Cuộc sống vợ chồng VĐV ở miền Tây đoạt 50 huy chương bơi lội

Bằng niềm tin và nghị lực sống, vợ chồng VĐV Hải Âu, Mỹ Thánh đã vượt qua nỗi bất hạnh để theo đuổi niềm đam mê bơi lội, để rồi chinh phục được những đỉnh cao trong và ngoài nước.

Cả hai vợ chồng anh Âu (1984) và chị Thánh (1985) đều là vận động viên khuyết tật. Họ từng tham gia thi đấu môn bơi lội chuyên nghiệp tại các giải đấu trong nước và quốc tế. Đôi chân anh chị đều bị dị tật từ nhỏ, rất khó di chuyển. Xe lăn và xe máy 3 bánh là phương tiện đi lại ngày của hai vợ chồng. Thoạt nhìn, cả hai vợ chồng đều già hơn tuổi thật của mình, nhất là đối với anh Âu. Gương mặt nam vận động viên góc cạnh và khô ráp. Lý giải điều này, anh cười, có thể do ra đời sớm, cuộc sống mưu sinh chật vật, vất vả nên cả hai vợ chồng mới mau già như vậy.

Đầu năm 2018, anh chị và 2 con gái (bé lớn 6 tuổi, bé nhỏ 3 tuổi) dẫn nhau về quê sinh sống, sau nhiều năm thuê nhà trọ sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh. Hiện, hai vợ chồng anh sinh hoạt tại câu lạc bộ bơi lội dành cho người khuyết tật của Sài Gòn. Thường trước thời gian thi đấu khoảng một tháng, ban huấn luyện của câu lạc bộ sẽ gọi anh chị và những vận động viên khác tới tập trung và chuẩn bị cho việc thi đấu.

Hành trình nuôi dưỡng đam mê

Năm 2009, chị Thánh được bạn rủ tham gia hội thi thể thao người khuyết tật toàn quốc, môn bơi lội. Tuy không đoạt giải nhưng chị Thánh khám phá ra niềm đam mê, tiềm năng của mình đối với bộ môn này. Từ đó, chị bơi lội thường xuyên hơn. Mỗi ngày, chị dành 2 giờ để tập luyện bơi ếch, ngửa, sải, bướm và bơi tự do. Niềm đam mê bơi lội trong chị ngày một lớn dần. Liên tục hơn 8 năm (từ năm 2010 đến nay), chị Thánh đều đặn tham gia các giải bơi lội dành cho người khuyết tật trong và ngoài nước. 8 năm nhìn lại, chị Thánh đạt tổng số 40 huy chương, trong đó có đến 35 huy chương vàng và 5 huy chương bạc.

Điểm nhấn đặc biệt đối với hành trình chinh phục ước mơ của chị Thánh đó là, chị từng hai lần tham gia thi đấu tại đấu trường bơi lội dành cho người khuyết tật cấp khu vực Đông Nam Á. Cụ thể, lần thứ nhất chị tham gia Đại hội thể thao Người khuyết tật Đông Nam Á lần thứ 8, năm 2015 tại Singapore. Lần này, chị vượt qua nhiều đối thủ đến từ Thái Lan, Indonesia, Lào… đoạt 2 huy chương bạc và 2 huy chương đồng.

Lần thứ hai chị tham gia Đại hội thể thao Người khuyết tật Đông Nam Á lần thứ 9 vào năm 2017 tại Malaysia và đoạt huy chương bạc nội dung 50 mét nội dung bơi bướm, sau khi để thua vận động viên đến từ Singapore (huy chương vàng) và thắng vận động viên đến từ Thái Lan (huy chương đồng).

Chị Thánh kể trong lần chị đoạt huy chương bạc tại Malaysia năm 2017, niềm vui của chị dâng trào khó tả. Chưa hòa mạng được di động, chị phải mượn điện thoại của một bạn đồng nghiệp để nhắn tin về cho chồng hay. Lúc đó, anh Âu chưa có mobile nên chị đã nhắn cho một người bạn thân thiết của chồng để báo tin cho anh biết. Hay tin từ vợ, anh Âu rất vui mừng, rồi xúc động khóc như trẻ con. “Đó là những kỷ niệm, cảm xúc không quên trong cuộc đời vận động viên của tôi”, chị Thánh xúc động kể.

Nhờ sự khích lệ của chị Thánh, anh Âu đến với môn thể thao bơi lội vào năm 2014. Qua những lần thi đấu tại các giải bơi lội dành cho người khuyết tật trong cả nước, anh đoạt 4 huy chương vàng, 8 huy chương bạc, 2 huy chương đồng. Cộng dồn với số huy chương của vợ, hai vợ chồng khuyết tật này đã có hơn 50 huy chương các loại sau chặng đường hơn 8 năm thi đấu. Một thành tích không dễ có đối với giới vận động viên thể thao, càng đặc biệt hơn đối với loại hình thể thao dành cho người khuyết tật.

