Cuộc thi viết 'Người Thầy kính yêu': 'Khi cỏ cây cũng không từ bỏ ước vọng sinh tồn...'

Mỗi khi gặp khó khăn chưa tìm ra được lối thoát, tôi lại nghĩ đến cô - người đã nâng đỡ tôi khi tôi chán nản, có ý định từ bỏ cuộc sống từ thời học sinh

Hồi còn đi học, tuy là con gái nhưng tôi có thân hình to con vạm vỡ, nước da ngăm đen bánh mật. Các bạn hay trêu chọc tôi bằng những câu từ đáng sợ nên tôi sống trong sự mặc cảm ít người biết đến. Cha mẹ cũng không biết đã nhiều lần tôi cầm phấn viết những nét nguệch ngoạc trên tường nhà, trên thành giường: "Tôi muốn chết, tôi sẽ chết, tôi phải chết...".

Người làm lành vết thương

Giai đoạn đó rơi vào năm 2008 - 2009 khi tôi vừa bước vào lớp 9. Đây cũng là thời điểm cô Trần Thị Hương (sinh năm 1981) đã hết lòng nâng đỡ, yêu thương tôi. Cô Hương là giáo viên dạy văn ở Trường THCS Cư Đrăm, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk cũng là cô giáo chủ nhiệm của tôi.

Tôi không sao quên được cuộc gặp đầu tiên giữa tôi và cô khi tôi đang học lớp 8. Trường cách nhà 6 km nhưng tôi không có bạn đồng hành. Xe đạp hỏng, các bạn đi qua tôi cười cợt nhả: "Nhìn nó cũng tội mà thôi kệ, ai bảo nó nặng như heo, ngồi lên xe tao chỉ có nước sập vành". Một đứa nói, cả đám khoái chí cười vang. Bạn đi khuất, tôi bực bội hất tung chiếc xe, môi bặm chặt, chân không thương tiếc đá vào khung xe, thanh sắt cắm vào chân bê bết máu. Khi đã thấm mệt, tôi ngồi sụp xuống bên vệ đường, mắt trừng trừng nhìn vết rách. Đúng lúc đó có tiếng xe máy dừng lại, tôi ngước lên, miệng nặng nhọc phát ra âm thanh miễn cưỡng chào cô. Cô vội vã dựng chân chống, chạy lại chỗ tôi. Tôi không nói lời nào, cứ lầm lũi nhìn cô dắt xe của tôi mang đi gửi rồi lặng lẽ ngồi sau yên để cô chở về. Dọc đường đi, tôi im lặng, cô không hỏi nhà tôi ở đâu, tôi cũng không tự giác chỉ đường.

Nhưng cô không chở tôi về nhà mà chở thẳng đến trạm xá, cô dìu tôi xuống xe và nói: "Vào đây, cô nhờ bác sĩ khâu cho em". Giây phút đó tôi gần như không thở được, tim tôi chưa bao giờ đập nhanh và rộn rã đến vậy bởi vẫn có người thương tôi, lo lắng khi cơ thể tôi thương tích trong khi chính tôi đã hơn một lần cầm dao lam cũ rạch lên tay mình những vết có sâu có cạn. Bất ngờ, tủi thân, cảm động thi nhau ập đến, tôi òa khóc.

Sang năm lớp 9, thầy chủ nhiệm cũ chuyển công tác, cô tình nguyện xin thay vị trí của thầy vào phụ trách lớp tôi. Lúc đó, con trai cô mới hơn một tuổi nên nhà trường tạo điều kiện để cô có thời gian gần gũi con. Nhưng cô lại chủ động nhận trọng trách chủ nhiệm một lớp học, đồng nghĩa với việc thời gian xa con và vắng nhà của cô cũng nhiều hơn.

Cô Trần Thị Hương - giáo viên Trường THCS Cư Đrăm, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk

Cô Trần Thị Hương - giáo viên Trường THCS Cư Đrăm, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk

Hồi sinh từ tình yêu thương, niềm tin

Tôi vốn học văn không giỏi nhưng không hiểu sao khi vào giảng dạy, cô lại chọn tôi để bồi dưỡng học sinh giỏi môn văn của trường. Cô vỗ vai tôi và nói: "Cô chọn em, cô chọn mặt gửi vàng rồi đấy".

Cả lớp bàn tán xôn xao, còn tôi vừa mừng vừa sợ. Mừng vì có người đặt niềm tin vào mình, sợ vì bạn bè chắc chắn sẽ mỉa mai đâm chọc, sợ hơn nữa là nhỡ tôi không làm được, tôi sẽ phụ sự kỳ vọng của cô. Như thấu hiểu tâm lý của tôi, cô trấn an tôi: "Không sợ không làm được, chỉ sợ mình không đủ cố gắng".

Hôm sau, tôi bắt đầu vào việc bồi dưỡng văn do cô đích thân dạy. Buổi sáng sau khi tan tiết 5, cô dặn: "Nhà xa vậy nay em ở lại đi, để cô gọi về xin phép bố mẹ cho em". Tôi cùng đi về nhà cô, đó là khu tập thể cũ kỹ gồm 6 phòng sơn tường xanh trong khuôn viên trường cấp III đối diện.

