Cuộc thi Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang 2020: Đừng trở thành 'cuộc chạy đua huy chương'

Sau 6 năm gián đoạn không tổ chức được vì thiếu kinh phí, Giải thưởng tìm kiếm tài năng cải lương Trần Hữu Trang sẽ khởi động trở lại vào tháng 8 tới đây với tên gọi mới 'Cuộc thi Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang 2020', do Sở VHTT TP.HCM, Hội NSSK Việt Nam, Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTTDL) và Hội Sân khấu TP.HCM phối hợp tổ chức.

Chương trình cải lương phục vụ miễn phí tại Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang vào cuối tuần (Ảnh minh họa)

Sự kiện này hứa hẹn sẽ mang đến những điều thú vị cho giới mộ điệu cải lương vì đã có những thay đổi lớn và nâng lên tầm quốc gia so với trước đây.

Không quy định độ tuổi thí sinh tham gia

Ban tổ chức cho biết, đây là lần đầu tiên một cuộc thi nghệ thuật không quy định độ tuổi thí sinh, nhằm tìm kiếm tài năng Cải lương ở mọi tầng lớp nhân dân. Tại buổi gặp gỡ báo chí, có đại biểu thắc mắc về cơ cấu giải thưởng lên tới 30 huy chương, gồm 10 huy chương vàng (HCV) và 20 huy chương bạc (HCB): “Số lượng huy chương như vậy là quá nhiều, có vẻ như là một liên hoan sân khấu hơn là cuộc thi tuyển chọn tài năng, liệu có phù hợp không?”. Trả lời cho câu hỏi này, NSND Giang Mạnh Hà, thành viên Ban tổ chức cho hay: “Đây là cuộc thi đầu tiên quan tâm đến nghệ sĩ Việt Nam ở đủ mọi thành phần và lứa tuổi. Nghệ sĩ dù đã về hưu nếu còn nhiệt huyết, còn khả năng biểu diễn đều có thể tham gia. Thông thường, các cuộc thi gần như chỉ là sân chơi cho các đào - kép chính. Thế nhưng, một vở diễn cải lương không chỉ có đào - kép chính mà còn rất nhiều thành phần, dạng vai khác tạo nên sự thành công cho vở diễn. Việc Ban tổ chức phân loại rõ ràng trong hạng mục huy chương với cơ cấu kép mùi - đào mùi, kép độc - đào lẳng, kép lão - đào mụ, kép hài - đào hài khiến nhiều người vui mừng vì đây là động thái ghi nhận tài năng cho tất cả các nghệ sĩ dù trong vai chính hay phụ”.

Soạn giả Hoàng Song Việt chia sẻ thêm: “Trong Liên hoan sân khấu Cải lương chuyên nghiệp toàn quốc năm 1995, anh Vũ Đức từng đoạt HCV với vai hài, anh Diệp Lang với một vai lão bình thường nhưng khả năng sáng tạo tuyệt vời của anh đã khiến hội đồng phải trao HCV. Nhưng những năm sau này, gần như chỉ đào - kép chính mới có cơ hội đoạt HCV. Nếu cứ chấm kiểu đó, chúng ta sẽ bỏ sót những dạng vai cực kỳ quan trọng trong Cải lương…”.

Theo quy chế cuộc thi, dự kiến có 10 HCV (trị giá 20 triệu đồng/HCV) và 20 HCB (trị giá 10 triệu đồng/HCB). Tuy nhiên, ông Giang Mạnh Hà cho biết, không nhất thiết phải trao hết 30 huy chương, nếu mảng nào không có thí sinh xuất sắc thì chấp nhận không trao. Ngoài ra, thí sinh vào chung kết sẽ được hỗ trợ 10 triệu đồng.