Mạnh mẽ trên đường đua xanh

Đầu năm 2018, gia đình chuyển từ TP. Hồ Chí Minh về sống hẳn ở quê nên không có điều kiện tập luyện bơi lội thường xuyên như trước. Tuy nhiên, anh chị vẫn dành thời gian luyện tập thể lực tại nhà. Vài tuần họ lại ra TP. Rạch Giá, Kiên Giang (nơi cách xa nhà hơn 30 km) để tập luyện các động tác bơi lội, giúp duy trì kỹ năng và sức khỏe, sẵn sàng tham gia các giải sắp tới.

Hai ngày đồng hành cùng anh chị tập luyện tại một bể bơi (đạt chuẩn thi đấu) tại TP. Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, phóng viên cảm nhận rõ sự mạnh mẽ của đôi vợ chồng thể thao này trên đường đua xanh. Các động tác, kỹ thuật bơi ếch, bướm, tự do… của anh chị được thực hiện gọn gàng, mạnh mẽ và đẹp mắt. Nhìn cảnh anh chị vươn mình mạnh mẽ trong làn nước, tôi cứ nghĩ anh chị là những con người bình thường, khỏe mạnh. Khiếm khuyết cơ thể của anh chị giờ đây là rất nhỏ và dường như không còn gây khó khăn trong suốt quá trình tập luyện.

Từ 8h sáng đến quá 12h trưa, anh chị vẫn miệt mài tập luyện dưới hồ bơi và không biểu hiện gì của sự mệt mỏi. “Yêu bơi lội mà thấy hồ bơi thì tập quên về”, chị Thánh cười lớn.

“Người khuyết tật bơi lội sẽ khó gấp nhiều lần so người bình thường, vì để đưa người về trước chỉ nhờ vào lực của đôi tay. Khi mới luyện tập, tôi cảm thấy rất mỏi. Nhờ sự động viên của vợ nên tôi cố gắng luyện tập và mạnh dạn tham gia giải. Bí quyết chung của vợ chồng tôi là duy trì tập luyện chăm chỉ. Khi thi đấu, chúng tôi cố gắng bơi hết sức, không đặt nặng phải có giải nên tâm lý rất thoải mái. Nhờ vậy, chúng tôi đạt kết quả cao ở mỗi đường đua”, anh Âu nói.

Tình yêu trong căn nhà nhỏ

Quyết định về quê sinh sống của gia đình chị Thánh là để giảm áp lực kinh tế ở đất Sài Gòn. Anh chị cất được nhà trên phần đất của cha mẹ cho, ở ấp Tân Lợi, xã Giục Tượng, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang. Căn nhà cấp 4 được xây tường khá đơn giản, nhưng là niềm vui và tâm huyết của vợ chồng chị, sự giúp đỡ của những người thân trong gia đình mẹ ruột chị Thánh và họ hàng.

Chiều một ngày đầu năm 2019, theo lời chỉ dẫn của anh Âu, tôi tìm đến ngôi nhà vợ chồng anh chị đang sinh sống. Lối dẫn vào nhà là một con lộ đất đỏ bề rộng không quá 2 mét, mưa vẫn hay nổi bùn và trơn trượt. Nhà của nữ VĐV khuyết tật nằm lọt thỏm giữa một bên là nhà mẹ ruột, bên kia là gia đình anh ruột chị Thánh. Sau khi chào hỏi chúng tôi, anh Âu đi xe máy 3 bánh ra điểm họp chợ gần nhà mua ít thịt heo, khổ qua về làm cơm. Anh Âu về nhà, cùng vợ vào bếp nấu ăn, mỗi người một việc. Đương nhiên, chiếc xe lăn là công cụ hỗ trợ không thể thiếu trong mọi sinh hoạt của họ.

Chiều, anh Âu dùng xe máy đón con gái lớn học lớp 1 ở ngôi trường cách nhà vài km. Nghe tiếng hai cha con về, chị Thánh cũng ra trước nhà đón con. Vừa để sách vở xuống, cô con gái bé bỏng “méc” cha, hôm nay vì cắn một viên kẹo ngọt mà chiếc răng đã rung rơ của cô gãy hẳn luôn, máu tươm ra chút ít. Hai vợ chồng ríu rít hỏi chuyện con gái. Chi Thánh bảo con há miệng xem vết răng gãy, anh Âu thì xuýt xoa con, bảo: “không sao, con đừng lo lắng”.

