'Cuộc thi' bất đắc dĩ, để sống sót không được buông tay

Đại dịch Covid-19 buộc các doanh nghiệp lữ hành phải tái cấu trúc chính mình. Hơn 400 đơn vị lữ hành hàng đầu Việt Nam tham dự Diễn đàn lữ hành toàn quốc, thảo luận về các giải pháp để có thể tồn tại và phát triển.

Khác biệt mới sống sót

Theo Tổng cục Du lịch, tính đến cuối năm 2019, cả nước có 3.339 doanh nghiệp lữ hành, trong đó có 2.519 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, 820 doanh nghiệp lữ hành nội địa. Dịch Covid-19 bùng phát năm 2020 làm cho 90-95% doanh nghiệp lữ hành ngừng hoạt động. Có tới 338 công ty phải xin thu hồi giấy phép. Các công ty lữ hành quốc tế chuyển hết sang kinh doanh lữ hành nội địa.

Tại Diễn đàn lữ hành toàn quốc với chủ đề “Lữ hành Việt Nam 2021 - giải pháp khôi phục và phát triển”, diễn ra ngày 12/1 tại Cát Bà (Hải Phòng), ông Lại Minh Duy, Tổng giám đốc STS Tourist cho rằng, đại dịch Covid-19 như phép thử bất ngờ, một “cuộc thi” đối với các doanh nghiệp du lịch.

“Cuộc thi” đó có những doanh nghiệp vượt qua, song cũng có những đơn vị phải dừng lại, rời cuộc chơi. Trong giới lữ hành, có “ông lớn” chuyên về du lịch outbound (đưa khách Việt đi du lịch nước ngoài) thời cao điểm với cả nghìn nhân viên, khi dịch bệnh ập đến không kịp chuyển đổi, đã buông tay. Thậm chí, văn phòng công ty này tại Hà Nội còn cho tất cả nhân viên nghỉ việc, chỉ giữ lại 3 nhân sự là lãnh đạo chủ chốt của văn phòng.

Khách du lịch nội địa là phao cứu sinh với các DN lữ hành

Khách du lịch nội địa là phao cứu sinh với các DN lữ hành

Tuy nhiên, có những công ty nhanh nhạy, chuyển đổi sang mảng nội địa và bảo toàn được lực lượng nhân sự. Chẳng hạn như ở TST Tourist, Giám đốc Lại Minh Duy cho hay, năm 2020, công ty xác định du lịch nội địa và du khách trong nước là đối tượng trọng điểm hướng tới, từ đó có các sản phẩm độc đáo để tiếp cận khách hàng, được khách ủng hộ.

Trước công ty có 3 mảng hoạt động, nay chuyển toàn bộ sang nội địa, tinh gọn bộ máy. Những nhân sự chưa phù hợp được đào tạo lại, chuyển sang làm nhiệm vụ mới.

Ngoài ra, công ty đẩy mạnh liên kết du lịch TP.HCM với các địa phương Tây Nam Bộ, Tây Bắc, Đông Bắc, Trung Bộ,... TST Tourist đã xây dựng được bộ sản phẩm du lịch đặc thù của TP.HCM, như city tour, đi tàu trên sông Sài Gòn, đi du thuyền, thăm địa đạo Củ Chi, đi thuyền trên kênh,... tạo bất ngờ và hứng thú cho du khách đến từ phía Bắc, miền Trung.

“Nhờ đó, chúng tôi đã duy trì được công ty và nuôi được quân, đào tạo và tái cấu trúc lại đội ngũ. Năm 2021, chúng tôi xác định sản phẩm du lịch trong nước vẫn là trọng điểm. Với quan điểm tạo điều kiện cho khách Việt được hưởng những dịch vụ chất lượng tốt nhất... nên tới nay, chúng tôi đã có những hợp đồng cho năm 2021”, ông Lại Minh Duy nói.

Ông Phùng Quang Thắng, Giám đốc công ty lữ hành Hanoitourist, nhìn nhận, trong bối nhu cầu đi du lịch thấp, giá xuống đáy, người dân tự túc đi du lịch ngày càng nhiều, hướng tới du lịch từng phần thay vì trọn gói và trong bối cảnh môi trường số, đòi hỏi lữ hành phải xây dựng các sản phẩm khác biệt mới thành công.