Xây dựng quy chế để hạn chế tối đa tiêu cực, sai sót

NSND Trần Ngọc Giàu cho hay, để giải thưởng nâng tầm quốc gia (so với giải Trần Hữu Trang trước đây chỉ do Hội Sân khấu TP.HCM tổ chức), Sở VHTT và các đơn vị liên quan đã phải tích cực làm việc trong 2 năm với Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTTDL). Việc nâng tầm giúp huy chương các nghệ sĩ đoạt được có giá trị quốc gia, là cơ sở xem xét cho những đợt xét danh hiệu NSND và NSƯT. Tuy nhiên, NSND Trần Minh Ngọc không muốn cuộc thi trở thành cuộc chạy đua huy chương mà phải là cuộc thi tài năng, chuyên nghiệp, có sự gạn đục khơi trong. Vì vậy, vấn đề đặt ra về một giải thưởng trung thực, không tiêu cực được nhiều người mong mỏi. Theo thông tin từ Ban tổ chức, giám khảo ở vòng chung kết sẽ gồm 5 thành viên, đó là các nghệ sĩ, chuyên gia, giảng viên hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật lâu năm, có chuyên môn, nghề nghiệp trong lĩnh vực sân khấu Cải lương.

“Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang - 2020” được kế thừa từ Giải thưởng Trần Hữu Trang do Hội Sân khấu TP tổ chức (từ năm 1991-2014). Đối tượng tham gia dự thi là những nghệ sĩ, diễn viên đang hoạt động nghệ thuật sân khấu Cải lương trên phạm vi toàn quốc tại các đơn vị nghệ thuật công lập và các nghệ sĩ, diễn viên ngoài công lập có thời gian công tác, tham gia hoạt động nghề nghiệp từ 5 năm trở lên. Cuộc thi được tổ chức thành 2 vòng. Vòng sơ tuyển sẽ diễn ra tại 3 khu vực: Tại TP.HCM dành cho thí sinh từ Đà Nẵng trở vào TP.HCM và các tỉnh miền Đông Nam Bộ sẽ diễn ra từ ngày 2-6.8; tại TP Hà Nội dành cho thí sinh từ Thừa Thiên-Huế trở ra các tỉnh thành phía Bắc sẽ diễn ra từ ngày 8-10.8; tại TP Cần Thơ dành cho thí sinh thuộc khu vực các tỉnh miền Tây Nam Bộ sẽ diễn ra từ ngày 12-15.8. Vòng chung kết được tổ chức từ ngày 25-30.8 tại Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, TP.HCM. Lễ công bố, trao giải thưởng và công diễn dự kiến diễn ra vào ngày 2.9 tại Phố đi bộ Nguyễn Huệ, TP.HCM.

Cũng tại buổi họp báo về cuộc thi, bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở VHTT TP.HCM khẳng định, Ban tổ chức có xây dựng hẳn quy chế hoạt động để hạn chế tối đa những tiêu cực, sai sót. Ngoài mục đích tìm kiếm các tài năng, tăng cường cho lực lượng nghệ sĩ kế thừa, cuộc thi còn tạo điều kiện giao lưu, học hỏi kinh nghiệm cho các nghệ sĩ, khơi gợi ý thức tự rèn luyện, tôn trọng nghề nghiệp, tôn trọng khán giả, tôn vinh và ghi nhận lòng yêu nghề và sức sáng tạo của nghệ sĩ. Đối với các đơn vị nghệ thuật, cuộc thi sẽ là động lực, làm cơ sở góp phần định hướng về tiêu chí nghệ thuật, giúp nghệ sĩ, diễn viên gắn bó lâu dài với các đơn vị. Từ đó, xây dựng lực lượng kế thừa có đầy đủ năng lực, góp phần phát triển mạnh mẽ nghệ thuật sân khấu Cải lương…

THÙY TRANG

Nguồn Báo Văn hóa: http://baovanhoa.vn/giai-tri/san-khau/artmid/482/articleid/30961/cuoc-thi-tai-nang-dien-vien-san-khau-cai-luong-tran-huu-trang-2020-dung-tro-thanh-%E2%80%9Ccuoc-chay-dua-huy-chuong%E2%80%9D