Cuộc vận động cấm kinh doanh thịt chó ở châu Á

Thịt chó là món ăn bình dân, khoái khẩu của nhiều người dân châu Á, đặc biệt là ở các nước Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam. Nhưng trong những năm gần đây, cuộc vận động cấm kinh doanh thịt chó đang trỗi dậy mạnh mẽ trong khu vực và ngày càng có nhiều người xem hành động giết chó lấy thịt là quá độc ác đối với loài động vật gần gũi với con người nhất.

Các nhà vận động bảo vệ quyền lợi động vật trong một cuộc biểu tình phản đối giết chó lấy thịt. Ảnh: Stripes Korea

Kêu gọi cấm lễ hội thịt chó lớn nhất Trung Quốc

Cứ mỗi giây trôi qua, tại một nơi nào đó ở châu Á, lại có một con chó bị giết, rồi sau đó, bị lột da và đem nấu, để đáp ứng cơn ghiền thịt ở Trung Quốc và ở nhiều nước trong khu vực. Tính ra, có khoảng 30 triệu con chó bị giết lấy thịt mỗi năm ở châu Á.

Trung Quốc vẫn tổ chức lễ hội thịt chó hàng năm ở thành phố Ngọc Lâm, khu tự trị Quảng Tây bất chấp sự lên án của cộng đồng quốc tế. Tuần trước tại Bắc Kinh, Hội Nhân đạo quốc tế (HSI) đã công bố một bức thư có 235.000 chữ ký, kêu gọi cấm lễ hội thịt chó thường niên Ngọc Lâm diễn ra từ ngày 21 đến 30-6. Lá thư này được 87 tổ chức bảo vệ động vật ở Trung Quốc ký ủng hộ.

Thư nêu ra nhiều lý do để cấm lễ hội này, chẳng hạn: Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo kinh doanh thịt chó có thể làm lây lan bệnh dại và làm tăng nguy cơ mắc bệnh tả lên 20 lần; lễ hội thịt chó Ngọc Lâm không phải là lễ hội truyền thống vì chỉ mới xuất hiện vào năm 2010 do những người kinh doanh thịt chó khởi xướng để tăng lợi nhuận; kinh doanh thịt chó khiến nạn trộm cắp chó xảy ra tràn lan trên các đường phố và ngay cả ở nhà của người dân.

Các nhà vận động bảo vệ động vật thường đến lễ hội thịt chó Ngọc Lâm để mua lại những chú chó xấu số, giúp chúng thoát khỏi cảnh giết chóc. Song giờ đây, họ cảm thấy rằng cần vận động cho luật cấm kinh doanh thịt chó vì đây mới là giải pháp hiệu quả.

Qiao Wei, một nhà vận động bảo vệ động vật, nói: “Chúng tôi không hy vọng có thể thay đổi bằng cách đến Ngọc Lâm vì chỉ mua lại chó sẽ không giúp ích gì”.

Tại Trung Quốc, 20% dân số vẫn còn ăn thịt chó và nhiều người tin rằng thịt chó giúp bồi bổ sức khỏe. Mỗi năm, người dân Trung Quốc tiêu thụ khoảng 10-20 triệu con chó.

Trong suốt thời gian 10 ngày lễ hội thịt chó Ngọc Lâm diễn ra, khoảng 100.000 con chó sẽ bị giết thịt. Nhiều con chó trong số này bị nhốt trong lồng và được vận chuyển qua chặng đường dài trong nhiều ngày trước khi đến các lò mổ ở lễ hội.

Tòa án Hàn Quốc xem giết chó lấy thịt là phạm pháp

Một khách hàng dắt chó cưng đi mua thịt chó ở lễ hội thịt chó Ngọc Lâm, khu tự trị Quảng Tây, Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Gần đây, tòa án thành phố Bucheon (Hàn Quốc) đưa ra phán quyết xem hành động giết chó để lấy thịt là phạm pháp. Năm ngoái, tổ chức bảo vệ quyền lợi động vật Care, có văn phòng hoạt động ở Hàn Quốc và Mỹ, nộp đơn kiện một chủ trang trại nuôi chó lấy thịt ở thành phố Bucheon, cáo buộc người này “giết động vật mà không có lý do chính đáng”.