Theo ông Nguyễn Công Hoan, Tổng giám đốc Flamingo Redtours, kích cầu du lịch giờ không có nghĩa là giảm giá mà kích thích người dân đi du lịch bằng nhiều cách khác nhau. Các doanh nghiệp lữ hành cần liên tục làm mới, bổ sung ưu đãi cho du khách.

Tái cấu trúc, đừng chần chừ số hóa

Chỉ đạo tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng đánh giá, năm qua ngành du lịch chứng kiến hàng nghìn doanh nghiệp giải thể, chấm dứt hoạt động. Tổng cục Du lịch một ngày ký 15 đơn xin dừng hoạt động của doanh nghiệp. Do Covid-19, không có khách quốc tế, nếu các doanh nghiệp nếu “không khỏe”, không chuyển đổi kịp thì khó có thể tồn tại. Do đó, theo ông Hùng, các DN không nên quá bi quan, cũng không quá chủ quan nhưng phải nhìn lại mình trong sự cạnh tranh, khắc nghiệt của dịch bệnh và phải chấp nhận.

Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng: Các doanh nghiệp lữ hành phải tái cấu trúc chính mình

Từ đó, vị Thứ trưởng nhấn mạnh, các doanh nghiệp lữ hành phải tái cấu trúc chính mình. 400 doanh nghiệp tham dự diễn đàn, chiếm 1/6 DN lữ hành được cấp phép còn tồn tại đến bây giờ, hơn ai hết phải tái cơ cấu. Cần hiểu thị trường một cách căn cơ, hiểu đúng về khách hàng và xây dựng văn hóa thì doanh nghiệp sẽ trụ vững. Nếu cứ tiếp cận theo hướng cũ, đã quen với việc lúc nào cũng có hàng nghìn khách đăng ký mua tour nhưng thực tế xu hướng khách đi lịch đã thay đổi, thì sẽ gặp nhiều khó khăn.

Hơn nữa, trong bối cảnh chưa biết ngày nào sẽ mở lại các đường bay quốc tế, đón khách nước ngoài, thì không được quên thị trường nội địa. Nhưng cũng cần tính toán, không phải cứ làm du lịch nội địa là thắng mà phải tìm phân khúc riêng, có sản phẩm khác biệt, đối tượng khách riêng.

Ngoài ra, vị Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL lưu ý đến việc xây dựng sản phẩm du lịch. Bài toán liên kết để tạo ra sản phẩm một lần nữa được đặt ra, thay vào đó là tư duy mới: tính toán sao cho phù hợp với thu nhập của du khách, không chạy theo số lượng mà theo chất lượng.

Ông cũng nhấn mạnh đến việc nâng cao nguồn nhân lực vừa thừa vừa thiếu hiện nay.

Đặc biệt, các doanh nghiệp lữ hành đến lúc này không thể đứng ngoài cuộc, chần chừ việc số hóa. Chính việc số hóa giúp các đơn vị cắt giảm bớt nhân sự, tiếp cận theo nhóm tốt hơn, tiết kiệm chi phí...

Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, chia sẻ thêm, là ngành nhạy cảm với xã hội, du lịch phải triển khai nhanh các công tác chuyển đổi số, ứng dụng nhanh các công nghệ hiện đại vào kinh doanh. Nhưng ứng dụng chuyển đổi và các hoạt động du lịch cụ thể như thế nào cần được bàn bạc.

Do đó, ông Bình cho hay, diễn đàn là cơ hội để các DN thảo luận, tìm ra giải pháp khôi phục du lịch nhanh nhất trong điều kiện cho phép nhưng phải đảm bảo an toàn cho du khách. Đây cũng là khởi đầu cho hàng loạt cuộc họp định hướng cho du lịch tương lai như thế nào, chuyển đổi số du lịch đến đâu, bắt đầu từ đâu để du lịch thực sự là ngành kinh tế số.

Ngọc Hà

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/dau-tu/phep-thu-covid-19-lu-hanh-phai-tai-cau-truc-de-ton-tai-704996.html