Cuộc sống trong 'bốn bức tường' của dân Vũ Hán sau nửa tháng bị cô lập

Tán gẫu qua cửa sổ chung cư, đánh bóng bàn, cầu lông, đi dạo trong nhà...là những việc mà người dân Vũ Hán (Trung Quốc) làm để 'giết thời gian' trong những ngày tháng bị cô lập.

Thành phố 11 triệu dân thuộc tỉnh Hồ Bắc bị cô lập từ ngày 23/1. Các chuyến bay, tàu hỏa, ô tô tới Vũ Hán đều bị hủy. Các tuyến đường cao tốc trong và ngoài thành phố bị chặn lại và phương tiện giao thông công cộng tạm thời ngưng hoạt động. Thậm chí, chính quyền thành phố Vũ Hán cấm một số phương tiện riêng để hạn chế sự lây lan của virus corona.

Trong hoàn cảnh nội bất xuất, ngoại bất nhập đó, các cư dân Vũ Hán nghĩ nhiều cách để giải trí cho qua những ngày nhàm chán ở trong nhà.

Một người phụ nữ dắt xe đạp trên đường phố vắng ngắt ở Vũ Hán hôm 26/1.

Một người phụ nữ dắt xe đạp trên đường phố vắng ngắt ở Vũ Hán hôm 26/1.

Trong đoạn video được hơn 320 triệu lượt views trên weibo, một người đàn ông nói tiếng Vũ Hán hét vang trong đêm tối hỏi xem có còn ai ở đó không.

“Mọi người sống gần tòa nhà chung cư của tôi, hãy mở cửa sổ ra. Hãy cùng hét to. Tôi sắp phát điên rồi” – người đàn ông này nói.

Sau đó, một người đàn ông khác trả lời: “Ok, tôi cũng muốn nói chuyện với ai đó. Hãy mở cửa sổ và trái tim của chúng ta ra để nói chuyện nào”.

Ngoài ra, mạng xã hội Trung Quốc còn lan truyền nhiều các video ghi lại cảnh sinh hoạt hàng ngày của người dân Vũ Hán kèm theo những thông tin như: "Trưa mới ngủ dậy rồi đi dạo từ phòng khách ra bếp, vào phòng ngủ, toilet rồi trở lại phòng ngủ"

Một số người dùng phòng khách chơi bóng bàn hay cầu lông nhằm "giết thời gian". Có người lại khoe trên mạng xã hội kết quả thể dục của họ mỗi ngày là đi bộ gần 100 bước.

Người dân Vũ Hán nghĩ ra nhiều trò giải trí trong nhà như: Câu cá, ném đồ, đánh bóng bàn...

Bai Yu, 29 tuổi, một giảng viên đại học ở Vũ Hán nói cô mới ra khỏi nhà hai lần để mua các nhu yếu phẩm ở cửa hàng gần nhà kể từ khi có lệnh cô lập thành phố. Phần lớn thời gian còn lại trong ngày cô dành cho chồng.

“Chúng tôi thường thức dậy vào lúc trưa muộn, chồng tôi sẽ nấu ăn. Ăn xong tôi đọc sách một chút và thường dành cả buổi tối để xem tivi. Khả năng nấu nướng của chồng tôi cải thiện đáng kể từ khi chúng tôi không thể gọi đồ ăn ở bên ngoài. Tôi nghĩ tình cảm của chúng tôi cũng sâu đậm hơn vì có nhiều thời gian dành cho nhau” , Bai Yu nói.

Theo Bai, so với những người trẻ tuổi, họ có khả năng tìm kiếm các trò giải trí trên internet thì những người già như bố mẹ, ông bà của cô cảm thấy khó khăn hơn khi bị "bó gối" trong nhà.

“Họ dễ bị ảnh hưởng bởi những tin đồn về virus corona và các phương pháp phòng ngừa không đúng cách”, cô nói thêm. Để cha mẹ không buồn, Bai và chồng thường gọi điện thoại hình ảnh để trò chuyện với bố mẹ.

Liu Can, 31 tuổi, làm việc trong một học viện của chính phủ ở Vũ Hán lại cho rằng, cuộc sống của cô không bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch virus corona vì cả cô và chồng đều là những người thích ở trong nhà. Gia đình Liu gồm hai vợ chồng, con gái và bố mẹ chồng. Họ ít khi ra khỏi nhà trừ khi phải đi chợ hoặc đổ rác. Liu khá thận trọng với virus corona nên cô thường xuyên vệ sinh nhà cửa, khử trùng quần áo, dụng cụ nhà bếp.

“10 ngày qua chồng tôi thường chơi game và anh ấy nói miễn là còn mạng internet thì cuộc sống vẫn ổn”, Liu cho biết.

Diệu Anh (Nguồn: ChinaDaily)

Nguồn VTC: https://vtc.vn/text/cuoc-song-trong-bon-buc-tuong-cua-dan-vu-han-sau-nua-thang-bi-co-lap-ar525973.html