Cuộc thi viết về chủ quyền: Vượt qua 'bão lòng'

Những cơn bão ở biển khơi nhiều khi không đáng ngại bằng những cơn bão lòng. Chỉ khi vượt qua được nó, cán bộ - chiến sĩ nhà giàn mới có thể thực sự vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió

Tiểu đoàn DK1, Vùng 2 Hải quân vẫn luôn nhắc thế hệ sau nhớ về trận cuồng phong năm 1990 với sức gió giật trên cấp 12 đã quật đổ nhà giàn DK1/3 Phúc Tần, cuốn tất cả cán bộ - chiến sĩ xuống biển. Trong đó, 3 người mãi không thể trở về, gồm: thượng úy Nguyễn Hữu Quảng, trung úy quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Trần Văn Là và hạ sĩ Hồ Văn Hiền.

Nhắc về đêm kinh hoàng ấy, trung tá Bùi Xuân Bổng, một trong những người may mắn sống sót, không kìm nổi xúc động: "Mình luôn nhớ thời khắc vẫn còn ở trên nhà giàn, anh em ngồi bàn công tác chuẩn bị nếu gặp sự cố. Anh Là người Quảng Bình và một anh nữa đã có gia đình nhưng không ai kêu than gì, chỉ tập trung chuẩn bị, bàn bạc nhau làm sao khi nhà giàn đổ thì có thể tồn tại trên biển cho tốt nhất...".

Duyệt đội ngũ ở nhà giàn DK1

Duyệt đội ngũ ở nhà giàn DK1

Khi nỗi đau ấy vẫn chưa nguôi ngoai thì cơn bão số 8 hung dữ và tàn khốc năm 1998 lại tràn qua khu vực nhà giàn 2A Phúc Nguyên. Nhà giàn này bị quật đổ, hất tung 9 cán bộ - chiến sĩ xuống biển. Trong đó, đại úy Vũ Quang Chương - Chỉ huy trưởng nhà giàn 2A Phúc Nguyên, chuẩn úy QNCN Nguyễn Văn An - nhân viên cơ điện và chiến sĩ Lê Đức Hồng đã gửi lời "vĩnh biệt đất liền" rồi thanh thản nằm lại mãi với biển khơi.

Trung tá Dương Văn Hoan, nhân chứng sống của vụ đổ nhà giàn 2A Phúc Nguyên năm ấy, nghẹn ngào: "Đồng chí Vũ Quang Chương chưa vợ con gì, còn bố mẹ già và các em đang ăn học. Lúc nhà giàn đổ thì anh đã quấn theo lá cờ Tổ quốc. Đồng chí Nguyễn Văn An khi nhà giàn đổ thì con mới được 2 tháng tuổi. Anh từng tâm sự: "Mình có hy sinh cả tuổi xuân cho nhà giàn cũng không tiếc mà chỉ thương vợ con, vợ mới sinh mà chưa biết mặt con". Đồng chí Lê Đức Hồng thì mới nhận quyết định chuyển QNCN, chưa có người yêu, lúc đó đã viết thư kết bạn với một cô gái mà chưa kịp gửi".

Thiếu tá Đặng Xuân Hòa và trung tá Phạm Văn Hướng (thứ 3 và thứ 4 từ trái qua) trò chuyện cùng đồng đội sau giờ huấn luyện

Hơn 30 năm vững vàng nơi đầu sóng, bão tố chỉ có thể bẻ cong sắt thép của nhà giàn chứ không thể bẻ cong ý chí, niềm tin của những người lính DK1. Thế nhưng, đối với một số cán bộ - chiến sĩ, nhất là những người lính trẻ, cơn bão từ biển khơi không đáng ngại bằng cơn "bão lòng".

Thượng úy QNCN Nguyễn Thành Đại, y sĩ nhà giàn DK1/21, cho biết sau khi ra trường, anh công tác ở các nhà giàn từ cuối năm 2008, đến nay đã gần 14 năm. Thời gian ở đất liền ít, thời gian anh về thăm nhà lại càng ít. "Năm nay mình đã 37 tuổi rồi mới có người nhận lời làm vợ. Mình báo cáo đơn vị rồi nhưng do vừa rồi dịch Covid-19 căng thẳng quá nên chưa về tổ chức cưới được" - anh tiết lộ.

