Cuối năm 2020 phải hoàn thành chặn dòng tích nước hồ Bản Lải

Đó là kết luận của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp trong buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Lạng Sơn tại Dự án Hồ chứa nước Bản Lải sáng 10/6.

 Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp và Phó Chủ tịch phụ trách UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu thăm công trình hồ chứa nước Bản Lải. Ảnh: Nguyên Huân.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp và Phó Chủ tịch phụ trách UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu thăm công trình hồ chứa nước Bản Lải. Ảnh: Nguyên Huân.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh, Hồ chứa nước Bản Lải là công trình lớn, trọng điểm của Bộ NN-PTNT.

Nhờ có sự phối hợp tốt giữa UBND tỉnh Lạng Sơn và Bộ NN-PTNT, đến nay công trình đổ mẻ bê tông đầm lăn cuối cùng và hoàn thành vượt tiến độ trước 8 tháng.

Do đó, tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị địa phương còn vướng mắc gì cần xử lý dứt điểm để đây sẽ là cuộc họp cuối cùng về dự án.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp lưu ý, tiến độ thi công hiện nay về cơ bản đảm bảo đúng tiến độ, tuy nhiên để đưa công trình đi vào sử dụng 100% công suất hay không phụ thuộc rất lớn vào chính quyền địa phương, bởi liên quan tới giải phóng mặt bằng và di dân ra khỏi lòng hồ trước mùa mưa lũ và trước khi chặn dòng tích nước.

Hồ Bản Lải là một trong những công trình trọng điểm của Bộ NN-PTNT có mức đầu tư gần 3.000 tỷ đồng. Ảnh: Nguyên Huân.

Ông Phạm Đông Phương, Giám đốc Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 2 (Bộ NN-PTNT) cho biết, Hồ chứa nước Bản Lải có dung tích 156 triệu mét khối, thuộc công trình thủy lợi cấp 2 với tổng mức đầu tư gần 3.000 tỷ. Công trình được khởi công năm 2018 và dự kiến hoàn thành vào quý 1/2021. Đến nay, công trình hoàn thành bờ đập phía bờ trái, trong ngày 10/6 này sẽ đổ mẻ bê tông đầm lăn cuối cùng đập phải.

Tuy nhiên, theo ông Phương, vướng mắc hiện nay chủ yếu liên quan đến đền bù, giải phóng mặt bằng và di dân khỏi lòng hồ trước khi chính thức tích nước theo kế hoạch vào tháng 11/2020.

Bên cạnh đó, việc thi công chậm dự án thủy điện của Công ty Trường Thịnh Bản Lải cũng đang ít nhiều ảnh hưởng tới tiến độ của công trình hồ chứa nước.

Về giải phóng mặt bằng những hộ dân nằm trong lòng hồ chứa Bản Lải, ông Nguyễn Đặng Ân, Chủ tịch UBND huyện Lộc Bình cho biết, hiện có 154 hộ dân thuộc 4 thôn thuộc xã Tĩnh Bắc đang nằm dưới cao trình 305 chưa được di dời.

Theo kế hoạch, ngày 20/7, huyện sẽ chi trả toàn bộ tiền đền bù để người dân có kinh phí tìm nơi ở mới để xây cất nhà cửa.

Tuy nhiên, hiện còn một số hộ dân chưa đồng thuận và huyện Lộc Bình đang phối hợp cùng Sở NN-PTNT đang tiến hành kiểm kê lại để cố gắng hoàn thành đúng ngày 20/7/2020.

Bên cạnh đó, huyện cũng kiến nghị sau khi hoàn thành công trình, chủ đầu tư hoàn trả lại mặt đường cho TL237.

Đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm nhân dịp mẻ bê tông đầm lăn cuối cùng hồ chứa nước Bản Lải. Ảnh: Nguyên Huân.

Theo Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 2 và Cục Quản lý xây dựng công trình (Bộ NN-PTNT), tiến độ đề ra, tháng 11 dự án hoàn thiện cống dẫn dòng để tích nước.

Nếu không kịp di dân khỏi lòng hồ, phải sang mùa khô năm 2021 mới có thể chặn dòng, khi đó sẽ phát sinh không chỉ kinh phí mà còn rất nhiều vấn đề khác kèm theo, đặc biệt trong bối cảnh thời tiết bất thuận và biến đổi khí hậu như hiện nay.

Về vấn đề giải phóng mặt bằng, ông Hồ Tiến Thiệu, Phó Chủ tịch phụ trách UBND tỉnh Lạng Sơn, chia sẻ, giải phóng mặt bằng chưa bao giờ là dễ dàng từ xưa đến nay. Ngay như hiện nay có sẵn tiền rồi nhưng cũng phải đợi dân có nhà cửa xong mới có thể di dời chứ không thể đuổi dân ra đường được.

