Cước vận tải giảm nhỏ giọt dù giá xăng giảm kỷ lục

Dù giá xăng dầu được điều chỉnh giảm lần thứ bảy liên tiếp từ đầu năm, xuống mức thấp kỷ lục nhưng hiện nay giá vận tải mới bắt đầu ỳ ạch giảm theo.

Hiện nay, giá bán lẻ xăng dầu trong nước đến đợt điều chỉnh giảm ngày 28-4, xăng E5 RON92 về mức tối đa 10.942 đồng/lít; RON95 là 11.631 đồng; dầu diesel không cao hơn 9.941 đồng. Mức giảm nhiên liệu đến 40%-49% so với đầu năm 2020 nhưng giá cước vận tải thì chỉ giảm một cách rất từ từ, nhỏ giọt.

Nơi giảm nhẹ, nơi không

“Đúng là có nhiều khách hàng thắc mắc khi xăng giảm quá trời mà thấy giá tiền không điều chỉnh. Cái này thật sự tài xế tụi tui cũng không biết giải thích sao, vì giá đặt app nó như vậy rồi. Mà đúng thật là không có giảm, tôi thấy cũng y như trước đây” - anh Thanh Bình, tài xế ô tô công nghệ tại TP.HCM, cho biết ngày 12-5.

Theo anh Bình, trước đây tiền xăng mỗi ngày anh phải đổ tới 250.000 đồng thì hiện nay con số này chỉ khoảng 150.000 đồng.

“Sau tết, đi từ Tô Hiến Thành (quận 10) lên vòng xoay Lăng Cha Cả (quận Tân Bình) hết hơn 40.000 đồng/chuyến (xe ô tô công nghệ), nay đi vẫn giá đó dù xăng giảm khá nhiều, không hiểu tính kiểu gì. Đây là cung đường thường xuyên tôi đi nên nhớ khá rõ giá cước” - anh Thanh Nhật, một hành khách, bức xúc.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV, ngoài các hãng xe công nghệ chưa có dấu hiệu điều chỉnh thì cước vận tải hàng hóa và taxi, hành khách đã bắt đầu giảm nhẹ ở mức trên dưới 10%.

Ông Nguyễn Ngọc Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ vận tải Kim Phát, cho biết đã giảm giá cước ở hầu như tất cả tuyến mà mình có vận chuyển hàng hóa ở mức 3%-10%. Thậm chí có những tuyến đặc thù Kim Phát giảm 15%, trước giá vận chuyển 160.000 đồng/tấn thì nay chỉ còn 135.000 đồng/tấn.

Với taxi, ông Tạ Long Hỷ, Giám đốc taxi Vinasun, cho biết quyết định giảm giá đã có từ ngày 8-5, sau khi lập trình đồng hồ xong đã bắt đầu giảm giá bình quân 1.500 đồng/km đối với tất cả loại xe bốn chỗ, bảy chỗ từ ngày 11-5. Như vậy, giá cước bình quân trong phạm vi 30 km đầu, taxi Vinasun bốn chỗ từ 15.500 đồng/km giảm xuống còn 14.000 đồng/km, taxi bảy chỗ từ 17.000 đồng xuống còn 15.500 đồng/km.

Tương tự, lãnh đạo taxi Hàng Không - Đà Nẵng cho hay đã giao kế toán rà soát, đề xuất phương án giá cước mới. Hiện giá cước của taxi Hàng Không - Đà Nẵng đang là hơn 16.000 đồng/km đối với xe bốn chỗ, hơn 17.000 đồng/km đối với xe bảy chỗ. Phương án mới mà taxi Hàng Không - Đà Nẵng đang tính toán là giảm 1.000-1.500 đồng/km.

Theo vị này, các hãng taxi khác tại Đà Nẵng cũng đang chuẩn bị trình phương án giá cước mới (theo hướng giảm) lên cơ quan chức năng. Dự kiến trong tuần này hoặc tuần sau, giá cước mới sẽ được áp dụng. “Hãng mình có 100 xe nhưng hiện chỉ hoạt động 30-40 xe thôi. Doanh thu cũng chỉ bằng 30% so với bình thường. Giá xăng giảm mạnh nhưng do dịch COVID-19 nên cũng không có khách mà chở” - vị này nói.

