Cười ngất với những câu vè, thành ngữ, tục ngữ thời bao cấp

Triển lãm Thương nhớ thời bao cấp với những bức tranh theo phong cách biếm họa gắn liền với nhiều câu cửa miệng, tục ngữ... từng quen thuộc khiến nhiều người như sống lại một thời tuổi thơ, tuổi trẻ.

Triển lãm "Thương nhớ thời bao cấp" đang diễn ra tại Trung tâm Văn hóa Pháp (số 24 Tràng Tiền, Hà Nội) và sẽ kéo dài đến hết ngày 31-8.

Khách tham quan triển lãm

Khách tham quan triển lãm

"Thương nhớ thời bao cấp" trưng bày gần 30 bức tranh minh họa sinh động và hóm hỉnh của họa sĩ Thành Phong và Hữu Khoa, được trích từ cuốn sách cùng tên.

Với phong cách tranh cổ động, gần giống như tranh minh họa trong những cuốn sách ngày xưa, những bức tranh triển lãm sử dụng ít màu, gần như chỉ có hai màu trắng và đen, thêm màu vàng đất. Những bức tranh như là một cách để mô phỏng gợi nhớ lại những cuốn sách thời bao cấp. Phong cách này càng khiến người xem nhớ về một thời, khơi dậy nhiều kỷ niệm về những gì người thời kỳ bao cấp đã nói và rộng hơn, thông qua đó, có thể hiểu thời bao cấp đã sống như nào, tương tác như nào, suy nghĩ, tâm tư ra sao.

Mỗi bức vẽ được trưng bày tại triển lãm là một sự "hình ảnh hóa" những câu cửa miệng, tục ngữ, thành ngữ, câu ca vần vè, cho tới những biển hiệu bán hàng, khúc đồng dao... từng quen thuộc trong thời bao cấp của nước ta. Triển lãm giúp người xem quay trở lại một thời kỳ lịch sử trong xã hội Việt Nam cuối thế kỷ XX, khắc họa một xã hội mà tư duy phân phối bao cấp ăn sâu đến từng ngóc ngách nhỏ nhất của đời sống, với những đặc trưng không thể trộn lẫn.

Trong những bức tranh hiển hiện cả một xã hội còn vô cùng khó khăn, nhiều nỗi lo lắng nhọc nhằn về những thứ nhu yếu phẩm căn bản của cuộc sống thường nhật: Cái khăn mặt, túi cá khô, cái quần đùi hoa, cuốn sổ gạo, cục gạch xếp hàng..., và cả cái nhìn hài hước, đôi khi còn vui tươi đến lạ kỳ.

Là người sinh ra và lớn lên khi thời bao cấp đã qua, qua bộ tranh này, họa sĩ Thành Phong muốn để người xem, đặc biệt là giới trẻ có thể hình dung được về thời kỳ bao cấp với tinh thần trào phúng, biếm họa, biến những điều khó khăn trong cuộc sống thành những nét vui tươi, dí dỏm, nêu bật nét lạc quan của con người thời bao cấp.

Hình ảnh Báo Người Lao Động ghi nhận:

Không chỉ người có tuổi mà nhiều bạn trẻ cũng quan tâm đến triển lãm

Một em nhỏ bật cười trước bức tranh hài hước

Nhiều người ghi lại hình ảnh những bức tranh mình yêu thích

Đẹp trai đi bộ không bằng mặt rỗ đi lơ. Lơ: xe đạp Pơ-giô (Peugeot - Pháp) loại xe đạp cao cấp nhất, một thứ "hàng hiệu" thời bao cấp, hơn hẳn xe đạp Thống Nhất sản xuất trong nước hay Phượng Hoàng (Trung Quốc), nhưng sẽ phải nhường bước trước xe Cúp (Honda Cub) từ Miền Nam mang ra sau 1975

