Cuộc tấn công của TQ vào điện ảnh Mỹ và bước thụt lùi của Hollywood về quyền tự do biểu đạt

Nhà phân tích điện ảnh Mỹ Martha Bayles, tác giả cuốn 'Through A Screen Darkly' (Qua một màn hình tối), mới đây đã viết bài trên tạp chí The Atlantic về việc Trung Quốc đang nỗ lực xâm nhập vào nền điện ảnh lớn nhất thế giới khi tìm cách lôi kéo Hollywood trở thành công cụ cho cỗ máy tuyên truyền của TQ.

Ảnh: Daily Beast

Ảnh: Daily Beast

Trong số những quyền tự do mà công dân Hong Kong được hưởng sau khi Hong Kong được Anh trao trả cho Trung Quốc vào năm 1997, có quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí. Kết quả là ngành công nghiệp xuất bản sôi động đã nhanh chóng cho ra đời một loạt những sách, báo, tạp chí đề cập đến mọi khía cạnh lịch sử, chính trị, xã hội của Trung Quốc đại lục. Không có các nhà xuất bản đó, thế giới hiện nay chắc chắn biết ít hơn nhiều về Trung Quốc; và cũng vậy đối với hàng ngàn người dân lục địa cho đến gần đây vẫn còn đổ về các tiệm sách ở Hồng Kông.

Hồng Kông về đêm

Thế nhưng giờ đây những tiệm sách ấy không còn nữa, hầu hết các nhà xuất bản độc lập của Hồng Kông cũng không còn. Những con người dũng cảm đã làm hết sức mình để chúng tồn tại, giờ đây cũng đã thúc thủ. Sự trấn áp này, cùng với nhiều vấn đề khác đã khiến 2 triệu người Hong Kong đổ xuống đường, phản ánh nỗ lực của đảng Cộng sản TQ nhằm buộc cựu thuộc địa Anh này phải tuân thủ chỉ đạo vào năm 2017 của Chủ tịch Tập Cận Bình, rằng phải củng cố mọi phương tiện truyền thông và đặt chúng dưới sự kiểm soát trực tiếp của Ban Tuyên truyền Trung ương.

Số phận của các chủ nhà sách Hong Kong đã gây nên sự phẫn nộ khắp thế giới. Nhưng, với tư cách là người quan sát trong một thời gian dài, một ngành truyền thông phim ảnh khác cũng đang lùi bước trước các nhà kiểm duyệt TQ, tác giả tự hỏi: Vì sao không có sự phẫn nộ tương tự trước cuộc tấn công đang gia tăng của TQ vào ngành công nghiệp phim ảnh, không chỉ ở Hong Kong mà cả ở Mỹ?

Suốt nhiều năm chính phủ Mỹ thường ca ngợi và bảo vệ điện ảnh Hollywood như là một nhân tố chủ chốt của quyền lực mềm của Mỹ, một phương tiện chuyên chở các lý tưởng Mỹ, bao gồm cả chính quyền tự do biểu đạt, tới dân chúng các nước trên thế giới. Nhưng, Hollywood từ lâu đã từ bỏ vai trò này.

Trung Quốc thì khác. Ở nước này, một nước đang nhanh chóng trở thành thị trường phim ảnh lớn nhất và quan trọng nhất thế giới, đảng CSTQ có ý tưởng rất rõ ràng về việc công nghiệp điện ảnh phải vận hành thế nào, nó phải là một bộ phận then chốt của nỗ lực nhằm làm cho công luận suy nghĩ đúng theo thế giới quan của đảng. Nhằm mục đích ấy, Bắc Kinh đã lợi dụng cơn khát đầu tư không bao giờ thỏa mãn của Hollywood và tham vọng tiếp cận 1,4 tỉ khán giả để lôi kéo Hollywood vào quỹ đạo của mình.

