Cuộc xông đất bất đắc dĩ

Những ngày đầu năm mới, không chỉ có người dân ngại 'mắc mớ' đến pháp luật vì sợ 'dông' cả năm, mà chính những người lính hình sự cũng rất ngại khi phải 'xông đất' nhà dân trong hành trình truy xét thủ phạm gây trọng án. Nhưng tính chất công việc không cho họ cách lựa chọn nào khác. Đó là điều đã diễn ra trong cuộc điều tra vụ án mạng ở vùng công giáo đúng ngày mùng một Tết của cảnh sát hình sự quê lúa Thái Bình.

“Dấu hỏi” đầu xuân

Chiều mùng 1 tết Nguyên đán Đinh Dậu (28/1/2017), khi khí xuân đang tràn ngập làng quê Bắc bộ, người người hân hoan ra đường đi chúc Tết, thì cũng là lúc tin về vụ chết người bất thường được cấp báo đến trực ban hình sự Công an tỉnh Thái Bình. Dù đang Tết, nhưng ngay lập tức các đơn vị nghiệp vụ đã tập hợp lực lượng triển khai xuống hiện trường tiến hành các hoạt động cấp bách.

Bà Đinh Thị Lành (SN1952) sống độc thân được phát hiện đã tử vong trong căn nhà cấp 4 ở thôn Hanh Lập, xã Thái Thọ, huyện Thái Thụy. Trên người nạn nhân có 1 ổ cắm nối với dây điện. Nhìn qua ai cũng nghĩ bà Lành bị điện giật. Riêng lực lượng điều tra thì không dễ tin vào những thứ “đập vào mắt”. Quả nhiên qua khám nghiệm, phát hiện những tổn thương bất thường trên cơ thể.

Cán bộ, chiến sĩ Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an tỉnh Thái Bình giám định dấu vết vụ án.

Cán bộ, chiến sĩ Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an tỉnh Thái Bình giám định dấu vết vụ án.

Thượng tá Ngô Văn Đăng (Trưởng phòng Kỹ thuật hình sự) nhớ lại:“Khám ngoài phát hiện trên tử thi có 19 dấu vết, trong đó tại vùng cổ có một số dấu vết xây xát da bất thường. Chúng tôi nhận định các tổn thương này không thể hình thành do bị ngã, bởi vì chúng nằm sâu trong vùng cổ”.

Do đó, để xác định chính xác về nguyên nhân chết của nạn nhân, cần thiết phải giải phẫu tử thi. Tuy nhiên khó khăn lúc này là thân nhân gia đình bà Lành không đồng ý để bộ phận pháp y tiến hành khám. Hiện trường vụ việc xảy ra tại vùng công giáo, người dân không muốn có những tác động vào thi thể người đã khuất. Phải mất nhiều thời gian ban chỉ đạo cuộc điều tra mới thuyết phục được họ chấp nhận cho mổ tử thi xác định nguyên nhân chết.

Kết quả giải phẫu cho thấy, vùng đầu, cổ nạn nhân có nhiều vết thương bầm tụ máu, vùng ngực và bụng có nhiều đoạn xương bị gãy. Như vậy, đã có đủ căn cứ xác định nạn nhân chết do ngoại lực tác động làm tắc nghẽn đường thở và đã có án mạng xảy ra. Bổ sung cho nhận định này là kết quả khám nghiệm hiện trường. Tại chỗ lực lượng khám nghiệm đã tìm thấy trên mặt đất, cách vị trí tử thi nằm không xa có 1 chiếc khuyên tai bằng vàng. Ngoài ra còn 1 dấu vết màu nâu nghi là máu đã khô dính trên 1 bao thóc trong nhà nạn nhân.

“Phán đoán có thể trong khi bị hại, nạn nhân đã chống trả, cào cấu hung thủ. Nếu vậy thì tại các móng tay sẽ có các tế bào da của hung thủ. Đây là dấu vết sinh học đặc biệt quan trọng, giúp cho việc giám định, truy nguyên thủ phạm. Vì vậy, tôi đã chỉ đạo bộ phận pháp y tiến hành thu giữ mọi dấu vết, vi vết trên thi thể nạn nhân và hiện trường” - Đại tá Nguyễn Đình Trung - (nguyên Phó Giám đốc, Thủ trưởng cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Thái Bình) cho biết.

Những dấu vết này ngay sau đó đã được gửi về Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an để trưng cầu giám định.

“Xông đất” ngoài dự kiến

Trong lúc công tác khám nghiệm đang diễn ra thì hoạt động nắm tình hình vụ án được lực lượng điều tra triển khai song song. Nắm tình hình xác định bà Lành không có chồng, không con, sống độc thân trong ngôi nhà tình nghĩa rộng khoảng 20m, tính tình hiền lành, quan hệ tốt với hàng xóm láng giềng, chưa phát hiện có mâu thuẫn nổi với ai.

Vì nạn nhân thuộc diện nghèo của địa phương, không sở hữu tài sản có giá trị, hơn nữa quá trình khám nghiệm không phát hiện dấu vết cạy phá, lục soát… nên lực lượng phá án đã đặt ra 2 giả thuyết điều tra. Một là, đối tượng đột nhập vào nhà để trộm cắp tài sản, bị nạn nhân phát hiện nên ra tay “giết người diệt khẩu”, hai là án mạng do mâu thuẫn, thù tức cá nhân.

Đối tượng Dương Văn Thà tại cơ quan điều tra.

