Cuối năm đề phòng 'cháy túi'

TGTTO Hằng năm, bắt đầu bước sang tháng Chạp, các bà nội trợ, những người chủ gia đình có thu nhập thấp bao giờ cũng lưu ý, suy tính đến việc chi tiêu cuối năm.

Không ít chị em đến ngày cuối năm thường kêu trời vì… hết tiền, do kế hoạch điều tiết tài chính bị vỡ.

Sử dụng đồng tiền như thế nào cho phù hợp với mức thu nhập của vợ chồng xem ra không phải dễ. Cuối năm thường thì nhiều gia đình có được những khoản thu đột biến. Công nhân, viên chức thì nhận thêm tiền thưởng Tết. Nông dân thì thu hoạch trái cây, lúa ruộng. Giới kinh doanh, dịch vụ cũng tăng doanh thu…

Nhưng ngược lại, đồng tiền cũng chảy ra như… nước sông Đà. Vì ngày tư ngày Tết, không biết bao nhiêu việc phải sử dụng đến đồng tiền. Nào mua thức ăn, nấu mâm cúng ông bà, mua hoa quả chưng trên bàn thờ, mua sắm quần áo mới cho con. Nào mua quà cho người thân, quà biếu thông gia, đồng nghiệp, phong bao tiền lì xì cho con cháu…

Không ít chị em đến ngày cuối năm thường kêu trời vì… hết tiền, do kế hoạch điều tiết tài chính bị vỡ.

Đồng thời, cũng có không ít đồng tiền chi tiêu ngoài “danh mục”, phát sinh ngoài dự tính: mua xe, sắm thêm đồ trang trí nội thất, mua thêm đồ gia dụng cho nhà cửa khang trang. Hay bất ngờ, người thân, họ hàng, con cháu, thông gia bạn bè lâu ngày tới viếng, lại phải chạy mua thêm thức nhắm, bia, rượu ngoại đắt tiền v.v… Đồng thời, tháng cuối năm lại rơi vào mùa cưới, lại phải tính tới việc “cho tiền vào phong bì…

Những đôi vợ chồng trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm lo liệu cuộc sống tự lập. Nhất là những đôi vừa mới cưới nhau hoặc mới xây nhà, ra riêng… cái gì cũng phải mua “coi cho được” với người ta trong ba ngày tết. Thế là chuyện vỡ kế hoạch… chi tiêu là chuyện cầm chắc trong tay.

Gia đình tôi có mức thu nhập thấp nên năm nào sắp bước vào tháng Chạp, bà xã nhà tôi cũng mang sổ tay ra ghi ghi, chép chép, đăm chiêu như nhân viên kế toán. Năm nay cũng vậy, nàng còn nhắc nhỡ mọi người phải biết điều tiết “ngân lượng”, đừng để cháy túi như những năm trước. Ủng hộ bà xã, tôi cũng gửi tới… thông điệp “cảnh báo”… nguy cơ rủi ro về tài chính. Tuy vậy, trong lòng vẫn còn hồi hộp lắm vì mấy năm trước cuối năm nào nàng cũng vò đầu, bứt tóc vì “thâm hụt ngân sách”.

Sử dụng đồng tiền chừng mực không phải riêng việc của phụ nữ, mà đàn ông cũng có trách nhiệm “để mắt” tới.

Không ít chị em phụ nữ mặc dù kinh tế gia đình khá giả, nhưng sắp Tết vẫn cẩn thận, suy tính việc rút tiền trong tài khoản, trong sổ tiết kiệm khi ra kế hoạch mua sắm.

Sử dụng đồng tiền chừng mực không phải riêng việc của phụ nữ, mà đàn ông cũng có trách nhiệm “để mắt” tới.

Lệ thường, tháng Chạp về, từ bến xe, bến tàu, quán ăn, phố chợ, đâu đâu cũng nghe râm ran, rộn rã việc mua sắm, chuẩn bị cho ngày Tết bằng sự hưng phấn. Đó là phong tục, truyền thống tốt đẹp ngàn đời của dân tộc ta. Nhu cầu mua sắm, nhất là những ngày giáp Tết là điều hết sức tự nhiên. Tuy nhiên những ngày giáp Tết, thói thường tâm lý dễ cao hứng, mất kiểm soát, thấy món đồ nào cũng ham, nên mua… tùm lum, tà la, hết tiền rồi than trời. Chị em tay hòm chìa khóa, nhất là trong những gia đình có thu nhập thấp nên cân nhắc cẩn thận, hàng gì cần thiết mua thì mới mua, đừng bị hàng khuyến mãi cám dỗ mà mất tỉnh táo. Riêng các đức ông chồng rất cần ‘cân bằng” cảm xúc của vợ mình, đừng để đi đến thái quá trong việc mua sắm. Từ đó mới có cái Tết vui vẻ trọn vẹn, đúng nghĩa.

Kiếm được đồng tiền từ lao động chân chính là việc nhọc nhằn, đổ nhiều mồ hôi. Nên tiết kiệm, dành dụm khi cần thiết là việc làm không bao giờ thừa! Ông bà ta từng khuyên nên: “Tích cốc phòng cơ”. Cương quyết, tỉnh táo suy tính mới mong sử dụng đồng tiền hợp lý, nhất là trong những ngày cận Tết.

PHẠM BỘI ANH THUYÊN

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/cuoi-nam-de-phong-chay-tui-21883.html