Mới ngày nào còn là chàng học viên hăng hái xông pha khắp nơi "cho biết đó biết đây", vậy mà thấm thoắt đã hơn 30 năm, trung tá Phạm Văn Hướng ngược xuôi khắp các bãi cạn của DK1. Đồng đội của ông là thiếu tá Đặng Xuân Hòa cũng có gần 30 năm làm bạn với sóng gió. Những mái đầu ngả bạc dần để cho đất liền mãi xanh.

Nhấp chén trà Bắc có vị ngai ngái mốc, trung tá Hướng nhớ lại: "Trước đây, 2 tháng tôi mới viết về cho nhà được một lá thư, có khi viết dồn mấy lá rồi gửi một lần. Khi sóng to, tàu không ra được thì phải đến 4-5 tháng. Ở nhà vợ nóng ruột, cứ tìm hỏi hết người này đến người kia nhưng hồi ấy không có điện thoại nên cũng khó".

Tiếp lời, thiếu tá Hòa bộc bạch: "Tôi ra nhà giàn được 2 tháng thì mẹ mất. Do không có gì để liên lạc nên mãi 2 tháng sau, khi có thư ra thì tôi mới biết. Lúc ấy, tôi chỉ có thể về cúng tuần 100 ngày cho mẹ chứ 49 ngày cũng không kịp"…

Khi những chuyến tàu lỡ hẹn với bến bờ là bao nỗi niềm riêng đành nén lại. Lỡ hẹn với vợ hiền, con thơ, với mẹ cha đang tuổi xế chiều và có khi còn lỡ cả những dòng thư kết bạn viết bằng mực tím cho người con gái chưa từng gặp mặt. Song, cán bộ - chiến sĩ nhà giàn luôn vụng về giấu đi tình cảm riêng phía sau vẻ sần sùi, thô ráp của làn da sạm màu sóng gió....

Một buổi chiều tà, sau khi nhờ đồng đội cắt cho "mái tóc nhà giàn", thượng tá Nghiêm Xuân Thái, Chính trị viên Tiểu đoàn DK1, hài hước khoe với tôi về kiểu tóc ngắn hết cỡ nhưng vẫn vô cùng "hợp mốt" để tiết kiệm nước tắm gội.

Hoàng hôn xuống, tôi đứng ngắm mặt trời lặn. Một chiến sĩ trẻ đi qua hỏi thăm: "Em nhớ nhà à? Nhìn về phía Tây thì đúng là hướng đất liền đấy!". Hóa ra, đó chính là hướng mà anh và đồng đội thường dõi nhìn mỗi lúc nhớ nhà.

Khi tôi hỏi thăm tình hình những chiến sĩ trẻ, thượng tá Nghiêm Xuân Thái bày tỏ: "Nhiều khi cơn "bão lòng" đáng ngại hơn nhiều so với cơn bão hung bạo của thiên nhiên. Trước khi thành người lính can trường, nhiều người cũng là những con người bình thường. Họ không nao núng trước thử thách, thậm chí sẵn sàng hy sinh nhưng sẽ se thắt lòng khi nghĩ về những điều thân thương nhất... Phải nhìn nhận như thế để động viên anh em cho đúng, cho thuyết phục; để có chính sách thật thỏa đáng với hậu phương. Không gì có thể an ủi và làm yên lòng cán bộ - chiến sĩ bằng việc quan tâm thiết thực, chăm lo cho hậu phương của họ".

Hơn 30 năm chốt giữ nơi thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc, cán bộ - chiến sĩ nhà giàn luôn nguyện một lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, với quân đội và nhân dân; mãi sắt son lời thề của lớp cha anh đi trước "còn người, còn nhà giàn", quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Trong cơn hồng thủy phong ba, đối diện những hiểm nguy thường trực từ hướng biển, họ đã sống và dám hy sinh hiên ngang cho lý tưởng cách mạng, cho chân lý chói ngời của dân tộc, chưa bao giờ nao núng, lung lay trước âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù.

