Cuốn sách tôi chọn: 'Chư Tan Kra mây trắng' - Những hành trình để trao đi, không phải để nhận về

Nhà thơ Lữ Thị Mai đã cho ra mắt trường ca 'Chư Tan Kra mây trắng' vừa bi tráng, vừa kiêu hùng, vừa yêu thương và bình dị, 'Chư Tan Kra mây trắng' cất giấu trong đó nhiều giá trị nhân văn và cái nhìn nhân hậu, yêu thương của một người viết.

Nhà thơ Lữ Thị Mai:"Chư Tan Kra mây trắng" thực ra bắt đầu từ một giấc mơ của tôi, từ một tiếng gọi vang lên đúng ba chữ "Chư Tan Kra"... đó là miền đất tôi chưa từng đặt chân đến, trong những chuyến công tác thì gọi là chỉ thấp thoáng thôi nhưng tôi không nghĩ là Chư Tan Kra lại vang lên trong giấc mơ của mình như một lời thôi thúc rằng tôi cần phải tìm đến hành trình đó, cần phải gặp những người lính năm xưa đó để hiểu biết về một câu chuyện mình chưa từng trải qua. Cuối cùng thật may mắn cho tôi, tôi đã có cuộc hành trình trở về với kí ức. Tôi đã gặp các cựu chiến binh của trung đoàn Mũ sắt và các bác đã khơi dậy trong tôi rất nhiều tình yêu thương, sự tự hào cũng như là niềm xúc động.

Đề tài người lính luôn là một sự trăn trở trong tôi bởi vì trước hết tôi là con một người lính, bố tôi trở về mang theo rất nhiều hồi ức về chiến tranh và cho tới khi tôi bước chân vào con đường văn chương thì cái niềm yêu thương đó đã lớn lên. Tôi luôn theo đuổi đề tài hậu chiến, đề tài người lính cho đến một ngày tôi gặp được những người cựu chiến binh trung đoàn Mũ sắt và biết được rằng các bác đã có hành trình hơn 10 năm trở về chiến trường Tây Nguyên để tìm hài cốt đồng đội và càng đáng quý hơn khi biết đó là một hành trình vô cùng lặng lẽ, họ đã tự bỏ tiền túi của mình ra, bỏ thời gian, sức lực ra đi tìm đồng đội. Tôi vô cùng khâm phục hành trình thầm lặng đó. Tôi nghĩ rằng hành trình đó đã làm cho đường về nhà của các liệt sỹ gần hơn, để cho những người mẹ có thể nhận lại một phần máu thịt của đứa con thân yêu của mình.

Có rất nhiều đoạn thơ mà tôi đã viết lên bằng tình yêu thương của mình qua những lời kể của các cựu chiến binh, họ kể nhiều nhất về điều gì, đó là về tuổi thơ của họ, đó là khi họ sống ở Hà Nội "Những đứa trẻ lang thang bờ đê/ tha thẩn đường me ngõ sấu/ ngày cởi trần bêu nắng bắt ve/ tối lụi cụi ống bơ soi dế/ góc phố lá bay vẩy vẩy mây vàng...

Đó là 1 câu chuyện vô cùng xúc động và tôi muốn bằng cái nhìn người trẻ thể hiện câu chuyện đó. Từ hành trình tuổi thanh xuân của họ cho đến hành trình họ đã thành người già 70, 80 tuổi vẫn có, nhưng hành trình để trao đi chứ không phải để nhận về. Đó là 1 điều khiến cho thế hệ chúng tôi cảm thấy xúc động, cảm thấy mình phải có những sự đồng cảm, sự yêu thương, sự sẻ chia lớn lao hơn nữa dành cho thế hệ cha anh."

Thực hiện : Hạnh Thủy Văn Thắng

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/cuon-sach-toi-chon-chu-tan-kra-may-trang-nhung-hanh-trinh-de-trao-di-khong-phai-de-nhan-ve