Mùa hè này, một số nhà quan sát ngành công nghiệp điện ảnh đã phản đối khi trailer phim sắp ra mắt Top Gun: Maverick - được tài trợ một phần bởi doanh nghiệp TQ Tencent - đã bỏ lá cờ Nhật Bản và cờ Đài Loan khỏi chiếc áo khoác của Tom Cruise. Nhưng trong 20 năm qua, phần lớn các bài báo viết về mối quan hệ Hollywood – Trung Quốc, chẳng hạn những bài báo mới nhất về tác động tiêu cực của thương chiến Mỹ - Trung tới kết quả cuối cùng của Hollywood, đã thiên về mô tả nỗ lực tích cực của Hollywood nhằm thâm nhập thị trường khổng lồ TQ hơn là về sự chấp nhận thụ động lưỡi kéo kiểm duyệt ngày càng thô bạo của TQ.

Tom Cruise trong Top Gun: Maverick

Sự kiểm duyệt ấy đang gia tăng vì, theo chỉ đạo của Tập Cận Bình, mỗi bộ phim phát hành tại TQ bây giờ phải được xem xét kỹ lưỡng bởi không chỉ Ban Tuyên truyền Trung ương mà, tùy đề tài, bởi cả Bộ An ninh nhà nước, Ủy ban Dân tộc, Bộ Công an, Ban Tôn giáo, Bộ Giáo dục, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao và nhiều cơ quan khác.

Hollywood không thiếu kinh nghiệm về kiểm duyệt. Năm 1915, ngay cả trước khi những xưởng phim mới ra chuyển tới Los Angeles, Tối cao Pháp viện Mỹ đã định nghĩa phim ảnh, một phương tiện truyền thông mới, “đơn giản là kinh doanh”. Quyết định đó khiến chính quyền có thể kiểm duyệt phim ảnh và hiệp hội thương mại ngành điện ảnh mới được thành lập, lúc đó gọi là hiệp hội các Nhà sản xuất và phân phối phim ảnh Hoa Kỳ, đã phải đề ra bản Quy tắc sản xuất nhằm tạo khuôn khổ cho nội dung phim ảnh từ những năm 1930 cho đến khi nó được thay thế bởi một hệ thống mới từ những năm 1960. Mãi đến năm 1952 Tối cao Pháp viện mới cho phim ảnh được hưởng sự bảo vệ của Tu chính án số 1.

Ngày nay Hollywood là nền công nghiệp phim ảnh tự do nhất trên trái đất, nhưng nó chỉ được hưởng đầy đủ quyền tự do này trên đất Mỹ. Ở hầu hết các quốc gia khác, từ vương quốc Anh đến Saudi Arabia, một cơ quan chính phủ được gọi né đi là “hội đồng phân loại phim” phải duyệt mọi phim, cả nước ngoài lẫn trong nước, trước khi cho phép chiếu ở các rạp. Như vậy, Hollywood đã phải thương lượng với các nhà kiểm duyệt nước ngoài trong suốt 100 năm xuất khẩu phim.

Tuy nhiên, trong suốt thời gian đó, những thỏa hiệp của Hollywood nhằm xuất khẩu được phim sang các thị trường nước ngoài không bị đặt thành vấn đề, ngay cả từ những nhà phê bình. Về mặt lịch sử, những thị trường đem lại lợi nhuận nhiều nhất – là những thị trường mà Hollywood quan tâm – nằm ở các quốc gia dân chủ, nơi mà các “hội đồng phân loại phim” hoạt động tuân theo pháp luật. Những sửa đổi mà họ yêu cầu, nếu có, cũng nhỏ nhặt. Ngược lại, tại những nước độc tài, quá trình duyệt phim có xu hướng tham nhũng, không minh bạch, và bị chi phối bởi đủ loại sức ép chính trị giấu mặt. Nhưng vì những thị trường ấy thường không mang lại nhiều lợi nhuận, Hollywood ít khi quan tâm. “Ai quan tâm tới Bắc Triều Tiên? Đàng nào thì họ cũng không mua phim của chúng tôi”.

