Cuộc thi Hòa giải viên giỏi TP Hà Nội 2019: 9 đội xuất sắc vào vòng chung khảo cấp thành phố

Cuộc thi Hòa giải viên giỏi TP Hà Nội năm 2019 đã hoàn thành xong vòng thi sơ khảo và chọn được 9 đội thi xuất sắc vào vòng chung khảo cấp TP gồm: Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Gia Lâm, Sơn Tây, Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Hoàng Mai, Thanh Trì, Đống Đa.

Đây là 9 đội thi có thành tích tốt nhất ở 3 cụm thi. Trước đó ngày 24-9, vòng thi sơ khảo cuộc thi Hòa giải viên giỏi TP Hà Nội năm 2019 – cụm thi số 2, cụm thi cuối cùng của vòng sơ khảo đã được tổ chức thành công với giải nhất được trao cho các hòa giải viên đến từ quận Hoàng Mai.

Trải qua 3 phần thi: Thi lý thuyết, xử lý tình huống, thi năng khiếu, 10 đội thi của cụm thi số 2 đã thể hiện được kiến thức, hiểu biết pháp luật, sự khéo léo trong việc giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp.

Điểm nổi bật ở cụm thi số 2 là phần thi của các đội thi đã phản ánh rõ nét, sinh động thực tiễn của cuộc sống, đặc biệt là những vấn đề nóng, được dư luận quan tâm như: Tranh chấp đất đai, ô nhiễm môi trường. Tiêu biểu như tiểu phẩm “Tài sản vô giá” của đội thi hòa giải viên giỏi quận Hoàng Mai – đội thi giành giải Nhất cụm 2. Lấy bối cảnh một gia đình có người bố mất sớm, người mẹ một mình tảo tần nuôi 3 con khôn lớn nên người. Mâu thuẫn bắt đầu phát sinh khi đất đai ngày càng có giá, người bố lúc mất lại không có di chúc để lại. 3 chị em ai cũng muốn giành phần đất đai thừa kế để lại mà quên đi tình cảm máu mủ, ruột rà. Sự xuất hiện kịp thời của hòa giải viên đã giúp 3 chị em hiểu ra rằng, tài sản thừa kế để lại không phải muốn chia thế nào thì chia, không phải ai muốn giành phần hơn cũng được mà phải dựa trên cơ sở là các quy định của pháp luật.

Tiểu phẩm “Tài sản vô giá” dự thi phần thi năng khiếu của đội thi quận Hoàng Mai.

Tiểu phẩm “Tài sản vô giá” dự thi phần thi năng khiếu của đội thi quận Hoàng Mai.

Bằng sự am hiểu các quy định pháp luật về dân sự, hôn nhân gia đình, hòa giải viên đã phân tích cho 3 chị em hiểu rằng, do người bố mất không để lại di chúc nên phần tài sản của bố sẽ được chia theo pháp luật. Cụ thể điểm a, khoản 1 Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 đã nêu rõ, hàng thừa kế thứ nhất những người thừa kế theo pháp luật gồm: Vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết. Như vậy cả ba người con và vợ của người đã mất đều được hưởng các phần thừa kế bằng nhau.

Về lý, đã đành quy định pháp luật đã rạch ròi, rõ ràng là vậy nhưng ở tình huống này, thông điệp các hòa giải viên muốn gửi gắm, nhắn nhủ nhất đến 3 chị em trong câu chuyện và rất nhiều chị em khác ở xã hội ngoài kia chính là tình cảm gia đình. Giá trị của đất đai có lớn thế nào thì vẫn định giá được còn tình cảm gia đình, sự gắn kết máu mủ, ruột rà mới là điều thiêng liêng và là tài sản vô giá mà mỗi người cần trân trọng, nâng niu, gìn giữ. “Điều quan trọng nhất không phải là phần tài sản giành được mà là sự yêu thương, sẻ chia, là hạnh phúc của mỗi thành viên trong gia đình”, những lời của hòa giải viên đã kịp thời thức tỉnh các bên tranh chấp để họ kịp nhận ra những giá trị đích thực của cuộc sống và để có những cư xử đúng đắn không chỉ hợp lý mà vẹn tình.

Cũng phản ánh những mâu thuẫn tranh chấp đất đai, tranh chấp trong phân chia di sản thừa kế, tiểu phẩm “Tôi đã hiểu ra rồi” của đội thi huyện Thanh Trì khắc họa nhân vật người chị dâu tham lam, không muốn chia sẻ, giúp đỡ người em chồng có hoàn cảnh khó khăn. Còn người anh trai tuy thương em gái nhưng lại không khuyên bảo, thuyết phục được vợ mình dẫn tới bất đồng. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi khác. Mỗi câu chuyện là một lát cắt chân thực, sinh động thực tiễn cuộc sống ngoài kia nhưng gìn giữ những giá trị của gia đình, gìn giữ cái tình giữa người với người, hướng tới những cư xử đúng đắn luôn là điểm chung mà hòa giải viên của các đội hướng đến trong quá trình hòa giải. Sau khi nghe tổ hòa giải phân tích, giải thích về các quy định pháp luật về quyền thừa kế, nghe những phân tích có lý, có tình các nhân vật đã giải quyết được mâu thuẫn một cách êm đẹp.

Với tài năng đa dạng, diễn xuất tự nhiên, chân thực, nội dung thiết thực, sâu sắc, phần thi năng khiếu của các đội thi là phần thi hấp dẫn và được mong chờ, cổ vũ nhiệt tình của khán giả về theo dõi hội thi. Qua theo dõi các phần thi, người xem cũng phần nào có được hình dung rõ nét hơn công việc của các hòa giải viên – những người vẫn được ví như là “thẩm phán cơ sở”, là “sợi dây kết nối yêu thương”, “nhịp cầu nối những bờ vui”. Với sự nỗ lực của đội ngũ hòa giải viên, trong những năm qua, hàng nghìn tranh chấp mâu thuẫn đã được hóa giải kịp thời.

Theo kế hoạch, vòng chung khảo cuộc thi Hòa giải viên giỏi TP Hà Nội năm 2019 sẽ được tổ chức vào trung tuần tháng 10-2019. Cuộc thi Hòa giải viên giỏi là một trong những hoạt động thiết thực của TP Hà Nội hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam 2019.

Theo Phó GĐ Sở Tư pháp Hà Nội Hồ Xuân Hương: Việc nâng cao chất lượng đội ngũ hòa giải viên cũng luôn được TP Hà Nội chú trọng. Trong đó, cuộc thi “Hòa giải viên giỏi” đã tạo được sân chơi bổ ích cho các hòa giải viên, là cơ hội để các hòa giải viên trau dồi, chia sẻ những kiến thức kỹ năng hữu ích trong công tác hòa giải. Cuộc thi cũng để lại những tình cảm đẹp, khó quên trong lòng các hòa giải viên, giúp các hòa giải viên thêm tự hào về công việc “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”.

Thanh Hải

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/cuoc-thi-hoa-giai-vien-gioi-tp-ha-noi-2019-9-doi-xuat-sac-vao-vong-chung-khao-cap-thanh-pho-163782.html