trường hợp bản án, quyết định tuyên nghĩa vụ chuyển giao quyền sử dụng đất thì chấp hành viên tổ chức giao diện tích đất cho người được thi hành án”. Do đó, cơ quan thi hành án không thể áp dụng quy định tại Điều 117 Luật THADS để cưỡng chế thi hành án đối với ông B. Trường hợp này cần yêu cầu Tòa án giải thích bản án, tuyên rõ nội dung: Buộc ông Nguyễn Văn B phải giao tài sản trả bà A thì mới có cơ sở để tổ chức thi hành.

Quan điểm thứ hai: Vẫn áp dụng được khoản 5 Điều 71 và Điều 117 Luật THADS để cưỡng chế thi hành án đối với ông B bởi vì: Trong phần Quyết định của bản án không tuyên rõ nghĩa vụ chuyển giao quyền sử dụng đất của ông B đối với bà A nhưng Tòa án đã xác định rõ phần tài sản của bà A trong khối tài sản chung của vợ chồng. Trên thực tế ông B đang quản lý, sử dụng phần tài sản này, do đó ông B phải có nghĩa vụ chuyển giao trả bà A phần tài sản của bà A. Do ông B không tự nguyện thi hành án nên cơ quan THADS cần phải áp dụng biện pháp cưỡng chế chuyển giao quyền sử dụng đất đối với ông B.

Trên thực tế, số lượng các bản án chia tài sản chung vợ chồng, chia thừa kế phát sinh ngày càng nhiều, trong đó việc Tòa án chỉ xác định cụ thể phần sở hữu của các bên mà không tuyên rõ nghĩa vụ chuyển giao tài sản là rất phổ biến. Nếu chờ Tòa án giải thích, đính chính bản án sẽ dẫn đến việc kéo dài thời gian tổ chức thi hành án. Do đó, cần thiết phải có quy định cụ thể hơn nữa để xử lý đối với những trường hợp này.

Việc xử lý tài sản gắn liền với đất được chia làm hai trường hợp phụ thuộc vào thời điểm hình thành nên tài sản:

Trường hợp tài sản gắn liền với đất hình thành sau khi có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật thì chấp hành viên yêu cầu người có tài sản đó tháo dỡ hoặc chuyển tài sản ra khỏi diện tích đất phải chuyển giao cho người được thi hành án. Nếu người có tài sản không thực hiện thì chấp hành viên cưỡng chế tháo dỡ hoặc chuyển tài sản ra khỏi diện tích đất phải chuyển giao, trừ trường hợp đương sự có thỏa thuận khác. Chi phí cưỡng chế do người có tài sản chịu.

Trường hợp có căn cứ xác định tài sản gắn liền với đất có trước khi có bản án, quyết định sơ thẩm nhưng bản án, quyết định được thi hành không tuyên rõ việc xử lý đối với tài sản đó: Cơ quan THADS yêu cầu Tòa án đã ra bản án, quyết định giải thích rõ việc xử lý đối với tài sản hoặc đề nghị Tòa án có thẩm quyền xem xét lại nội dung bản án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm.

Khi xem xét thời điểm hình thành tài sản gắn liền với đất đối với hai trường hợp trên, vẫn còn có một khoảng trống mà Luật THADS chưa quy định về cách thức xử lý tài sản, đó là: khi tài sản gắn liền với đất hình thành sau khi có bản án sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật và trước khi có bản án phúc thẩm. Vì vậy, khi gặp trường hợp người phải THA cố tình xây dựng công trình trên đất trong khoảng thời gian Tòa án đang giải quyết theo thủ tục phúc thẩm thì cơ quan THADS chưa có căn cứ để giải quyết.

Hoàn thiện các quy định về việc cưỡng chế chuyển giao quyền sử dụng đất là một đòi hỏi rất cần thiết trong thực tiễn công tác THADS hiện nay.

Thanh Hoa

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/tu-phap/cuong-che-chuyen-giao-quyen-su-dung-dat-trong-thi-hanh-an-dan-su-384162.html