Cuộc trở về của những sắc màu cũ

Khá lâu rồi, đời sống mỹ thuật Việt Nam với nạn tranh giả tràn lan khiến công chúng yêu hội họa mất niềm tin, họa sĩ mất phương hướng. Nhưng trong sự náo loạn đó, cuộc trở về của hai họa sĩ Thang Trần Phềnh tại Hà Nội và Lê Văn Xương - với triển lãm 'Điều kỳ diệu' tại TP. HCM như những nốt trầm sâu lắng. Một cuộc trở về của những sắc màu cũ.

Giải mã "bí ẩn" Thang Trần Phềnh (1895-1972)

Họa sĩ Thang Trần Phềnh vẫn là một cái tên xa lạ đối với công chúng Việt Nam cho đến khi nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi giới thiệu cuốn sách "Thang Trần Phềnh" tại Hà Nội. Ngô Kim Khôi (cháu ngoại của họa sĩ Nam Sơn, người đồng sáng lập ra Trường Mỹ thuật Đông Dương cùng với Victor Tadieu), bỏ ra nhiều năm sưu tìm, nghiên cứu tài liệu về một trong những họa sĩ đầu tiên của Mỹ thuật Việt Nam thời cận hiện đại.

Cuốn sách "Thang Trần Phềnh" với những thông tin về cuộc đời và sự nghiệp của ông đã hé lộ những bí ẩn về một họa sĩ thời kỳ đầu. Theo lời kể thì ông thích vẽ từ thuở nhỏ khi 15 tuổi, không có thầy dạy, tự mày mò nhìn thấy vật gì hoặc người hoặc cảnh thì vẽ.

Chân dung họa sĩ Thang Trần Phềnh.

Trước khi Trường Mỹ thuật Đông Dương mở, Thang Trần Phềnh đã là một cái tên được chú ý với tay nghề xuất sắc, nhưng ông không thi đậu khóa đầu tiên mà phải chờ đến khóa thứ 2. Lúc đó, cách vẽ của Thang Trần Phềnh bị cho là "Tây" và không bắt mắt với các giáo sư Trường Mỹ thuật Đông Dương.

Họa sĩ Thang Trần Phềnh học khóa 2 của Mỹ thuật Đông Dương cùng với họa sĩ Tô Ngọc Vân, Vũ Cao Đàm... Nhưng sau khi tốt nghiệp, ông lại mải mê theo gánh hát, ông còn lập gánh hát Đồng Ấu, thu nhận các tài năng trẻ trên dưới mười tuổi học hát học múa và đi hát ở Hà Nội, có khi đi các tỉnh quanh trong xứ Bắc kỳ thời thuộc Pháp.

Ông để lại nhiều dấu ấn ở lĩnh vực sân khấu, trang trí sân khấu. Nhưng có một họa sĩ Thang Trần Phềnh với một cây bút tả thực xuất sắc. Thời thuộc Pháp qua thời kháng chiến rồi hòa bình ở miền Bắc ông vẽ nhiều trên giấy, trên lụa, vải bố…, bằng bút sắt, mực tàu, thuốc nước aquarelle, bột màu gouache, phấn tiên pastel, cho đến sơn dầu, thậm chí bằng phẩm nhuộm mua ở chợ Đồng Xuân (thời bom đạn thiếu màu vẽ), miễn là có nguyên liệu.

Thang Trần Phềnh đã tham gia triển lãm tại các cuộc đấu xảo rất sớm, ngay từ 16 tuổi. Năm 1923, một cuộc đấu xảo do hội Khai Trí Tiến Đức tổ chức gần hồ Hoàn Kiếm đã triển lãm những bức tranh sơn dầu được cho là tiên phong của nước Việt Nam, trong đó có tác phẩm của Thang Trần Phềnh.

Họa sĩ Lê Văn Xương.

"Tác phẩm hội họa của cụ lưu lạc đi nhiều, một phần còn ở trường Mỹ thuật, ở Bảo tàng Mỹ thuật, có lẽ còn ở một số tư gia các nghệ sĩ cùng thời với cụ. Thí dụ các bức tranh Hai Bà Trưng Trắc Trưng Nhị cưỡi voi đánh giặc Hán, tranh Bà Triệu, tranh Phạm Ngũ Lão đan giỏ tre cản đường quan quân nhà Trần, tranh Ngũ Hổ, tranh hoa quả bốn mùa xứ ta, tranh chân dung ông Chu, tranh sơn dầu bà Lào… và nhiều bức họa khác mà tác giả Ngô Kim - Khôi đã công phu sưu tầm chép lại vào trong cuốn sách này. Tiếc thay, con cháu trong nhà không giữ được bức tranh nào của cụ", con gái họa sĩ Thang Trần Phềnh, bà Thang Thị Loan chia sẻ.

