Cuộc suy thoái kinh tế đầu tiên trong 20 năm ở Indonesia: Những tác động và nỗ lực vực dậy

Mức tăng trưởng 2,9% trong quý I/2020 là tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm nhất của Indonesia được ghi nhận trong gần hai thập kỷ qua.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo tại một hội nghị trực tuyến ở Bogor, bang Tây Java ngày 26/6/2020.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo tại một hội nghị trực tuyến ở Bogor, bang Tây Java ngày 26/6/2020.

Theo bài viết đăng trên The Diplomat, sau hai quý suy thoái liên tiếp, Indonesia chính thức rơi vào suy thoái đầu tiên kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997.

* Suy thoái kỹ thuật
Cơ quan Thống kê Trung ương Indonesia (BPS) vừa công bố kinh tế Indonesia trong quý III/2020 ghi nhận mức tăng trưởng âm 3,49%. Trước đó, trong quý II/2020, kinh tế Indonesia giảm 5,32%. Điều này có nghĩa là trong hai quý liên tiếp tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đều ghi nhận mức tăng trưởng âm. Mức tăng trưởng 2,9% trong quý I/2020 là tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm nhất của Indonesia được ghi nhận trong gần hai thập kỷ qua.
Ông Suhariyanto cho biết, tiêu dùng hộ gia đình - chiếm khoảng 57% GDP của Indonesia - giảm 4% trong quý III/2020 so với cùng kỳ năm 2019, trong khi đó lĩnh vực đầu tư - đóng góp khoảng 30% GDP - giảm gần 6,5%.
Về lý thuyết, nếu nền kinh tế của một quốc gia có hai quý tăng trưởng âm liên tục thì được coi là bước vào giai đoạn suy thoái kinh tế. Hiện tại, phần lớn khu vực kinh doanh của Indonesia đều đang suy thoái khi mọi hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, đường không và đường biển đều gần như bị tê liệt hoàn toàn do Chính phủ Indonesia thực hiện biện pháp giãn cách xã hội quy mô lớn để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan.
Ông Suhariyanto, người đứng đầu cơ quan thống kê quốc gia Indonesia cho biết chính phủ gần như phải đóng cửa tất cả các văn phòng, công sở và hạn chế hầu hết dịch vụ giao thông công cộng kể cả đường không và đường bộ để ngăn chặn sự lây lan của bệnh dịch. Tất cả hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, nhà hàng, khách sạn của Indonesia đã gần như bị "đóng băng" khi người dân đều ở trong nhà tự nấu nướng, phục vụ cho nhu cầu ăn uống hàng ngày.
Ông Piter Abdullah - Giám đốc nghiên cứu thuộc Trung tâm cải cách kinh tế Indonesia (CORE) - cho rằng các lệnh phong tỏa nhằm hạn chế đại dịch COVID-19 lây lan là nguyên nhân dẫn đến suy thoái. Trả lời phỏng vấn hãng tin khu vực BenarNews, ông Piter khẳng định: "Chúng ta đang chứng kiến tác động của suy thoái kinh tế, bao gồm việc sa thải lao động, sụt giảm thu nhập của người dân, từ đó dẫn đến giảm nhu cầu".
Hồi tháng Sáu, Indonesia đã dần mở cửa trở lại nền kinh tế và sinh hoạt của người dân sau ba tháng phong tỏa một phần đất nước. Tuy nhiên, trong tháng Chín, Chính phủ đã tái áp đặt các hạn chế tại thủ đô Jakarta sau khi số ca lây nhiễm COVID-19 gia tăng đột biến với nhiều ổ dịch mới được phát hiện tại các công sở, chợ và địa điểm thờ tự.
Đến thời điểm hiện tại, Indonesia đã báo cáo 425.000 trường hợp lây nhiễm COVID-19. Theo báo cáo của Indonesia, đến này quốc gia này đã ghi nhận hơn 14.000 trường hợp tử vong do COVID-19 và mỗi ngày Indonesia có thêm từ 3.000-4.000 trường hợp lây nhiễm mới kể từ giữa tháng 9/2020.
Với số ca nhiễm bệnh trên, Indonesia xếp ở vị trí đầu tiên trong danh sách các quốc gia khu vực Đông Nam Á có số lượng người lây nhiễm COVID-19 lớn nhất và xếp ở vị trí thứ hai tại châu Á, sau Ấn Độ với khoảng 8,3 triệu ca.
Thủ đô Jakarta của Indonesia đã quyết định kéo dài các biện pháp hạn chế xã hội quy mô lớn (PSBB) thêm 14 ngày kể từ ngày 9/11. Chính quyền thành phố cho biết số ca mắc COVID-19 mới trên địa bàn đã giảm 55% trong vòng 14 ngày qua, từ mức 12.481 ca vào ngày 24/10 xuống còn 8.026 ca vào ngày 7/11 vừa qua. Theo Thống đốc Jakarta Anies Baswedan, chính quyền sẽ kéo dài các hạn chế xã hội quy mô lớn (PSBB), nếu xu hướng lây nhiễm nghiêm trọng đến mức có thể làm tê liệt hệ thống chăm sóc y tế.
Trước đó, các tổ chức của Liên hợp quốc và các tổ chức xã hội quốc tế khác cũng đã cảnh báo vấn đề mất việc làm, thất nghiệp và các hệ lụy do đại dịch COVID-19 gây ra đang đe dọa đẩy lùi những bước tiến của Indonesia trong trong việc xóa đói giảm nghèo và càng làm tăng thêm mức độ nghiêm trọng đối với nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á này.

