Cuối năm chạy đua... đào đường

Theo số liệu của Thanh tra Sở Giao thông Vận tải TP HCM, hiện toàn TP có 148 vị trí rào chắn thi công trên 60 tuyến đường, con số được xem là nhiều nhất trong các năm gần đây

Ngày 11-12, đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7, TP HCM) vẫn ngổn ngang như một đại công trường kéo dài nhiều cây số với đủ hạng mục của nhiều chủ đầu tư khác nhau.

Xin lỗi rồi gây bất tiện

Chị Nguyễn Thanh Tâm (bán quần áo trên đường Huỳnh Tấn Phát, phường Tân Thuận Tây) cho biết công trình kéo dài đến nay đã là tháng thứ 6 nhưng vẫn chưa biết khi nào mới xong. Ban đầu là đào đường lên để lắp đặt hệ thống cống thoát nước, sau đó đơn vị thi công tái lập mặt đường rồi qua chỗ khác đào. Được vài tháng sau, một đơn vị khác lại đến đổ đá dăm, lu nền đường. "Bụi bay mù mịt, quần áo trưng bày phía trước phủ màu trắng xóa. Khách muốn ghé vào mua nhìn thấy cảnh này cũng ngán nên bỏ đi. Ba tháng nay, doanh thu của chúng tôi giảm sút nghiêm trọng" - chị Tâm bức xúc.

Tại quận 4, đường Nguyễn Tất Thành, Bến Vân Đồn bị thu hẹp để thi công gói thầu xây dựng hệ thống cống bao thuộc dự án Cải thiện môi trường nước TP HCM (giai đoạn 2). Đường Nguyễn Tất Thành thường xuyên xảy ra kẹt xe vào giờ cao điểm, có thêm "lô cốt" càng khiến các phương tiện qua đây bị ùn ứ. "Lô cốt" trên đường Bến Vân Đồn dựng hàng rào hơn nửa lòng đường, bảng thông tin công trình ghi thời gian thi công trong năm 2016-2017 nhưng nay đã là cuối năm 2018 vẫn chưa xong.

Quận Bình Thạnh cũng không khá hơn khi các tuyến đường Lê Quang Định, Phan Văn Trị cũng đang bị xới tung lên để lắp đặt vỉa hè. Tình trạng đào đường cuối năm đã được báo chí phản ánh từ nhiều năm qua nhưng vẫn cứ lặp lại khiến cho việc buôn bán, kinh doanh của người dân gặp nhiều bất lợi. Dù nhiều công trình gắn bảng ghi dòng chữ "Chúng tôi xin lỗi về sự bất tiện này" nhưng đó chỉ là hình thức, còn sự bất tiện thì người dân vẫn nhận lãnh mỗi ngày.

“Lô cốt” chiếm hơn nửa đường Huỳnh Tấn Phát (phường Phú Mỹ, quận 7, TP HCM) để thi công tuyến ống cấp nước

“Lô cốt” chiếm hơn nửa đường Huỳnh Tấn Phát (phường Phú Mỹ, quận 7, TP HCM) để thi công tuyến ống cấp nước

Tại quy trình?

Về "lô cốt" trên đường Huỳnh Tấn Phát, lãnh đạo Khu Quản lý giao thông đô thị số 4 - Sở Giao thông Vận tải (Khu 4) thông tin có 2 dự án gồm lắp đặt tuyến ống cấp nước và nâng cấp hệ thống thoát nước. Nếu như dự án nâng cấp hệ thống thoát nước đang thi công ở những hạng mục cuối cùng là chỉnh trang vỉa hè thì dự án lắp đặt tuyến ống cấp nước vẫn còn chậm, làm ảnh hưởng đến dự án còn lại. Khu 4 đã yêu cầu đối với những đoạn đã xong hệ thống thoát nước thì nhà thầu phải nâng đường, trải thảm nhựa và lót vỉa hè trước.

Theo giám đốc một khu quản lý giao thông đô thị, tình trạng nhiều công trình thi công kéo dài đến cuối năm là do thủ tục đầu tư. Cụ thể, vào cuối năm trước, các đơn vị đăng ký vốn để qua đầu năm sau TP duyệt kế hoạch vốn, sau đó là các thủ tục khác như thiết kế, dự toán, đấu thầu thi công. "Thông thường, các thủ tục trên mất hơn nửa năm, thậm chí kéo dài 8-9 tháng nên đến khi khởi công được dự án thì từ tháng 7 trở đi, rơi đúng ngay vào mùa mưa" - vị này lý giải. Các chủ đầu tư đều muốn dự án được thi công trong mùa khô nhưng đều "bất lực" trước quy trình.

Giám đốc một doanh nghiệp thực hiện nhiều dự án về giao thông, chống ngập ở TP HCM có trụ sở tại quận Gò Vấp cho rằng thi công vào mùa mưa gặp rất nhiều bất tiện, nhất là thời gian thi công trong ngày bị ngắn lại khiến tiến độ bị kéo dài ra; rơi vào dịp cuối năm, bà con tiểu thương than phiền rất nhiều. Vị này đề nghị các sở, ngành TP cần phải cải cách thủ tục đầu tư sao cho dự án được khởi công ngay trong mùa khô nhằm rút ngắn thời gian thi công và ít ảnh hưởng đến người dân.

Về tình trạng nhiều nhà thầu thi công đào đường ẩu vẫn tái diễn, ông Nguyễn Bật Hận, Phó Chánh Thanh tra Sở Giao thông Vận tải TP, nhận định một phần do mức xử phạt hiện nay đối với một số hành vi vi phạm liên quan đến đào đường, tái lập, rào chắn… còn khá nhẹ. Trước đó, đơn vị này đã đề xuất tăng chế tài đối với các nhà thầu tái phạm nhiều là không cho đấu thầu ở các dự án khác nhưng không được chấp thuận.

Hiện nay, hình thức được xem có tính răn đe nhất là tạm ngưng cấp phép đào đường đối với chủ đầu tư để nhà thầu vi phạm nhiều lần mà chưa đóng phạt hoặc chưa khắc phục sai phạm. Như vậy, khi nhà thầu nộp phạt hoặc khắc phục xong thì vẫn cấp phép bình thường. Trước tình trạng này, lãnh đạo ngành cấp nước và điện lực thông tin sẽ không cho những nhà thầu vi phạm nhiều lần đấu thầu ở các dự án khác.

Bài và ảnh: SỸ ĐÔNG

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/ban-doc/cuoi-nam-chay-dua-dao-duong-20181211213442834.htm