Hồi tháng 4-2018, tòa án thành phố Bucheon phán quyết rằng tiêu thụ thịt chó không phải là lý do hợp pháp để giết chó và phạt người chủ trang trại chó này 3 triệu won (2.700 đô la Mỹ). Phán quyết này chỉ mới được công bố chi tiết vào hôm 21-6.

Luật sư Kim Kyung-eun, đại diện cho Care, hoan nghênh phán quyết và nói rằng: “Ý nghĩa của phán quyết này nằm ở chỗ đây là lần đầu tiên có một phán quyết của tòa xem việc giết chó để lấy thịt là bất hợp pháp”. Bà cho rằng phán quyết tiền lệ này sẽ dọn đường cho việc cấm tiêu thụ thịt chó hoàn toàn.

Park So-youn, Chủ tịch Care, cho biết tổ chức của bà đang theo dõi các trang trại chó và các lò mổ chó khắp Hàn Quốc nhằm nộp các đơn kiện tương tự.

“Trải qua nhiều thập thập kỷ, cuộc bàn cãi của dư luận về việc tiêu thụ thịt chó giờ đây đã chuyển sang hướng cấm ăn thịt chó. Ngành kinh doanh thịt chó sẽ phải chịu sức ép chỉ trích lớn hơn sau phán quyết này”, Park So-youn nói.

Trong khi đó, Cho Hwan-ro, một đại diện của Hiệp hội các trang trại chó Hàn Quốc, nói: “Phán quyết này là quá đáng. Chúng tôi không thể chấp nhận phán quyết cho rằng giết chó để lấy thịt tiêu thụ là là hành động sát hại động vật bất thường”.

Cho Hwan-ro nói có khoảng 17.000 trang trại chó trên khắp đất nước Hàn Quốc. Ông kêu gọi chính phủ phải chính thức hợp pháp hóa tiêu thụ thịt chó và cấp giấy phép cho các lò mổ chó, “nếu không, chúng tôi sẽ chiến đấu đến cùng”.

Ông cho rằng chó nuôi lấy thịt và chó nuôi như thú cưng cần phải được tách biệt rạch ròi vì chúng thuộc các giống khác nhau, cho ăn theo chế độ khác nhau và được nuôi với mục đích khác nhau.

“Bò, heo, gà, vịt đều được nuôi để lấy thịt tiêu thụ, vậy tại sao chó lại không?”, ông cật vấn.

Tại Hàn Quốc, thịt chó vẫn được thiêu thụ như một món đặc sản vào mùa hè và nhiều người tin rằng thịt chó giúp tăng lượng cho cơ thể. Người Hàn Quốc không chỉ ăn thịt chó, họ còn nấu cao thịt chó để sử dụng như kem dưỡng da.

Theo hãng AFP, chỉ có khoảng 1 triệu con chó bị giết thịt hàng năm ở Hàn Quốc. Một cuộc khảo sát vào năm ngoái cho thấy 70% người Hàn Quốc không ăn thịt chó và khoảng 40% cho rằng cần phải cấm ăn thịt chó. Tuy nhiên, trong những năm qua, tiêu thụ thịt chó ở xứ sở kim chi đã giảm vì người Hàn Quốc ngày càng xem chó là người bạn thân thiết của con người thay vì một vật nuôi như gia súc.

Thế hệ trẻ Hàn Quốc giờ đây xem việc ăn thịt chó là điều cấm kị, trong khi đó, sức ép của các nhà vận động bảo vệ động vật ngày càng gia tăng.

Vào tuần trước, một nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ cầm quyền cũng đã giới thiệu ra Quốc hội Hàn Quốc một dự luật cấm giết chó lấy thịt.

Việt Nam có tỷ lệ người dân ăn thịt chó lớn nhất thế giới?

