Cuộc tìm kiếm những 'siêu Trái Đất' trong dải Ngân Hà

Ngành thiên văn học thời gian qua đã phát hiện được hàng trăm 'siêu Trái Đất', những hành tinh nằm bên ngoài hệ Mặt Trời nhưng tồn tại trong cùng dải Ngân Hà của chúng ta.

Các nhà khoa học vừa phát hiện được dấu hiệu của hơi nước tại hành tinh K2-18b, cách Trái Đất gần 110 năm ánh sáng. Phát hiện mới trên hành tinh K2-18b, được kính viễn vọng Kepler lần đầu nhìn thấy vào năm 2015, mở ra hy vọng những ngoại hành tinh (exoplanet) tương tự, nằm ngoài hệ Mặt Trời và trong dải Ngân Hà, có thể tồn tại sự sống. Ảnh: NASA.

Các nhà khoa học vừa phát hiện được dấu hiệu của hơi nước tại hành tinh K2-18b, cách Trái Đất gần 110 năm ánh sáng. Phát hiện mới trên hành tinh K2-18b, được kính viễn vọng Kepler lần đầu nhìn thấy vào năm 2015, mở ra hy vọng những ngoại hành tinh (exoplanet) tương tự, nằm ngoài hệ Mặt Trời và trong dải Ngân Hà, có thể tồn tại sự sống. Ảnh: NASA.

K2-18b là một trong hàng trăm "siêu Trái Đất" mà các nhà thiên văn học thông qua những ống kính viễn vọng khổng lồ phát hiện được trong nhiều năm qua. Theo Reuters, khái niệm "siêu Trái Đất" được sử dụng để chỉ những hành tinh có kích thước từ ngang bằng Trái Đất đến ngang bằng sao Hải Vương (lớn gấp 17 lần Trái Đất). Ảnh: ESO.

Hình ảnh mô phỏng bề mặt của hành tinh TRAPPIST-1f, một trong 7 hành tinh được phát hiện trong hệ sao TRAPPIST-1. Các nhà khoa học phát hiện hành tinh này vào năm 2017 bằng Ống kính viễn vọng Vũ trụ Spitzer phối hợp cùng các kính viễn vọng trên mặt đất. Hành tinh cách Trái Đất gần 39 năm ánh sáng và được kỳ vọng tồn tại nước do băng tan chảy trên bề mặt. Ảnh: NASA.

Việc tìm kiếm và nghiên cứu những ngoại hành tinh và "siêu Trái Đất" trong dải Ngân Hà đang dần phát triển thành một lĩnh vực riêng trong thiên văn học. Trong ảnh, mô phỏng bề mặt của hành tinh Proxima dựa trên phân tích của các nhà khoa học. Nó xoay quanh sao lùn đỏ Proxima Centauri. Đây là ngôi sao gần hệ Mặt Trời nhất, cách Mặt Trời của chúng ta khoảng 4.233 năm ánh sáng, ở phía nam của chòm sao Nhân Mã (Centauri). Ảnh: ESO.

Các nhà khoa học trong những năm qua đã phát hiện được hơn 4.000 ngoại hành tinh đủ kích cỡ và phân loại khác nhau. Phát hiện mới nhất của các nhà khoa học tại Đại học London (UCL) về hơi nước trên K2-18b nằm trong khuôn khổ một nỗ lực xác định những ngoại hành tinh nào có điều kiện tương tự Trái Đất. Trong ảnh, so sánh về kích thước giữa Trái Đất và hành tinh Kepler-452b, lớn hơn Trái Đất gần 60% và cách chúng ta gần 1.600 năm ánh sáng tại chòm sao Thiên Nga (Cygnus). Ảnh: NASA.

