Cuộc thi 'Biến đổi khí hậu với Cuộc sống' – Chủ đề 'Hạn hán và Xâm nhập mặn': Nhận thức từ những điều nhỏ nhất

Sáng 28/10, tại TP. HCM đã tổ chức Gala phát động cuộc thi 'Biến đổi khí hậu với cuộc sống' với Chủ đề 'Hạn hán và xâm nhập mặn'

Tham dự chương trình có sự hiện diện của ông Phan Văn Việt – Trưởng cơ quan Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường tại phía Nam; Ông Nguyễn Văn Toàn – Tổng biên tập Tạp chí Môi trường và Cuộc sống – Trưởng ban Tổ chức Cuộc thi; Ông Nguyễn Hùng Thắng – Tổng thư ký tòa soạn, Trưởng văn phòng Đại diện khu vực phía Nam; GS. TS Phan Đình Tuấn – Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh.

Sinh viên ĐH Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh hào hứng trong Lễ phát động cuộc thi: "Biến đổi khí hậu với cuộc sống năm 2018"

Sau những thành công của cuộc thi năm 2017 với chủ đề "Lũ lụt, hạn hán và hành động của chúng ta", với mục đích góp phần nâng cao nhận thức cho công động, đặc biệt là thế hệ trẻ về biến đổi khí hậu, được sự đồng ý của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trung ương Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, Tạp chí Môi trường và Cuộc sống đã quyết định tổ chức Cuộc thi

Với diện tích hơn 2.000 km2 và dân số hơn 10 triệu người, TP. Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt, trong nhiều năm qua luôn là một trong những địa phương dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng của cả nước, đóng góp 23% tổng sản phẩm quốc nội, 30% tổng thu ngân sách, hơn một phần tư kim ngạch xuất khẩu và thu hút 44% tổng số dự án đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Nhưng TP. Hồ Chí Minh là một trong 10 thành phố trên thế giới bị đe dọa nhiều nhất bởi ảnh hưởng của biến đổi khí hậu theo đánh giá của tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) khi lượng chất thải sinh hoạt, nhu cầu nước sinh hoạt và mật độ giao thông trên 1km2 ở thành phố hiện gấp 17 lần cả nước. Đây là thách thức lớn cho việc đảm bảo môi trường sống tốt cho người dân và làm cho thành phố nhạy cảm hơn với tác động của biến đổi khí hậu.

Các đại biểu tham gia phát động Cuộc thi "Biến đổi khí hậu với Cuộc sống" – Chủ đề "Hạn hán và Xâm nhập mặn" tại Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh

Tại buổi lễ phát động Cuộc thi, ông Nguyễn Văn Toàn – Tổng biên tập Tạp chí Môi trường và Cuộc sống, Trưởng ban tổ chức Cuộc thi cho biết: "Theo kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng, nếu mực nước biển dâng thêm 1m thì hơn 17% diện tích TP. Hồ Chí Minh sẽ bị ngập; trong đó, có tỷ lệ ngập cao là các quận ven và ngoại thành, như quận 2 ngập khoảng 26,6%, Hóc Môn ngập 31,7%, Bình Chánh ngập 36,4%..., nặng nhất là quận Bình Thạnh ngập hơn 80,8% diện tích. Vành đai kéo dài từ huyện Nhà Bè, quận 7 về huyện Hóc Môn, Củ Chi. Trùng hợp là vùng ven và các huyện ngoại thành cũng chính là khu vực dân số tăng nhanh và là nơi phân bố của người dân di cư đến TP. Hồ Chí Minh".

Chính vì vậy, Ban tổ chức chúng tôi, lựa chọn trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh là điểm trường thứ 4 trong chuỗi chương trình Gala phát động Cuộc thi "Biến đổi khí hậu với Cuộc sống" năm 2018.

Các đại biểu cùng sinh viên tham gia chương trình gây quỹ "Chung tay ứng phó với biến đổi khí hậu"

Bày tỏ niềm vui khi lễ phát động cuộc thi được tổ chức tại Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh, thay mặt cho Ban Giám Hiệu trường GS. TS Phan Đình Tuấn – Hiệu trưởng nhà trường phát biểu: "Đây là vinh dự, niềm tự hào cũng là trọng trách của nhà trường phải giúp đỡ, quan tâm các em sinh viên tìm hiểu, nghiên cứu để có những tác phẩm dự thi chất lượng với những ý tưởng, mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu sáng tạo, thiết thực, có tính ứng dụng cao trong cuộc sống".

Cũng tại Lễ phát động, Đồng chí Lê Minh Chiến - Phó Bí thư Đoàn trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. hồ Chí Minh phát biểu kêu gọi các bạn sinh viên tham gia cuộc thi. Theo đó, các hiện tượng thời tiết cực đoan đã tác động tiêu cực đến sản xuất, tàn phá hạ tầng, đời sống của nhân dân ở nhiều nơi gây thiệt hại nhiều về người và tài sản. Xu hướng bão lũ, hạn hán, nước biển dâng gây sạt lở đất, đá ngày càng có cường độ mạnh hơn ở nhiều nơi trên phạm vi cả nước, đặc biệt là các tỉnh miền núi, ven biển và đồng bằng sông Cửu Long.

Các đại biểu tham gia "Ngày đi bộ vì môi trường" hưởng ứng Cuộc thi "Biến đổi khí hậu với Cuộc sống" theo lộ trình Lê Văn Sỹ - Phạm Văn Hai – Nguyễn Văn Trỗi – Nguyễn Trọng Tuyển và ngược lại.

Ứng phó với biến đổi khí hậu không thể chỉ là công việc của riêng Chính phủ mà mọi công dân, đặc biệt là thế hệ thanh niên, phải tiếp tục nâng cao tiếng nói của mình bởi để được sống cuộc sống trong một thế giới sạch hơn, lành mạnh hơn và bền vững hơn. Vì vậy, các bạn trẻ hãy xây dựng một phong cách sống mới là phong cách sống "xanh", ít phát thải và truyền cảm hứng cho những người xung quanh mình.

Tại lễ phát động, các bạn sinh viên trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minhcũng được tham gia giao lưu tìm hiểu kiến thức về môi trường và biến đổi khí hậu qua chùm câu hỏi đố vui có thưởng. Bên cạnh đó, BTC cuộc thi cũng đã xây dựng quỹ "Chung tay ứng phó với biến đổi khí hậu".

Kết thúc lễ phát động, các đại biểu tham gia "Ngày đi bộ vì môi trường" hưởng ứng Cuộc thi "Biến đổi khí hậu với Cuộc sống" .

Bạch Dương (t/h)

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/cuoc-thi-bien-doi-khi-hau-voi-cuoc-song-chu-de-han-han-va-xam-nhap-man-nhan-thuc-tu-nhung-dieu-nho-nhat-20181028164839509.htm