Trong khi đó, vận tải hành khách cũng mới bắt đầu giảm giá, như Công ty Thành Bưởi có nhiều chuyến xe đi TP.HCM - Đà Lạt, TP.HCM - Cần Thơ giảm mức mỗi chuyến khoảng 30.000 đồng.

Giá xăng giảm sâu nhưng giá cước vận tải ở một số đơn vị mới chỉ giảm nhỏ giọt. Ảnh: THU TRINH

Giá xăng giảm sâu nhưng giá cước vận tải ở một số đơn vị mới chỉ giảm nhỏ giọt. Ảnh: THU TRINH

Doanh nghiệp vận tải trước sức ép giảm giá

Trước vấn đề giá xăng giảm nhưng giá vé xe khách, giá vận tải chưa có dấu hiệu giảm tương xứng, một doanh nghiệp (DN) kinh doanh vận tải tuyến cố định miền Tây đi TP.HCM chia sẻ DN vừa trải qua một kỳ nghỉ dài do dịch COVID-19. Do đó “sức khỏe” kinh tế của DN hiện rất yếu, hơn nữa hiện nay nhu cầu đi lại của người dân không cao, số lượt khách cũng thấp hơn cùng kỳ nên việc giảm giá là rất khó.

“Lúc xăng giảm giá là lúc dịch COVID-19 đang hoành hành. Lúc này DN đã phải nghỉ chạy theo quy định của Nhà nước, đợt nghỉ dịch này chúng tôi thiệt hại khá nặng vì không có thu nhập. Đến nay chỉ mới hoạt động lại được một thời gian ngắn, chưa đủ để bù vào khoản thất thu của những ngày nghỉ vì dịch” - chủ một DN vận tải miền Tây bày tỏ.

“Cơ cấu nhiên liệu cho một chuyến vận chuyển thường chiếm 30%-40% tùy vào loại xe. Nếu 1 triệu đồng giá vận chuyển thì tiền dầu bình quân khoảng 350.000 đồng. Ví dụ, xăng dầu xuống 10% thì mình xuống tương đương 3%-3,5%, điều đó là hợp lý nhưng có người hiểu rằng nhiên liệu xuống 50% thì giá cước phải xuống tương đương như vậy, điều này là không thể” - ông Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ vận tải Kim Phát, phân tích.

Theo ông Thanh, ngoài chi phí xăng dầu thì còn chi phí cho tài xế, công nhân, vé cầu đường, phí BOT, vỏ xe, dầu nhớt vẫn giữ nguyên giá, không hề giảm nên cũng rất khó khăn cho DN vận tải hàng hóa, nhất là trong thời điểm dịch COVID-19.

Còn theo ông Bùi Danh Liên, Chủ nhiệm HTX vận tải Thăng Long, thời gian dịch bệnh, vận tải hành khách, hàng hóa giảm đến 90% khiến các tuyến vận tải tê liệt, doanh thu không có mà vẫn phải chi tiền lương cho người lao động. Hơn nữa, các loại phí bảo trì đường bộ, phí BOT, phí bến bãi vẫn không giảm nên khó càng thêm khó.

Ngoài ra, hiện các gói hỗ trợ có nhưng các DN vận tải chưa tiếp cận được, vẫn phải trả lãi suất ngân hàng cao, vẫn phải trả nợ vay đúng hạn. Theo ông Liên, sau khi được phép hoạt động trở lại, nhiều xe vẫn phải dừng chạy hay chạy cầm chừng vì nhu cầu đi lại của người dân chưa cao và tâm lý e ngại dịch bệnh. “Có những nhà xe nhận lệnh xuất bến nhưng xe nào cũng trống không. Nên nếu giảm giá cước lúc này thì chỉ có nước đóng cửa luôn. Các đơn vị vận tải chắc chắn sẽ giảm giá cước nhưng phải có độ trễ, vì hiện nay giá xăng dầu đã giảm thấp rồi” - ông Liên chia sẻ.

