Cuối năm về thăm làng nghề… 'vít đầu thiên hạ'

Cuối năm 2019, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam quyết định công nhận làng cắt tóc Kim Liên là làng nghề truyền thống. Dù có hàng trăm năm tuổi, nhưng đây là làng nghề 'trẻ nhất' được công nhận.

Ông Phạm Duy Hào (SN 1957 , chủ nhiệm HTX Làng nghề cắt tóc Kim Liên, phường Kim Liên, quận Đống Đa, Hà Nội) không giấu niềm tự hào khi ước mơ ấp ủ của bao thế hệ người làm nghề “thợ cạo” đã thành hiện thực.

Ông Phạm Duy Hào - Chủ nhiệm HTX làng nghề cắt tóc Kim Liên biểu diễn màn liếc dao cạo trên tấm da bò cả trăm năm tuổi.

Ông Phạm Duy Hào - Chủ nhiệm HTX làng nghề cắt tóc Kim Liên biểu diễn màn liếc dao cạo trên tấm da bò cả trăm năm tuổi.

Làng nghề trẻ nhất Việt Nam

Tháng 11/2019, Hiệp hội Làng nghề đã trao quyết định công nhận Làng nghề cắt tóc Kim Liên là làng nghề truyền thống, đồng nghĩa với việc, hàng trăm năm, “làng vít đầu thiên hạ” được ngẩng cao đầu vì nó nằm liền kề với “làng khoa bảng” Trung Tự.

Trong lúc “hàng xóm” đỗ đạt khoa bảng, có ông nghè, ông cống, thì làng Kim Liên chỉ đi cắt tóc dạo bền bỉ bao nhiêu năm, khiến nhiều người không khỏi chạnh lòng, mặc cảm với ý nghĩ, cái nghề cắt tóc là một nghề hèn kém, chỉ là nghề cùng đường của những ai sa cơ lỡ vận...

Trong trí nhớ của những người thợ cả, lứa cụ Tư Hinh, cụ cả Mậu, thì nghề cắt tóc đã ăn ở với người dân làng Kim Liên từ lâu lắm. Nghĩa là, trong niềm tự hào của người dân Tràng An về Hà Nội có 36 phố phường, với những phố nghề có hàng trăm năm tuổi, thì cái làng nhỏ bé, quê mùa nằm vòng ngoài thành Hà Nội xưa kia, cũng góp cho đất kinh kỳ một nghề đặc biệt.

Xưa, làng Kim Liên có nghề cạo mặt, cạo tóc trái đào cho trẻ con, bởi vì thời phong kiến, đàn ông búi tó củ hành, trước khi thực dân Pháp sang xâm chiếm Việt Nam, chưa có khái niệm... cắt tóc.

Theo những biến cố lịch sử, sự du nhập của văn hóa phương Tây vào đất nước, đàn ông con trai dần dần bỏ tóc dài, để tóc ngắn. Sự thay đổi về mặt tư tưởng cùng với sự có mặt của binh lính Pháp tại Việt Nam trong cuộc xâm chiếm từ những thập niên cuối của thế kỷ 19, nghề cắt tóc đã ra đời.

Bên cạnh dụng cụ chủ yếu là dao cạo, và những người thợ cắt tóc làng Kim Liên khi ấy mới chỉ được gọi là những người thợ cạo, người Pháp đã đưa sang những dụng cụ mới, đó là kéo, tong đơ, dao cạo lá lúa... và nghề cắt tóc ra đời!

Góc trưng bày những “báu vật” của làng nghề cắt tóc Kim Liên.

Trong câu chuyện truyền miệng của dân làng Kim Liên, thì nghề cạo mặt, gọt đầu mà người làng có được, chính là nhờ ông thầy địa lý Tả Ao dạy cho dân làng.

Số là, trước kia, Kim Liên và Trung Tự vốn một làng. Trung Tự chỉ là một trong chín giáp của Kim Liên. Sau đó, Trung Tự theo con đường học hành, có người đỗ tiến sỹ, vinh quy bái tổ được vua cắt đất cho hưởng bổng lộc.

Làng Trung Tự phát về đường khoa bảng. Kim Liên là làng thuần túy làm nghề nông. Cách nhau một con sông, nhưng sự giàu có, sang hèn giữa hai làng đã có sự chênh lệch nhìn thấy được.

