Cuộc tình dài dằng dặc của nước Anh với siêu xe chạy nhanh hơn đạn bắn

Khi giới thiệu dự án Bloodhound hồi năm 2008, người Anh đã mơ tới việc lập kỷ lục tốc độ trên bộ khi tạo ra chiếc xe còn chạy nhanh hơn cả đạn bắn. Nhưng một thập kỷ sau, giấc mơ vẫn chưa thành hiện thực, bởi nguyên nhân gần như không liên quan tới vấn đề rào cản kỹ thuật.

Hình ảnh mô phỏng Bloodhound đang ghi kỷ lục tốc độ.

Hình ảnh mô phỏng Bloodhound đang ghi kỷ lục tốc độ.

Tốc độ không tưởng 1.609km/h

Ngày 28.10.2017, động cơ phản lực EJ200 của chiếc Bloodhound gầm lên trong cuộc thử nghiệm hoạt động đầu tiên. Chiếc xe có hình viên đạn nhanh chóng tăng tốc trên một đoạn đường băng bị phong tỏa ở Newquay, nước Anh, trước sự chứng kiến của 3.500 người.

Đầu tiên khán giả còn thấy lửa phụt ra từ phía sau chiếc xe. Nhưng ngọn lửa nhanh chóng biến mất khi viên phi công Andy Green chạm tốc độ 320km/h trước khi đạp phanh. Chỉ trong vòng có vài giây, chiếc xe màu xanh đã đi tới cuối đường băng rồi rẽ nhanh về phía trái, vào một con đường nằm song song dẫn trở lại đầu đường băng.

Đó là khoảnh khắc mà người Anh đã chờ đợi trong suốt 9 năm trời.

Dự án Bloodhound lần đầu được giới thiệu với công chúng tại Bảo tàng Khoa học London hồi năm 2008, khi Green và giám đốc dự án Richard Noble giải thích sứ mạng kéo dài "3 năm" của họ nhằm chế tạo một chiếc xe có thể phá tan kỷ lục tốc độ trên bộ hiện nay. Chiếc xe tương lai này được thông báo có thể chạm ngưỡng tốc độ siêu cao, tới 1.609 km/h, tức còn nhanh hơn cả một viên đạn bắn.

Không phải ngẫu nhiên mà Noble góp mặt trong dự án tham vọng này. Viên phi công tài năng người Scotland này từng nắm giữ kỷ lục tốc độ trên bộ (1.220 km/h) trong giai đoạn từ năm 1983 tới 1997 với chiếc Thrust2 chạy bằng động cơ phản lực. Sau đó ông trở thành giám đốc dự án Thrust SSC, chiếc xe mà Green đã điều khiển để chạm ngưỡng tốc độ 1.228 km/h tại sa mạc Black Rock ở Nevada, Mỹ.

Noble và Green rõ ràng là những người kế tục xuất sắc niềm đam mê tốc độ có truyền thống lâu dài của người Anh, bắt nguồn từ những năm 1920 và 1930, khi Sir Malcolm Campbell lập các kỷ lục đầu tiên về tốc độ trên đất liền và trên biển. Anh cũng là mảnh đất nắm giữ kỷ lục tốc độ trên bộ trong 58/112 năm, tính từ khi bá tước Gaston de Chasseloup - Laubat đạt tốc độ kinh ngạc 62km/h hồi năm 1898 ở ngoài Paris.

Nhưng bên cạnh việc phá kỷ lục, dự án này còn muốn đạt một mục tiêu thứ hai: Truyền cảm hứng để trẻ em theo đuổi sự nghiệp trong ngành khoa học, toán học, kỹ thuật và công nghệ. Ngày hôm nay, Anh quốc vẫn thiếu rất nhiều kỹ sư lành nghề.

Khi giới thiệu Bloodhound trong năm 2008, cả Noble và Green đều hy vọng rằng chiếc xe mới và một kỷ lục mới sẽ thu hút sự quan tâm của dư luận. Qua những bài viết blog, các đoạn video cập nhật, nhóm có thể cho họ thấy ngành kỹ thuật mang lại nhiều niềm vui như thế nào. Và điều thú vị là dự án không chỉ thu hút sự chú ý của dư luận mà còn giúp đưa về những con người hết sức tài năng.

Khoang lái của chiếc Bloodhound.

