'Cười chảy nước mắt' với loạt phát minh hài hước nhất tại giải Ig Nobel

Ig Nobel được biết tới là giải thưởng nhái lại giải Nobel hay còn gọi vui là 'Nobel phiên bản lỗi'. Điều thu hút của giải thưởng này là nó diễn ra gần với thời gian giải Nobel chính thức được công bố. Với mục đích 'đầu tiên làm con người cười, sau đó làm họ suy nghĩ', các nghiên cứu khoa học thắng giải đều hết sức hài hước, kì quặc, thậm chí có phần hoang tưởng và nhảm nhí. Chắc chắn những phát minh sau đây sẽ khiến bạn phải 'há hốc mồm' vì sự điên rồ vượt ngoài sức tưởng tượng.

Ig Nobel Sinh sản: Giới tính của chuột thay đổi khi được mặc quần

Đây là phát minh kì lạ đã thắng giải tại hạng mục Ig Nobel Sinh sản năm 2016 của Tiến sĩ Ahmed Shafik – nhà tiết niệu học người Ai Cập. Để đưa ra kết luận này, ông đã kiên trì tiến hành thí nghiệm trên 75 con chuột trong vòng 1 năm, bằng cách cho chúng mặc quần được làm từ vải chất liệu polyester, cotton, len, chất liệu tổng hợp và có khoét lỗ ở đuôi.

Chuột mặc quần khiến giới tính trở nên linh hoạt

Chuột mặc quần khiến giới tính trở nên linh hoạt

Trong suốt quá trình theo dõi các con chuột, Tiến sĩ Ahmed Shafik đã phát hiện ra rằng, loại quần được may từ vải chứa chất sợi polyester sẽ kém hấp dẫn con cái hơn so với con đực mặc quần bằng vải sợi len hay cotton. Điều này chứng tỏ những chiếc quần đã làm giảm sút mức độ hoạt động tình dục của loài chuột.

Lý giải cho kết quả của mình, Tiến sĩ Ahmed Shafik nhận định có thể là do việc giảm trường tĩnh điện ở xung quanh bộ phận sinh dục của chuột gây ra. Được biết, Ahmed Shafik đã từng công bố phát hiện này của mình vào năm 1993 trên tạp chí European Urology.

Ig Nobel Vật lý: "Mèo vừa là vật rắn, vừa là chất lỏng?"

Nhà khoa học người Pháp Marc - Antonie Fardin đến từ Đại học Lyon chính là chủ nhân của giải thưởng Ig Nobel Vật lý năm 2017. Ông đã sử dụng các kiến thức liên quan đến động lực học chất lỏng để giải quyết thắc mắc rằng: "Mèo có thể vừa là chất rắn, vừa là chất lỏng hay không?", sau khi ông thấy loài thú cưng này có thể thích ứng với mọi dạng vật chứa đựng nó.

Mèo như một chất lỏng kì diệu khi chui vừa khít vào bình

Sau quá trình nghiên cứu miệt mài thì kết quả cuối cùng rút ra là con mèo vừa có thể là chất rắn, vừa có thể là chất lỏng, phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể.

Con mèo trong một hộp nhỏ sẽ giống như chất lỏng khi thích ứng vừa khít với khoảng không xung quanh. Khi bỏ mèo trong bồn tắm chứa đầy nước thì nó lại cố gắng làm giảm tới mức tối đa diện tích tiếp xúc của cơ thể với nước, giống đặc tính của chất rắn.

Ig Nobel Kinh tế: Giữ một con cá sấu bên mình có thể khiến bạn mê bài bạc

Các nhà khoa học Australia đã có một phát hiện khá thú vị về mối liên quan giữa việc nuôi một con cá sấu sống với việc ham chơi đánh bài ở con người. Đây cũng chính là công trình nghiên cứu khoa học đã đoạt giải Ig Nobel Kinh tế năm 2017.

Đừng nên nhận nuôi cá sấu nếu bạn đang muốn từ bỏ bài bạc và cá độ

Nhóm nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu một nhóm người sở hữu những con cá sấu dài gần 1 m. Kết quả cho thấy, trạng thái thức tỉnh suốt ngày được gây ra bởi việc giữ cá sấu làm tăng nguy cơ sa vào bài bạc của con người, miễn là những người này không ghét việc sở hữu động vật.

