Cuộc vận động 'Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam': Lan tỏa rộng khắp và mạnh mẽ

Sau 11 năm triển khai, Cuộc vận động 'Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam' (Cuộc vận động) đã giúp nhiều ngành hàng như dệt may, thực phẩm, thủy sản… tăng dần tỷ lệ nội địa hóa; tạo lập nền tảng cho doanh nghiệp 'chắc chân' tại thị trường trong nước, từ đó cải thiện năng lực xuất khẩu.

Thay đổi nhận thức tiêu dùng

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, sau 11 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động tới nay, hàng Việt tại các hệ thống siêu thị trong nước luôn đạt tỷ lệ từ 90% trở lên. Đối với kênh bán lẻ truyền thống, tỷ lệ hàng Việt tại các chợ, cửa hàng tiện lợi chiếm từ 60% trở lên. Đáng chú ý, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ từ năm 2009 đến nay đều có mức tăng trưởng khoảng 10% mỗi năm. Đặc biệt trong các năm 2018, 2017, 2016 tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ lần lượt ở các mức 11,7%, 10,9%, 10,2%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) từ mức lạm phát phi mã 19,8% năm 2008 đã giảm xuống mức dưới 5% trong các năm gần đây. Nền kinh tế chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu (năm 2010, Việt Nam nhập siêu là 12,5 tỷ USD; năm 2018, Việt Nam xuất siêu gần 7,2 tỷ USD).

Nhiều ngành như dệt may, chế biến thực phẩm, nông - thủy sản… đã tăng dần tỷ lệ nội địa hóa, giúp doanh nghiệp không chỉ tăng xuất khẩu mà còn chắc chân tại nội địa. Nhiều người tiêu dùng cho biết, nếu như cách đây 5 năm, họ thường tìm đến các sản phẩm Thái Lan, Nhật Bản… để mua sắm thì nay đã chuyển hướng qua dùng sản phẩm do doanh nghiệp trong nước sản xuất. Điều này xuất phát từ việc chất lượng sản phẩm đã được cải thiện hơn so với trước đây. Thêm vào đó, mẫu mã cũng khá đẹp, giá cả phù hợp.

Hàng Việt ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng

Hàng Việt ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng

Những kết quả trên cho thấy, chặng đường 11 năm thực hiện Cuộc vận động đã tạo được sự chuyển biến tích cực ở cả người tiêu dùng lẫn người sản xuất. Đặc biệt, đầu năm 2020, dịch Covid-19 lan rộng trên toàn cầu, nhiều doanh nghiệp bị đứt gãy thị trường xuất khẩu và nguồn nguyên liệu, các đơn hàng bị ngừng trệ. Song với quy mô gần 100 triệu dân, thị trường nội địa đã trở thành bệ đỡ cho doanh nghiệp khai thác, vượt qua khó khăn, đưa kinh tế tăng trưởng.

Cụ thể, trong 9 tháng năm 2020, bất chấp dịch bệnh diễn biến phức tạp, xuất khẩu nhiều ngành hàng bị sụt giảm, song tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng nội địa vẫn đạt 3.673,5 nghìn tỷ đồng, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa 9 tháng đạt 2.907,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 79,1% tổng mức và tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước. Đây là kết quả đáng khích lệ, có sự đóng góp không nhỏ của Cuộc vận động.

Đẩy mạnh hỗ trợ

Dù vậy, với sự hội nhập sâu rộng của Việt Nam khi tham gia hàng loạt Hiệp định thương mại thế hệ mới (FTA) như Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA)… Việt Nam sẽ mở cửa hoàn toàn thị trường.

Xác định nguồn vốn là yếu tố quan trọng cho sự phát triển của doanh nghiệp trong giai đoạn mới, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, đặc biệt là nhỏ và vừa dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn chi phí thấp, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đơn cử, doanh nghiệp có hồ sơ và tình hình tài chính minh bạch, được kiểm toán bởi những tổ chức có uy tín, VietinBank có thể áp dụng chính sách cho vay không có tài sản đảm bảo hoặc chỉ yêu cầu một tỷ lệ tài sản bảo đảm nhất định. Những doanh nghiệp không kiểm toán báo cáo tài chính hàng năm, tùy điều kiện sẽ có thể được vay với tỷ lệ không có bảo đảm tối đa 35% trên tổng nhu cầu vốn vay.

Để tiếp tục hỗ trợ cho doanh nghiệp, Bộ Công Thương đang tập trung phát triển mạnh thị trường trong nước, thực hiện có hiệu quả các giải pháp kích thích tiêu dùng nội địa, đẩy mạnh phong trào “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; đồng thời triển khai Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19… Bên cạnh đó, tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, xử lý hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, góp phần nâng cao chất lượng Cuộc vận động.

Theo kết quả điều tra dư luận xã hội năm 2019 của Viện Nghiên cứu dư luận xã hội (Ban Tuyên giáo Trung ương), 67% người được hỏi cho rằng, kể từ khi có Cuộc vận động, bản thân họ đã tự xác định khi mua hàng sẽ ưu tiên dùng hàng Việt Nam; 52% khuyên người thân trong gia đình, bạn bè, người quen nên mua hàng Việt Nam; 36% cho rằng trước đây có thói quen mua hàng có nguồn gốc từ nước ngoài đã dừng mua (hoặc mua ít hơn), thay vào đó là hàng Việt Nam.

Mai Ca

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/cuoc-van-dong-nguoi-viet-nam-uu-tien-dung-hang-viet-nam-lan-toa-rong-khap-va-manh-me-146304.html