Cuốn theo chiều gió: Cơn vỡ mộng của Scarlett, cơn vỡ mộng của chúng ta

Có hai lần vỡ mộng lớn của Scarlett trong Cuốn theo chiều gió. Lần đầu tiên, khi chiến tranh nổ ra, Scarlett tìm về với Tara. Và lần thứ hai, khi nàng nhận ra Ashley chỉ là một ảo tưởng mà nàng tự vẽ lên cho chính mình.

Có hai lần Cuốn theo chiều gió được gợi nhắc đến trong những bộ phim khác mà tôi nhớ nhất. Một lần, đó là trong bộ phim phản cổ tích Enchanted rất thành công của Disney năm 2007. Nàng công chúa Giselle khi mới lạc đến thế giới thực đã cắt phăng một tấm rèm cửa làm váy. Chiếc váy màu xanh lá cây, rõ ràng là gợi về chiếc váy màu xanh lộng lẫy mà nàng Scarlett O'Hara cũng đã cắt may từ chiếc rèm cửa để đến gặp Rhett Butler và coi chiếc váy ấy như vũ khí để nàng khuất phục số phận của mình.

Một lần khác, đó là trong BlacKkKlansman, bộ phim đã giành giải Grand Prix tại Liên hoan phim Cannes năm ngoái của Spike Lee, một đạo diễn da màu nổi tiếng. Bộ phim bắt đầu bằng chính một thước phim của Cuốn theo chiều gió, trong đó nàng Scarlett O'Hara trong chiếc váy màu hồng hoang mang đi giữa la liệt những người bị thương nằm sõng soài trên mặt đất - những quân lính của Liên minh Miền Nam đã đại bại trong trận chiến ở Atlanta, dẫn đến sự tan rã của chế độ nô lệ không lâu sau đó. Ở một thời điểm, nàng đau đớn thốt lên: "Xin Chúa thương lấy miền Nam". Miền Nam của nàng rõ ràng là miền Nam của những đồn điền bông, của những ông chủ da trắng, của buôn bán nô lệ da màu.

Hai bối cảnh, hai câu chuyện, hai cái nhìn hoàn toàn trái ngược về Cuốn theo chiều gió. Trong bối cảnh thứ nhất, nàng Scarlett là mẫu mực của một thiếu nữ mười sáu mười bảy tuổi vừa can đảm, vừa ngây thơ, lần đầu bước vào cuộc chiến với hiện thực mà không hay nó khác xa trí tưởng tượng của nàng tới thế nào.

Còn trong bối cảnh thứ hai của một bộ phim hài tinh quái châm biếm chủ nghĩa phân biệt chủng tộc mù quáng và điên rồ, nàng Scarlett trở thành "mục tiêu" của sự "trả đũa" đậm tính giễu nhại: nàng than khóc cho quân lính da trắng, thế những người da đen bị biến thành nô lệ, họ thì sao? Hay mạng người da đen không quan trọng?

Cảnh mở đầu của “Cuốn theo chiều gió”.

Cảnh mở đầu của “Cuốn theo chiều gió”.

Sau cái chết của George Floyd, vết nứt vỡ trong xã hội Mỹ vốn đã rộng hoác nay lại thêm sâu hoắm, ngay cả đến Cuốn theo chiều gió - một kinh điển, một biểu tượng, một cột mốc văn hóa, một báu vật điện ảnh, một bộ phim có lẽ đã dẫn lối không biết bao nhiêu tâm hồn đến với môn nghệ thuật thứ 7 - cũng bị đem ra "xét lại". Quên hết hoàn toàn bối cảnh thứ nhất, người ta giờ đây dường như chỉ còn nhớ đến bối cảnh thứ hai của nàng Scarlett O'Hara.

Những tranh cãi về Cuốn theo chiều gió đã tiếp diễn suốt nhiều chục năm qua, và kỳ thực, Spike Lee không phải nhà làm phim đầu tiên châm biếm nó. Từ những năm 70 thế kỷ trước, trong bộ phim The spook who sat by the door (Tên da đen ngồi bên cái cửa) , một nhóm những người da đen đã đả kích cuốn phim mà người ta coi như biểu tượng tối cao của văn hóa Mỹ: "Họ vừa chiếu Giấc mơ Mỹ. Còn giờ chúng mình sẽ biến nó thành một cơn ác mộng."