Nếu không có nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi đã dành nhiều năm sưu tầm nghiên cứu, thì có lẽ, cái tên Thang Trần Phềnh vẫn mãi mãi là một bí ẩn, thậm chí bị lãng quên: "Cuộc đời họa sĩ Thang Trần Phềnh là một vùng mây trời mờ mịt. Khi nói đến, người ta xem ông như một chuyên viên sân khấu, liên tưởng ngay đến những tuồng "hát ra bộ", chèo, cải lương, những danh xưng gợi lên là rạp Quảng Lạc, Chuông Vàng, những sự nghiệp là ban nhạc Đồng Ấu, là phông màn sân khấu màu mè, rực rỡ.

Rất ít người nhắc đến các tác phẩm hội họa của ông, không biết rằng trong buổi bình minh của nền Mỹ thuật Việt Nam hiện đại, Thang Trần Phềnh là một trong những tia nắng ban mai rực rỡ. Đã có thời những sáng tác mỹ thuật của ông viễn du xứ người và làm rạng danh nền văn hóa nước nhà".

Cuộc trở về của họa sĩ Thang Trần Phềnh mang đến cho công chúng yêu hội họa một góc nhìn khá đầy đủ về con người hội họa của ông, "một người rất điển hình cho văn hóa buổi giao thời mà cái tinh thần đi tìm bản sắc Việt Nam vẫn rõ trong từng nét bút của họa sĩ" (Phan Cẩm Thượng).

Và một Hà Nội trong tranh Văn Xương (1917-1988)

Sau cuộc ra mắt Thang Trần Phềnh vài tháng, tại TP. Hồ Chí Minh, người họa sĩ tài hoa và lặng lẽ Lê Văn Xương cũng lần đầu tiên được giới thiệu với công chúng một cách đầy đủ qua triển lãm "Điều kỳ diệu". Vì nhiều lý do, công chúng hiện nay ít biết đến họa sĩ Lê Văn Xương.

Tranh của họa sĩ Thang Trần phềnh.

Nhưng trước năm 1954, hiếm có họa sĩ Việt Nam và họa sĩ người Pháp sống tại Việt Nam mà tổ chức được 3-4 triển lãm cá nhân. Ngày 28 tháng 4 năm 1953, Lê Văn Xương mở triển lãm cá nhân "Hà Nội 36 phố phường" tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Họa sĩ Bùi Xuân Phái đến dự triển lãm và viết: "Điểm ham làm việc làm tôi thấy ở Văn Xương tương lai rực rỡ. Anh vẽ loại phấn màu đặc sắc hơn những loại khác".

Theo gia đình ước tính, cả cuộc đời, không kể tranh lưu niệm, Lê Văn Xương đã vẽ khoảng 1.000 bức tranh và làm khoảng 100 bức tượng.

Kể từ khi ông qua đời năm 1988 đến nay, gia đình cũng có một lần trưng bày tác phẩm để tưởng niệm, nhưng trong khuôn khổ của tư gia, vào năm 1997. Vì thế đây là một cơ hội để khám phá chân dung của họa sĩ Lê Văn Xương qua 101 bức tranh. Ông chủ yếu dùng bột màu, sơn dầu, phấn tiên, trong đó có vài chân dung tự họa, chân dung người thân còn phần lớn là tranh vẽ Hà Nội những năm cuối 1940 và trọn vẹn thập niên 1950.

Một Hà Nội trong lành, cổ kính, nhuốm màu hoài niệm. "Những bức tranh của họa sĩ Lê Văn Xương tạo ra một bầu không khí yên bình cách xa sự hối hả và nhộn nhịp của Hà Nội ngày nay. Đó là Hà Nội của Thạch Lam, của Nguyễn Tuân...

Họa sĩ Văn Xương vẽ Hà Nội ở một cảm xúc khác, yêu đời, vui tươi, trong sáng mà cũng không kém phần thâm trầm. Phố Phái hình như không có bóng dáng con người nhưng phố trong tranh Văn Xương đầy sinh khí, hơi thở con người", Nhà phê bình mỹ thuật Quang Việt nhận xét.

