Cuối năm, nơm nớp nỗi lo rượu 'độc'

Có một thực trạng không thể phủ nhận là những loại rượu rởm, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, rượu pha cồn công nghiệp vẫn được bán tràn lan trên thị trường.

Điều trị bệnh nhân ngộ độc rượu tại Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai

Điều trị bệnh nhân ngộ độc rượu tại Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai

Vậy làm thế nào để kiểm soát tình trạng này? Theo Sở Y tế Hà Nội và các chuyên gia, nếu không siết chặt quản lý cùng các giải pháp đồng bộ thì những cái chết thương tâm do ngộ độc rượu chắc chắn sẽ còn tăng lên, nhất là khi thời điểm cuối năm đang đến gần và thông thường đây chính là “mùa liên hoan”, mùa ăn nhậu…

Những hồi chuông cảnh báo

Chỉ hơn 1 tháng qua, Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận 7 bệnh nhân vào cấp cứu liên quan đến 2 vụ ngộ độc rượu methanol (rượu pha cồn công nghiệp), trong đó 1 người tử vong, 1 người bị tổn thương mắt và não. Các trường hợp này được xác định đều có liên quan tới sản phẩm rượu mang tên “Rượu Nếp”, “Hầm Rượu Việt” của cơ sở sản xuất rượu Đất Lúa ở huyện Kim Động (tỉnh Hưng Yên). Kết quả xét nghiệm mẫu rượu bệnh nhân đã uống do gia đình mang đến cho thấy nồng độ cồn công nghiệp methanol là 20,21%, trong khi đó nồng độ rượu thông thường ethanol chỉ có 11,42%.

Đáng chú ý, đây đã là vụ ngộ độc nghiêm trọng thứ 2 xảy ra với chính sản phẩm rượu của cơ sở Đất Lúa, bởi mới tháng 4 năm nay cũng đã có nhiều nạn nhân ngộ độc, 2 người tử vong sau khi uống rượu này tại xã Kiêu Kỵ (Gia Lâm, Hà Nội). Càng đáng nói hơn khi sau vụ ngộ độc xảy ra tại Gia Lâm hồi tháng 4 vừa qua, cơ sở Đất Lúa đã bị niêm phong, dừng hoạt động để phục vụ điều tra. Thế nhưng không hiểu sao, sản phẩm rượu chứa cồn công nghiệp methanol từ đây vẫn tràn ra thị trường, để rồi tiếp tục có thêm nạn nhân tử vong ở tận… Bắc Giang.

Tính riêng trên địa bàn Hà Nội, từ đầu năm 2020 đến nay đã ghi nhận 15 ca ngộ độc rượu methanol, trong đó có 3 trường hợp tử vong. Ngoại trừ vụ ngộ độc rượu nghiêm trọng xảy ra tại xã Kiêu Kỵ kể trên thì phần lớn vụ ngộ độc rượu xảy ra với các sản phẩm rượu không nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đề cập đến vấn đề quản lý rượu rởm được pha chế từ cồn công nghiệp, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai khẳng định, qua theo dõi trong vài năm qua, tình hình ngộ độc methanol có xu hướng gia tăng.

Sở Y tế đã kiện toàn 4 đội cơ động phòng, chống ngộ độc thực phẩm. Đặc biệt, nhằm lưu ý người dân về các vấn đề liên quan đến ngộ độc rượu, rượu cồn công nghiệp, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường lấy mẫu rượu để giám định, xử lý nghiêm cơ sở kinh doanh rượu không rõ nguồn gốc.

Thực tế cồn công nghiệp methanol không phải do người dân làm ra mà từ nhập khẩu, từ sản xuất phục vụ cho các mục đích hoàn toàn không phải để uống hay sát trùng. Tuy nhiên, hóa chất này đã bị “tuồn ra ngoài” rồi bị những cơ sở sản xuất hám lợi sử dụng để pha chế thành các loại rượu rởm, tràn ra thị trường. Điều đó cho thấy công tác quản lý hóa chất của nước ta chưa chặt chẽ và thiếu kiểm soát.

“Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”

Bên cạnh những lỗ hổng và sự buông lỏng trong công tác quản lý an toàn thực phẩm về mặt hàng rượu truyền thống, một lý do quan trọng khác khiến ngộ độc rượu methanol có xu hướng tăng lên chính là tình trạng tiêu dùng, lạm dụng rượu bia ở nước ta thực sự đáng báo động. Lấy dẫn chứng ngay từ Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai, không chỉ có bệnh nhân ngộ độc vào cấp cứu vì uống phải loại rượu không rõ nguồn gốc mà còn gặp cả những trường hợp uống cồn sát trùng, cồn y tế thay rượu. Khi tìm hiểu được biết, những trường hợp này đều nghiện rượu nặng, khi bị người nhà cách ly với nguồn rượu thì đã mua cồn y tế về để pha thành rượu uống.

Sản phẩm rượu nếp của cơ sở sản xuất ở Hưng Yên liên quan đến 2 vụ ngộ độc rượu nghiêm trọng

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, những ca ngộ độc cấp tính, tử vong kể trên chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm” do uống phải rượu có hàm lượng methanol quá cao, còn thực tế ngộ độc rượu methanol có biểu hiện chậm và âm thầm. Lạm dụng rượu bia không chỉ gây ngộ độc mà còn rất nhiều bệnh mạn tính khác. GS.TS Nguyễn Gia Bình, nguyên Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ, trong quá trình công tác khám chữa bệnh, ông tiếp xúc với khá nhiều bệnh nhân viêm tụy cấp do rượu phải nhập viện. Nhiều người mỗi ngày uống nửa lít trong suốt nhiều năm. GS.TS Nguyễn Gia Bình cho biết, những năm gần đây tỷ lệ viêm tụy cấp do rượu bia, mỡ máu đang tăng lên một cách đáng báo động, chiếm tới 70% số ca nhập viện. Trong đó ghi nhận nhiều ca viêm tụy cấp hoại tử, gây suy đa phủ tạng. Nhiều bệnh nhân đã tử vong do liên quan đến vấn đề sử dụng quá nhiều rượu, bia.

Theo thống kê của Cục An toàn thực phẩm (ATTP) - Bộ Y tế, hiện nước ta có khoảng 328 cơ sở sản xuất rượu lớn với sản lượng 360 triệu lít/năm, 320 cơ sở sản xuất nhỏ với sản lượng dưới 1 triệu lít/năm, hộ gia đình tự sản xuất ước tính khoảng 250 triệu lít/năm. Để giảm thiểu các vụ ngộ độc rượu, thời gian qua, cơ quan chức năng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức của cộng đồng trong sản xuất, kinh doanh rượu an toàn cũng như khuyến cáo người dân hạn chế uống rượu bia, song tình trạng này vẫn chưa có nhiều biến chuyển.

Cần đồng bộ nhiều giải pháp

Trong bối cảnh nguy cơ ngộ độc rượu thời điểm cuối năm có xu hướng gia tăng, Sở Y tế Hà Nội vừa chỉ đạo các đơn vị liên quan trong ngành, từ nay đến cuối năm, chủ động phối hợp với các sở ngành, địa phương đẩy mạnh việc kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống có bán rượu và cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu trên thị trường.

Ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, bên cạnh công tác thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch, Sở cũng đã chỉ đạo tăng cường việc thanh tra, kiểm tra đột xuất, hậu kiểm nhằm hạn chế tối đa các loại rượu rởm, rượu không rõ nguồn gốc, không bảo đảm an toàn lưu thông, đồng thời kiên quyết xử lý các cá nhân, các cơ sở vi phạm. “Chúng tôi sẽ công khai thông tin về các vụ vi phạm, cơ sở vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng để kịp thời cảnh báo với người tiêu dùng. Đối với người tiêu dùng, cần hạn chế lạm dụng rượu bia, nhất là không sử dụng những sản phẩm rượu trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ để bảo vệ sức khỏe của bản thân” - ông Trần Văn Chung thông tin.

Duy Tiến

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/cuoi-nam-nom-nop-noi-lo-ruou-doc-post450916.antd