Cười ra nước mắt chuyện 'chọn' cô: Con không chịu đi học vì 'cô già, cô xấu'

Những người làm công tác quản lý ở các trường tiểu học 'vò đầu bứt tai' mỗi dịp tuyển sinh đầu cấp. Phòng hiệu bộ như chợ vỡ, không thiếu những cuộc 'biểu tình' đòi đổi cô, chuyển thầy.

(Ảnh minh họa: Mekheochamcon.com)

Đổi số điện thoại vì sợ bị phụ huynh nhờ vả

Bà T.H - Phó Hiệu trưởng một trường tiểu học có tiếng tại Nghệ An - cho biết: “Là phó hiệu trưởng về chuyên môn nên mỗi mùa tuyển sinhj, tôi thật sự mất ăn mất ngủ, luôn mệt mỏi và căng thẳng. Đau đầu nhất là tuyển sinh từ mầm non lên lớp 1, bởi vào lớp 1 là bước ngoặt quan trọng, chuyển từ giai đoạn “biết ăn biết ngủ biết học hành là ngoan” sang giai đoạn học tập là chủ đạo”.

Bà kể, mỗi mùa tuyển sinh đầu cấp, bà phải thường xuyên thay đổi số điện thoại di động. Con cái đều được dặn dò “mẹ cháu vắng nhà” mỗi khi khách đến. Thậm chí, những ngày cao điểm sát nút tuyển sinh, nhà bà luôn cửa đóng then cài.

Phó hiệu trưởng này chia sẻ người thân thì nhờ vả theo kiểu “giọt máu đào hơn ao nước lã’, người quen thì “tình làng nghĩa xóm”, người lạ thì móc nối nhiều mối quan hệ rồi gửi quà cáp biếu xén. Nhiều người cứ nghĩ làm lãnh đạo có thể một tay xoay chuyển “thế cờ”.

Bà than thở: “Nhiều lúc tôi nghĩ bao nhiêu năng lượng, tinh thần nghỉ ngơi trong 3 tháng hè là để chuẩn bị cho cuộc chiến tuyển sinh đầu cấp”.

Phó Hiệu trưởng T.H cũng kể trong suốt gần 20 năm làm quản lý, bà đã chứng kiến không ít câu chuyện “cười ra nước mắt”: “Mới đây, chúng tôi phải giải quyết một sự việc rất rối rắm. Chúng tôi đang làm việc, ai nấy đều tập trung sổ sách thì khoảng 10 phụ huynh kéo vào “biểu tình” để xin đổi lớp, chuyển cô. Một người đại diện trình bày rằng con họ được xếp vào lớp cô T. T. Phụ huynh nọ kể lại rằng cách đây 20 năm, chính mình cũng là học sinh của cô giáo T.T.

Theo phụ huynh này thì cô giáo đó dạy sai, dạy kém và chỉ khiến học sinh học thụt lùi. Ấn tượng xấu từ 20 năm trước khiến phụ huynh quả quyết "đời mẹ đã phải học, nhất định không để đời con vướng vào cô giáo này".

Những phụ huynh khác cũng nhao nhác “nghe tiếng cô này dạy không tốt”, “nghe tiếng cô này ghê gớm hay phạt học sinh”. Nhà trường giải thích thì phụ huynh tạo sức ép “nếu không chuyển lớp thì tôi thà không cho con đi học, chờ năm sau”.

Bà tiếp lời: “Có những câu chuyện nghe hơi khó tin, nhiều phụ huynh dắt cả con lên phòng hiệu bộ xin. Mẹ thì trình bày, con thì khóc nhõng nhẽo. Mẹ cháu bé kể vừa từ mầm non học với cô giáo trẻ đã quen, bây giờ lên lớp 1 chê cô già, cô xấu không chịu đi học. Cháu khóc bảo con chỉ học với cô xinh thôi mà dỗ mãi không được. Chúng tôi thật sự “bó tay”.

Giáo viên phải tự tạo “thương hiệu”

Theo lời kể của Phó Hiệu trưởng T.H, những phụ huynh đi xin thường nói “cô giáo này tiếng lành đồn xa, cô giáo nọ tiếng xấu đồn đã lâu”. Họ rất lo lắng và cho rằng “cấp 1 chọn cô, cấp 2 chọn lớp, cấp 3 chọn trường”, nhất là lớp 1 nét chữ nết người, chọn cô rất quan trọng.

Chính vì thế mới có chuyện có lớp phụ huynh đua nhau xin vào, có lớp thì phụ huynh “giãy nảy”. Phó Hiệu trưởng T.H bình luận: “Tôi nghĩ cuộc chiến chọn cô, nhất là ở lớp 1 chỉ chấm dứt khi các cô giáo tự biết làm “thương hiệu” cho mình.

Bên cạnh việc rèn nghề thì phải mềm mỏng, có nghệ thuật vì với các bé phải vừa dạy vừa dỗ. Nếu các cô làm xấu hình ảnh thì chuyện phòng hiệu bộ thành cái chợ vì xin đổi cô, chọn cô vẫn sẽ tiếp diễn và các cô giáo sẽ tự đào thải mình ra khỏi đường đua”.

Thảo Anh

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/giao-duc/cuoi-ra-nuoc-mat-chuyen-chon-co-con-khong-chiu-di-hoc-vi-co-gia-co-xau-627236.ldo