Cuộc thi 'Lắng nghe người dân hiến kế': Thiết thực vì sự phát triển của TP HCM

Nhà báo Trần Trọng Dũng, Chủ tịch Hội Nhà báo TP HCM, có những chia sẻ xoay quanh cuộc thi Lắng nghe người dân hiến kế, cũng như các hoạt động ý nghĩa sau mặt báo của báo chí TP nói chung, Báo Người Lao Động nói riêng

Sau thành công của cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" lần 1 (2019-2020), Báo Người Lao Động triển khai cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" lần 2 (từ ngày 4-6-2020 đến hết ngày 31-5-2021). Hiện cuộc thi đang đi vào chặng cuối, thu hút sự quan tâm của giới chuyên môn và công chúng.

Ông Trần Trọng Dũng tham gia khai trương cây ATM thực phẩm miễn phí của Báo Người Lao Động (ảnh trái); Ông Trần Trọng Dũng trao giải cuộc thi “Lắng nghe người dân hiến kế lần 1 (ảnh phải) Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Ông Trần Trọng Dũng tham gia khai trương cây ATM thực phẩm miễn phí của Báo Người Lao Động (ảnh trái); Ông Trần Trọng Dũng trao giải cuộc thi “Lắng nghe người dân hiến kế lần 1 (ảnh phải) Ảnh: HOÀNG TRIỀU

.Phóng viên: Thưa nhà báo Trần Trọng Dũng, với vai trò là Chủ tịch Hội Nhà báo TP HCM, ông đánh giá thế nào về ý nghĩa, tính hiệu quả của cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" lần này?

- Nhà báo TRẦN TRỌNG DŨNG: Trước hết, có thể nhận thấy việc tạo các diễn đàn ghi nhận ý kiến người dân trên các phương tiện thông tin đại chúng không phải là điều quá mới mẻ. Tuy nhiên, tạo thành một vệt bài liên tục, tập trung, bảo đảm chất lượng thì Báo Người Lao Động đã thực hiện rất tốt. Cuộc thi là một kênh thông tin quan trọng, qua đó cho thấy trách nhiệm công dân, sự tâm huyết, kỳ vọng gửi gắm đến chính quyền và các cơ quan chức năng. Do đó, cuộc thi có ý nghĩa lớn trong đời sống xã hội và sự phát triển của TP HCM.

Trong các hiến kế gửi về, có những ý kiến có thể áp dụng được ngay; cũng có những đề xuất không thể thực hiện một sớm một chiều nhưng đã đặt ra các vấn đề đáng suy ngẫm. Tất cả những đóng góp đó đều rất đáng trân trọng.

.Cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" lần 2 tập trung vào 3 chủ đề chính: "Đô thị thông minh", "Khởi nghiệp - thương hiệu của TP HCM", "Bản sắc văn hóa đô thị TP HCM". Theo ông, những chủ đề này cần thiết như thế nào để TP HCM phát triển nhanh, bền vững hơn, đi đầu trong thực hiện mô hình tăng trưởng mới?

- Ba chủ đề của cuộc thi cũng chính là những nội dung lớn được đề cập trong báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ TP HCM khóa XI, trong đó chủ đề "Đô thị thông minh" là nét mới trong Nghị quyết của TP HCM giai đoạn này. Từ đây, đặt ra vấn đề về hạ tầng kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực, trách nhiệm của cơ quan quản lý trong việc thay đổi cơ chế… để đáp ứng những nhu cầu của kỷ nguyên số. Tôi cũng đặc biệt thú vị với chủ đề "Bản sắc văn hóa đô thị TP HCM". Các vấn đề về văn hóa luôn được quan tâm và đặt ra nhiều suy nghĩ, dù là từ những chuyện nhỏ như không xả rác ra đường và kênh rạch. Góp ý thế nào, hiến kế thế nào từ những chuyện nhỏ cho hiệu quả?

