Cuối năm, ngân hàng dồn dập phát mãi tài sản 'có sale' để xử lý nợ

Kể từ khi Nghị quyết 42/20170QH14 được ban hành, các ngân hàng rốt ráo phát mãi tài sản đảm bảo để xử lý nợ, nhất là ở những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao.

Các tài sản được đem bán hay thu giữ hầu hết là bất động sản

Các tài sản được đem bán hay thu giữ hầu hết là bất động sản

Tại Sacombank, ngân hàng này vừa lần thứ ba rao bán 3 lô đất trị giá gần 10.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong lần này, giá trị tài sản đem bán đã được “sale” tới gần 900 tỷ đồng, khi mà Sacombank đã không thành công trong 2 lần đấu giá trước đó.

Cụ thể, vào ngày 22/12 tới, Sacombank sẽ tổ chức đấu giá 3 lô đất tại khu Công nghiệp Đức Hòa III - Long An. Lô đất đầu tiên có tổng diện tích hơn 3,7 triệu m2 của chủ đầu tư là Công ty Đầu tư xây dựng kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp Sài Gòn Long An và một phần của Công ty Đầu tư AMIC được bán với giá khởi điểm 3.641 tỷ đồng. Trước đó, giá của lô đất này được rao bán hôm 18/12 là hơn 4.000 tỷ đồng, sau đó giảm xuống 3.801 tỷ đồng trong phiên đấu giá sáng 20/12.

Lô thứ hai có diện tích hơn 2,7 triệu m2 của nhóm Công ty Đầu tư xây dựng Liên Thành Long An, Công ty Long "V", Công ty Đầu tư phát triển Long Đức - ILD và Công ty Đầu tư và kinh doanh bất động sản Mười Đây, từ giá ban đầu là 3.132 tỷ đồng đã giảm về 2.850 tỷ đồng.

Lô thứ 3 có diện tích 2,7 triệu m2 của Công ty Đầu tư Đức Hòa III - Resco và một phần của Công ty đầu tư AMIC với giá khởi điểm 2.598 tỷ đồng, trong khi giá trước đó là 2.855 tỷ đồng.

Chủ tịch HĐQT Sacombank, ông Dương Công Minh cho biết, năm 2017, Ngân hàng đặt mục tiêu thu hồi 15.000 - 20.000 tỷ đồng nợ xấu và trong 9 tháng đầu năm nay ngân hàng đã xử lý được 6.000 tỷ đồng. Vì thế, trong những ngày còn lại của năm, Sacombank sẽ đẩy mạnh phát mãi tài sản để thu hồi nợ.

VietinBank cũng vừa thông báo Chi nhánh 1 - TP.HCM có nhu cầu bán toàn bộ khoản nợ hơn 45 tỷ đồng (bao gồm hơn 19,1 tỷ đồng nợ gốc và hơn 26 tỷ đồng nợ lãi) của CTCP Công nghiệp thủy sản.

Không chỉ phát mãi tài sản, nhiều tổ chức tín dụng cũng rốt ráo thu giữ tài sản đảm bảo đến hạn để xử lý nợ đọng. Mới đây, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và VPBank đã ủy thác cho VPBank AMC thực hiện quyền thu giữ tài sản thế chấp của một loạt khách hàng vi phạm hợp đồng tín dụng tại Hà Nội. Tài sản thu giữ bao gồm quyền sử dụng nhiều lô đất tại quận Bắc Từ Liêm, huyện Đông Anh, chung cư tại quận Ba Đình…

Theo ông Nguyễn Tiến Đông, Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC, Nghị quyết 42 sẽ tháo gỡ về cơ bản những vướng mắc của VAMC khi thực hiện giải quyết nợ xấu. Trong đó, vướng mắc lớn nhất là khẳng định quyền chủ nợ và tạo hành lang pháp lý thông thoáng hơn cho cả VAMC và các ngân hàng trong xử lý nợ xấu.

“Bên cạnh đó, Nghị quyết 42 còn có quy định rất quan trọng đó là cho phép VAMC và các ngân hàng được mua bán khoản nợ xấu thấp hơn giá trị sổ sách. Đây vốn là trở ngại lớn trong thời gian qua do liên quan đến trách nhiệm của người cho vay”, ông Đông nói.

Nợ xấu chưa giảm nhiều

Thống kê tại 18 ngân hàng thương mại đã công bố báo cáo tài chính quý III/2017 cho thấy, số lượng nhà băng ghi nhận nợ xấu giảm trong 9 tháng qua là rất hạn chế. Tổng cộng tại 18 ngân hàng này còn tới gần 70.000 tỷ đồng nợ xấu nội bảng, tăng gần 8.000 tỷ đồng so với đầu năm, đó chưa kể hàng chục nghìn tỷ đồng nợ xấu đang “gửi” tại VAMC, cùng hàng nghìn tỷ đồng tiền lãi và phí phải thu khác.

Dù vậy, theo chuyên gia tài chính - ngân hàng Lê Xuân Nghĩa, việc cho phép các ngân hàng thoái lãi dự thu đồng thời được bán nợ xấu thấp hơn giá trị sổ sách sẽ giúp việc xử lý nợ xấu tích cực hơn trong thời gian tới.

“Với quy định mới tại Nghị quyết 42, nếu khoản nợ có đầy đủ điều kiện pháp lý, trong hợp đồng có thỏa thuận về tài sản đảm bảo, khách hàng không trả được nợ thì buộc phải bàn giao cho chủ nợ mà không phải qua tòa án, trừ trường hợp hợp đồng thiếu cơ sở pháp lý. Nghị quyết 42 cũng cho phép tòa áp dụng thủ tục rút gọn trong xử lý tranh chấp đối với hợp đồng tín dụng, cũng như hợp đồng về xử lý tài sản đảm bảo với khách hàng”, ông Nghĩa chia sẻ thêm.

Cũng theo ông Nghĩa, dù vẫn cần được hướng dẫn cụ thể hơn để đảm bảo tính khả thi, nhưng bên cạnh yếu tố pháp lý, Nghị quyết 42 còn có ý nghĩa lớn trong việc nâng cao ý thức tuân thủ từ phía khách hàng vay vốn.

Theo TS Bùi Quang Tín, Giảng viên Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM, trong thời gian tới, các ngân hàng sẽ còn đẩy mạnh việc siết nợ, thu giữ tài sản để xử lý nợ đọng. Tuy nhiên, việc ngân hàng thông báo thu giữ là một chuyện, nhưng thực hiện được hay không và thu xong có bán được không lại là chuyện khác.

“Vì vậy, xử lý nợ xấu bằng việc thanh lý tài sản đảm bảo cũng không phải chuyện dễ dàng”, ông Tín nhìn nhận.

Vân Linh

Nguồn ĐTCK: http://tinnhanhchungkhoan.vn/tien-te/cuoi-nam-ngan-hang-don-dap-phat-mai-tai-san-co-sale-de-xu-ly-no-213006.html