Cười vỡ bụng - Nghĩ nát óc: Lon cũng như gáo

Thời trước 1945, ở nhà quê thường kiêng cữ, sợ ma quỉ quấy rối nên đặt tên con với những tiếng xấu xí như Chuột, Vẹo, Lon, Gáo... Sau này, bớt sợ ma quỷ, người ta đặt tên con đẹp lên, nhưng vẫn có gia đình đặt tên con như thời trước. Cô Gáo nhà bà Hĩm là một trường hợp như vậy.

Cái tên cha mẹ đặt cho trở thành nỗi xấu hổ của Gáo. Vì vậy, khi thoát ly gia đình, cô xin xã cải tên là Loan. Từ đó, cô Loan vào một xí nghiệp làm công nhân. Duy có bà mẹ Gáo là không biết sự thay đổi ấy.

Một hôm ra tỉnh, bà Hĩm tìm đến xí nghiệp Thảm len Huy Hoàng tìm con. Gáo vẫn khoe với mẹ là làm ở phân xưởng Nhuộm. Lúc ấy đã gần trưa, bà Hĩm vào hỏi bảo vệ xí nghiệp, xin gặp cô Gáo, làm ở phân xưởng Nhuộm. Bác bảo vệ nhíu mày suy nghĩ rồi đáp:

- Không có ai là Gáo đâu bà ạ!

- Có, cháu nó vẫn khoe với tôi là nó làm ở đây mà!

- Không đâu bà ạ, xí nghiệp này nhỏ, tôi biết từng công nhân, chả có ai tên là Gáo cả!

- Có chứ. Cái Gáo nhà tôi nó cắt tóc ngang vai thế này này!

- Ôi, công nhân ở đây ai chả cắt tóc ngang vai!

Cứ thế, bác bảo vệ thì bảo không. Bà lại bảo rõ ràng là có con Gáo làm công nhân ở phân xưởng Nhuộm, da nó ngăm ngăm. Cuối cùng, bác bảo vệ đành bảo:

- Thôi, bà chờ tan tầm, nhìn xem có cô Gáo nhà bà không vậy.

Người mẹ đành xách bị vào một góc phòng bảo vệ ngồi đợi. Cũng may, bà đem theo mấy củ khoai luộc, ăn tạm qua bữa trưa, tuy có sôi ruột một chút nhưng còn hơn là rỗng ruột.

Mãi tới chiều muộn, xí nghiệp mới tan ca. Công nhân nam nữ tỏa ra, lần lượt đi qua cổng bảo vệ. Bà Hĩm cố rướn người nhìn cho rõ. Bỗng bà reo to lên: “Con Gáo đây rồi”, và quên cả phép tắc, vọt ra khỏi phòng bảo vệ, chạy vào trong xí nghiệp, tới phía một cô công nhân mặc đồng phục, có mái tóc cắt ngang vai. “Gáo ơi! Gáo ơi!”, bà chạy tới sát cô gái, gào lên mà cô gái vẫn đi như không nghe thấy gì. Tới khi bà nắm tay cô gái giữ lại, cô mới đứng im, cúi người ghé miệng sát tai bà, bảo: “Mẹ khẽ chứ”, rồi dắt tay mẹ đi nhanh qua cổng bảo vệ. Tới một chỗ vắng người, cô gái bảo:

Từ nay mẹ đừng gọi con là Gáo nữa...
Sao hở con?
Bây giờ con là Loan rồi, không phải là Gáo nữa, mẹ đừng gọi thế, mọi người cười con!
Sao cơ, bây giờ mày là Lon à?
Loan ạ!
Lon à? Khổ quá con ơi. Lon hay Gáo thì cũng một giuộc, mày đổi tên thì mày vẫn thế, vẫn là con gái tao chứ có hơn gì đâu, đổi làm gì cho khổ mẹ thế này...

Bình luận trên Facebook

Mac Văn Trang: Chuyện này làm mình nhớ lại hồi 1960 - 1965 đi dạy học cấp 2 ở Nam Sách. Có 2 cô giáo gốc Hà Nội về, suốt ngày cứ lăn ra cười về những cái tên của học sinh: Đe, Búa, Kìm, Mùn, Cống, Rãnh, Ao, Đìa, Tí, Đụt, Te, Toe, Ton, Đắt, Rẻ, Nạt, Nộ, Quýnh, Quỵnh... Bọn mình bảo các em và bàn với Ủy ban xã đổi tên hết cho các em. Các em sướng quá. Xã lúc ấy coi các thầy, cô như linh mục với con chiên! Hai cô Hà Nội tha hồ tặng các em, nhất là học sinh nữ, những cái tên như mơ: Thùy Dung, Hạnh Nguyên, Tố Lan, Thúy Hằng, Minh Nguyệt... Những học sinh này nay trên dưới 70 tuổi mà mỗi lần gặp thầy cô vẫn thắm thiết như xưa...

Nguyễn Viết Hưng: Hihi, chuyện này chú không kể sợ mai mốt lớp trẻ không biết một thời ông bà ta từng lựa chọn tên con rất mộc mạc, đằng sau đó là ý nghĩa về phong tục tập quán, nếp sống giản dị! Đọc vui vui chú ạ.

Nguyễn Việt Nga: "Một thời để thương và một thời để nhớ".

Phạm Việt Long

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/cuoi-vo-bung--nghi-nat-oc-lon-cung-nhu-gao-83472