Cuộc thi viết truyện 'Đóa hoa đồng thoại': Hãy để trẻ em tự sáng tác cho chính mình

Cuộc thi viết truyện 'Đóa họa đồng thoại' không chỉ là nơi để người lớn viết về trẻ em mà còn là cơ hội để trẻ em có thể viết lên thế giới của chính mình.

Sáng 25/3, tại Hà Nội, cuộc thi viết truyện Eneos & Mogu “Đóa hoa đồng thoại” lần thứ IV - năm 2021 do JXEV, More Production Việt Nam, Báo điện tử Tổ quốc, Nhà Xuất bản Kim Đồng tổ chức đã chính thức được khởi động.

Đồng thoại là thể loại truyện viết cho trẻ em trong đó loài vật và các vật vô tri được nhân cách hóa để tạo nên một thế giới thần kì, thích hợp với trí tưởng tượng của các em. Bởi vậy, việc có càng nhiều những tác phẩm đồng thoại trên thị trường sẽ càng giúp ích cho việc mở rộng thế giới quan của các em.

Khởi động cuộc thi viết truyện đồng thoại "Đóa hoa đồng thoại" lần thứ IV - 2021.

Khởi động cuộc thi viết truyện đồng thoại "Đóa hoa đồng thoại" lần thứ IV - 2021.

Phát biểu tại lễ khởi động cuộc thi, Tổng Giám đốc Công ty TNHH JXEV Masahito Hirano, đơn vị tổ chức cuộc thi cho biết: "Tại Nhật Bản, cuộc thi này được tổ chức thường niên từ năm 1970 đến nay. Còn ở Việt Nam, đây mới là lần thứ 4. Qua cuộc thi, chúng tôi mong muốn kết nối trái tim của người dân Nhật Bản và Việt Nam, đồng thời góp phần vào việc nuôi dưỡng tâm hồn trẻ em hai nước phát triển một cách lành mạnh".

Sau ba năm tổ chức, cuộc thi ngày càng thu hút đông đảo các tác giả ở mọi lứa tuổi, chất lượng các bài thi cũng nâng lên rõ rệt. Năm 2018, có 251 tác phẩm của 207 thí sinh ở 10 tỉnh/thành tham dự Giải thưởng; năm 2019, Giải thưởng thu hút 248 tác phẩm của 299 thí sinh ở 16 tỉnh/thành. Đến năm 2020, số tác phẩm tham dự tăng kỷ lục với 1351 tác phẩm của 872 tác giả ở 52 tỉnh/thành trên cả nước tham gia.

Kết quả của những nỗ lực nói trên đã giúp cho việc phổ cập văn hóa tranh truyện đã tạo dựng được chỗ đứng và bắt đầu được mở rộng một cách vững chắc tại Việt Nam. Ngoài ra, số lượng người gửi bài tham dự Cuộc thi “Đóa hoa đồng thoại” tăng nhiều qua từng năm cũng cho thấy hoạt động phổ cập văn hóa tranh truyện, văn hóa đọc sách đang dần được đón nhận và có một chỗ đứng tại Việt Nam.

Bé Mai Khuê - tác giả đoạt giải năm 2019.

Cuộc thi “Đóa hoa đồng thoại” lần thứ IV, 2021 được chia thành 3 hạng mục: Hạng mục Tự do (Thí sinh dự thi thuộc mọi lứa tuổi), Hạng mục Trung học cơ sở và Hạng mục Tiểu học. Các thí sinh đều phải có quốc tịch Việt Nam, đang cư trú tại Việt Nam. BTC không giới hạn số lượng tác phẩm dự thi đến tháng 5/2021.