Nghiên cứu này cũng dựa trên những ý tưởng trước đó về cảm giác thức tỉnh có tác động đến việc đánh bài, bạc hay không.

Ig Nobel Kinh tế: Đi tìm "cá tính" cho những viên đá

Bộ ba nhà nghiên cứu Mark Avis, Sarah Forbes và Shelagh Ferguson (gồm 2 người New Zealand và 1 người Anh) đã xuất sắc nhận được giải thưởng Ig Nobel Kinh tế năm 2016 vì đã tìm kiếm thành công “cá tính” cho những viên đá từ góc độ bán hàng.

Những viên đá có thể tìm thấy sự "cá tính" của chính mình

Họ đã dày công tìm hiểu quan niệm quảng bá cá tính của sản phẩm có ảnh hưởng thế nào đến các mẩu đá.

Nghiên cứu cho thấy, khi một người tiếp xúc với viên đá, họ có thể tạo ra những đặc tính con người cho viên đá đó. Kết luận được đưa ra là, quan niệm cá tính trong sản phẩm phải được tiếp cận theo cách cẩn thận hơn vì đến đá còn bị tác động.

Ig Nobel Vật lý: 21 giây là thời gian đi tiểu trung bình của mọi loài động vật có vú

Phát minh kì quặc này là của Patricia Yang thuộc Viện công nghệ Georgia, Mỹ. Nhóm nghiên cứu đã chiến thắng hạng mục Ig Nobel Vật lí năm 2015.

Nếu muốn tìm hiểu xem những loài động vật khác, ví dụ như chó, mèo, gà… phải mất bao nhiêu lâu để đi tiểu thì đây chính là câu trả lời dành cho bạn.

21 giây là khoảng thời gian hợp lí để chó giải quyết nỗi buồn

Nhóm nghiên cứu của Yang nhận thấy tất cả các loài động vật có vú với cân nặng trên 3 kg đều mất cùng một khoảng thời gian để đi tiểu là 21 giây.

Giải thích cho kết luận này, Yang cho biết, các loài động vật nhỏ có thể có bàng quang bé hơn, nhưng cách đi tiểu của chúng có phần chậm rãi và nhỏ giọt hơn. Trong khi đó, những loài động vật lớn thì thường “ồ ạt và tuôn trào” mạnh mẽ mỗi khi giải quyết nỗi buồn.

Ig Nobel có đơn thuần là giải thưởng chỉ để gây cười?

Ig Nobel – đọc lái là Ignoble, có nghĩa là vô bổ, không dùng được vào việc gì. Giải thưởng này ra đời lần đầu tiên vào năm 1991. Đây được gọi là “phiên bản lỗi” của giải Nobel và thường được tổ chức trao giải vào đầu mùa thu hàng năm, rất gần với thời gian giải Nobel "xịn" diễn ra.

Mục đích chính của Ig Nobel bao giờ cũng là tạo ra một không khí vui tươi, thoải mái nhằm khuyến khích các nhà nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, về ý nghĩa sâu xa hơn, Ig Nobel nhắm đến các thành tựu khoa học “làm con người cười, sau đó làm họ phải suy nghĩ”.

Đa số giải Ig Nobel khi vừa công bố khiến ai cũng phải bật cười, nhưng nếu ngẫm nghĩ kĩ thì lại cảm thấy những phát minh “phi khoa học” ấy lại rất “khoa học”.

Đáng chú ý, không ít các nhà khoa học vừa đoạt giải Nobel nhưng năm sau lại nhận thêm giải Ig Nobel hay ngược lại. Như vậy, có thể thấy ranh giới giữa khoa học và phi khoa học chỉ cách nhau gang tấc.

Phần thưởng của giải đôi khi là sự chỉ trích gián tiếp nhưng phần lớn thu hút sự chú ý là các công trình nghiên cứu khoa học mang tính chất hài hước, độc đáo và kì quặc đến nhảm nhí.

Lan Ngọc (Tổng hợp)

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/doi-song/cuoi-chay-nuoc-mat-voi-loat-phat-minh-hai-huoc-nhat-tai-giai-ig-nobel/828313.antd