Cuốn sách của người chính trị viên

Trong số hơn 400 tài liệu, hình ảnh, hiện vật được trưng bày theo chủ đề 'Bác Hồ với Quân đội' tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, không ít cuốn sách có nội dung về công tác Đảng, công tác chính trị (CTĐ, CTCT) trong quân đội do Bác Hồ soạn thảo, dịch thuật.

Tiêu biểu trong số đó là tác phẩm: “Cuốn sách của người chính trị viên (CTV)”, biên soạn tháng 6-1944. Cuốn sách thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Bác Hồ về hoạt động CTĐ, CTCT trong quân đội, với phương châm nhất quán: “Người trước, súng sau”, “chính trị trọng hơn quân sự”; CTĐ, CTCT là “linh hồn, mạch sống”, bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội.

Bìa tác phẩm "Cuốn sách của người chính trị viên".

Bìa tác phẩm "Cuốn sách của người chính trị viên".

Ngay phần nội dung đầu tiên của tác phẩm, Bác Hồ đã nói rõ vai trò công tác của người CTV trong đội vũ trang cũng như đội du kích. Người viết:

“ - Trong đội vũ trang hay đội du kích sinh hoạt kém thì ai chịu trách nhiệm?

- Hoàn toàn là người CTV chịu trách nhiệm.

- Trong đội vũ trang hay đội du kích, sinh hoạt quân sự kém hay sai lầm thì ai chịu trách nhiệm?

- Cả đội trưởng cùng CTV chịu trách nhiệm. Nếu vũ trang hành động có hại về mặt chính trị thì trách nhiệm của CTV nặng nề hơn.

- Trong đội vũ trang hay đội du kích, sinh hoạt vật chất hoặc thiếu thốn hoặc quá xa xỉ? thì ai chịu trách nhiệm?

- Phần lớn CTV chịu trách nhiệm.

Thế mới biết nhiệm vụ của CTV là khó khăn”.

Trong cuốn sách, Người cũng nêu bật sự cần thiết của công tác chính trị và khẳng định: Không có công tác chính trị đúng thì đội du kích dễ bị mất tính chất cách mạng của nó, dễ đi con đường sai lầm, không có lợi cho cách mạng và có thể rất hại cho cách mạng.

Đối với công tác chính trị trong dân chúng, Bác Hồ nhấn mạnh: Du kích là đội quân của dân, ở trong dân chúng, do dân chúng tổ chức ra để binh (bênh) vực quyền lợi cho dân chúng vì dân chúng mà hy sinh, chiến đấu giành chính quyền. Do đó, để đảm bảo công tác chính trị trong dân chúng đạt hiệu quả, cần: Chú trọng công tác tuyên truyền cổ động; tổ chức huấn luyện; phát huy lực lượng của dân chúng; cách đối đãi với dân chúng.

Gần 77 năm qua, những lời dạy cùng cuốn sách được Bác Hồ biên soạn, định hướng về công tác chính trị trong quân đội vẫn còn nguyên giá trị, là kim chỉ nam cho hoạt động CTĐ, CTCT; là tài sản vô giá cho toàn quân nói chung, các thế hệ cán bộ chính trị nói riêng.

Trong giai đoạn hiện nay, vai trò của đội ngũ cán bộ chính trị, chính ủy, CTV tiếp tục được khẳng định. Nhất là từ khi triển khai Nghị quyết số 51-NQ/TW ngày 20-7-2005 của Bộ Chính trị (khóa IX) “Về việc tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng, thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính ủy, CTV trong Quân đội nhân dân Việt Nam” đã xác định rõ vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ công tác của chính ủy, CTV các cấp trong quân đội. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới, chính ủy, CTV phải có kiến thức toàn diện cả về chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, kỹ thuật, khoa học nghệ thuật quân sự; có đủ năng lực làm tròn nhiệm vụ "chủ trì về chính trị". Cùng với đó, phải có năng lực tư duy lý luận, khả năng tổng kết hoạt động thực tiễn; luôn sâu sát, gần gũi bộ đội, thật sự “thân thiết như một người chị, công bình như một người anh, hiểu biết như một người bạn” như lời dạy của Bác Hồ lúc sinh thời.

HỒNG SÁNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/tiep-lua-truyen-thong/cuon-sach-cua-nguoi-chinh-tri-vien-656363