Trước phòng cô có một cây mít to, cô bảo tôi ra hái trái mít non về chấm muối. Tôi đơ ra mấy giây rồi vui vẻ cầm rổ chạy đi. Trong phòng cô nấu ăn, ở ngoài con bé như tôi lần đầu tiên biết vui vẻ vừa hát vừa nhảy chân sáo. Bữa trưa hôm đó chỉ có đậu phụ xốt cà chua cùng rau muống luộc nhưng tôi ăn đến 3 chén, cơm nhà cô ngon khác lạ.

Sau bữa ăn, tôi rửa chén còn cô giã muối chấm mít non. Tôi buột miệng nói với cô rằng: "Lần đầu tiên em ăn mít non chấm muối". Tay cô chững lại, cô nhìn tôi mấy giây rồi bảo: "Ngoài cây còn nhiều lắm, học với cô rồi ngày nào em cũng được ăn mít non".

Nói là học nhưng mấy ngày đầu tôi ở lại chỉ cùng cô ăn trưa và trò chuyện, buổi chiều cô đưa mấy quyển sách hay cho tôi đọc. Trong phòng cô có một máy tính đã cũ, mạng chạy rề rề rất lâu. Hôm ấy là ngày thứ năm, cô mở cho tôi xem hình ảnh gốc cây mọc ra từ khe đá, bên dưới có dòng chữ rất to: "Khi cỏ cây cũng không từ bỏ ước vọng sinh tồn thì có lý do gì bạn lại gục ngã". Đề cô đưa ra là hãy nêu cảm nhận về hình ảnh và câu văn vừa đọc.

Chiều hôm đó tôi ngồi suốt 3 giờ để tìm lời giải, tôi nhớ về những lần tôi bị miệt thị, chê bai, nhớ cả những khi buông xuôi, chán nản, nhớ tiếng phấn khô khốc viết trên nền đá những câu vô nghĩa: "Tôi sẽ chết, tôi phải chết".

Tôi nhớ chính mình của những ngày tối tăm buồn bã, nhớ đến bóng dáng vội vàng của cô khi đưa tôi vào khâu vết thương chân ở trạm xá, nhớ giọt nước mắt lăn xuống làn áo vải khi lần đầu tiên cảm nhận được sự vị tha, ấm áp nơi cô. Nhớ đến mẹ tôi, người mẹ khô khan cả đời không bao giờ biết nói lời ngon tiếng ngọt nhưng luôn muốn dành cho tôi những điều tốt đẹp nhất. Tôi nhớ cha, người cha hay nổi nóng nhưng thức trắng đêm mỗi khi tôi ốm sốt. Nhớ chiếc tivi cũ ông nội hay xem ngày nào cũng nêu gương thầy Nguyễn Ngọc Ký không lành lặn nhưng vẫn chọn cách vượt lên số phận nghiệt ngã. Chợt nhìn lại bản thân, tôi hiểu ra mình lành lặn như thế này đã là một điều may mắn, tại sao lại vì khuyết điểm không đáng mà ghét bỏ chính mình. Giây phút đó cuối cùng tôi cũng hiểu, sở dĩ người khác chê bai, ghét bỏ tôi là bởi do tôi tự chê bai ghét bỏ bản thân mình. Bài văn hôm đó của tôi được cô phê với dòng chữ rất đặc biệt: "Cô chúc em tìm lại được chính em"...

Cô bồi dưỡng cho tôi trong 3 tháng, 3 tháng ấy tôi được học tập ở cô không chỉ có kiến thức sách vở, mà quý giá nhất là những bài học về nghị lực vươn lên trước nghịch cảnh. Tôi cảm thấy cuộc sống không bế tắc, chán nản như tôi nghĩ bởi quanh tôi còn rất nhiều điều cao đẹp, giống như việc cô yêu thương và dạy tôi đặt niềm tin vào chính bản thân mình vậy.

Như tìm được ánh sáng, tôi nỗ lực từng chút một để chứng minh cho mọi người thấy rằng tôi cũng là một con người có giá trị, tôi không hèn nhát, tôi không vô dụng. Kỳ thi học sinh giỏi năm đó diễn ra như một kỳ tích, tôi đoạt giải nhất môn ngữ văn toàn huyện. Ngày nhận kết quả, tôi ôm chầm lấy cô và những giọt nước mắt hạnh phúc đã rơi…

Điều vinh quang rực rỡ nhất

Năm tôi lên lớp 10, cô chuyển công tác về một trường gần nhà. Tuy hai cô trò không có điều kiện gặp gỡ nhưng trong những cuộc trò chuyện qua điện thoại, lúc nào cô cũng kể cho tôi nghe bao chuyện tích cực. Có một câu mà xuyên suốt hành trình cô dạy tôi tìm ra giá trị sống, không bao giờ tôi quên được: "Không phải chiến thắng người khác mới là vinh quang. Đôi khi em chỉ cần chiến thắng bản thân mình mới là điều vinh quang rực rỡ nhất".

Bài và ảnh: Nguyễn Thị Hồng (huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk)

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/cuoc-thi-viet-nguoi-thay-kinh-yeu-khi-co-cay-cung-khong-tu-bo-uoc-vong-sinh-ton-20230828195245227.htm