Hải quân Thái Lan đã tổ chức những cuộc tuần tra đặc biệt để ngăn chặn nạn buôn lậu chó sang Việt Nam. Ảnh: WDA

Tại Việt Nam, thịt chó là một ngành kinh doanh lớn. Liên minh chó thế giới (WDA), một tổ chức phi lợi nhuận vận động cấm ăn thịt chó trên toàn cầu, có trụ sở ở Hồng Kông, cho biết hơn 80% người dân Việt Nam ăn thịt chó, một tỷ lệ cao nhất thế giới, khiến 10 triệu con chó bị giết thịt mỗi năm. Tuy nhiên, con số này chưa được kiểm chứng và không biết WDA căn cứ vào đâu để đưa ra số liệu như vậy.

Kike Yuen, một lãnh đạo của of WDA cho rằng cơn ghiền thịt chó ở Việt Nam đã làm bùng nổ hoạt động nhập khẩu lậu chó từ các nước láng giềng Trung Quốc, Thái Lan và Campuchia. Theo WDA, có khoảng 500.000 con chó được tuồn lậu từ Thái Lan vào Việt Nam mỗi năm, khiến hải quân Thái Lan phải tổ chức những cuộc tuần tra đặc biệt để ngăn chặn nạn buôn lậu này. Buôn lậu chó có thể mang lại lợi nhuận béo bở. Một con chó 10 kg mua ở Thái Lan với giá khoảng 5-7 đô la Mỹ nhưng sau khi qua biên giới Việt Nam, giá của nó có thể tăng cả chục lần.

Yuen cho biết ở Việt Nam, nhiều người tin rằng ăn thịt chó sẽ giúp tăng độ dẻo dai, cường tráng cho các đấng mày râu và có thể thay đổi vận mệnh của họ (theo kiểu nói của người Việt Nam là ăn thịt chó xả xui).

Jason Pang, giám đốc chương trình ở WDA, nói ngành kinh doanh thịt chó quá hời, dẫn đến nạn trộm chó xảy ra tràn lan ở Việt Nam bằng nhiều phương thức như đánh vào đầu chó hoặc đánh bả.

WDA tin rằng cấm ăn thịt chó trên toàn cầu là cách hiệu quả nhất để tiệt trừ ngành kinh doanh thịt chó. Pang cho rằng bất cứ nơi nào mà người ăn thịt chó đến, họ sẽ mang theo thói quen ăn thịt chó.

Pang cho biết từ năm 2003 đến 2017, 436 tấn thịt chó đã được xuất khẩu từ Trung Quốc sang các nhà hàng Trung Quốc ở Nhật Bản. Theo Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Nhật Bản, trong ba năm qua, có khoảng 25 tấn thịt chó nhập khẩu từ Việt Nam. Yuen nói có khả năng số thịt chó nhập khẩu này chủ yếu phục vụ người dân Trung Quốc và Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Nhật Bản.

Jason Pang cho rằng các nước trong khu vực cần ban hành các luật mới để xử phạt người kinh doanh lẫn người ăn thịt chó, tuy nhiên, ông cũng tin sức ép công luận cũng là một vũ khí hiệu quả. Ông nói: “Chúng tôi muốn cộng đồng thế giới gây sức ép”.

Song thực tế cho thấy chấm dứt một thói quen ăn uống truyền thống đã ăn sâu ở một số khu vực là điều “nói dễ hơn làm”. Dù vậy, Jason Pang vẫn quyết tâm chiến đấu.

“Nếu thịt chó bị cấm vào ngày mai, sẽ không có ai thiếu đói, cũng không ai bị tổn hại sức khỏe”, ông nói.

Tại Hồng Kông, ăn thịt chó là phạm pháp và có thể bị xử phạt tù đến 30 ngày, tuy nhiên, nhiều người dân ở các làng mạc nông thôn ở vùng Tân Giới của Hồng Kông vẫn ăn thịt chó, đặc biệt là vào mùa đông vì họ tin rằng thịt chó giúp tăng cường tuần hoàn máu.

Hồi tháng 4 năm ngoái, cơ quan lập pháp của lãnh thổ Đài Loan đã thông qua luật cấm tiêu thụ, mua hoặc trữ thịt chó, mèo. Người vi phạm sẽ đối mặt với khoản tiền phạt lên đến 250.000 đài tệ (8.170 đô la Mỹ).

(Theo SMCP, AFP, Channel News Asia)

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/274257/cuoc-van-dong-cam-kinh-doanh-thit-cho-o-chau-a.html