Dù tìm thấy nước trên K2-18b, hành tinh xoay quanh một sao lùn thuộc chòm sao Sư tử (Leo) cách Trái Đất hơn 100 năm ánh sáng, các nhà khoa học nói họ không theo đuổi một mục tiêu "viễn trưởng" như tìm kiếm nơi kế tiếp để nhân loại có thể định cư. Trong khi ánh sáng từ Mặt Trời chỉ mất vài phút để đến Trái Đất, ánh sáng từ ngôi sao của K2-18b phải mất cả thế kỷ mới đến được hành tinh của chúng ta. "Việc chúng ta đến được đó là bất khả thi", Angelos Tsiaras, nhà thiên văn học tại UCL, cho biết. Ảnh: JPL-Caltech.

Hình ảnh mô phỏng của Sedna, một thiên thể nhỏ với hình thù như hành tinh với bề mặt băng giá. Hành tinh có khoảng cách với Mặt Trời gấp 3 lần khoảng cách từ Mặt Trời đến sao Hải Vương, còn xa hơn cả sao Diêm Vương và vành đai Kuiper (còn gọi là vành đai Kha Y được tạo thành từ những mảnh vỡ ở vùng gần rìa của hệ Mặt Trời). Hành tinh được phát hiện vào năm 2003, mở ra nhiều ẩn số về những diễn biến khi hệ Mặt Trời vừa hình thành. Ảnh: JPL-Caltech.

Dù K2-18b nằm quá xa Trái Đất để nhân loại có thể hy vọng đến viễn cảnh du hành vũ trụ, các nhà khoa học tại UCL vẫn hào hứng khi lần đầu họ phát hiện một hành tinh trong "vùng Goldilocks" của một ngôi sao mà bầu khí quyển của hành tinh có khả năng hỗ trợ sự sống. Điều này tạo thêm cơ sở để nghiên cứu khả năng hỗ trợ sự sống ở những "siêu Trái Đất" tương tự. Trong ảnh, mô phỏng bề mặt của "siêu Trái Đất" Gliese 667 Cc. Ảnh: ESO.

Những nhà nghiên cứu thiên văn ước tính có hàng chục tỉ hành tinh thuộc loại "siêu Trái Đất" tồn tại trong dải Ngân Hà của chúng ta, xoay quanh những ngôi sao lùn đỏ. Trong ảnh, hành tinh lùn Ceres nằm xen lẫn trong vành đai thiên thạch xoay quanh sao Hỏa và sao Mộc. Ceres là một trong những thiên thể kỳ lạ nhất của hệ Mặt Trời khi nó liên tục giải phóng hơi nước từ bề mặt vào vũ trụ. Ảnh: NASA.

Tìm thấy hơi nước trong khí quyển của K2-18b có thể xem là một bằng chứng cho thấy những "siêu Trái Đất" nằm trong vùng Goldilocks có các thành tố giúp duy trì sự sống. Tuy nhiên, K2-18b chịu nhiều phóng xạ từ ngôi sao lùn hơn Trái Đất nhận từ Mặt trời và khả năng có dạng sống tồn tại ở đây khá thấp. Trong ảnh, hành tinh Kepler-62e, một "siêu Trái Đất" nằm trong chòm sao Thiên Cầm (Lyra) cách Trái Đất 1.200 năm ánh sáng. Ảnh: JPL-Caltech.

Việc tìm kiếm dấu hiệu của nước, và cả khí methane (một dấu hiệu nữa của sự sống), trên các hành tinh sẽ được đẩy mạnh với kính viễn vọng James Webb mà NASA sẽ phóng vào vũ trụ năm 2021, và dự án Ariel của Cơ quan Vũ trụ châu Âu năm 2028. Trong ảnh, ngôi sao Alpha Centauri B thuộc hệ thống sao kỳ lạ với 3 "mặt trời" cùng tồn tại là Alpha Centauri B, Proxima Centauri và Alpha Centauri A. Đây là hệ thống sao nằm gần Trái Đất nhất. Ảnh: ESO.

Lê Thanh

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/cuoc-tim-kiem-nhung-sieu-trai-dat-trong-dai-ngan-ha-post989632.html