Cuối năm 2018, ước tính tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn dưới 6%

Tại phiên họp thứ 27 diễn ra sáng 17-9, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe và thảo luận về Báo cáo kết quả 2 năm thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020 (giai đoạn 2017-2018).

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã nghiêm túc chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao theo Nghị quyết 76/2014/NQ13 của Quốc hội về tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm nghèo đến năm 2020; các bộ, ngành, địa phương đã tích cực, chủ động thực hiện các nhiệm vụ được giao; khuôn khổ văn bản pháp lý để triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững cơ bản đã được hoàn thiện; cơ chế quản lý điều hành, phân công phân cấp, phối hợp, lồng ghép trong tổ chức thực hiện đã từng bước được hình thành và đi vào nền nếp; nhiều mục tiêu đề ra trong Nghị quyết đã được tổ chức thực hiện đạt và vượt tiến độ đề ra.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quốc hội.

Qua tổ chức thực hiện, nhiều mục tiêu đề ra trong Nghị quyết đã đạt và vượt tiến độ đề ra. Giai đoạn 2015-2017, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm 1,59%/năm, đạt vượt so với mục tiêu đề ra là từ 1-1,5%/năm. Cùng với việc giảm số hộ nghèo chung giai đoạn 2015-2017, tỷ lệ số hộ nghèo thiếu hụt đa chiều cũng có xu hướng giảm trong tổng số tỷ lệ hộ nghèo chung. Ước tính đến cuối năm 2018, tỷ lệ nghèo cả nước còn dưới 6%, giảm khoảng 1-1,3% so với đầu năm 2018, trong đó, tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm trên 4%.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thừa nhận, một số nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết 76 chưa đạt tiến độ quy định, việc chuyển đổi phương thức hỗ trợ người nghèo từ hỗ trợ cho không sang hỗ trợ có điều kiện, có thời hạn triển khai còn chậm; nguồn lực đầu tư cho các địa bàn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, vùng đồng bào dân tộc và miền núi tuy đã được ưu tiên nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu; các chính sách giảm nghèo đã được tích hợp bước đầu nhưng vẫn còn dàn trải, thiếu tính hệ thống; kết quả giảm nghèo chưa bền vững, nhất là khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc, vùng thường xuyên bị thiên tai, lũ lụt.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành phiên họp. Ảnh: Quốc hội.

Đại diện cơ quan thẩm tra Báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh khẳng định: Thường trực Ủy ban cơ bản tán thành với các đánh giá của Chính phủ về những kết quả quan trọng đạt được trong thực hiện 8 nhiệm vụ về đẩy mạnh giảm nghèo bền vững trong 2 năm (2017 - 2018).

Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh cho hay, Thường trực Ủy ban thống nhất với đánh giá của Chính phủ về những kết quả quan trọng trong thực hiện chỉ tiêu giảm nghèo và hạn chế tái nghèo. Đó là: Hết năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn 6,7% (giảm 1,53% so với cuối năm 2016); ước đến cuối năm 2018 còn dưới 6% (giảm khoảng 1,0-1,3% so với năm 2017); tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo giảm bình quân 5,43%/năm; tại các xã thuộc Chương trình 135 giảm khoảng 3-4%/năm, đạt mục tiêu về giảm tỷ lệ hộ nghèo hằng năm theo Nghị quyết 142/2016/QH13. Tình trạng tái nghèo được kiềm chế và có xu hướng giảm tích cực, tỷ lệ tái nghèo trung bình cả nước giảm từ 0,13% (năm 2016) xuống 0,10% (năm 2017); bên cạnh 10 tỉnh, thành phố duy trì được tình trạng không tái nghèo, một số tỉnh thuộc khu vực khó khăn đạt thành tích ấn tượng trong kéo giảm tỷ lệ tái nghèo.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh đánh giá, thành quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững. Cụ thể, đến tháng 3-2018, tuy đã có 8/64 huyện 30a được công nhận thoát nghèo; 14/30 huyện hưởng cơ chế 30a thoát khỏi tình trạng khó khăn nhưng lại có thêm 29 huyện thuộc 18 tỉnh được xét bổ sung vào danh sách huyện nghèo giai đoạn 2018 - 2020. Tốc độ giảm nghèo không đồng đều giữa các vùng, miền; khu vực các huyện nghèo nhiều nơi tỷ lệ hộ nghèo vẫn trên 50%, một số nơi trên 60%; xu hướng gia tăng khoảng cách giàu - nghèo ngày càng rõ rệt. Hết năm 2017, cả nước còn tới 30.012 hộ người có công với cách mạng thuộc diện hộ nghèo, chiếm tới 1,8% hộ nghèo cả nước, trong đó tập trung tới 38% tại khu vực miền núi Đông Bắc.

Cơ bản tán thành với những nguyên nhân khách quan dẫn đến tái nghèo và phát sinh hộ nghèo mới như trong Báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh đề nghị cần quan tâm đánh giá thêm một số nguyên nhân chủ quan như tình trạng không muốn thoát nghèo để duy trì các chính sách có tính chất bao cấp; chưa kịp thời chuyển đổi chính sách để khắc phục sự ỷ lại của một bộ phận hộ nghèo; hiệu quả của việc nhân rộng các mô hình sinh kế còn hạn chế…

Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh cũng cho rằng chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo vẫn còn một số bất cập như: Mức vay, lãi suất, thời hạn cho vay chưa phù hợp đối với một số ngành nghề sản xuất và một số vùng trồng cây công nghiệp; chưa kết nối sản xuất với thị trường hàng hóa, một bộ phận người nghèo sử dụng vốn vay chưa đúng mục đích, chưa hiệu quả.

Phát biểu thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều chung nhận định, việc thực hiện chỉ tiêu giảm nghèo và hạn chế tái nghèo tuy đạt kết quả tích cực song chưa thực sự bền vững, chưa đồng đều và làm chậm; tỷ lệ tái nghèo, hộ nghèo phát sinh cao, không hợp lý giữa các vùng miền. Các ý kiến đề nghị cần đánh giá liệu chính sách có đến đúng đối tượng, đúng mục đích đặt ra hay không và lưu ý các địa phương phải nhận diện chính xác, công bằng tình trạng nghèo và các hộ nghèo; đồng thời thống nhất xây dựng bộ tiêu chí để phân định vùng nghèo, địa phương nghèo, phù hợp đặc điểm kinh tế, xã hội và địa lý tự nhiên.

Kết luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: Giảm nghèo không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước, Chính phủ hay bất cứ một bộ, ngành, cơ quan, tổ chức nào. Đó là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước và xã hội. Trong hai năm tới, cả nước phải có trách nhiệm chăm lo cho 1,8% đối tượng gia đình chính sách. Đây là nhiệm vụ trọng tâm trọng điểm cần tập trung thực hiện. Quốc hội sẽ tiến hành giám sát tối cao và tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13 về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020.

THẢO NGUYỄN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc-su-kien/cuoi-nam-2018-uoc-tinh-ty-le-ho-ngheo-ca-nuoc-con-duoi-6-549738