Trung Quốc đã phá vỡ cái khuôn ấy. Vừa là thị trường mang lại lợi nhuận lớn nhất trên thế giới, vừa là thị trường bị kiểm duyệt gắt gao nhất, Trung Quốc đã dẫn Hollywood trượt dài đến chỗ phục tùng bộ máy kiểm duyệt nhà nước với những tiêu chí đáng ngờ và không thể dự đoán được trong khi ở phần lớn các nước dân chủ những tiêu chí này là rõ ràng và nhất quán. Nói như trong một cuốn hướng dẫn năm 2016 cho các nhà sản xuất phim muốn làm việc ở TQ: “Trung Quốc và chính quyền độc đảng thiếu những hướng dẫn và tiêu chí rõ ràng. Vì vậy, khó mà biết một dự án được đề nghị có khả năng đụng phải những nhà kiểm duyệt hay không - những người với những ý tưởng bất thường dường như được quyết định bởi các cấp cao hơn trong đảng Cộng sản TQ vốn quan tâm trước hết đến việc trưng ra hình ảnh về một xã hội ổn định.

Về căn bản, Hollywood và TQ có những mối ưu tiên khác nhau. Chắc chắn cả hai đều quan tâm tới lợi nhuận. Nhưng với TQ lợi nhuận chỉ là một trong nhiều mục tiêu. Một mục tiêu khác quan trọng hơn, đó là thủ đắc được tài năng và tính chuyên nghiệp kiểu Hollywood nhằm xây dựng được nền công nghiệp giải trí đẳng cấp thế giới của TQ, có khả năng cạnh tranh thành công với Hollywood ở các phòng vé trên toàn cầu – qua đó mở rộng ảnh hưởng văn hóa của TQ trên thế giới.

Phim Tử chiến tường thành là một trong những thất bại lớn nhất của Hollywood năm 2016

Đầu năm 2017, chiến lược làm việc với Hollywood của Bắc Kinh nhằm tăng cường ảnh hưởng của văn hóa TQ đạt tới đỉnh điểm với việc phát hành sản phẩm hợp tác Trung – Mỹ lớn nhất cho tới nay: đó là bộ phim hoành tráng Tử chiến Trường Thành, trị giá 150 triệu USD, với hiệu ứng đặc biệt, do Matt Damon đóng vai chính và Trương Nghệ Mưu đạo diễn. Được sản xuất bởi NBCUniversal và ba đối tác TQ tại phim trường hiện đại nhất ở Thanh Đảo, Tử chiến Trường Thành là giai đoạn 3 của một quá trình mà Hollywood đi từ xuất khẩu phim do Mỹ sản xuất qua TQ đến đồng sản xuất với TQ tại Mỹ và đồng sản xuất với TQ tại TQ. Từ giai đoạn đến giai đoạn khác, các nhà sản xuất Mỹ nhận được phần thu nhập lớn hơn và đồng thời chịu sự kiểm soát lớn hơn của các nhà chức trách TQ.

Nếu Tử chiến Trường Thành trở thành một bộ phim ăn khách được mọi người chờ đợi, quá trình ấy hẳn sẽ tiếp tục. Tiếc thay, đó là một sự thất bại lớn, cả ở TQ, ở Mỹ và khắp nơi trên thế giới. Từ đó quan hệ đôi bên trở nên phần nào cay đắng. Và trong khi TQ rút khỏi những dự án lớn đồng sản xuất với các hãng phim của Mỹ thì đã diễn ra một cuộc di cư của những cá nhân, bao gồm cả diễn viên và hàng trăm chuyên viên, nhân viên kỹ thuật của nền điện ảnh Mỹ vào công nghiệp điện ảnh TQ, nghĩa là vào bộ máy tuyên truyền của TQ.