Thầy địa lý Tả Ao đi qua, thương tình mà rằng: sẽ cho dân làng Kim Liên một cái nghề, dù là lao động chân tay, không những giúp người làng Kim Liên cũng đủ để nuôi sống, mà còn có điều kiện để xóa đi sự hèn kém so với làng láng giềng, cái nghề mà bất kể giàu nghèo, sang hèn, đều phải để cho người Kim Liên nắm tóc, vít đầu... Ấy là nghề cắt cạo.

Câu chuyện huyền thoại được truyền tụng qua bao thế hệ, có hẳn một bài vị được khắc trên bia đá thờ trong Đình làng Kim Liên – một trong “tứ trấn Hà Thành”. Điều đặc biệt nhất, làng nghề cắt tóc Kim Liên có lẽ là làng duy nhất không có... ông tổ nghề.

Chủ nhiệm HTX làng nghề cắt tóc Kim Liên Phạm Duy Hào thật thà kể: "Không ai biết được ông tổ nghề là ai cả. Cái nghề này, cứ thế hệ trước truyền thế hệ sau. Từ khi chúng tôi sinh ra nó đã có rồi. Lịch sử của nó, cũng thăng trầm như bất cứ nghề nào khác thôi. Nhưng không vì điều đó mà chúng tôi không dám thừa nhận, nó là nghề đã gắn bó và nuôi sống biết bao thế hệ người làng Kim Liên".

Những hình ảnh xưa cũ về người thợ cắt tóc Kim Liên cạo đầu cho khách.

Báu vật của làng "vít đầu thiên hạ"

Trong sự kiện Hiệp hội làng nghề Việt Nam công nhận làng cắt tóc là làng nghề truyền thống, nhiều hiện vật cổ có tuổi đời cả trăm năm được những người thợ cắt tóc làng nghề Kim Liên đưa đến trưng bày tại Triển lãm Vân Hồ. Đó là một chiếc đai da bò để người thợ cắt tóc miết dao cạo; những chiếc kéo thửa được rèn bằng thép; những chiếc tông-đơ thủ công, dùng nhiều lần quá nó đã mòn lưỡi, phải giũa đi giũa lại nhiều lần cho sắc bén, hay những chiếc bàn cạo sắc lẹm được tôi thủ công bởi những làng rèn nổi tiếng của vùng Bắc Bộ.

Ông Phạm Duy Hào cho hay, những vật dụng ấy, bây giờ là báu vật của làng nghề. Nó sẽ được tập hợp lại để thành một bộ sưu tầm hiện vật trưng bày trong một khuôn viên trang trọng, để thế hệ sau biết tới, dù bây giờ, những thợ cắt tóc trẻ, những chủ tiệm “Hair salon” không bao giờ dùng đến nó, vì đã có những thiết bị hiện đại hơn dùng bằng điện…

Ông Hào là truyền nhân thế hệ thứ 3 của người thợ cạo từng được vua Bảo Đại trưng dụng làm người thợ riêng chỉ cắt tóc cho vua và hoàng thân, quốc thích, chính là cụ Phạm Duy Hiền (tức Đảng) - ông nội ông Hào. Đến đời Phạm Duy Hào, dòng họ Phạm đã có ba đời sống bằng nghề cắt tóc.

Một nghệ nhân của làng cắt tóc Kim Liên biểu diễn với một thiếu nữ người nước ngoài tại Triển lãm Vân Đình vào cuối tháng 11/2019 – thời điểm làng nghề được công nhận Làng nghề truyền thống

Cụ Hiền theo nghề cũng rất tình cờ: ban đầu, cụ chỉ là cậu bé học nghề, lo khoản nhóm lò, quạt bếp..., rảnh rỗi thì học lỏm những người thợ cả... Thế mà thành nghề. Theo yêu cầu của khách, cụ cắp tráp đến cắt tóc tận nhà. Quãng năm 1920-21, lúc đó cụ Hiền chừng 18, 19 tuổi, cụ đã mở được cửa hàng cắt tóc ở phố Hàng Bông. Khách đông không xuể, phải xếp hàng đợi đến lượt mình.