"Mặt rỗ đi lơ không bằng lưng gù đi cúp". Cúp ở đây là Honda Super Cub, là xe máy của hãng Honda Nhật Bản, sản xuất từ năm 1958, và rất thịnh hành ở miền Nam trước năm 1975. Sau 1975, Honda Cub được mang ra ngoài Bắc và trở nên rất được ưa chuộng với các loại "cúp 50" (một chiếc xe máy khác cũng rất nổi là Honda 67). Có Honda Cub để đi thời bao cấp là biểu hiện của "đẳng cấp" và "sang trọng"

Thành ngữ vui giễu về tình trạng ăn gạo đong, chạy ăn từng bữa

Một người làm việc bằng hai, để cho chủ nhiệm mua đài mua xe. Một người làm việc bằng ba, để cho chủ nhiệm xây nhà xây sân

Trong mắt cô gái xưa, chàng trai lý tưởng, "đáng mặt" đàn ông phải có đài (radio) mang theo mình và "pha-vơ-rít" (Favorite - loại xe của Tiệp Khắc cũ). "Pha-vơ-rít" được ví như đồ "hàng hiệu" của dân chơi thời bao cấp.

Ca dao mô tả một trào lưu xã hội khá cụ thể, cuối những năm 1960, đầu những năm 1970, có mốt để tóc dài, mặc quàn ống loe trong một số thanh niên, là lối ăn mặc do sinh viên đi du học mang về từ các nước XHCN cũ như Liên Xô, Đức, Ba Lan, Tiệp Khắc… Mốt này thoạt đầu được coi là "ăn chơi đua đòi", nên đã có những đội thanh niên cờ đỏ được lập ra để nhắc nhở rồi sau đó xử lý bằng cách cắt tóc, rạch quần loe đối với những ai ăn mặc như vậy.

Bức tranh phác họa khung cảnh thời bao cấp, đàn ông được phân phối vải, giày dép và đôi khi cả áo may ô. Từ đó, dân gian có câu than rằng: "Bắt cởi trần phải cởi trần, cho may ô mới được phần may ô".

Em bé này không hiểu hết ý nghĩa của "đặt cục gạch" trong cái thời các em nhỏ cũng phải đi xếp hàng mua hàng theo tem phiếu, thường "đặt cục gạch" để đánh dấu việc xếp hàng

Câu vè mô tả buổi chiều của một nam cán bộ náo nức về nhà với vợ vào chiều cuối tuần

Vè thời bao cấp miêu tả chân dung cán bộ nữ điển hình ở tập thể chuẩn bị đón chồng đi công tác về

Đồng dao vui thời bao cấp, hầu như em nhỏ nào cũng thuộc, thời những chiếc xe thồ "cà tàng" không phanh, thường dùng dép đạp vào lốp để phanh xe

Bức tranh minh họa "thần tượng đi tây thời bao cấp" – những người sang nước ngoài học tập và làm việc. Khi đi, họ chỉ mang vật dụng gọn nhẹ, đơn giản. Khi về, họ xách đủ vật dụng lỉnh kỉnh – hàng "hot" thời bao cấp như: bàn là, nồi áp suất…

Mô tả hài hước áo nịt ngực (coóc-xê) của phụ nữ thời bao cấp. Lúc ấy chưa có áo lót với mút may sẵn. Áo lót được may ở các hiệu may, độn nhiều vải cho cứng, nhọn là mốt một thời

Mô tả hài hước một cán bộ cỡ trung, cao cấp có tiêu chuẩn ô tô riêng (xe Volga của Liên Xô), và có chế độ phiếu thịt ở cửa hàng mậu dịch dành cho cán bộ cấp cao trên phố Tôn Đản, Hà Nội

Câu vè về các phong trào hữu danh vô thực, kém hiệu quả ở một số hội đoàn

Tin-ảnh: Dương Ngọc

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/van-nghe/cuoi-ngat-voi-nhung-cau-ve-thanh-ngu-tuc-ngu-thoi-bao-cap-20180818140135321.htm