Ba chủ đề này được lựa chọn hợp lý, cần thiết và với sự định hướng như vậy thì dễ dàng hình thành nên được các nhóm ý kiến để chuyển tải đến cơ quan chức năng một cách thuận tiện nhất. Các nội dung mở rộng khác của người dân cũng nên được tiếp nhận. Nếu có một góp ý, tôi mong muốn Ban Tổ chức có đánh giá tổng thể lại xem có bao nhiêu ý kiến từ trong cuộc thi thứ nhất đã được hiện thực hóa? Qua đó, có thể biết được chính quyền thành phố, các cơ quan chức năng đã tiếp thu đến đâu, thấy rõ cuộc thi này đi vào đời sống ra sao, để cơ quan báo chí phát huy trọn vẹn vai trò không chỉ là cơ quan tuyên truyền mà còn tổ chức thực hiện hiệu quả.

.Ngoài cuộc thi này, từ tháng 8-2020 đến nay, Báo Người Lao Động còn tổ chức cuộc thi "Chủ quyền biển đảo bất khả xâm phạm", với mục đích tăng cường thông tin tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ chủ quyền biển đảo, khơi dậy lòng yêu nước trong các tầng lớp nhân dân. Ông kỳ vọng, góp ý gì về cuộc thi này?

- Chủ quyền biển đảo là vấn đề thiêng liêng, Báo Người Lao Động còn đặt thêm cụm từ "bất khả xâm phạm" càng cho thấy tính chất phức tạp trong tình hình quốc tế hiện nay, cụ thể ở biển Đông. Tên cuộc thi rất hay và ý nghĩa, đánh động vào tình cảm của người Việt Nam với quê hương, đất nước, đặc biệt là biển đảo. Những bài viết càng củng cố niềm tin là chúng ta sẽ bảo vệ được chủ quyền biển đảo, không chỉ bằng sức mạnh vật chất mà quan trọng là xây dựng được thế trận lòng dân.

Cuộc thi đã khơi dậy được mạch nguồn cảm xúc bất tận, một truyền thống cao đẹp của dân tộc, kết tinh được sự đoàn kết, đồng tâm và ý chí không khuất phục trước bất kỳ kẻ thù nào.

Kết thúc cuộc thi này, tôi mong muốn Báo Người Lao Động phối hợp với Bộ Tư lệnh, cảnh sát biển tổ chức gala tôn vinh những tác giả, độc giả bên cạnh lễ trao giải thuần túy. Tùy tình hình thực tế để tổ chức trực tuyến hay trực tiếp song rất cần có sự kiện như vậy để lan tỏa thông điệp sâu sắc của cuộc thi. Chính sự giao lưu, kết nối những câu chuyện người thật việc thật sẽ cộng hưởng được giá trị cuộc thi sâu rộng ra cộng đồng. Với uy tín của Báo Người Lao Động cũng như tiếng vang từ chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển", tôi tin nhiều cơ quan truyền thông báo chí cũng sẽ đồng hành với hoạt động này.

.Xin cảm ơn ông.

Năng động, sáng tạo

Theo nhà báo Trần Trọng Dũng, các cơ quan báo chí tại TP HCM rất năng động, sáng tạo, tích cực trong các hoạt động sau mặt báo, hướng đến cộng đồng. Trong những đợt bùng dịch Covid -19, các cơ quan báo chí đã phát huy vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ, giúp đỡ những người yếu thế.

"Tôi còn vẹn nguyên cảm giác xúc động khi nhớ về ngày cùng Tổng Biên tập Báo Người Lao Động khai trương cây ATM thực phẩm miễn phí vào năm ngoái ngay trụ sở tòa soạn. Từng hàng người xếp hàng trật tự và rất vui khi được nhận những phần quà thơm thảo" - ông Trần Trọng Dũng chia sẻ.

Hồ Xuân Huy thực hiện

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/ban-doc/cuoc-thi-lang-nghe-nguoi-dan-hien-ke-thiet-thuc-vi-su-phat-trien-cua-tp-hcm-20210513224440676.htm