Cuộc thi Sáng tạo trẻ và ý tưởng khởi nghiệp: Nâng cao cả lượng và chất

Cuộc thi Sáng tạo trẻ và ý tưởng khởi nghiệp trong đoàn viên, thanh niên tỉnh do Tỉnh đoàn Khánh Hòa tổ chức mới đây đã thu hút hàng trăm ý tưởng sáng tạo tham gia. Đây là năm đầu tiên hội thi có số lượng bài dự thi đông đảo, chất lượng hơn so với các năm trước.

Cuộc thi Sáng tạo trẻ và ý tưởng khởi nghiệp trong đoàn viên, thanh niên (ĐV-TN) tỉnh do Tỉnh đoàn Khánh Hòa tổ chức mới đây đã thu hút hàng trăm ý tưởng sáng tạo tham gia. Đây là năm đầu tiên hội thi có số lượng bài dự thi đông đảo, chất lượng hơn so với các năm trước.

Qua 3 lần tổ chức, cuộc thi năm nay được đánh giá có bước tiến đáng kể trong phong trào sáng tạo của thanh niên trên địa bàn tỉnh. Năm 2015, cuộc thi chỉ có 9 ý tưởng, sáng kiến tham gia; năm 2016 tăng lên được 33 ý tưởng, sáng kiến; đến năm nay, trong hơn 4 tháng phát động, cuộc thi đã thu hút hơn 280 bài dự thi của ĐV-TN các cơ sở đoàn, đoàn trường đại học, cao đẳng trên toàn tỉnh. Các ý tưởng, mô hình, sáng kiến dự thi ở tất cả các lĩnh vực như: trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, diêm nghiệp, công nghiệp bảo quản, chế biến, làng nghề, thiết bị nông nghiệp, dịch vụ nông nghiệp, giáo dục, dịch vụ, kinh tế...

 Một dự án tham gia vòng chung kết cuộc thi.

Một dự án tham gia vòng chung kết cuộc thi.

Đối tượng dự thi năm nay cũng đã được mở rộng đến các ĐV-TN của lực lượng vũ trang, cấp THCS, THPT. Có thể kể đến như đề tài “Phần mềm mô phỏng súng máy phòng không 14,5mm” của thí sinh Nguyễn Tri Dương (Đoàn Thanh niên Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) nhằm sử dụng công nghệ thông tin tạo giáo án huấn luyện trực quan bằng hình ảnh, giúp công tác giảng dạy, huấn luyện trong quân đội đạt hiệu quả cao hơn. Đây là sáng kiến được hội đồng giám khảo đánh giá cao, là 1 trong 2 sáng kiến đạt giải nhất tại cuộc thi.

Thí sinh Lương Tiểu Nguyên (Trường THPT Lý Tự Trọng, TP. Nha Trang) đã đưa đến cuộc thi dự án “Gậy thông minh cho người khiếm thị”. Tự tìm tòi và qua kiến thức học được, Nguyên đã làm ra sản phẩm gậy hỗ trợ cho người khiếm thị với các chức năng: phát hiện vật cản, chướng ngại vật; đo nhịp tim, huyết áp, thân nhiệt; định vị GPS giúp người thân có thể tìm được vị trí của người khiếm thị; khả năng liên lạc với người thân qua nút bấm khẩn cấp...

Về lĩnh vực nông nghiệp, nổi trội nhất là mô hình trồng táo trong nhà lưới của anh Nguyễn Văn Diên (Đoàn xã Cam Thành Nam, TP. Cam Ranh) giúp hạn chế táo bị tấn công bởi ruồi vàng; tiết kiệm chi phí chăm sóc, thuốc bảo vệ thực vật... giúp táo có sản lượng cao. Với diện tích trồng 3.000m2, sau khi đầu tư 60 triệu đồng để thi công nhà lưới, với chu kỳ trồng 1 năm, mô hình trồng táo trong nhà lưới của anh mang lại lợi nhuận 143,9 triệu đồng, cao hơn so với khi chưa triển khai mô hình (lợi nhuận chỉ đạt 77,7 triệu đồng). Mô hình được hội đồng giám khảo đánh giá cao và đạt giải ba tại cuộc thi. Ngoài ra, mô hình khởi nghiệp này còn được Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp của Hội Doanh nhân trẻ tỉnh hỗ trợ 50 triệu đồng để phát triển.

Anh Bùi Hoài Nam - Bí thư Tỉnh đoàn cho biết, cuộc thi năm nay có thời gian chuẩn bị và nhận bài dự thi dài hơn, vì vậy số lượng dự án tham gia khá đông đảo. Bên cạnh đó, nhờ đối tượng dự thi được mở rộng hơn nên có nhiều ý tưởng đi vào chiều sâu, có ứng dụng thực tế, cụ thể có 16 dự án được chọn vào vòng chung kết. Bên cạnh việc đạt giải, các dự án đều được nhà tài trợ, mạnh thường quân đến từ Hội Doanh nhân trẻ hỗ trợ để phát triển. Ở cuộc thi năm tới, đơn vị sẽ tiếp tục mở rộng thêm nhiều nội dung dự thi để có thể chọn được các dự án xuất sắc. Qua đó, đẩy mạnh phong trào sáng tạo, khởi nghiệp trong giới trẻ.

VĨNH THÀNH

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/201812/cuoc-thi-sang-tao-tre-va-y-tuong-khoi-nghiep-nang-cao-ca-luong-va-chat-8099258/