Hà Nội trong mắt Lê Văn Xương.

Từ trước đến nay, họa sĩ Bùi Xuân Phái vẫn được coi là người vẽ Hà Nội thành công nhất. Phố Hà Nội gắn liền với phố Phái. Nhưng qua triển lãm "Điều kỳ diệu", ta lại có thêm một góc nhìn về Hà Nội khác.

Nhà phê bình Quang Việt cho rằng: "Ông Văn Xương "lớn" hơn nhiều người nghĩ. Việc họa sĩ Văn Xương không được biết đến nhiều so với họa sĩ Bùi Xuân Phái vừa là thiệt thòi vừa là may mắn của ông. Nếu biết đến nhiều, chắc giờ cũng không còn nhiều tranh để chúng ta có cơ hội tiếp xúc".

Hà Nội trong tranh của Văn Xương ấm áp, trong lành. Những hàng cây, góc phố, những con người, mái ngói rêu phong hiện lên trong tranh của ông trong sáng, tươi vui nhưng cũng không kém phần thâm trầm.

Trong bối cảnh chiến tranh loạn lạc nhưng Văn Xương vẫn có cái nhìn tươi tắn, lạc quan về Hà Nội, quả là hiếm có. Nhà nghiên cứu Quang Việt cho rằng, ông không đánh giá tranh họa sĩ Bùi Xuân Phái hay Văn Xương đẹp hơn vì mỗi người có một cách nhìn và cùng nhau làm cho hình ảnh Hà Nội được đặt trong tương quan đa dạng và đầy đủ hơn. Xem tranh để hiểu người.

Văn Xương đã sống một cuộc đời chân thật và ông đã vẽ tranh "với lòng thanh thản". Hiện hầu hết những bức tranh của ông vẫn được con gái ông, nhà sưu tập Lê Y Lan gìn giữ. Đó cũng là may mắn của ông và của công chúng yêu hội họa.

Có thể nói, cuộc trở về của hai họa sĩ Thang Trần Phềnh và Lê Văn Xương đã mang đến những góc nhìn đa dạng hơn về hội họa Việt Nam thời kỳ đầu. Họ là những người đặt nền móng cho hội họa Việt Nam. Họ đã sống và vẽ bằng tình yêu và đam mê của mình, không vướng bận cơm áo gạo tiền, hay danh vọng.

Cuộc đời dâu bể, có những vẻ đẹp bị khuất lấp bởi thời gian. Nhưng đã là cái đẹp thì vĩnh viễn không bao giờ mất đi. Dưới ánh sáng mặt trời, cái đẹp sẽ hiển lộ và thêm giá trị, bởi nó còn mang trong mình những trầm tích của thời gian, của lịch sử.

NSND Quang Thọ tổ chức liveshow kỉ niệm 50 năm ca hát

Để kỉ niệm 50 năm ca hát, tái hiện lại toàn bộ chặng đường phát triển, cống hiến của mình cho công chúng và âm nhạc, 20 giờ tối ngày 11-11-2018, tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô, Hà Nội, NSND Quang Thọ sẽ tổ chức liveshow "Hãy đến với anh", với sự đồng hành của Công ty Cổ phần Truyền thông Vietart.

Tôn vinh 50 năm ca hát của NSND Quang Thọ, đêm nhạc còn quy tụ "dàn sao" nghệ sĩ tên tuổi vốn là những học trò được NSND Quang Thọ dìu dắt như "bộ ba giọng tenor" hàng đầu hiện nay là Đăng Dương - Trọng Tấn - Tùng Dương; giọng hát họa mi Khánh Linh, Lan Anh, Tân Nhàn.

"Hãy đến với anh" không chỉ là cuộc đối thoại hai thế hệ vàng của thanh nhạc Việt Nam mà còn là cuộc "gặp gỡ" thầy trò đầy ấm cúng và xúc động trong dịp 20/11.

Cùng giám đốc âm nhạc Lưu Hà An, liveshow "Hãy đến với anh" sẽ khắc họa một cách trọn vẹn chân dung người NSND - nhà giáo Quang Thọ bằng âm nhạc. (XQ)

Lan Tường

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/giai-tri-the-thao/cuoc-tro-ve-cua-nhung-sac-mau-cu-lan-tuong-512541/