Tranh thủ chiếc loa kéo mẹ chị Thánh thuê để vui tiệc ở nhà hôm trước, và đến hẹn hôm nay trả loa nhưng người chủ chưa đến nhận, anh chị và hai con gái hát “tưng bừng”. Khi thì hai cô con gái hát, khi thì chúng vỗ tay, nhảy múa theo lời hát của cha mẹ khiến căn nhà nhỏ rộn ràng chưa từng có.

Chiều muộn, cả gia đình tụ họp bên mâm cơm dân dã. Cơm xong, chị Thánh may tiếp chiếc áo cho con gái bằng máy may. Anh Âu giúp vợ luồn chỉ, xâu kim. Hai cô con gái bé bỏng vây lấy cha mẹ, léo nhéo tranh nhau chiếc áo mới sắp hoàn thành. Một hồi sau, anh Âu hướng dẫn con gái lớn viết chính tả. Mọi người ai cũng vui vẻ, thoải mái, căn nhà trở nên yêu thương và ngập tràn tiếng cười.

Mưu sinh kiếm trăm nghìn đồng mỗi ngày

Hiện, anh Âu là lao động trụ cột trong gia đình. Dù có 2 công ruộng được mẹ ruột chị Thánh cho, nhưng vợ chồng anh chị vì mới về quê ở ít lâu nên chưa làm được vụ lúa nào. Hàng ngày, Âu làm kẹo bông gòn, cốm rang bơ bán trước các điểm trường trên địa bàn huyện Châu Thành, kiếm lời khoảng 100.000 đồng. Đây là nguồn thu nhập duy nhất của gia đình anh chị, tằn tiện lắm mới có thể đủ trang trải chi phí cuộc sống hằng ngày và lo cho các con ăn học.

Chị Thánh ở nhà chăm sóc hai con. “Mong ước lớn nhất của vợ chồng tôi là nuôi dưỡng hai con khôn lớn, khỏe mạnh, lo cho các con ăn học đến nơi đến chốn và tiếp tục nuôi dưỡng, truyền niềm đam mê bơi lội cho chúng”, chị Thánh xúc động.

Sau gần 1 giờ rang cốm và chuẩn bị nguyên liệu làm kẹo bông gòn, anh Âu bày mọi thứ lên chiếc xe máy 3 bánh chuẩn bị chuyến hành trình. Dáng ngồi của anh liêu xiêu cùng “chiếc xe hàng” vượt con đường đất đỏ trước nhà, trời đang lất phất mưa.

Tôi chạy xe máy theo anh đến khu đất gần Trường tiểu học Minh Lương 1. Một cô bé học trò hét lớn: “Chú Âu!”. Anh dừng xe lại, quay một cây kẹo bông gòn tươi cười đưa cho cô bé. Cô bé quen mặt anh, anh thì hiểu đúng bé đang cần mua gì. Thấy tôi ngờ ngợ, anh cười nói: “Đó là bé Hạnh, mối quen. Một lần tôi nghe mẹ bé kể, những hôm tôi không bán, bé cứ ngóng nhớ, tìm tôi thấy thương lắm”.

Hai ngày theo anh Âu rong ruổi đến các điểm trường học để bán kẹo bông gòn, cốm rang bơ, cảm nhận công việc của anh nhẹ nhàng và rất ung dung. Anh không gấp bán, nhiều khi ngồi trầm ngâm nhìn bọn trẻ, thỉnh thoảng châm điếu thuốc. Lắm lúc anh mải miết nhìn bọn trẻ đùa vui với nhau rồi bật cười. Anh bảo bọn chúng ngây ngô, vui nghịch và không nhịn được cười.

“Con người luôn suy nghĩ về cái đủ. Cái đủ của vợ chồng tôi đã dành hết cho thể thao, cho những lần vượt lên chính mình để thi đấu. Còn cái đủ trong cuộc sống hàng ngày của vợ chồng tôi rất đơn giản, chỉ là có ít tiền đi chợ, mua gạo và đóng tiền học cho các con. Từ đó, vợ chồng tôi bảo nhau không nên đặt nặng chuyện mưu sinh quá mức, vì như thế chưa chắc có kết quả tốt, nhiều khi lại lâm vào trạng thái mệt mỏi”, vận động viên sinh năm 1984 nói.

Với nụ cười hiền lành, anh Âu mời gọi mọi người mua kẹo bông gòn, cốm rang bơ. Mọi hoạt động của anh ung dung không khác một nghệ sĩ đường phố, vừa làm việc mưu sinh, vừa cảm nhận cuộc sống quanh mình.

Phạm Ngôn

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/cuoc-song-vo-chong-vdv-o-mien-tay-doat-50-huy-chuong-boi-loi-post907279.html