Một lần, vua Bảo Đại đi vi hành, đến tiệm cắt tóc của cụ Đảng. Nhà vua để mắt tới bởi phục cái tài hoa, khéo léo, đôi mắt thẩm mỹ của người thợ cạo, chỉ nhìn liếc một cái đã biết, kiểu tóc nào hợp với đầu nào.

Cụ Đảng trở thành thợ cắt tóc riêng cho vua Bảo Đại, được vời vào Huế, chuyên "phụ trách" mảng "tóc tai" cho các hoàng tử con vua. Có đận, anh thợ cạo đất Bắc được theo chân ông vua ăn chơi này sang tận Angieri để chăm sóc "góc con người" của vua.

Bấy giờ, cụ Đảng đã mua được một ngôi nhà nằm trên phố Bà Triệu, chỗ Viện mắt Trung ương bây giờ. Ngôi nhà bị cháy trong một lần hỏa hoạn. Cụ bèn mua ngôi nhà mới trên phố Đào Duy Anh cho vợ con ở, để yên tâm công việc cắt tóc trong Huế.

Hàng tháng, cụ đánh dây thép gửi tiền về cho vợ nuôi con. Mức lương vua Bảo Đại trả cho người thợ cắt tóc riêng của mình, nếu quy đổi ra mệnh giá tiền tệ bây giờ, tương đương... 20 triệu đồng!

Sau này, khi những biến cố xảy ra, cụ Đảng quay lại Hà Nội, tiếp tục làm nghề cắt tóc của mình. Số tiền dành dụm được trong những năm cắt tóc cho vua Bảo Đại ở cung đình Huế, người thợ cạo "chịu chơi" này mua hẳn một con xe Solec "mù" của Pháp. Cụ trở thành một trong bốn người sở hữu bốn chiếc xe duy nhất do Pháp mang sang.

Năm 1985, cụ Đảng mất. Khi ấy, cụ hành nghề cắt tóc được ngót 70 năm, thọ 84 tuổi. Toàn bộ di vật của cụ theo thời gian bị rơi vãi dần. Thế nhưng, đó là những món đồ "có một không hai": kéo tỉa của Pháp, kéo cắt của Tây Đức, tông đơ loại 3.0, con dao cạo sắc mát lịm, bôi dưới màu thép trắng, bôi trên mạ vàng, giữa là dòng chữ “Frances” khắc chìm.

Cuộc đời dâu bể dâu. Những cái tên "nức danh" đất kéo Hà thành một thời như cụ Hai Hiền, cụ Phạm Văn Cam, cụ Phạm Đình Vân, cụ Trinh Hữu Kỳ, cụ Nguyễn Văn Nhị, cụ Nguyễn Văn Mùng ... lần lượt phải "rửa tay gác kiếm" vì lý do tuổi tác "tay chậm, mắt mờ", cũng là khi các cụ có trong tay xấp xỉ năm sáu chục năm tuổi nghề.

Lớp trẻ hậu sinh chẳng thiết tha với cái nghề tay dao tay kéo nữa. Làng cắt tóc Kim Liên ngày càng trong cảnh suy vi, thất truyền đối lập với sự bung ra của những dịch vụ tóc tai một cách... không thể cưỡng lại được.

Cái tao đoạn chung của hầu hết những nghề truyền thống, giữa cảnh giao thời này, không riêng gì làng cắt tóc Kim Liên. Và, chính hoàn cảnh ấy dường như đã "chọn" người họ Phạm đời thứ ba của dòng họ Phạm Duy làm người kế cận, giữ nghề!

Báo Diễn đàn Doanh nghiệp mở diễn đàn “CẢM XÚC XUÂN” nhằm ôn cố tri tân về mùa xuân; về thiên nhiên, con người, xã hội, và các vấn đề nóng bỏng của đất nước, địa phương bằng tinh thần hân hoan để tiễn biệt năm cũ, chào đón năm mới 2020.

Bài vở xin gửi về hòm thư camxucxuan@dddn.com.vn.

Tác giả để lại địa chỉ và số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ.

Trân trọng cảm ơn.

Di Linh (Thái Bình)

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/cam-xuc-xuan-cuoi-nam-ve-tham-lang-nghe-vit-dau-thien-ha-164601.html