Cuộc tranh luận mang đậm 'mùi thuốc súng'

Cuộc tranh luận giữa hai ứng cử viên cuối cùng vào chức Thủ tướng Anh là cựu Ngoại trưởng Boris Johnson và đương kim Ngoại trưởng Jeremy Hunt được phát sóng trực tiếp trên truyền hình tối 9-7 (giờ London) mang đậm 'mùi thuốc súng', khi cả hai chĩa mũi nhọn chỉ trích nhau liên quan đến vấn đề Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit…

Đây là cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên và cũng là duy nhất giữa ông Boris Johnson và ông Jeremy Hunt trong cuộc đua giành chức lãnh đạo đảng Bảo thủ cầm quyền của Anh, cũng như trở thành người kế nhiệm bà Theresa May. Đây là dịp để ông Boris Johnson và ông Jeremy Hunt công kích nhau trực tiếp trên một loạt các vấn đề, từ quan điểm về tính cách, tham vọng cá nhân cho đến mối quan hệ với đồng minh đặc biệt Mỹ; quan trọng nhất là cách thức đưa nước Anh thoát khỏi bế tắc chính trị hiện tại xoay quanh Brexit.

 Ông Boris Johnson (bên trái) và ông Jeremy Hunt trong cuộc tranh luận trên truyền hình tối 9-7. Ảnh: Reuters

Ông Boris Johnson (bên trái) và ông Jeremy Hunt trong cuộc tranh luận trên truyền hình tối 9-7. Ảnh: Reuters

Trong cuộc tranh luận, ông Jeremy Hunt chỉ trích ông Boris Johnson không trung thực trước những nguy cơ phát sinh trong trường hợp Brexit không thỏa thuận. Ông Jeremy Hunt cho rằng, cần hiểu rõ từng chi tiết để Anh có được một thỏa thuận có lợi, thay vì "lạc quan mù quáng" nếu London muốn Brexit thành công. Trong chiến dịch vận động tranh cử tháng 6, ông Boris Johnson, người tiền nhiệm của ông Jeremy Hunt, cam kết bằng mọi giá sẽ đưa Anh rời khỏi EU vào ngày 31-10 tới, bất chấp có thỏa thuận hay không. Ngoài ra, ông Jeremy Hunt công kích đối thủ khi đề cập đến việc ông Boris Johnson đã không đưa ra câu trả lời về việc ông này có từ chức hay không nếu Brexit không diễn ra theo đúng cam kết.

Về phần mình, ông Boris Johnson chỉ trích đối thủ Jeremy Hunt về việc ông này từ chối bác bỏ khả năng tiếp tục trì hoãn Brexit. Ông Boris Johnson thể hiện rõ lập trường cứng rắn trong vấn đề Brexit khi tuyên bố ông để ngỏ giải pháp đình chỉ Quốc hội nếu các nghị sĩ tìm cách ngăn chặn Brexit không thỏa thuận.

Không có gì ngạc nhiên khi cả hai ứng cử viên sử dụng vấn đề Brexit để chĩa mũi nhọn tấn công nhau, bởi đây là vấn đề “nóng” và đang rơi vào tình trạng bế tắc tại xứ sở Sương mù. Ở thời điểm hiện tại, cả ông Boris Johnson và ông Jeremy Hunt đều thể hiện rõ lập trường muốn đàm phán lại thỏa thuận Brexit mà chính quyền của Thủ tướng Anh Theresa May đạt được với EU hồi tháng 11-2018 và chấp nhận kịch bản Brexit không thỏa thuận nếu cần thiết. Tuy nhiên, cho đến nay, EU khẳng định rõ quan điểm không đàm phán lại thỏa thuận này.

Theo nhận định của giới phân tích, nếu chỉ xét trên từng màn “giao chiến” riêng lẻ, từ vấn đề quan hệ tương lai với Mỹ cho đến đường hướng giải quyết Brexit với EU trong bối cảnh hạn chót 31-10-2019 đang đến rất gần, đương kim Ngoại trưởng Jeremy Hunt đã chứng tỏ mình nắm rõ vấn đề và chuẩn bị rất cẩn thận, trong khi sự hoạt ngôn cũng không đủ giúp đối thủ của ông này là cựu Ngoại trưởng Boris Johnson giấu đi được sự thiếu nhất quán và mơ hồ về quan điểm cũng như cương lĩnh tranh cử của mình trong các nội dung tranh luận. Tuy nhiên, trên thực tế các cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình tại Anh hầu như không có tác động thực sự đến các cuộc bầu cử như truyền thông vẫn kỳ vọng. Bên cạnh đó, 160.000 đảng viên Bảo thủ trên toàn quốc, chỉ chiếm chưa đầy 0,25% dân số Anh, mới là những người quyết định ai sẽ trở thành lãnh đạo mới của đất nước. Theo BBC, hầu hết các đảng viên Bảo thủ đều đã nhận được lá phiếu của mình qua đường bưu điện từ vài ngày trước và rất nhiều trong số đó có lẽ đã kịp điền tên ứng cử viên mà họ ủng hộ.

Do vậy, cuộc tranh luận trực tiếp tối 9-7 có thể xem như một “thắng lợi kỹ thuật” cho ông Jeremy Hunt, nhưng chưa chắc sẽ làm thay đổi kết quả bỏ phiếu được công bố sau ngày 22-7 tới. Gần như không gì có thể ngăn cản được việc cựu Ngoại trưởng Boris Johnson sẽ trở thành thủ tướng mới của nước Anh, cho dù điều này cũng ít có khả năng tạo ra được đột phá trong tiến trình Brexit hiện tại.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 10-7, Hội đồng châu Âu (EC) đã thông qua các biện pháp khẩn cấp đối với ngân sách năm 2019 của EU trong trường hợp Vương quốc Anh rời khỏi EU mà không đạt được thỏa thuận. Theo đó, nếu nước Anh không chấp nhận đóng góp cho ngân sách EU năm 2019, EC sẽ đưa ra một kế hoạch ngân sách sửa đổi trong thời gian cần thiết để giải quyết vấn đề thâm hụt ngân sách. Mục tiêu của các biện pháp này là giảm thiểu tác động tiêu cực đến việc cung cấp tài chính đối với nhiều lĩnh vực, như nghiên cứu khoa học, nông nghiệp…, trong trường hợp xảy ra Brexit không thỏa thuận.

BÌNH NGUYÊN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/cuoc-tranh-luan-mang-dam-mui-thuoc-sung-582112