Một kỳ tích công nghệ và chế tạo

Tony Parraman là lãnh đạo đơn vị phụ trách hoạt động thu hút tài trợ của Bloodhound. Khi còn trẻ, ông từng bị thu hút bởi bài phát biểu của Noble về chiếc Thrust SSC. "Khi ấy tôi nghĩ rằng chế ra một chiếc xe chạy nhanh đâu có gì phức tạp. Người ta chỉ việc lắp ghép các thành phần rồi đưa cái xe ra sa mạc để ghi kỷ lục? Làm gì có sự phức tạp nào nằm trong đó?". Thực tế khác xa với suy nghĩ này của ông.

Bloodhound là một chiếc xe không dành cho kẻ yếu tim. Nó có chiều dài 13,4 mét, tức dài hơn 2 chiếc xe đua F1 nằm nối đuôi nhau. Nằm ngay phía sau khoang lái của tài xế là động cơ phản lực EJ200 - cũng chính là chiếc động cơ nằm trong các máy bay chiến đấu Eurofighter Typhoon hiện đại. Phía dưới khoang lái và động cơ là một khoảng trống lớn, dùng để chứa ba động cơ tên lửa lai do công ty Nammo chế tạo.

Để cấp nhiên liệu peroxide vào khoang đốt của các động cơ tên lửa, người ta phải dùng tới một động cơ siêu nạp V8 do hãng Jaguar chế tạo. Riêng động cơ phản lực đã đủ sức để đưa chiếc xe lên vận tốc 1.046 km/h, tức rất gần với kỷ lục tốc độ trên bộ hiện nay. Song với hệ thống động cơ tên lửa, nhóm tự tin có thể phá kỷ lục 1.600km/h.

Nhưng để đạt được tốc độ siêu cao, người ta phải cần tới một khung xe siêu khỏe, có khả năng chịu mọi lực tác động khủng khiếp nhất. Phần phía trước của chiếc xe, gồm mũi và khoang lái, được làm chủ yếu từ sợi carbon. Trong khi đó phần phía sau được làm từ hỗn hợp nhôm và titan. Phần sau được chia thành hai nửa riêng biệt để chứa các động cơ phản lực và tên lửa.

Và để ghi được kỷ lục tốc độ, Bloodhound phải sử dụng những chiếc bánh đặc biệt, có thể chịu tải, chịu lực va đập khổng lồ và đạt vòng xoay lớn tới 10.500 vòng mỗi phút mà không vỡ thành từng mảnh. Các tính toán của nhóm Bloodhound cho thấy rằng ở tốc độ cực đại, mỗi bánh xe sẽ chịu lực tác động mạnh tới 50.000 G ở vùng rìa ngoài bánh. Con số này lớn hơn 50.000 lần trọng lực Trái đất!

Nhóm chế tạo Bloodhound đã giao công việc chế tạo bánh cho hai công ty Lockheed Martin và Innoval Technology. Nhiều loại vật liệu đã được cân nhắc, gồm titanium và hợp chất carbon. Cuối cùng người ta sử dụng một loại hợp kim nhôm đặc biệt có tên gọi 7037. Ngoài thành phần chính là nhôm, nó có chứa một lượng nhỏ thiếc, đồng và mangan. Hợp kim này thường chỉ được dùng trong các ứng dụng hàng không, không gian đặc biệt.

Sau quá trình chế tạo hết sức tỉ mỉ, các bánh xe được chuyển tới hai công ty Amfin và MIC để đánh bóng bề mặt và kiểm tra mọi vết nứt. Người ta còn bắn các viên bi kim loại rất nhỏ vào bánh xe để kiểm tra độ rắn bề mặt. Sau đó các bánh xe được nhúng vào axít và nhuộm màu để tránh việc bị han gỉ rồi mới được lắp vào Bloodhound.

Cuối cùng, một chiếc cánh màu cam cỡ lớn được bố trí nằm tại phía đuôi, giúp Bloodhound luôn hướng thẳng về phía trước khi nó chạy như bay tới mục tiêu. Thiếu chiếc đuôi này, xe có thể rẽ đột ngột hoặc thực hiện các di chuyển ngoài dự đoán ở tốc độ cao và gây tai nạn khó lường.

Và như thế, về cơ bản Bloodhound có thể được coi như một cỗ máy Frankenstein, một sản phẩm được hợp thành từ nhiều linh kiện và vật liệu khác nhau, được thiết kế để vừa đảm bảo sức mạnh, vừa giữ an toàn tối đa cho Green.

Andy Green, viên phi công sẽ lái chiếc Bloodhound ghi kỷ lục.

