Cưỡi bè vượt sông trên 'dốc cổng trời'

Cái tên 'dốc cổng trời' đã gợi lên trong suy nghĩ của nhiều người với sự trắc trở, khó khăn nhưng cũng lắm mơ màng, kỳ vĩ… 'Dốc cổng trời' là tên của thôn Ea Rớt (xã Cư Pui, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk) để người dân và khách phương xa không quên bởi sự vất vả, chia cắt bên ni bên nớ mỗi khi mùa lũ về.

Để vào "cổng trời" Ea Rớt, người dân buộc phải di chuyển qua những khúc sông nguy hiểm.

Vào "dốc cổng trời"

Vào một ngày giữa tháng 6, chúng tôi vượt hàng trăm km trên con đường đất đỏ để về thôn Ea Rớt. Đường lên "dốc cổng trời" toàn đá sỏi, dốc cao tức ngực khiến các thành viên trong đoàn nhiều phen toát mồ hôi. Đường lên "cổng trời" Ea Rớt buổi sớm mai nắng nhẹ dịu; vài tán cây cổ thụ lây mình rơi những giọt sương mai tí tách... Rừng già nối rừng già, dốc cao thăm thẳm... Mãi trưa, những thửa ruộng xanh tốt, những ngôi nhà chênh vênh ngả lưng dựa núi hiện rõ trong màng sương khiến các thành viên trong đoàn ai nấy phấn chấn, nhanh bước.

Vàng Seo Măng, trưởng thôn Ea Rớt là một trong số ít người nói sỏi tiếng kinh - nói với chúng tôi nửa đùa nửa thật: "Các anh chị lên "cổng trời" vào đầu mùa mưa thì còn có đường về. Lỡ lên vào mùa mưa lũ chia cắt, không khéo mọi người phải sống hàng tuần cùng với dân bản chúng tôi?"
Dẫn đoàn đi thăm các nhà trong thôn, Vàng Seo Măng cho biết, nếu tìm hiểu về khó khăn ở Ea Rớt thì có kể với đoàn công tác chúng tôi cả ngày những thiếu thốn như đói nghèo, hủ tục... cũng không xuể.

Đường đi lại ở “dốc cổng trời” nhiều đoạn khó khăn.

Nhìn những đứa trẻ ríu rít đi học, bà con lặng lẽ lên rẫy trong buổi sáng đẹp trời, Vàng Seo Măng nhớ lại: Cách đây nhiều năm, đồng bào người Mông ở các tỉnh phía bắc bởi cuộc sống khó khăn nên di cư vào khu vực thôn Ea Rớt để sinh sống. Thuở ban đầu, khu vực này là một vùng rừng rộng lớn, tách biệt với thế giới bên ngoài. Trẻ con không được đến trường, người lớn lầm lũi trồng cây ngô cây bắp kiếm sống qua ngày. Hồi đó, bà con sống trong tăm tối; thiếu ánh điện, không hộ khẩu, chứng minh nhân dân...

“So với trước, Ea Rớt bây giờ đã thay đổi nhiều. Trẻ con trong thôn cũng đã được đi học, người dân giờ đã có chứng minh, được đi bầu cử như một công dân bình thường” – Vàng Seo Măng chia sẻ.

Khó khăn bởi cái đói nghèo thì người dân Ea Rớt còn động viên nhau vượt qua nhưng Vàng Seo Măng thừa nhận, do yếu tố địa hình chia cắt trung tâm xã với thôn nên đến giờ việc di chuyển luôn là nỗi ám ảnh của người dân.

“Vào ngày nắng, dòng suối mà người dân thường hay qua lại ngập từ 3-4 mét nhưng mưa xuống nước ngập sâu từ 7-8m. Suối chia cắt, nước lũ dâng cao nhưng chúng tôi phải cắn răng sử dụng bè tạm để di chuyển vật liệu, đưa trẻ con đến trường– Vàng Seo Măng kể.

Dẫn chúng tôi đến một số khúc sống hiền hòa, bờ bên này cách bờ bên kia áng chừng 20 mét, Vàng Seo Măng kể, vào mùa khô nước sông nhìn êm ả, vậy nhưng mưa lũ thì thôn gần như biệt lập với bên ngoài. Trời mưa tầm tả hằng tuần, dân trong thôn chỉ biết vào rừng tìm măng, đào củ mài cầm cự qua ngày. Lắm lúc cái đói quặn thắt, vài nhóm thanh niên liều mình vượt dòng nước lũ tìm lương thực cho bà con...

Người dân làm bè để vượt sông.