Với ý chí, niềm tin và bản lĩnh của người lính nhà giàn, những cơn "bão lòng" nếu có rồi cũng qua đi. Bởi lẽ, chỉ khi vượt qua được cơn "bão lòng", cán bộ - chiến sĩ nhà giàn mới có thể thực sự vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió.

Mời tham gia cuộc thi viết "Chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm"

Với mục đích đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức giữ gìn, bảo vệ vững chắc biển đảo nói riêng và lãnh thổ quốc gia Việt Nam nói chung; đồng thời tiếp nối thành công của chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển", Báo Người Lao Động phát động cuộc thi viết "Chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm" lần 3 năm 2022-2023.

NỘI DUNG, PHẠM VI ĐỀ TÀI

- Phản ánh việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của đất nước, của ngành, của địa phương trong công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, nhất là đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; công cuộc bảo vệ, xây dựng, phân giới, cắm mốc, bảo vệ đường biên giới trên bộ.

- Phản ánh khách quan, sinh động, sâu sắc về đường lối ngoại giao của Việt Nam trong công cuộc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia.

- Tập thể, cá nhân, gương điển hình trong thực thi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo, biên giới, lãnh thổ quốc gia; sự hy sinh, cống hiến của chiến sĩ hải quân, cảnh sát biển, bộ đội biên phòng... đang ngày đêm canh gác ngoài biển khơi, vùng biên giới.

- Đóng góp của người dân, ngư dân, các phong trào "Ngày biên phòng toàn dân", "Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới"; các mô hình "Kết nghĩa bản - bản", "Xuân biên cương"... cùng các chương trình vận động, tuyên truyền tình đoàn kết, nâng cao ý thức bảo vệ chủ quyền cho nhân dân khu vực biên giới, hải đảo.

- Đề xuất ý tưởng, giải pháp có căn cứ khoa học trong việc tuyên truyền đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, biên giới, lãnh thổ quốc gia; về phát triển kinh tế biển, văn hóa biển, bảo vệ môi trường biển Việt Nam, phát triển kinh tế khu vực biên giới...

THỂ LỆ, YÊU CẦU

- Là bài viết dưới dạng bình luận, bút ký, phóng sự, ký sự, tường thuật, phản ánh, ghi nhanh, bài cảm xúc...

- Mỗi bài dự thi chỉ đăng 1 kỳ, không quá 1.700 chữ; bắt buộc có ít nhất 3 ảnh chụp nhân vật hoặc vấn đề liên quan tình tiết, nội dung bài viết.

- Bài đã gửi tham dự cuộc thi viết "Chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm" lần 3 năm 2022-2023 do Báo Người Lao Động tổ chức thì không được gửi cho nơi khác, cuộc thi khác.

ĐỐI TƯỢNG DỰ THI

- Tất cả công dân Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam và nước ngoài, người nước ngoài đang sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam.

- Thành viên trong ban tổ chức, ban giám khảo, đơn vị tài trợ và phóng viên, cộng tác viên cơ hữu của Báo Người Lao Động không được tham gia.

THỜI GIAN NHẬN TÁC PHẨM DỰ THI

- Từ ngày phát động 23-6-2022 đến 15-5-2023.

- Địa chỉ nhận tác phẩm dự thi: Tòa soạn Báo Người Lao Động: 123-127 Võ Văn Tần, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP HCM. Điện thoại: 028.3930 5376 - 0903343439. Email: chuquyenbiendao@nld.com.vn.

CƠ CẤU GIẢI THƯỞNG DỰ KIẾN

- Giải nhất (1 giải): 50 triệu đồng.

- Giải nhì (1 giải): 30 triệu đồng.

- Giải ba (1 giải): 20 triệu đồng.

- Giải khuyến khích (2 giải): 10 triệu đồng/giải.

Bài và ảnh: LÊ PHƯƠNG DUNG

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/bien-dao/vuot-qua-bao-long-20220730211614051.htm