Liên tục trì hoãn thời điểm ghi kỷ lục

Hiển nhiên là trong năm 2008, thời điểm bắt đầu công bố dự án, một chiếc Bloodhound hoàn chỉnh chưa tồn tại. Sau lễ giới thiệu, nhóm thiết kế trở lại Bristol và tiếp tục nghiên cứu. Công ty thiết kế hình ảnh Visioneering cung cấp cho nhóm các linh kiện làm từ thép, gỗ và xốp để làm mô hình. Cả đội vừa dựng xe mô hình, vừa tinh chỉnh các bản vẽ Cad. Đó là một tiến trình thiết kế gian khổ, với rất nhiều lần tinh chỉnh và tính toán lại các yếu tố cân bằng.

Mô hình chiếc xe được giới thiệu với công chúng tại Liên hoan tốc độ Goodwood vào tháng 7.2009. Hình dáng thân xe, màu sơn và các decal dán trên xe khiến dư luận, gồm cả người ủng hộ và các nhà đầu tư tiềm năng, có thể hình dung rõ ràng nhóm đang nhắm tới việc chế tạo thứ gì.

Tới tháng 11.2009, nhóm đã đi qua 10 "cuộc cách mạng" về thiết kế. Tuy nhiên phải tới tận tháng 5.2010, nhóm mới thông báo chọn được mẫu thiết kế tối ưu nhất, khi vượt qua một thách thức kỹ thuật quan trọng. Ở tốc độ khoảng 600km/h, Bloodhound tạo ra một lực ép xuống mặt đất đủ mạnh để giữ cho chiếc xe luôn bám đường. Tuy nhiên khi tăng lên ở tốc độ 1.600km/h, xe lại tạo ra một lực nâng mạnh hơn 10 tấn. Do bản thân chiếc xe chỉ nặng gần 5 tấn khi ấy nên điều này đã tạo ra một vấn đề lớn. Vấn đề chỉ được giải quyết khi nhóm thay đổi thiết kế phần phía sau xe để giảm thiểu hoạt động nén khí, chính là nguyên nhân đã tạo ra một lực nâng lớn như thế, khiến xe có nguy cơ mất ổn định khi hoạt động.

Mark Elvin nghe tin về dự án Bloodhound không lâu sau khi nó được thông báo tại London. Năm 2010, ông theo dõi màn giới thiệu về chiếc xe tại Triển lãm hàng không Farnborough. "Tôi vẫn còn nhớ đã ngồi đó và nghĩ rằng: Hãy nhìn lũ ngốc này xem. Họ nghĩ mình có thể chế ra một chiếc xe chạy với tốc độ 1.600km/h", ông kể.

Nhưng Elvin, giống nhiều người chỉ trích Bloodhound, mới chỉ đọc các tin tức sơ sài về dự án. Chỉ sau khi đào sâu thêm thông tin ông mới hiểu nhóm thiết kế đã dồn tâm sức lớn thế nào cho công việc của họ. "Rất nhiều phân tích về khí động học đã được thực hiện trước khi người ta bắt tay vào chế tạo chiếc xe đó", ông nói.

Đột nhiên dự án Bloodhound không còn quá kỳ quái nữa. "Bạn nhận ra rằng những anh chàng đó hóa ra đã làm được rất nhiều việc", ông nói. Khi đã có sự tôn trọng dành cho những người làm dự án Bloodhound, Elvin gia nhập CLB 1k, nhóm ủng hộ chính thức chuyên cập nhật thông tin về dự án Bloodhound.

Một ngày nọ Bloodhound gửi thư cho Elvin, đề nghị ông giúp bán một sạp hàng của dự án tại một sự kiện sắp diễn ra. Elvin không thể làm công việc đó, nhưng viết thư lại nói rằng ông có thể giúp đỡ về mặt kỹ thuật. Sau vài lá thư qua lại nữa, Elvin được tuyển dụng vào dự án Bloodhound. Đó là năm 2012.

Tính tới thời điểm này, chuyện đã rõ ra rằng Noble và Green không thể lập kỷ lục tốc độ trong vòng 3 năm như thế hoạch ban đầu. Elvin đoán rằng mọi chuyện sẽ kết thúc tốt đẹp vào năm 2014. Ông ký hợp đồng dài 3 tháng với nhóm để "thực hiện vài bản vẽ". Nhưng hợp động đó liên tục được gia hạn và kéo dài. Elvin từ một kỹ sư thiết kế đã nhanh chóng thăng tiến lên vị trí kỹ sư cao cấp và cuối cùng là lãnh đạo kỹ thuật của dự án.