Để kiểm tra các giả thuyết này, hàng trăm cán bộ điều tra, trinh sát viên đã được huy động vào 3 tổ công tác, đồng loạt triển khai các biện pháp nghiệp vụ. Cùng với việc thu thập tin tức, nắm tình hình liên quan thì tất cả số đối tượng có tiền án, tiền sự với các tội giết người, trộm cắp, cướp, đối tượng ma túy, cờ bạc lô đề, thanh thiếu niên nghiện game… trên địa bàn xã Thái Thọ đều được đưa vào diện rà soát, xác minh việc sử dụng thời gian. Bên cạnh đó, các mối quan hệ của nạn nhân, bao gồm quan hệ với láng giềng, làm ăn buôn bán, tình cảm và cả quan hệ trong họ mạc, nội tộc cũng được kiểm tra để tìm thông tin liên quan.

Vì đang trong Tết nên việc tiếp cận người dân để lấy thông tin vô cùng khó khăn. Tâm lý bà con vào ngày đầu xuân không muốn có những “mắc mớ, rầy rà” với pháp luật, nên khi các trinh sát đến nhà hỏi han về sự việc hay căn vặn về hoạt động hiện hành, quan hệ với nạn nhân… thì nhiều người tỏ ra khó chịu, không muốn hợp tác. Hơn nữa, vào ngày đầu xuân việc người dân đi lại, thăm hỏi, chúc tụng ra vào địa bàn khá nhiều, gây khó khăn cho việc đánh giá diện hung thủ là người tại chỗ hay đối tượng “xuyên khe” - (từ địa bàn khác tới gây án).

Đó là những khó khăn rất đặc thù của công tác điều tra trọng án vào dịp đầu năm mới mà chính tôi cũng đã trải nghiệm trong những năm tháng làm CSHS. Nhưng rồi bằng quyết tâm không ra thủ phạm, không nghỉ tết, toàn thể lực lượng phá án đã vượt qua những trở ngại này.

Từ nhiều nguồn tin thu thập được, Ban chuyên án xác định loại trừ giả thuyết giết người cướp tài sản, mà tập trung truy xét theo giả thuyết giết người do mâu thuẫn, thù tức. Với đặc điểm nạn nhân đã già yếu, sống bằng trợ cấp của họ mạc, gia đình chứ không có buôn bán, làm ăn gì thì các mâu thuẫn (nếu có) chủ yếu sẽ xảy ra trong thôn xóm, thậm chí là với láng giềng sát vách. Việc định hướng hoạt động điều tra dựa trên các giả thuyết đúng, luôn là con đường ngắn nhất dẫn đến thủ phạm.

Thủ phạm lộ diện

Sau nhiều giờ rà soát, loại trừ hàng trăm đối tượng ra khỏi diện nghi vấn, cuối cùng cái tên Dương Văn Thà là hàng xóm sát vách với nhà nạn nhân đã lọt vào “tầm ngắm”.

Tại cơ quan điều tra, Thà một mực phủ nhận mọi liên quan đến cái chết của bà Lành, nại ra những chứng cứ về sự ngoại phạm của mình. Tuy nhiên, trên cánh tay đối tượng có 1 vết xước da. Khi bị hỏi bất ngờ về nguồn gốc của thương tích này, Thà khai là do ngã xe máy trong sáng mùng 1 Tết. Lời khai này được kiểm tra ngay lập tức, kết quả là những người dân ở quanh địa điểm Thà khai bị ngã xe đều cho biết họ không trông thấy việc đó. Lực lượng Kỹ thuật hình sự cũng đã nêu quan điểm chứng minh về thời gian hình thành vết xước da để bác bỏ lời khai của Thà về việc ngã xe.

Để có căn cứ vững chắc chứng minh sự liên quan của Thà đến vụ án, việc lấy mẫu máu của gã được tiến hành và gửi về Viện Khoa học hình sự để trưng cầu giám định. Sau nhiều giờ hồi hộp chờ đợi, cuối cùng kết luận giám định đã khiến toàn thể lực lượng phá án thở phào nhẹ nhõm, bởi vì kết quả phân tích ADN đã chỉ ra rằng tế bào lấy ra từ đầu móng tay của nạn nhân Lành chính là của Dương Văn Thà.

Với phương pháp, chiến thuật xét hỏi sắc sảo của các điều tra viên, cùng các chứng cứ vật chất được khoa học chứng minh, Thà đã phải khai nhận về tội ác của mình. Theo đó, trước Tết khoảng nửa tháng Thà đi xe máy ra ngõ gặp bà Lành đi bộ ở giữa đường nên đã bấm còi nhưng bà không tránh. Dù hai bên chỉ cự cãi nhau vài câu nhưng gã nuôi trong lòng sự hậm hực, tức tối.

Buổi trưa mùng một Tết nguyên đán Đinh Dậu, sau khi uống rượu ở nhà, nghĩ lại chuyện cũ Thà nổi giận. Gã đã lẻn sang nhà bà Lành (chỉ cách 1 bức tường), thấy chỉ có một mình bà cụ trong nhà, gã đã tiếp cận dùng tay bóp cổ rồi đập đầu bà cụ xuống đất cho đến khi nạn nhân tắt thở. Tiếp theo gã lấy ổ cắm điện đặt lên người bà Lành để đánh lạc hướng suy nghĩ rằng nạn nhân chết là do bị điện giật. Gây án xong, Thà nhanh chóng rời khỏi nhà nạn nhân và đi sang nhiều nhà hàng xóm chúc Tết để tạo chứng cứ ngoại phạm cho mình.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/truyen-thong/cuoc-xong-dat-bat-dac-di-i681206/