Nhắm mắt qua sông

Chúng tôi gặp anh Vàng Seo Dế (25 tuổi, thôn Ea Rớt) từ rẫy bên kia vượt bè về nhà. Nhìn chiếc bè mà Vàng Seo Dế vượt sông với dây thừng buộc tạm 2 bến sông mới thấy hết những rủi ro tiềm ẩn đối với người dân nơi đây. Vàng Seo Dế cuối thấp người phía trước, hai gối gập làm điểm tựa, chiếc bè ghép bởi 2 thùng phuy chồng chành giữa dòng, lầm lũi đưa người qua sông.

Chuyến vượt sông mất nhiều sức lực nên khi vào bờ, Vàng Seo Dế ngồi phịch xuống đất nghỉ lấy sức. Vàng Seo Dế kể, nhà anh có 1 ha trồng mì bên kia dòng suối. Mỗi ngày vợ chồng anh đều phải di chuyển bằng bè để qua đây. Mùa nắng nước cạn nhưng khi mưa xuống hai bên bờ cách nhau từ 50-70m, sâu từ 7-8m nên trở nên rất nguy hiểm.

“Tôi có 3 người con nhỏ nên những hôm đi làm không có ai trông nom thì vợ chồng tôi mang các con theo. Phải đi trên chiếc bè tạm bợ vượt qua dòng nước dữ mà không có bất kì thiết bị cứu trợ nào khiến chúng tôi rất lo lắng. Sợ lắm cảm giác bè chao đảo giữa dòng nước nhưng vì cuộc sống nên chúng tôi đành nhắm mắt qua ngày”, anh Dế tâm sự.

Tôi còn gặp chị Hầu Thị Dua (28 tuổi) trên chuyến bè từ rẫy về cùng Vàng Seo Dế. Kể về những hiểm nguy khi vượt sông bằng bè, Hầu Thị Dua thoáng rùng mình, ám ảnh bởi mới đây, khi vượt sông, chị và đứa con hơn 1 tuổi bị rơi tỏm dưới suối, khiến chị Hầu Thị Dua mãi không quên. “3 tháng trước, trong khi đi làm rẫy tôi địu con nhỏ mới hơn 1 tuổi theo cùng. Khi 2 mẹ con cùng một số người dân lên bè đi được một đoạn thì chiếc bè chao đảo, sau đó toàn bộ người và hàng hóa rơi hết xuống suối. Lúc đó tôi chỉ biết kêu cứu, may mắn chồng tôi nghe được nên nhảy xuống đưa 2 mẹ con lên bờ an toàn. Sau lần đó, tôi cẩn thận hơn, khi nào bè đông người thì đợi đi chuyến sau, chứ không mạo hiểm mạng sống nữa”, chị Dua nhớ lại.

Ông Nguyễn Văn Tâm - Chủ tịch UBND xã Cư Pui cho biết, hiện nay trên địa bàn thôn Ea Rớt có khoảng 173 hộ với hơn 1.000 nhân khẩu, trong đó toàn bộ là đồng bào người Mông. Ông Tâm cho biết, khoảng 2 năm trở lại đây nhiều tuyến đường trên địa bàn thôn Ea Rớt bị ngập sâu từ 4-8m nên người dân phải sử dụng bè để di chuyển. Việc sử dụng bè di chuyển không những gây ảnh hưởng đến giao thương mà còn gây nguy hiểm cho những người dân nơi đây.

“Để giúp đỡ và đảm bảo an toàn hơn cho người dân trong mùa mưa bão, chính quyền địa phương đã trích kinh phí mua thùng phuy, dây thừng hỗ trợ người dân làm bè để di chuyển qua khu vực ngập nước” – ông Tâm nói và cho biết, những năm qua chính quyền địa phương thường xuyên kiến nghị lên cấp trên đề xuất khắc phục những điểm ngập nước giúp bà con yên tâm di chuyển trong mùa mưa lũ nhưng còn nhiều khó khăn bởi thiếu kinh phí. “UBND tỉnh Đắk Lắk đã phê duyệt dự án khắc phục 2 điểm bị ngập nước tại thôn Ea Rớt với tổng kinh phí gần 5 tỷ đồng, nhưng đến nay vẫn chưa triển khai được do chưa có vốn đầu tư. Chúng tôi mong muốn lãnh đạo cấp trên sớm xem xét, nghiên cứu và tháo gỡ khó khăn để sớm giải ngân vốn, xây dựng các dự án này để người dân an tâm sinh sống" - ông Tâm nói.

Lộc Bình

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/doi-song-xa-hoi/cuoi-be-vuot-song-tren-doc-cong-troi-615544.ldo