Tháng 3.2013, Noble thông báo việc ghi kỷ lục tốc độ trên bộ tiếp tục bị trì hoãn tới quý 2 của năm 2014. Tới cuối năm đó, ông lại viết trên blog của Bloodhound rằng do nhiều cấu kiện quan trọng vẫn còn được sản xuất nên nhóm không thể tới Nam Phi ghi kỷ lục.

Tháng 12.2013, Nammo được xác nhận là đối tác sản xuất động cơ tên lửa cho dự án. 3 tháng sau, Castrol vào cuộc chơi để cung cấp dầu nhớt hiệu năng cao, bên cạnh dầu phanh và dầu thủy lực. Tới tháng 6.2014, khoang lái chính thức hoàn thành. Tháng 10.2014, động cơ phản lực lần đầu được lắp vào xe. Nhóm dường như đang tiến triển tốt và tới tháng 11 thậm chí đã tuyên bố khởi động quá trình đếm ngược dài 12 tháng cho tới ngày thực hiện kỷ lục. Cuối tháng đó, Jaguar cũng tuyên bố gia hạn sự hợp tác với dự án, gồm việc cung cấp các máy bơm nhiên liệu dùng động cơ V8 do công ty sản xuất.

Nhưng có vẻ như nhóm Bloodhound đã quá tham vọng. Tới mùa hè 2015, chuyện trở nên rõ ràng rằng nhóm chưa sẵn sàng để tới Nam Phi. Để giảm bớt sự thất vọng của công chúng, vào tháng 10 năm đó đội mang ra triển lãm một "phiên bản khô" của chiếc Bloodhound, với phần lớn linh kiện đã được gắn lên trên nó. Buổi triển lãm, đi kèm một sự kiện giới thiệu hào nhoáng, đã giúp khích lệ tinh thần của nhóm. Tuy nhiên nó cũng đãnh dấu thêm một lần trì hoãn đáng buồn khác. Sau sự kiện, nhóm thông báo trên blog rằng Bloodhound đã có kế hoạch chạy thử nghiệm vào lễ Phục sinh của năm 2016 và ghi kỷ lục vào cuối năm đó.

Động cơ phản lực gắn trên Bloodhound trong cuộc chạy thử đầu tiên, xe cũng dùng bánh bình thường thay vì bánh nhôm đặc biệt.

Trở ngại lớn nhất là tiền

Theo giới quan sát, Bloodhound đối mặt với rất nhiều thách thức kỹ thuật. Nhưng không thách thức nào lớn hơn việc quyên tiền cho dự án. Nỗ lực ghi kỷ lục không phải là sản phẩm con cưng của một công ty lớn với nguồn tiền vô hạn. Nó cũng không được tài trợ từ các tỉ phú như Elon Musk, sáng lập viên công ty Tesla, hay sáng lập viên Microsoft Bill Gates. Cả nhóm dựa rất nhiều vào sự tài trợ từ bên ngoài và lòng hảo tâm của các fan. Thiếu những nguồn tiền này, người của nhóm không có lương. Họ cũng không có tiền để thuê nhà kho ở Bristol hay mua linh kiện giúp hoàn thành chiếc xe.

Và thật không may mắn khi dự án được triển khai vào năm 2008, thời điểm thị trường chứng khoán thế giới mới sụp đổ. "Chúng tôi đã chọn một thời điểm không thể tệ hơn để khởi đầu một dự án như thế này", Parraman nói.

Được biết nhiều công ty quyết định tài trợ cho Bloodhound bằng các sản phẩm miễn phí - những linh kiện giúp xe hoạt động, hoặc hàng hóa miễn phí để nhóm bán lấy tiền. Cũng có lúc họ chuyển thẳng tiền cho nhóm. Theo Parraman tiền luôn là vấn đề gây đau đầu nhất. "Bất kỳ ai hỏi rằng thách thức lớn nhất của dự án là gì, tôi luôn trả lời cùng một câu: Quyên tiền", ông cho biết.

Các chiến lược quảng cáo và tiếp thị cũng đã thay đổi rất nhiều kể từ lần ghi kỷ lục tốc độ trên bộ gần nhất. Nhiều công ty đã chuyển qua quảng cáo trực tuyến nhắm vào mục tiêu cụ thể, tại đó hai gã khổng lồ Facebook và Google hứa hẹn sẽ tìm được khách hàng hoàn hảo cho các công ty. Vì thế, việc trưng một tấm logo cỡ lớn bên cạnh một chiếc xe siêu tốc bị xem là giải pháp đắt đỏ, trong khi hiệu quả quảng cáo thu được không tương xứng.