Mỗi hạng mục sẽ có có các giải Nhất, Nhì, Ba và Khuyến khích riêng. Giải Đặc biệt được chọn ra từ giải Nhất của mỗi hạng mục. Các tác phẩm đạt giải được dịch sang tiếng Nhật, biên tập, vẽ minh họa, in ấn và phát hành dưới dạng tuyển tập song ngữ Việt-Nhật. Cuốn tuyển tập được phát hành khắp cả nước thông qua hệ thống nhà sách. Toàn bộ lợi nhuận từ việc bán sách đều được trao tặng các quỹ khuyến học và khuyến đọc của Việt Nam. Kết quả cuộc thi sẽ được công bố vào tháng 7/2021.

Tác giả đạt giải Đặc biệt sẽ được khắc tên trên cúp “Đóa hoa đồng thoại”. Cúp được BTC lưu giữ để tiếp tục vinh danh các tác giả xuất sắc của những năm sau với mong muốn được đóng góp cho nền văn học thiếu nhi Việt Nam, giúp lan tỏa văn hóa đọc rộng khắp. Bên cạnh đó, thí sinh đạt giải Đặc biệt sẽ tham gia lễ trao giải “Đóa hoa đồng thoại” Nhật Bản. Chuyến đi kéo dài 4-6 ngày với các hoạt động tham quan, thăm nhà xuất bản “Đóa hoa đồng thoại” Nhật Bản, gặp mặt và tham dự lễ trao giải.

Nhà văn Lê Phương Liên - Trưởng Ban giám khảo Cuộc thi "Đóa hoa đồng thoại" lần thứ IV.

BGK của Cuộc thi gồm các nhà văn thiếu nhi có uy tín tại Việt Nam và Nhật Bản; đại diện Nhà tài trợ, Ban tổ chức và Nhà xuất bản Kim Đồng (Việt Nam).

Nhà văn Lê Phương Liên - Trưởng Ban giám khảo Cuộc thi chia sẻ: "Thời đại thay đổi cũng khiến thói quen đọc sách và thế giới quan của các em cũng khác nhiều so với thời đại của chúng ta. Chẳng hạn việc đọc sách vượt lứa tuổi, đọc rộng và tiếp thu nhiều kiến thức quá với tầm hiểu biết. Tôi nghĩ, việc trẻ em được tự lựa chọn những cuốn sách phù hợp với chính mình là điều quan trọng.

Bản thân tôi cũng từng sáng tác nhiều câu truyện đồng thoại, truyện cho trẻ em. Tôi nhận thấy rằng, những người viết lâu năm cũng phải học tập các em rất nhiều về cách nhìn để có thể sáng tác hay. Cuộc thi này còn làm tốt hơn điều đó, không chỉ là nơi để người lớn viết về trẻ em mà còn là cơ hội để trẻ em có thể viết lên những suy nghĩ của chính mình".

Ngoài cuộc thi viết, BTC cũng tổ chức nhiều hoạt động bên lề đặc sắc, tạo không gian giao lưu, tỉm hiểu giữa các thí sinh với khách mời là các nhà văn, nhà giáo dục Việt Nam và Nhật Bản. Các workshop giúp các tác giả trẻ, tác giả không chuyên tìm nguồn cảm hứng, luyện tập, thực hành sáng tác với sự giúp đỡ của các nhà văn khách mời của Giải thưởng.

Đặc biệt, khác với mọi năm khi chỉ tổ chức workshop tại Hà Nội hoặc tổ chức online do dịch Covid-19 (năm 2020), năm 2021 này, workshop được lên kế hoạch tổ chức tại các địa phương khác. Dự kiến Workshop “Bút kể ta nghe” diễn ra ngày 10/4 tại Nghệ An; 10/4 tại Phú Thọ; 17/4 tại TP Hồ Chí Minh; 17/4 tại Đà Lạt- Lâm Đồng và 8/5 tại Hà Nội. Chương trình Giao lưu với tác giả Nhật Bản Mariko Shinju & Hideko Nagano diễn ra ngày 24/4 tại Hà Nội./.

Thanh Thanh/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/van-hoc/cuoc-thi-viet-truyen-doa-hoa-dong-thoai-hay-de-tre-em-tu-sang-tac-cho-chinh-minh-845728.vov