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Jakarta, Indonesia, ngày 5/6/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

* Những tác động xã hội
Theo bài viết trên trang Bisnis.com, Giảng viên Khoa Kinh tế và Kinh doanh (FEB) thuộc Đại học Indonesia (UI) Dr. Willem A. Makaliwe giải thích suy thoái ảnh hưởng đến xã hội như thế nào. Cụ thể, tình trạng suy thoái sẽ dẫn đến suy giảm các hoạt động kinh tế.
Điều này đã được giải thích thông qua kênh Youtube OVIS UI có tựa đề "Tác động của suy thoái kinh tế?" với minh chứng của một công ty thường sản xuất 10 chiếc ghế trong một năm. Mỗi chiếc ghế do một người đảm nhiệm, nghĩa là có 10 nhân viên được thuê.
Tuy nhiên, do hoạt động giảm do suy thoái kinh tế, công ty này trong một năm chỉ có thể bán được 8 chiếc khiến doanh số bán hàng giảm so với năm ngoái. Kết quả là công ty chỉ sử dụng 8 người và 2 người khác sẽ mất việc làm.
Vì vậy, 2 công nhân mất việc sẽ giảm chi tiêu hàng ngày, dẫn đến tiêu thụ thực phẩm giảm, cũng như nhu cầu mua sắm hàng hóa mới bị giảm. Không dừng lại ở đó, người bán hàng cũng sẽ bị sụt giảm doanh thu từ đó cũng ảnh hưởng đến thu nhập. Thu nhập sụt giảm sẽ ảnh hưởng đến sức mua.
Những điều kiện này hoạt động giống như một hiệu ứng domino và sẽ ảnh hưởng đến các lĩnh vực kinh tế khác. Điều này sau đó còn được gọi là hiệu ứng nhiều người chơi ở dạng phủ định.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế cao cấp của INDEF Enny Sri Hartati cho rằng, Indonesia sẽ bước vào thời kỳ suy thoái nếu hầu hết các chỉ số của khu vực kinh tế đều suy giảm. Các lĩnh vực này bao gồm sản xuất, thương mại, vận tải và những lĩnh vực khác. Sự chậm lại trong hoạt động của khu vực kinh tế có tác động đến một làn sóng sa thải nhân viên lớn.
Lý do là các công ty không thể trả lương cho nhân viên do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Những người gặp khó khăn trong việc tìm việc không chỉ những người có trình độ học vấn thấp mà cả những người có trình độ học vấn cao.

Một nhà máy sản xuất xe máy ở Indonesia. Ảnh: newshopper.sulekha.com

* Nỗ lực vực dậy nền kinh tế

Chính quyền của Tổng thống Joko Widodo đang cố gắng tìm cách vực dậy nền kinh tế bằng cách nới lỏng các chính sách thuế và đẩy mạnh chi tiêu nhiều hơn cho vấn đề hỗ trợ xã hội và sức khỏe cộng đồng. Chính phủ đã phê duyệt gói cứu trợ trị giá 677.200 tỷ rupiah (47,9 tỷ USD) vào tháng 6/2020 nhằm nhanh chóng phục hồi nền kinh tế đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19.

Ban đầu, gói cứu trợ dự tính sẽ chi 641.170 tỷ rupiah (45,3 tỷ USD) nhưng việc giải ngân chậm và mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh khiến Chính phủ Indonesia phải quyết định tăng gói cứu trợ này để sớm đưa nền kinh tế quay trở lại quỹ đạo như mong muốn.

Chuyên gia kinh tế Nicholas Mapa thuộc Viện nghiên cứu kinh tế Indonesia cho biết Chính phủ Indonesia tiếp tục kỳ vọng đà tăng trưởng vào những tháng tới mặc dù những gì đang diễn ra cho thấy tăng trưởng kinh tế của Indonesia đang bị ảnh hưởng và có chiều hướng giảm do nền kinh tế quốc gia vẫn đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 nhất là khi đại dịch này chưa có dấu hiệu được kiểm soát tại quốc gia với 270 triệu dân này.

Theo chuyên gia kinh tế Nicholas Mapa, Indonesia có thể hy vọng vào lĩnh vực chi tiêu hộ gia đình, động lực chính của nền kinh tế Indonesia đang dần được cải thiện và lĩnh vực này sẽ thực sự phục hồi để thúc đẩy kinh tế Indonesia tăng trưởng trở lại khi Indonesia sản xuất và cung cấp rộng rãi cho người dân vắc-xin COVID-19.

Chuyên gia kinh tế cao cấp của INDEF Enny Sri Hartati thì cho rằng nền kinh tế Indonesia có thể hồi sinh nếu chính phủ và tất cả các bên liên quan có thể cùng nhau tìm ra lối thoát. Ông Enny không phủ nhận rằng vai trò của chính phủ hiện tại là rất lớn vì một số thành phần kinh doanh thực sự thiếu thanh khoản. Do đó, chính phủ cần thực hiện ngay lập tức chương trình Phục hồi Kinh tế Quốc gia (PEN) một cách hiệu quả để giảm thiểu tác động của suy thoái. Một trong những chính sách cần được cải thiện là hiệu quả của mạng lưới an sinh xã hội để thúc đẩy tiêu dùng của các hộ gia đình.

Nếu chương trình trợ giúp xã hội là đúng, hoạt động kinh tế trong khu vực thực không phải là một điểm trừ. Mấu chốt của nền kinh tế Indonesia nằm ở lĩnh vực hộ gia đình, vì vậy sức mua của người dân phải được hỗ trợ. Nếu tiêu dùng của hộ gia đình giảm xuống, điều đó có nghĩa là chương trình trợ cấp xã hội không có tác dụng./.

Hải Ngọc - Đình Ánh (TTXVN tại Jakarta)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/cuoc-suy-thoai-kinh-te-dau-tien-trong-20-nam-o-indonesia-nhung-tac-dong-va-no-luc-vuc-day/177855.html