Tình cảnh thiếu vốn khiến đội Bloodhound buộc phải thích nghi. Ví dụ đã có những tháng nhóm không thể trả lương cho người lao động. Điều này nghe thật kinh khủng, nhưng lại là chuyện bình thường với các thành viên của nhóm. Phần lớn trong số đó đều là các lao động tự do trong suốt cuộc đời, nên đã quen với việc kiếm tiền phập phù.

Việc phải quan tâm quá nhiều tới tiền tài trợ đã gây ảnh hưởng tới hoạt động thiết kế và phát triển Bloodhound. Mỗi lần có một khoản tiền mới được rót về, các lãnh đạo nhóm đều phải suy nghĩ phải làm gì để người ta có thể cấp tiền thêm. Và lúc nào họ cũng phải tính tới việc kết thúc cuộc chơi. Rõ ràng sau rốt, nếu nguồn tiền cạn sạch thì cả đội sẽ phải ngừng lâu dài công việc của họ.

Hiện phần lớn các nhà tài trợ của Bloodhound là những doanh nghiệp cỡ vừa và nhỏ. Thường thì các công ty đó quyết định tài trợ vì "con tim thay vì khối óc". Họ đều thích xe hơi và muốn thấy kỷ lục tốc độ mới. Dĩ nhiên họ cũng hiểu tầm quan trọng của việc khuyến khích người trẻ theo đuổi sự nghiệp trong lĩnh vực khoa học, kỹ thuật và toán học.

Theo Parraman, hoạt động quyên tiền đặc biệt khó khăn trong 2 năm 2015 và 2016. Kết quả là quy mô nhóm Bloodhound bị thu hẹp lại và tiến triển đạt được cũng rất chậm chạp. Tháng 2.2016, Noble phải thông báo việc trì hoãn lập kỷ lục thêm một lần nữa mà lý do chỉ vì nhiều hợp đồng tài trợ lớn vẫn đang trong giai đoạn thương thảo. Phải tới tháng 9 năm đó, Bloodhound mới tìm được nhà hảo tâm Geely, một công ty Trung Quốc đang sở hữu thương hiệu Volvo, công ty Xe điện London và hãng xe bay Terrafugia. Hợp đồng dài 3 năm cũng là khoản tài trợ lớn nhất trong lịch sử Bloodhound.

Nhờ khoản tiền này mà gần 1 năm sau, Bloodhound đã được đẩy ra khỏi nhà chứa máy bay nằm tại sân bay Newquay. Chiếc xe này không giống với sản phẩm sẽ ghi kỷ lục. Ví dụ như nó không được trang bị động cơ tên lửa của Nammo và dùng bánh thường thay vì bánh nhôm chạy trên sa mạc. Nhưng về cơ bản chiếc xe đã hoàn chỉnh. Phải mất 9 năm và rất nhiều lần trì hoãn, nhóm mới có được cuộc chạy thử ý nghĩa này.

Dù chiếc xe mới chỉ đạt tốc độ chậm 320km/h, những dữ liệu giá trị thu được đã đủ để nhóm phân tích mổ xẻ tại Bristol và qua đó tiếp tục chỉnh sửa chiếc xe. Hiện thách thức lớn nhất của Bloodhound là có thêm tiền để tích hợp hệ thống tên lửa của Nammo vào chiếc xe. Không có thêm lực đẩy từ tên lửa, nhóm không thể mơ tới chuyện vượt ngưỡng tốc độ 1.600 km/h.

Việc tài chính không ổn định, cộng với khoảng thời gian cần thiết để tích hợp động cơ tên lửa vào chiếc xe, cho thấy nhóm sẽ phải chờ tới năm 2019 hoặc lâu hơn nữa để ghi kỷ lục lần đầu tiên. Như thế sẽ phải mất hơn 1 thập kỷ để giấc mơ phá kỷ lục tốc độ trở thành hiện thực.

Rõ ràng tình cảnh hiện nay rất đáng buồn với những người liên quan, khi thứ níu chân họ lại là tiền bạc thay vì trở ngại kỹ thuật. Tuy nhiên nhóm vẫn không lung lay ý chí ghi kỷ lục. Ai cũng biết rằng với đủ quyết tâm, họ sẽ có cơ hội chiến thắng. "Chúng tôi có cơ hội để trở thành một phần nhỏ của lịch sử”, kỹ sư hệ thống Bloondhound Joe Holdsworth nói. "Và tôi muốn nắm lấy cơ hội đó”.

hương giang (tổng hợp)

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/cuoc-tinh-dai-dang-dac-cua-nuoc-anh-voi-sieu-xe-chay-nhanh-hon-dan-ban-636835.ldo