Cuộc truy tìm 'Căn cước' hay nỗi buồn của kẻ tha hương?

Milan Kundera viết về các chủ đề khác nhau, nhưng thăm thẳm trong sáng tác của ông là nỗi ám ảnh về việc mất danh tính và cuộc truy tìm bản thân trong mỗi nhân vật.

Tiểu thuyết mới nhất của Milan Kundera, Căn cước, mang đậm màu sắc u buồn, nhưng đã giảm đi nhiều phần cay nghiệt, giễu cợt vốn có trong phong cách văn chương Kundera. Dẫu vậy, những thâm trầm triết lý vốn có trong sáng tác của ông vẫn vẹn nguyên.

 Sách Căn cước, bản chuyển ngữ của dịch giả Ngân Xuyên, xuất bản tại Việt Nam năm 2020. Ảnh: Nhã Nam.

Sách Căn cước, bản chuyển ngữ của dịch giả Ngân Xuyên, xuất bản tại Việt Nam năm 2020. Ảnh: Nhã Nam.

Những cuộc truy tìm danh tính

Câu chuyện được gói ghém trong mối quan hệ nhiều xung đột giữa Chantal và người tình của cô, Jean-Marc. Bắt đầu trong một lần đi dạo trên bãi biển, Chantal vô tình nói: “Cánh đàn ông không quay nhìn em nữa”.

Câu nói ấy của Chantal đã trở thành nỗi ám ảnh với Jean. Anh nhận biết được nỗi thất vọng sâu thẳm trong tâm trí của Chantal. Anh nhận ra rằng ánh mắt say đắm điên cuồng mà anh dành cho cô chưa bao giờ thỏa mãn cô.

Chính từ giây phút ấy, bằng tình yêu si mê của mình, Jane đã dẫn dắt Chantal vào cuộc đuổi bắt căng thẳng và thú vị, bằng những bức thư giấu tên, gửi gắm sự cuồng si bí mật.

Anh không thể ngờ rằng Chantal bị mê hoặc bởi sự theo đuổi bí ẩn ấy. Nàng bắt đầu tin rằng có một kẻ say mê bí ẩn đang theo dõi mình mỗi khi nàng bước đi trên phố. Nàng đắm chìm trong một cơn mộng yêu đương, hoang tưởng, nhưng đầy hạnh phúc.

Mặc dù những lá thư lúc đầu phục vụ tình yêu của đôi trẻ, cuối cùng, họ cũng phản tác dụng. Thông qua một quá trình phức tạp, Chantal và Jean-Marc dần rơi vào những vùng suy nghĩ trái ngược, yếm thế. Kết quả là hai người trở nên xa cách nhau, mất đi danh tính là người yêu.

Thoạt nhìn, cuốn tiểu thuyết được viết rất đơn giản, nhưng đọc Kundera vốn luôn cần sự tỉnh táo để khơi sâu. Qua những lớp bề ngoài, người đọc sẽ nhìn thấy một Kundera trong hố thẳm của u buồn, cô độc vốn luôn hiện diện trong các sáng tác của ông.

Trong tâm lý của người tha hương, Kundera luôn đem trong mình những ẩn ức không thể chia sẻ, về sự thất lạc cõi người, về nỗi sợ mất danh tính từng được thể hiện trong những sáng tác của ông như Vô tri, Đời nhẹ khôn kham, Sách cười và sự lãng quên, Chậm, Sự bất tử...

Nhà văn Milan Kundera. Ảnh: Leedor.

Ám ảnh cảm thức tha hương

Có nhiều nhà phê bình nhận định xuất hiện ở Căn cước, Kundera đã đánh mất đi sự sắc sảo, hài hước sâu cay vốn có của mình, để thể hiện một lối viết “buồn ngủ”, tưởng như đây chính là sự đánh mất danh tính của ông.

Nhưng bản thân người viết cho rằng Căn cước là sự khẳng định của Kundera. Kundera vẫn là một Kundera tha hương, dù ông chấp nhận viết bằng tiếng Pháp. Ông không thuộc về nước Pháp, ông vẫn là kẻ muôn đời tha hương.

Với cái kết đầy u mê, người đọc khó chịu vì cảm giác bị một cú lừa, tất cả chỉ là giấc mơ sao?

Đọc đến đoạn cuối cùng, băn khoăn tự hỏi giấc mơ bắt đầu từ đâu? Cả tiểu thuyết là một giấc mơ hay khi thực khi mơ mà ta không thể phân biệt nổi?

Trong trang cuối, tác giả viết: “Viết xong tại Pháp mùa thu năm 1996”, còn nơi bắt đầu, hay thời gian bắt đầu là bao giờ? Không câu hỏi nào được trả lời.

Phải chăng tất cả đều nằm trong một giấc mộng du, thăm thẳm về cõi tâm trí của con người. Lần đầu tiên, có thể cảm thấy, tâm hồn cô độc của tác giả được phơi bày, trong ranh giới của mộng và thực.

Căn cước, Chantal và Jean đều rút vào căn cứ tâm hồn của mình, dù ở bên cạnh nhau, họ chưa từng nhìn thấu “danh tính” của nhau. Chantal giống như chàng Narcissus, say đắm bản thân.

Có một biểu tượng được thể hiện trong Căn cước của Kundera, đó là “sự đỏ mặt” của Chantal. Sự đỏ mặt, biểu hiện cho sự nóng bỏng, ham muốn, đã ảnh hưởng Chantal từ khi còn trẻ, là một phần con người cô.

Một bộ váy lòe loẹt, màu đỏ như áo vest của hồng y. Khi cô ấy chiêm ngưỡng chính mình, Narcissus hiện diện rõ ràng là Chantal. Đó là hình ảnh của kẻ tự si, trong ốc đảo cô độc của riêng mình.

Sách của Milan Kundera được xuất bản khá nhiều tại Việt Nam. Ảnh: Nhã Nam.

Và Jean, chàng hiện diện như một Kundera, luôn mang tâm lý không thuộc về nơi đang sống.

Ở đó, chàng hiện diện, nhưng không thật hiện diện. Chàng thấy mình giống như gã ăn mày, ở nhờ trong ngôi nhà của tình nhân, đợi cuộc đời ban phát cho mọi thứ.

Khi chàng bước lên con tàu tìm kiếm Chantal, chàng thấy mình đúng thật trở thành gã ăn mày, không nơi chốn thuộc về. Chàng không nhận ra bản thể của chính mình. Chàng mải miết đi trong bóng đêm, tự hỏi mình là ai?

Ấy là ốc đảo cô độc, ốc đảo của những kẻ lưu vong, lưu vong ngay với chính bản thân mình.

Quá trình truy tìm căn cước, như giấc mộng nhưng lại nghiệt ngã. Sau cùng, cuộc truy lùng danh tính của Chantal và Jean, và Kundera có lẽ đều không thành. Nó chỉ tựa như một điều không có thực. Con người lưu vong vẫn là con người lưu vong. Con người mất căn cước vẫn là con người mất căn cước.

Thủy Nguyệt

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cuoc-truy-tim-can-cuoc-hay-noi-u-buon-trong-tam-thuc-ke-tha-huong-post1080591.html