Tuy nhiên, tỉnh Lạng Sơn ý thức được việc chậm tiến độ giải phóng mặt bằng sẽ ảnh hưởng tới tiến độ công trình, nhưng quả thực việc công trình rút ngắn tiến độ 8 tháng so với kế hoạch cũng tạo áp lực tới giải phóng mặt bằng cho địa phương.

Do đó, tại buổi làm việc với Bộ NN-PTNT, ông Hồ Tiến Thiệu cam kết sẽ chi trả tiền đền bù 154 hộ dân tại huyện Lộc Bình dưới cao trình 305 đúng theo kế hoạch ngày 20/7. Tỉnh sẽ phối hợp cùng huyện Lộc Bình tập trung cao độ, đặt kế hoạch công việc từng tuần cho việc hỗ trợ 154 hộ dân này để qua đó đảm bảo tiến độ công trình, đảm bảo tài sản tính mạng của người dân trước mùa mưa lũ.

Về mặt nguồn vốn đối ứng 50% cho dự án, Phó Chủ tịch phụ trách UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu cho biết, 80% ngân sách của Lạng Sơn vẫn là trợ cấp từ Trung ương, năm 2020 lại ảnh hưởng do Covid-19 nên nguồn thu giảm trên 500 tỷ đồng từ xuất nhập khẩu hàng hóa.

Trong khi đó nguồn vốn Bộ NN-PTNT cấp cho dự án hiện vẫn chưa giải ngân hết nên tỉnh Lạng Sơn đề nghị Bộ NN-PTNT hỗ trợ chia sẻ thêm với tỉnh Lạng Sơn trong giai đoạn khó khăn này.

Hồ chứa nước Bản Lải đã hoàn thành mẻ bê tông đầm lăn cuối cùng ngày 10/6. Ảnh: Nguyên Huân.

Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp chia sẻ, Bộ NN-PTNT cảm ơn tỉnh Lạng Sơn đã phối hợp, hỗ trợ tốt với Bộ NN-PTNT trong thời gian vừa qua, đặc biệt tại Dự án hồ Bản Lải, bởi đây là một trong những dự án đạt chất lượng cao của Bộ NN-PTNT khi hoàn thành vượt tiến độ 8 tháng.

Do đó, Bộ NN-PTNT đồng ý cấp bổ sung thêm 100 tỷ cho tỉnh Lạng Sơn trên tổng số gần 200 tỷ đối ứng của tỉnh cho dự án hồ Bản Lải để hoàn thành sớm công tác di dân, giải phóng mặt bằng bởi đây là việc làm khó khăn, vất vả, phức tạp và tốn nhiều thời gian nhất.

“Mua khô 2020 năm nay, tháng 11, cùng lắm là tháng 12 phải hoàn thành để chặn dòng tích nước. Còn tích nước bao nhiêu phụ thuộc vào tỉnh, nhưng mốc 305 là cực kỳ quan trọng. Mốc tiếp theo là 315 là nước ra tràn xả lũ. Mục tiêu lớn nhất của hồ Bản Lải là cắt lũ cho TP. Lạng Sơn nên phải đạt được mục tiêu này trong năm 2020 này", Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp yêu cầu.

Thứ trưởng đề nghị tỉnh Lạng Sơn ngày 20/7 phải trả xong tiền đền bù cho 154 hộ dân dưới cao trình 305. Từ 20/7 đến ngày 20/10 phải cố gắng xử lý xong tái định cư, chỗ ở mới cho các hộ còn lại.

Phải có kế hoạch chi tiết cho việc xử lý lòng hồ, đề phòng thời tiết bất thường, dị thường ảnh hưởng tới khu vực lòng hồ. Phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân hiện vẫn còn đang trong khu vực lòng hồ.

Với công trình thủy điện Trường Thịnh Bản Lải gắn với dự án, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp yêu cầu dứt khoát, nếu tiến độ tiếp tục chậm báo cáo Bộ NN-PTNT, nếu ngày 20/6 xong hay không xong kênh dẫn dòng của thủy điện chúng ta cứ tiến hành làm bình thường.

Thứ trưởng cũng đồng ý làm hoàn trả đường TL 237 và đề nghị địa phương tính toán thời gian phù hợp với tiến độ thi công trên công trường để tránh phải hoàn trả hai lần và phù hợp quy hoạch địa phương và đảm bảo được kinh phí, cố gắng Tết này bà con nhân dân có đường mới.

Nguyên Huân

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/cuoi-nam-2020-phai-hoan-thanh-chan-dong-tich-nuoc-ho-ban-lai-d266104.html