Rà soát kỹ trước khi giảm giá

Theo ông Mai Văn Tân, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Hậu Giang, vấn đề giảm giá cước, sở cũng đã có làm việc với các bên liên quan. Tuy nhiên, dù hiện nay đã cho phép các DN vận tải hoạt động lại, thế nhưng thông tin từ các đơn vị kinh doanh vận tải sau dịch COVID-19, số lượng hành khách chỉ bằng khoảng 1/3 so với trước dịch.

“Tình hình chung hiện nay là các DN vận tải than là dù hoạt động lại bình thường nhưng lượng hành khách còn thấp quá nên vẫn còn lỗ. Vì vậy, sở sẽ tiếp tục theo dõi, nếu có vấn đề gì mới sẽ có điều chỉnh cho phù hợp với thực tế” - ông Tân nói.

Ông Bùi Thanh Thuận, Phó Giám đốc Sở GTVT tp Đà Nẵng, cho hay đơn vị đã có định hướng cho các hãng taxi tiến hành rà soát các chi phí liên quan hiện tại. Từ kết quả rà soát, các hãng taxi chủ động đăng ký lại giá cước với Sở GTVT đúng quy định, theo hướng giảm giá cước phù hợp với giá xăng dầu đang giảm. Tuy vậy, sở cũng chỉ là đơn vị ra định hướng, việc giảm giá bao nhiêu tùy thuộc vào sự chủ động, thống nhất của các hãng taxi.

Ông Thuận cũng cho hay hiện tại Đà Nẵng đang có tám hãng taxi hoạt động với giá cước dao động từ 11.000 đến hơn 17.000 đồng/km, tùy theo xe bốn chỗ hay bảy chỗ. Việc Hiệp hội Taxi Đà Nẵng thời gian qua khuyết chủ tịch đã phần nào ảnh hưởng đến các quyết định chung.

Trả lời trên truyền hình vào tuần trước, ông Trần Quang Bình, Vụ trưởng Vụ Vận tải - Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cho rằng theo Luật Giá thì không quy định giá cước vận tải thuộc điều chỉnh giá, quản lý giá của Nhà nước, cho nên điều này là hoàn toàn theo cung cầu thị trường.

Ông Bình cho biết người dân cũng đặt câu hỏi vì sao giá xăng giảm như thế mà cước vận tải không giảm nhưng cả tháng qua các DN vận tải cũng lao đao vì dịch COVID-19 và kiến nghị Nhà nước trợ giúp rất nhiều thì bây giờ hoạt động lại, các DN giảm giá theo đúng thị trường thì cũng cần cân nhắc.

Cơ quan quản lý cần có chính sách miễn giảm các loại phí để hỗ trợ DN vận tải vượt qua khó khăn như phí bảo trì đường bộ, phí BOT… Chúng tôi tin rằng sẽ có một số hãng thời gian tới tiếp tục giảm cước, dù giảm thì phần lợi nhuận sẽ bị ảnh hưởng nhưng giảm là chia sẻ với người dân.

Ông BÙI DANH LIÊN, Chủ nhiệm HTX vận tải Thăng Long

Dù xăng giảm sâu nhưng xăng chỉ chiếm 1/3 giá thành, nó không quyết định tất cả. Tôi nghĩ mức giảm hiện nay là đã rất sát với giá vốn. Hiện Hiệp hội Taxi TP.HCM cũng gửi kiến nghị tới nhiều cơ quan chức năng về các biện pháp tháo gỡ khó khăn trong thời gian hiện nay như giảm VAT, giảm thu nhập DN, phí cầu đường thu qua đầu phương tiện…

Ông TẠ LONG HỶ, Giám đốc taxi Vinasun

______________________

Kỳ sau: Giải pháp nào để hạ giá vận tải?

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/do-thi/giao-thong/cuoc-van-tai-giam-nho-giot-du-gia-xang-giam-ky-luc-912102.html