Cuối năm cẩn trọng cháy kho hàng, nhà xưởng

Theo Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) và cứu nạn cứu hộ (CHCN), Bộ Công an, cuối năm, miền Bắc bước vào mùa hanh khô, là dịp các cơ sở sản xuất, kinh doanh gấp rút hoàn thành kế hoạch năm nên sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ về cháy, nổ.

Cục Cảnh sát PCCC và CNCH khuyến cáo các đơn vị cẩn trọng trong việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, chất dễ cháy, góp phần kiềm chế sự gia tăng số vụ và thiệt hại do cháy, nổ, tai nạn, sự cố gây ra.

Nhiều vụ cháy nổ kho hàng, nhà xưởng dịp cuối năm

Sáng 1/12, tại xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, Hà Nội đã xảy ra một vụ hỏa hoạn nghiêm trọng. Ngọn lửa từ 1 xưởng sản xuất gỗ đã lan ra nhiều khu xưởng khác, khói lửa bao trùm diện tích lớn.

Ngay khi nhận được tin báo, Công an huyện Thạch Thất đã huy động 4 xe tới hiện trường nhanh chóng chữa cháy, tuy nhiên do gió to khiến lửa lan mạnh, tình hình diễn biến ngày càng xấu.

Nhận được tin báo, nhiều đội Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an các địa bàn lân cận cũng điều động xe tới chi viện. Hàng trăm Cảnh sát PCCC cùng nhiều xe chữa cháy đang ở hiện trường, phun vòi rồng từ nhiều hướng để dập lửa.

Đến hơn 12h cùng ngày, đám cháy cơ bản được khống chế. Tuy nhiên, diện tích cháy là khoảng vài trăm mét vuông, ảnh hưởng tới 10 xưởng của người dân.

Lực lượng PCCC tham gia chữa cháy tại Công ty TNHH Sản xuất thương mại Nhựa xốp EPS chống cháy SINU VINA.

Lực lượng PCCC tham gia chữa cháy tại Công ty TNHH Sản xuất thương mại Nhựa xốp EPS chống cháy SINU VINA.

Trước đó, hơn 12 giờ ngày 15/11, tại Công ty TNHH Sản xuất thương mại nhựa xốp EPS chống cháy SINU VINA ở Khu công nghiệp Vân Trung, huyện Việt Yên, Bắc Giang cũng đã xảy ra một vụ cháy lớn. Nhận được tin báo, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an tỉnh Bắc Giang cùng nhiều lực lượng khác đã huy động toàn bộ phương tiện, lực lượng tại ba đội chữa cháy trực thuộc tham gia chữa cháy.

Nhà xưởng chứa chủ yếu là vật liệu dễ cháy nên ngọn lửa nhanh chóng lan ra trên diện tích rộng khoảng 2.000m² và sinh ra nhiều khói, khí độc. Được dựng bằng tôn nên chỉ sau ít phút xảy ra cháy, toàn bộ cấu kiện nhà xưởng đều bị đổ sập.

Tại thời điểm xảy ra hỏa hoạn, trong xưởng có 10 công nhân đang làm việc và kịp thời thoát ra ngoài, tuy nhiên đã có một công nhân bị thương. Khoảng 14h cùng ngày, đám cháy được khống chế hoàn toàn. Ước thiệt hại về tài sản lên đến hàng tỷ đồng.

Chiều 11/11, tại Công ty TNHH R và S Electronic, địa chỉ tại Cụm Công nghiệp Khắc Niệm, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh, khi công nhân đang làm việc bất ngờ xảy ra nổ kèm theo cháy lớn khiến ba người bị thương. Công an tỉnh Bắc Ninh đã điều lực lượng tham gia chữa cháy. Sau một giờ đồng hồ chữa cháy, đám cháy cơ bản được dập tắt hoàn toàn.

Cần nâng cao ý thức về PCCC

Theo Cục Cảnh sát PCCC và CNCH, từ ngày 15/10 đến ngày 14/11, toàn quốc xảy ra 223 vụ cháy cơ sở, nhà dân làm chết 10 người, bị thương 12 người; xảy ra 2 vụ nổ, làm chết 2 người, bị thương 6 người; thiệt hại tài sản do cháy nổ ước tính 96,26 tỷ đồng.

Trong 9 tháng đầu năm 2020, cả nước xảy ra 2.530 vụ cháy nhà dân, cơ sở và phương tiện giao thông cơ giới, làm chết 56 người, bị thương 107 người, thiệt hại về tài sản ước tính 416,15 tỷ đồng; số vụ cháy kho, cơ sở sản xuất, chế biến kinh doanh chiếm 15,29%...

Lực lượng Công an đã điều tra làm rõ nguyên nhân 1.188 vụ (chiếm 46,95%), trong đó, số vụ cháy do sự cố hệ thống, thiết bị điện 793 vụ (chiếm 66,75%); do sơ xuất bất cẩn sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt 261 vụ (chiếm 21,96%); do sự cố kỹ thuật 38 vụ (chiếm 3,19%), còn lại là các nguyên nhân khác như vi phạm quy định về PCCC, tai nạn giao thông, tác động của các hiện tượng thiên nhiên…

Cuối năm, miền Bắc bước vào mùa hanh khô, đồng thời là dịp các cơ sở sản xuất, kinh doanh gấp rút hoàn thành kế hoạch năm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về cháy, nổ. Các vụ cháy tại kho, nhà xưởng ít gây thiệt hại về người nhưng gây thiệt hại về kinh tế rất lớn, bởi các kho hàng này đều vừa là nơi chứa hàng, vừa là nơi sản xuất.

Lực lượng Cảnh sát PCCC khuyến cáo, chủ các doanh nghiệp, công ty cần nâng cao ý thức PCCC tại các nhà kho, phân xưởng. Tại những khu vực này, phát sinh cháy dễ nhất là do chập điện nên nguồn điện phải tuyệt đối an toàn.

Chủ doanh nghiệp, công ty cần lắp đặt hệ thống điện, các thiết bị tiêu thụ điện phải đảm bảo đúng quy định, đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, lắp thiết bị tự ngắt cho hệ thống điện trong nhà xưởng, kho hàng và từng thiết bị tiêu thụ điện công suất lớn. Không nên để hàng hóa dễ cháy gần các nguồn điện, nguồn nhiệt, ổ cắm, cầu dao.

Thường xuyên kiểm tra hệ thống công nghệ, thiết bị, dây chuyền sản xuất, hệ thống điện để phát hiện kịp thời những yếu tố mất an toàn và có biện pháp khắc phục. Cấm hàn, cắt kim loại hoặc làm những việc phát sinh tia lửa, tia nhiệt gần khu vực nhà kho, nhà xưởng sản xuất.

Ngoài ra, việc thờ cúng, hút thuốc bên trong các nhà kho, xưởng sản xuất cần được nghiêm cấm… Không nên cơi nới, thay đổi công năng sử dụng của nhà kho, xưởng sản xuất, chứa hóa chất nguy hiểm trong các khu vực này. Hàng hóa chứa trong kho, nhà xưởng cần được phân loại, sắp xếp riêng biệt đúng quy định…

Nguyễn Hương

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/doi-song/cuoi-nam-can-trong-chay-kho-hang-nha-xuong-623868/