Cuối tuần, Bắc Bộ bắt đầu đợt nắng nóng

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, hai ngày cuối tuần, Bắc Bộ bước vào đợt nắng nóng mới. Phía tây Bắc Bộ bắt đầu có nắng nóng từ ngày hôm nay (8-5), phía đông Bắc Bộ từ ngày 9-5. Sang tuần tới, khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ có nơi nắng nóng gay gắt. Nắng nóng khiến độ ẩm giảm thấp, trời hanh khô, nguy cơ cao xảy ra cháy rừng và cháy nổ, hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao.

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, hai ngày cuối tuần, Bắc Bộ bước vào đợt nắng nóng mới. Phía tây Bắc Bộ bắt đầu có nắng nóng từ ngày hôm nay (8-5), phía đông Bắc Bộ từ ngày 9-5. Sang tuần tới, khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ có nơi nắng nóng gay gắt. Nắng nóng khiến độ ẩm giảm thấp, trời hanh khô, nguy cơ cao xảy ra cháy rừng và cháy nổ, hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao.

* Ngày 7-5, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai (PCTT) tỉnh Bình Dương cho biết, cơn mưa, lốc xoáy chiều 6-5 làm ba người bị thương, sập ba nhà và khoảng 250 nhà bị tốc mái... Lực lượng chức năng đang tiếp tục dọn dẹp hiện trường; rà soát, thống kê, xác minh thiệt hại, hỗ trợ người dân sớm ổn định cuộc sống.

* Ngày 7-5, Ban Chỉ huy PCTT tỉnh Bình Phước cho biết, mưa dông trong hai ngày 5 và 6-5 đã làm hơn 30 căn nhà bị tốc mái, sập hoàn toàn; hàng nghìn cây cao-su, điều và cây ăn trái bị gãy đổ. Ước thiệt hại nhiều tỷ đồng. Ngành chức năng đang thống kê và hỗ trợ bà con khắc phục thiệt hại.

* Ngày 7-5, xảy ra vụ sạt lở đất tại kênh Cà Mau lớn ở ấp Long Quới, xã Long Giang, huyện Chợ Mới (An Giang) với chiều dài hơn 35m, sâu hơn 1,5m. Ngành chức năng đang khẩn trương khắc phục đoạn sạt lở...

* Hiện, tỉnh Quảng Bình có 27 điểm sạt lở cần đầu tư với tổng chiều dài 55km, kinh phí đầu tư xây dựng ước tính 785 tỷ đồng. Do nguồn lực còn khó khăn, tỉnh đã đề xuất Chính phủ và các tổ chức quốc tế hỗ trợ nguồn vốn từng bước khắc phục sạt lở đê, kè.

* Trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh Quảng Trị cần di dời hơn 2.740 hộ dân với gần 11 nghìn nhân khẩu thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi thiên tai đến nơi ở an toàn để ổn định cuộc sống và sản xuất; trong đó, có hơn 1.400 hộ di dời đến nơi ở mới tập trung, còn lại di dời đến ở xen ghép.

* Tỉnh Thanh Hóa hiện có 2.524 công trình thủy lợi với tổng dung tích khoảng 2,156 tỷ m3, phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, sinh hoạt, phát điện và phòng, chống lũ. Hiện, có 500 hồ dung tích nhỏ được xây dựng từ lâu đã xuống cấp nghiêm trọng không có khả năng phòng lũ.

* Thống kê đến tháng 4, tỉnh Quảng Ninh đã thu quỹ PCTT đạt gần 120 tỷ đồng và đã đưa được nhiều công trình PCTT vào hoạt động với tổng số tiền gần 71 tỷ đồng.

* Tình hình bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò của tỉnh Nghệ An diễn biến rất phức tạp; nhưng đến nay, địa phương mới tiêm phòng được khoảng 30,83% so với tổng đàn. Nguyên nhân là do chính quyền các địa phương chỉ đạo chưa quyết liệt, tuyên truyền cho bà con chưa thường xuyên...

* Sau hơn hai tháng công bố hết dịch tả lợn châu Phi, đến nay, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) lại công bố dịch ở xã Xuân Lĩnh và thị trấn Tiên Ðiền. Lực lượng chức năng đã tiêu hủy 109 con lợn với trọng lượng gần 4.000 kg và hướng dẫn bà con tiêu độc khử trùng chuồng nuôi.

* Từ đầu năm đến nay, tỉnh Quảng Ninh có năm địa phương có trâu, bò bị bệnh viêm da nổi cục với số lượng khoảng 48 con. Hiện, đàn trâu, bò của tỉnh có khoảng 70 nghìn con. Ngành nông nghiệp đang triển khai tiêm vắc-xin, bảo đảm trước ngày 20-5, có 90% số trâu bò được tiêm.

