Cuốn sách tôi chọn: 'Ký ức trời đêm' - Hình ảnh đẹp của những người lính bay quả cảm

Nhắc đến Trung đoàn Không quân tiêm kích 921 (hay còn có tên gọi khác là Đoàn Không quân Sao Đỏ), chúng ta sẽ nhớ ngay tới lực lượng chiến đấu tinh nhuệ đầu tiên của Không quân Nhân dân Việt Nam. Những chàng phi công kiên cường, mạnh mẽ của đội hình bay đêm ngày ấy, giờ đã trở thành các bậc cao niên; song ký ức về những năm tháng hào hùng vẫn còn in đậm trong tâm trí.

Đại tá NGUYỄN CÔNG HUY, Cựu phi công tiêm kích MiG 21, Đoàn Không quân Sao Đỏ: Tất cả các phi công - dù bay ngày hay bay đêm - đều là những người rất yêu bầu trời. Phi công đã gắn với bầu trời bằng một tình cảm rất đặc biệt, yêu bầu trời một cách thắm thiết, yêu hơn cả bản thân mình. Cái vùng xanh thẳm mênh mông ấy tạo cho họ một cuộc sống rất riêng. Những câu chuyện chiến đấu, những hoạt động của các phi công bay đêm hầu như nó hiển hiện trong tôi hàng ngày, và nó cứ dâng lên đầy ắp. Nhiều khi phải dùng cái từ là nó “náo động” trong tâm trí của tôi. Tôi bắt đầu viết cuốn sách này, và tôi lấy tên là “Ký ức trời đêm”. Mình là người hiểu được tất cả những nỗi khó khăn vất vả và cả những vinh quang của lực lượng bay đêm. Bay đêm hoàn toàn dựa vào kĩ thuật. Anh không thấy gì ngoài trời đêm cả. Cái nữa là bay đêm nó cô đơn. Một mình lủi thủi giữa trời đêm tĩnh mịch, mà đặc biệt trong giai đoạn chiến tranh, những sân bay, những đường băng bị đánh tan nát hết, và tất cả bay đêm là rất nguy hiểm.

Lực lượng bay đêm đã tham gia tất cả các cuộc chiến đấu từ trong khu Bốn ra đến ngoài miền Bắc này. Những chuyến bay vào trong khu Bốn là để săn lùng B52, và để đảm bảo an toàn cho tuyến đường chiến lược của mình trên đường 559. Mỗi lần B52 nó vào rải bom ở đấy thì rất nhiều xe cháy, tức là tuyến đường vận chuyển của mình đi vào trong Nam ấy là bị ách tắc, có khi cả tháng trời. Nhưng mà đến khi có MiG bay đêm đi vào thì chúng nó phải dạt ra xa. Cũng vì có Đại đội bay đêm mà sau này trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không cuối năm 1972, chúng ta đã có đủ lực lượng để đánh, và đã vít cổ được “pháo đài bay” B52. Những chuyến bay và chiến đấu thắng lợi đã góp phần nhỏ bé vào chiến thắng chung của toàn dân tộc. Và tôi nghĩ là nếu tôi không viết thì tôi sẽ có tội, sẽ có lỗi với tất cả những phi công bay đêm, với tất cả chiến công của họ, với tất cả những gì mà họ đã cống hiến cho đất nước này.

Khi tôi viết những dòng này, tôi cảm thấy tất cả các bạn hữu, đồng đội của tôi hầu như ngồi ngay trước mặt tôi, và tất cả nó rất là sống động. Họ hiển hiện ngay trước mắt mình. Có những lúc tôi phải ngừng viết để nén xúc động. Bởi vì tôi biết rằng tất cả các phi công là những người yêu cuộc sống vô bờ, nhưng họ dám hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ cao cả của mình, và hiến dâng cuộc sống của mình cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Rất nhiều người làm được những kỳ tích, những sự tích anh hùng, như là những chuyến bay cảm tử. Họ không muốn bầu trời bị vẩn đục bởi khói bom của bọn giặc trời đem đến, và cũng không muốn từ trên bầu trời lại có những bom đạn trút xuống mặt đất thân yêu. Và có lẽ tình yêu Tổ quốc cũng bắt đầu từ tình yêu bầu trời. Họ không muốn một mảy may, một tấc đất, tấc biển, tấc đảo nào của Tổ quốc bị kẻ thù xâm phạm. Và họ biết rằng cất cánh lên trời, với một lực lượng chênh lệch rất lớn, thì họ có thể hy sinh, nhưng họ đã chấp nhận hy sinh, để giữ được bầu trời yên ả, giữ được cuộc sống yên bình dưới mặt đất.

Và tôi cũng viết về những tình yêu bầu trời:

Suốt những tháng năm ở lứa tuổi đôi mươi

Tôi lao vào trận chiến

Đã hiểu được những cơn nguy biến

Hiểu được những người ngực đỏ huân chương

Hiểu được những người bình lặng giữa đời thường

Dám chấp nhận hy sinh cho trời xanh yên ả
………………………….

Kể từ khi biết bầu trời

Trong tôi vắng hẳn tiếng cười hồn nhiên

Vậy nhưng vẫn đứng ngước lên

Coi trời xanh là một miền ước mơ

Một miền trong trẻo tuổi thơ…

Thực hiện : Thiện Đoan Ngọc Tuấn

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/cuon-sach-toi-chon-ky-uc-troi-dem-hinh-anh-dep-cua-nhung-nguoi-linh-bay-qua-cam