Và tranh cãi về Cuốn theo chiều gió lên đến đỉnh điểm khi tổng thống Donald Trump phát biểu sau chiến thắng vang dội của Ký sinh trùng tại Oscar tháng Hai năm nay: "Giải thưởng Viện Hàn Lâm năm nay tồi tệ đến đâu? Bạn có thấy không? Phim chiến thắng là một bộ phim đến từ Hàn Quốc. Thế là quái quỷ gì vậy? Chúng ta đã đủ rắc rối về thương mại với Hàn Quốc rồi. Thế mà sau những chuyện ấy, họ trao giải phim hay nhất của năm cho phim này sao? Như vậy có nên không? Tôi không biết nữa. Hãy chọn Cuốn theo chiều gió. Làm ơn chúng ta mang Cuốn theo chiều gió trở về có được không hả?".

Có những người hâm mộ mà không ai muốn có. Như sự tán thưởng của Hitler chỉ khiến âm nhạc của Wagner thành cái gai trong mắt nhiều người chống phát xít, sự ủng hộ của một vị tổng thống thường xuyên vạ miệng và đại diện cho những lý tưởng lỗi thời chỉ khiến Cuốn theo chiều gió rơi vào nhiều hơn những rắc rối.

Giờ đây, người ta chỉ còn thấy ở câu chuyện của nàng Scarlett O'Hara một sự tuyên truyền cho tư tưởng Lost Cause - hệ tư tưởng của những người da trắng miền Nam tin rằng dù thất bại, họ vẫn là những anh hùng, là đại diện cho phe chính nghĩa, và họ đã chiến đấu hết mình để bảo vệ nền văn minh của họ, nền văn hóa của họ trước sự xâm lăng của bọn Yankee.

Những phân đoạn cuối cùng của bộ phim Cuốn theo chiều gió, sau khi Rhett Butler bước về phía mù sương, bỏ lại nàng Scarlett O'Hara đau khổ quỳ sụp xuống bậc cầu thang và nhớ lại lời cha nàng từng nói về miền đất đỏ Tara, nàng chợt nghĩ điều đầu tiên nàng phải làm, ấy là trở về nhà.

Và hình ảnh khép lại bộ phim, bóng Scarlett in lên ráng chiều màu đỏ, phía xa xa - đồn điền Tara thân yêu của nàng, vẫn còn đó sau bao biến cố, và nếu bạn đọc truyện, Tara trong tâm trí nàng khi đó chính là "lối đi giữa hai rặng tuyết tùng dẫn đến ấp Tara, những bụi nhài xanh biếc nổi bật trên những bức tường trắng; những tấm rèm trắng lay động.

Và Mammy sẽ có mặt ở đó. Bỗng nhiên, nàng thấy cần Mammy ghê gớm, cần như khi nàng còn bé, cần bộ ngực rộng của bà để ngả đầu vào, cần bàn tay đen sứt sẹo của bà để vuốt tóc nàng. Mammy, sợi dây cuối cùng gắn với thời xưa."

Nàng Scarlett O'Hara (nữ minh tinh Vivien Leigh thủ vai) trong cảnh kết của “Cuốn theo chiều gió”.

Trong cái nhìn hiện đại, phân cảnh ấy không là gì hơn là nỗi niềm của những chủ nô da trắng luyến nhớ miền Nam tươi đẹp, thịnh vượng, trù phú, nhớ cái quá khứ huy hoàng đã mất của họ, những ảo tưởng của họ về sự vĩ đại và đức hạnh của mình.

Nàng Scarlett nhớ đến Mammy - người vú em da màu mà nàng mến yêu, và trong Cuốn theo chiều gió, Mammy không khác gì một người mẹ đối với nàng Scarlett, một người thân trong gia đình, tác phẩm cố gắng che giấu đi sự thật trần trụi rằng Mammy vẫn là một nô lệ da đen được mua về để hầu hạ những người da trắng. Và cái thời xưa đẹp đẽ, nhưng chỉ đẹp đẽ với Scarlett và những người cùng tầng lớp.

Cứ như thế, người ta thôi nhìn nhận câu chuyện của Scarlett như một bildungsroman, tức một thiên truyện về sự trưởng thành, sự lớn lên, khi cột đỡ tuổi thơ bắt đầu lung lay rồi sụp đổ, bỏ lại con người lúc này đã trưởng thành trong một hiện thực khắc nghiệt và vỡ mộng.

Scarlett O'Hara trong điện ảnh xuất hiện lần đầu khi đang ngồi trên thềm nhà, mặc chiếc váy trắng bồng bềnh, mái tóc xõa tung, đeo hai chiếc nơ đỏ. Nàng ngồi giữa khung cảnh nắng tràn trề, với hai chàng trai tán tỉnh, đàn chó nằm yên bình bên cạnh, một con ngựa ăn cỏ đứng đằng xa.

