Cuốn sách về 'người học trò' của các thời đại

Ông Phạm Văn Bảy, năm nay 91 tuổi. Sau khi tốt nghiệp kỹ sư thông tin hàng không tại Paris năm 1954, ông đã theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc trở về nước phục vụ nhân dân.

Ông đã được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng nhất (1984), Huân chương Lao động hạng nhì, hạng ba, Huy hiệu 65 năm tuổi Ðảng và được vinh danh là cá nhân có đóng góp cho sự phát triển công nghệ thông tin thành phố Hồ Chí Minh.

Thế hệ của ông Phạm Văn Bảy được định danh là "thế hệ vàng". Sinh ra khi đất nước bị thực dân Pháp đô hộ, tiếp nhận học vấn của nền giáo dục thuộc địa, ông đã chứng kiến ngày dân tộc ta giành độc lập (Cách mạng Tháng Tám - 1945) và quyết tâm đấu tranh bảo vệ nền độc lập non trẻ. Sau đó, ông sang Pháp du học và trở về vào đúng thời kỳ khốc liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Với tấm lòng kính yêu Bác Hồ, ông đã viết cuốn sách "Hồ Chí Minh - Từ việc nhỏ, người học trò nhỏ nhìn từ thế kỷ XXI". Cuốn sách bắt nguồn từ sự gợi ý của Ðại tướng Võ Nguyên Giáp: Nếu có một công trình nghiên cứu con người Hồ Chí Minh, từ thuở ấu thơ, thời niên thiếu cho đến những năm tháng trưởng thành và bôn ba khắp các nước trên thế giới, phát hiện được phương pháp nhận thức mới của Người do tình hình thực tiễn mới hoặc điều kiện đấu tranh mới đưa lại - những nhận thức mới về chiến lược, sách lược cho đến những hành vi ứng xử hằng ngày với tinh thần nhạy bén và thông minh, sáng tạo và đổi mới vô song - thì đó là một công trình quý giá.

Trong cuốn sách tác giả viết về Bác từ cách tiếp cận khá đặc biệt và độc đáo. Từ những lời nói, việc làm giản dị của Bác mà tác giả đã nhận ra: "Cả cuộc đời của Bác là một kho sách dễ hiểu. Tập hợp vô vàn việc nhỏ, câu nói với các giới, các tầng lớp đồng bào mà Người làm, tiếp xúc hằng ngày trong tư cách người lãnh đạo tối cao của đất nước, từ những ngày đầu tại Pác Bó… sắp xếp, hệ thống lại và từ đó đúc kết thành những bài học thành công lớn như thực tiễn đã chứng minh".

Bạn đọc khi lần giở từng trang của cuốn sách này sẽ xúc động khi được đọc những việc nhỏ (mà không nhỏ) Bác Hồ đã làm. Trong phần Giản dị và lão thực, tác giả đã viết lại những câu chuyện sau: Nhà văn Bùi Hiển cảm nhận: "Bác thường viết và nói rất giản dị. Theo chỗ tôi biết Bác ít viết những bài lý thuyết thuần túy. Bác thích khuyên dặn những điều cụ thể, thiết thực. Chúng ta mong một ngày kia sẽ được học hỏi sâu thêm, qua sự phân tích nghiên cứu những tư tưởng lý luận chủ đạo của Bác, mà cái sâu sắc, sáng tạo đã được chứng tỏ qua bao nhiêu thắng lợi của nhân dân ta dưới ngọn cờ của Hồ Chủ tịch và Ðảng tiền phong".

"Văn Hồ Chủ tịch giản dị như tâm hồn của nhân dân. Cái lớn lao của một nhà tư tưởng là tìm được đường lối giản dị, soi sáng cả muôn ngàn sự việc rắc rối, hỗn độn trong đời sống hằng ngày. Sự sáng rõ giản dị của Hồ Chủ tịch là do một tư tưởng khoa học đã thấm nhuần được vào cuộc sống bình thường làm lụng, chiến đấu hằng ngày"…

Và đó chính "Là cái nền, cái cơ bản tạo ra hiệu lực lớn nhằm đạt thành công vĩ đại mang ý nghĩa quyết định trong sự nghiệp cao cả giành độc lập và tự do cho đất nước và dân tộc. Ðó là một khoa học, một nghệ thuật về quản lý con người mà Hồ Chí Minh, người tự nhận mình là một "Người học trò nhỏ" của các thời đại, đã thức tỉnh và huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc đứng lên tự giải phóng cho mình".

Bác Hồ của chúng ta như lời của Thủ tướng Phạm Văn Ðồng: là Người cúi xuống để nâng đỡ mọi người lên ngang tầm của thời đại đã dành cả cuộc đời cho tự do, độc lập của dân tộc, của đất nước. Hôm nay, Bác vẫn đồng hành dẫn dắt mọi người dân Việt Nam trên con đường phát triển của đất nước.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/40645902-cuon-sach-ve-nguoi-hoc-tro-cua-cac-thoi-dai.html