* Tỉnh Ninh Bình đã trích ngân sách mua 30 nghìn liều vắc-xin viêm da nổi cục hỗ trợ các hộ chăn nuôi của tỉnh thực hiện tiêm phòng. Hiện, dịch xuất hiện tại hơn 1.400 hộ chăn nuôi ở 91 xã, phường, thị trấn thuộc 7/8 huyện, thành phố với số lượng 2.727 con...

* UBND huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) đã mua 25 nghìn liều vắc-xin viêm da nổi cục từ ngân sách huyện để tiêm phòng chống dịch, đến nay đã tiêm được 19.150 liều; đồng thời, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.

* Tỉnh Ðồng Nai vừa ban hành kế hoạch về phòng, chống bệnh lở mồm long móng trên gia súc giai đoạn 2021-2025, với tổng kinh phí gần bảy tỷ đồng. Mục tiêu nhằm kiểm soát hiệu quả bệnh lở mồm long móng, thực hiện thành công chiến lược chăn nuôi giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2045.

* Toàn tỉnh Quảng Trị đã gieo cấy hơn 25.650 ha lúa, đạt 100,6% kế hoạch; trong đó diện tích lúa chất lượng cao đạt hơn 19.000 ha; diện tích sản xuất cánh đồng lớn đạt 5.000 ha. Năng suất thu hoạch toàn tỉnh lần đầu tiên đạt 60,5 tạ/ha.

* Vụ đông xuân năm 2020 - 2021, nông dân tỉnh Bình Ðịnh trồng lạc trên tổng diện tích gần 8.000 ha, tăng gần 500 ha so cùng kỳ năm ngoái với năng suất bình quân đạt gần 40 tạ/ha. Với giá lạc khô dao động từ 24 đến 28 nghìn đồng/kg, bà con thu lãi hơn 70 triệu đồng/ha.

* Từ trung tuần tháng 4 đến nay, nông dân tỉnh Trà Vinh tranh thủ thời tiết thuận lợi đã mở rộng diện tích trồng cây màu. Hiện, diện tích toàn tỉnh gần 30.000 ha, đạt hơn 50% kế hoạch năm 2021, cho thu nhập từ 80 đến 130 triệu đồng/ha/vụ.

* Từ năm 2005 đến nay, tỉnh Lâm Ðồng đã thu hồi 200 dự án đang quản lý 31.760 ha rừng trong toàn tỉnh do để rừng bị phá, lấn chiếm mà không có biện pháp ngăn chặn. Hiện, tỉnh còn 324 dự án với 309 doanh nghiệp được giao, cho thuê đất, thuê rừng với tổng diện tích 52.859 ha.

* Sáng 6-5, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Bình Thuận phối hợp với UBND huyện đảo Phú Quý tổ chức trồng 1.000 cây xanh tại địa bàn huyện. Ðến nay, diện tích rừng trên huyện đảo được nâng lên hơn 500 ha, tán che phủ trên toàn đảo đạt khoảng 50%.

Cứu ba ngư dân bị tàu đâm chìm

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam cho biết, khoảng 2 giờ ngày 7-5, tàu cá QNa 0332 TS do ông Trần Văn Tuấn (38 tuổi, trú xã Tam Hải, huyện Núi Thành, Quảng Nam) làm thuyền trưởng, trên tàu có ba lao động di chuyển từ Thừa Thiên Huế về Kỳ Hà (huyện Núi Thành, Quảng Nam), khi đến 15,54 độ vĩ bắc - 108,25 độ kinh đông (cách hòn La, Cù Lao Chàm khoảng một hải lý về hướng đông) bất ngờ bị một tàu vận tải (không rõ số hiệu) đâm vào mạn làm chìm tàu, ba ngư dân rơi xuống biển. Ðồn Biên phòng Cửa Ðại đã kêu gọi các tàu cá hoạt động gần đó đến ứng cứu; đồng thời điều động sáu cán bộ, chiến sĩ cùng ca-nô BP 43 0704 đi cứu nạn. Ðến 4 giờ 40 phút cùng ngày, ca-nô biên phòng đã tiếp cận vị trí tàu chìm. Lúc này ba ngư dân được một tàu cá khác ứng cứu, sau đó được ca-nô biên phòng đưa về Ðồn Biên phòng Cửa Ðại chăm sóc y tế. Hiện sức khỏe ba ngư dân ổn định.

PV và CTV

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/xahoi/cuoi-tuan-bac-bo-bat-dau-dot-nang-nong-645119/