Khung cảnh ấy trái ngược hoàn toàn với cảnh cuối cùng khi bóng nàng đen kịt đứng trước Tara giữa hoàng hôn nắng tắt - một thủ pháp điện ảnh, không nghi ngờ gì cả, để đặt hai Scarlett vào thế tương phản, Scarlett của tuổi ngây thơ - Scarlett của tuổi trưởng thành.

Có hai lần vỡ mộng lớn của Scarlett trong Cuốn theo chiều gió. Lần đầu tiên, khi chiến tranh nổ ra, Scarlett tìm về với Tara lúc này chỉ còn là mảnh đất khô cằn, gia đình O'Hara từ những quý tộc địa phương phải nai lưng làm việc trên những cánh đồng bông. Và lần thứ hai, khi nàng nhận ra Ashley chỉ là một ảo tưởng mà nàng tự vẽ lên cho chính mình. Không có cơn vỡ mộng lớn thứ ba rằng, Tara là một sai lầm, trên quan điểm xã hội; sự huy hoàng của Tara là một sự lừa dối phù phiếm, cũng trên quan điểm xã hội.

Scarlett O'Hara dù đã trưởng thành nhưng phiên bản trưởng thành của nàng cũng mắc kẹt trong một ảo tưởng lớn hơn. Nhưng văn học hay điện ảnh không sinh ra để đi tìm chân lý hay đạo đức, nó sinh ra để chúng ta biết rằng, ngay cả những điều nghịch nhĩ nhất, những điều phi lý nhất cũng có thể tồn tại trên đời.

Sự thực là, dù sai hay đúng, những người da trắng miền Nam lưu luyến quá khứ là có thật. Khi Flannery O'Connor viết tập truyện ngắn vĩ đại Khó có thể tìm được một người tốt, bà cũng mô tả một miền Nam đang trên đà thối rữa, với những người da trắng ngay ngáy sợ hãi rằng thế giới của họ đang dần cạn dầu, khô đét, và những người da đen không còn yên phận. Flannery không tô hồng miền Nam trước chiến tranh, nhưng quả thực có những người như thế, và ta không thể chối bỏ điều đó.

Tại sao Vladimir Nabokov có thể viết Lolita về một kẻ ấu dâm? Tại sao Olivier Guez có thể viết Cuộc trốn chạy của Josef Mengele về tên bác sĩ đồ tể thời Đức Quốc xã? Bởi vì ngay cả những đầu óc quái vật nhất cũng có thật, ở ngoài kia. Đạo đức hay phi đạo đức là một chuyện, nhưng có thật hay không có thật lại là một chuyện khác, chúng ta nên thôi bất ngờ về sự quái đản của thế giới đi!

Lịch sử đã thay đổi và chúng ta không thể không nhìn Cuốn theo chiều gió trong một luồng ánh sáng mới. Thậm chí là, ngày phán xét cuối cùng dành cho Cuốn theo chiều gió có lẽ vẫn chưa tới và tương lai, trong một hệ đạo đức còn cấp tiến hơn nữa, người ta sẽ còn tìm thấy những bất cập khác của một xã hội đã mục ruỗng và biến mất. Nhưng dù chúng ta có thể thay đổi đến thế nào, chúng ta cũng không thể chối cãi rằng, chúng ta đã có một thời như thế, đã từng có những con người như thế.

Và điều thú vị nhất về nàng Scarlett, điều sẽ giữ nàng sống mãi, có lẽ không phải nằm ở chỗ nàng cho chúng ta biết một điều đúng đắn nào về cuộc sống. Mà nó nằm ở chỗ, chúng ta sẽ luôn thấy mình trong nàng, khi nàng vỡ mộng vì Ashley còn ta vỡ mộng vì Cuốn theo chiều gió không phải một áng văn đẹp đẽ như ta nghĩ hồi thơ dại, khi ta thương hại / khinh bạc / giễu cợt nàng vì đến phút chót nàng vẫn còn kẹt lại (và sẽ không bao giờ biết nàng đang kẹt lại) trong hồi tưởng về Liên Minh Miền Nam thuở cũ. Chính khi đó, chúng ta biết và nên biết rằng, có lẽ một ngày nào đấy, đến lượt chúng ta cũng sẽ bị hậu thế phán xét, vì những điều mà ngày hôm nay ta luôn đinh ninh mình đã đúng.

Cuộc sống là những lần vỡ mộng, cả những niềm tin xác tín nhất rồi cũng một ngày theo gió bay đi.

Hiền Trang

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/so-tay/cuon-theo-chieu-gio-con-vo-mong-cua-scarlett-con-vo-mong-cua-chung-ta-600356/