Cuốn sách đột phá về bạo lực trong chiến tranh

Cây viết Lindsey Hilsum của tờ The Guardian cho rằng cuốn 'Our Bodies, Their Battlefield' của tác giả Christina Lamb là một tác phẩm đột phá về đề tài phụ nữ và chiến tranh.

Trong cuốn sách mới phơi bày những câu chuyện đau lòng, phóng viên Christina Lamb giải thích rằng cưỡng bức trong các cuộc xung đột thường được coi là một hành vi phạm tội mang tính cá nhân nhưng thực chất đây là một tội ác tàn bạo, một dạng vũ khí của chiến tranh như dao rựa, dùi cui hay súng Kalashnikov.

Christina Lamb tập trung khắc họa những câu chuyện riêng tư của các nạn nhân, nhiều người trong số họ cảm thấy cần phải nói ra nhưng họ cũng thông cảm cho việc nhiều nạn nhân khác vẫn im lặng. Thường thì những nạn nhân bị cưỡng bức cảm thấy xấu hổ, hoặc sợ sự tẩy chay từ chính cộng đồng của họ. Lamb bày tỏ: “Bạn sẽ không tìm thấy tên họ trong các cuốn sách lịch sử hoặc trên đài tưởng niệm chiến tranh. Nhưng đối với tôi, họ là những anh hùng thực sự”.

Một tội ác bị bỏ qua

Mặc dù là một chiến thuật phổ biến trên chiến trường, bạo lực tình dục phần lớn bị bỏ qua trong các văn bản lịch sử, không được nêu trong sách giáo khoa lịch sử về Chiến tranh Thế giới thứ hai mà Lamb đọc ở trường hay trong các cuốn sách mà con trai bà học.

 Cuốn sách khắc họa nỗi đau những người phụ nữ phải trải qua trong chiến tranh. Ảnh: Amazon.

Cuốn sách khắc họa nỗi đau những người phụ nữ phải trải qua trong chiến tranh. Ảnh: Amazon.

Phải mất nửa thế kỷ, chính phủ Nhật Bản mới thừa nhận những điều xấu xí họ đã làm với những “phụ nữ mua vui” - cách gọi những nô lệ tình dục làm việc trong các nhà thổ quân sự của Nhật trong chiến tranh.

Gần đây, nhiều nhà báo và nhân viên y tế đã thông tin về vụ bạo lực tình dục tập thể ở Bosnia, Rwanda và Cộng hòa Dân chủ Congo, nơi ngay cả những đứa trẻ cũng bị lạm dụng. Trong ba năm càn quét miền bắc Iraq và Syria, bắt đầu từ năm 2014, thủ lĩnh nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tuyên bố rằng các tay súng có thể coi phụ nữ thiểu số người Yazidi là nô lệ tình dục vì họ không phải là người Hồi giáo.

Tác giả Lamb cũng chia sẻ những suy nghĩ ảm đạm: “Đàn ông thích thú gì khi lạm dụng phụ nữ theo cách như vậy? ... Có phải đàn ông bằng cách nào đó muốn làm tổn thương phụ nữ?”.

Người Yazidi tưởng niệm những người phụ nữ bị IS giết chết. Ảnh: Reuters.

Chiến tranh là thời điểm mà các quy tắc bị phá vỡ, nếu việc giết chóc được hợp pháp hóa thì không có gì ngạc nhiên khi các quy tắc khác cũng bị vi phạm.

Một người phụ nữ Congo đứng chờ bên ngoài phiên tòa xử 11 binh sĩ với tội danh cưỡng bức và các tội ác chống lại nhân loại. Ảnh: AP.

Tác giả Lamb cũng tự hỏi tại sao một số lực lượng quân đội có hành vi này và một số thì không, chủ yếu là do văn hóa quân sự của họ. Bất chấp cuộc xung đột tàn khốc, có rất ít báo cáo về việc những người lính Israel cưỡng bức người Palestine, có thể vì một phần ba số binh sĩ trong lực lượng quốc phòng Israel là phụ nữ, tỷ lệ cao hơn nhiều so với hầu hết lực lượng quân đội các nước khác.