Tuyên truyền chẳng phải là qua những bộ phim sử thi hào nhoáng với những nhân vật nữ võ hiệp gợi cảm, những phim hoạt hình với những chú gấu trúc thông minh và những nhà hiền triết tóc bạc trắng ngồi gốc cây đào mà qua những bộ phim hành động siêu bạo lực, đẫm máu, trong đó những người lính TQ anh hùng, chính nghĩa lúc nào cũng tiêu diệt kẻ thù hèn nhát, suy đồi ở những địa điểm xa xôi nào đó đang cần đến tư tưởng Tập Cận Bình.

Thí dụ nổi bật là phim Chiến lang 2 (2017), một phim từ đầu đến cuối là những trận đấu súng, những vụ nổ bom lớn, những trận xáp lá cà và một cuộc rượt đuổi xe tăng đầy ấn tượng. Tất cả để tung ra một thông điệp: TQ mang tới an ninh, thịnh vượng, nền y tế hiện đại cho châu Phi trong khi Mỹ chỉ mang đến đói nghèo. Cuốn phim phá vỡ mọi kỷ lục phòng vé tại TQ và là phim đạt doanh thu cao nhất từ trước đến nay với 5,6 tỉ USD. Trong khi truyền thông nhà nước TQ ca tụng phim này đã đánh bại Hollywood theo chính cái cách của Hollywood thì họ lờ đi vai trò của một cựu binh Hollywood là Sam Hargrave đối với phim này.

Poster phim Chiến lang 2

Hong Kong cũng chứng kiến một cuộc di cư tương tự. Quả thực, hai bộ phim ăn khách khác thuộc cùng thể loại hành động là Điệp vụ Mekong (2016) và Điệp vụ Biển Đỏ (2018) do Dante Lam - một trong nhiều người gốc Hong Kong đã trở thành những bánh răng xe trong cỗ máy tuyên truyền của TQ – đạo diễn. Những phim đó gửi đi thông điệp rằng những người lính TQ là hiện thân của mọi đức tính, từ vô tư, dũng cảm, thân thiện, xả thân và cao thượng; trong khi ở ngoài biên giới TQ tất cả chỉ là tham nhũng, hèn nhát, suy đồi, vô tích sự. Hai phim đó cũng là những phim chống Mỹ rõ ràng và đó phải là một chỉ dấu cho những cựu binh Hollywood hiểu rằng những quan tâm của họ như là người Mỹ không trùng hợp với những mối quan tâm của Bắc Kinh.

Một số người ở Hollywood hiểu điều gì đang diễn ra và rất muốn ngăn chặn TQ tước đi sự tự do giành được một cách khó khăn của nền công nghiệp điện ảnh của họ. Nhưng không may là giới điện ảnh Mỹ rất không muốn làm bất cứ điều gì đồng thuận hoặc có vẻ đồng thuận với nghị trình chính trị của Donald Trump. Một trở ngại khác là sự âu lo chung, không chỉ là về viễn cảnh tương lai ở TQ, mà còn là về lượng khán giả ngày càng co hẹp và manh mún ngay trong nước Mỹ.

Một cảnh trong phim Điệp vụ biển đỏ

Do sự thay đổi đáng kinh ngạc của công nghệ thế kỷ 21, tất cả những lời lẽ về mối đe dọa đối với điện ảnh, và cả sách, dường như là lỗi thời. Trong khi việc xem phim và đọc sách ngày càng bị gạt ra bên lề bởi truyền thông xã hội và công nghệ livestream thì việc đảng CSTQ tìm cách bóp nghẹt các nhà xuất bản Hong Kong và các nhà làm phim Mỹ có thực sự thành vấn đề? Tất nhiên là có, bởi vì một sự bóp nghẹt tương tự của nhà nước TQ đang xảy ra với truyền thông kỹ thuật số mà cách đây chưa lâu người ta vẫn tin là một sức mạnh tiềm tàng của quyền tự do biểu đạt.

Quỳnh Yên

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/van-hoa-giai-tri-c-80/cuoc-tan-cong-cua-tq-vao-dien-anh-my-va-buoc-thut-lui-cua-hollywood-ve-quyen-tu-do-bieu-dat-123154.html