Cần thúc đẩy tín hiệu thay đổi

Dần dần, thái độ đối với bạo lực tình dục trong chiến tranh đang thay đổi. Năm 2018, giải thưởng Nobel vì hòa bình đã được trao cho nhà vận động người Yazidi Nadia Murad, từng là nạn nhân bị cưỡng bức ở chiến trường, và Denis Mukwege, một bác sĩ phẫu thuật ở Cộng hòa Dân chủ Congo. Tại bệnh viện Panzi ở Bukavu, Mukwege đã đi tiên phong về tiến hành phương pháp toàn diện giúp đỡ các nạn nhân của bạo lực tình dục, cả phẫu thuật về mặt hình thể, tiến hành trị liệu tâm lý, hỗ trợ tài chính và tư vấn pháp lý. Mukwege đã chia sẻ với Lamb rằng: “Cần phải có thời gian, nhưng cách duy nhất chúng ta có thể thay đổi xã hội là chấm dứt việc những kẻ phạm tội không bị trừng phạt”.

Những nỗ lực chống lại bạo lực tình dục đối với phụ nữ Congo của bác sĩ Denis Mukwege đã được thế giới ghi nhận và vinh danh. Ảnh: AFP/Getty.

Có một số tia hy vọng rằng môi trường pháp lý đang thay đổi. Navanethem Pillay, một thẩm phán tại tòa án hình sự quốc tế ở Rwanda, thừa nhận rằng lời khai về tội cưỡng bức do các nhân chứng nữ cung cấp là trọng tâm của việc phán xét tội danh diệt chủng. Các cuộc phỏng vấn của Lamb với những người phụ nữ Rwanda tiên phong, vượt qua nỗi sợ hãi và sự kỳ thị để làm chứng, đặc biệt cảm động. Đó là lần đầu tiên cưỡng bức được công nhận tại một tòa án quốc tế và được xét vào nội dung truy tố của tội diệt chủng. Tòa án hình sự quốc tế về Nam Tư cũ còn đi xa hơn, phán quyết rằng cưỡng bức và nô lệ có hệ thống có thể được coi là hành vi tra tấn và do đó là một tội ác chiến tranh.

Tác giả Christina Lamb. Ảnh: The Guardian.

Dù đã có những tiến bộ pháp lý như vậy nhưng chưa có ai xét xử các thành viên IS vì tội cưỡng bức phụ nữ Yazidi. Cũng chưa có bất kỳ hành động có hiệu quả nào đối với các thành viên của nhóm thánh chiến cực đoan Boko Haram ở Nigeria, lực lượng vẫn bắt cóc và bắt phụ nữ làm nô lệ. Số phận của 219 nữ sinh bị bắt cóc ở làng Chibok, Nigeria năm 2014 cũng cho thấy giới hạn của áp lực quốc tế. Bất chấp loạt hashtag và sự phẫn nộ từ những người nổi tiếng, bao gồm cả Michelle Obama, Đệ nhất Phu nhân Mỹ, chính phủ Nigeria đã thất bại trong việc giải cứu các em gái này. Các cuộc đàm phán đã giúp một số em gái được thả ra, nhưng hầu hết vẫn mất tích cho đến lúc này.

Tác giả đã viết: “Đây là một cuộc hành trình đi qua những sự tồi tệ nhất của con người và tôi cảm ơn bạn đã đi cùng tôi, vì tôi biết nó không dễ đọc. Nhưng sự im lặng là kẻ thù tồi tệ nhất của phụ nữ, và đó là lý do tại sao, trong khi một số người có thể bị cám dỗ quay lưng lại với nỗi kinh hoàng, thì đây là một cuốn sách quan trọng như vậy”.

Minh Hoa

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cuon-sach-dot-pha-ve-bao-luc-tinh-duc-trong-chien-tranh-post1068610.html