Cuộc sống 'trên vai' người phụ nữ vùng cao

Cuộc sống còn khó khăn, nên những hoạt động tặng hoa, quà, vui chơi nhân ngày Quốc tế phụ nữ đối với chị em dân tộc thiểu số ở xứ Nghệ dường như vẫn còn là khái niệm xa vời.

Sống ở lưng chừng núi, giao thông lại cách trở nên việc vận chuyển hàng hóa, vật liệu xây dựng leo những con dốc dựng đứng đã trở nên quen thuộc với đôi chân của những phụ nữ người Thái ở bản Đình Yên (xã Yên Hòa). Trong ảnh: Những phụ nữ ở bản này gùi sỏi, cát về bản để phục vụ việc làm đường bê tông với quãng đường hơn nửa km là dốc núi.

Sống ở lưng chừng núi, giao thông lại cách trở nên việc vận chuyển hàng hóa, vật liệu xây dựng leo những con dốc dựng đứng đã trở nên quen thuộc với đôi chân của những phụ nữ người Thái ở bản Đình Yên (xã Yên Hòa). Trong ảnh: Những phụ nữ ở bản này gùi sỏi, cát về bản để phục vụ việc làm đường bê tông với quãng đường hơn nửa km là dốc núi.

Trong khi đó, vào mùa thu hoạch, những phụ nữ xã Châu Thuận, huyện Quỳ Châu tham gia vào công việc nặng nhọc như bốc vác mía để mưu sinh. "Chúng tôi chả quan tâm đâu. Còn phải lo cái ăn mà. Cũng làm việc như ngày thường thôi" nhiều phụ nữ vùng cao cười nói khi được hỏi về Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3. .

Người phụ nữ đồng bào Thái xã Đồng Văn, huyện Quế Phong đang gùi củi về nhà sau một buổi chiều trên rừng. Chiếc gùi luôn gắn liền với người phụ nữ Thái. Một người phụ nữ khỏe mạnh có thể gùi hàng nặng hơn của cơ thể họ.

Những người phụ nữ xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn đang bóc đót để mang đi phơi. Vào mùa đót, ngoài việc phải lên rừng hái đót về thì họ còn phải ngồi bóc lá ra để mang đi phơi. Công việc này giúp cho họ kiếm được chừng 100 đến 150 ngàn/ngày.

Hình ảnh quen thuộc của những người phụ nữ bản Bà, xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn. Đây là bản của đồng bào người Thái, phụ nữ nơi đây không chỉ dệt vải để mặc trong những ngày lễ, tết mà còn mang đến các chợ xã, huyện để bán. Mỗi chiếc váy Thái do phụ nữ bản Bà dệt nên bán được từ 400.000 đồng đến 500.000 đồng.

Những phụ nữ xã Nghĩa Đồng đang cố gắng thu hoạch nghệ khi giá của loài cây này đang rớt thê thảm. Năm 2019, giá nghệ chỉ còn khoảng 25.000 đồng/yến, trong khi năm 2017 là 150.000 đồng/ yến.

Công việc nhặt đá sỏi của người dân xã Nghĩa Đồng, huyện Tân Kỳ. Việc làm mới này mang lại cho những người phụ nữ nơi đây kiếm được chừng 120.000 đồng/người/ngày.

Xã Tam Đình lâu nay được xem là vựa lúa của Tương Dương - huyện có diện tích rộng nhất nước. Ít phải lên rừng như nhiều phụ nữ khác cùng địa phương, công việc chính của những phụ nữ Tam Đình là quanh năm tần tảo trên ruộng. Do địa hình dốc, máy móc không thể tiếp cận, việc canh tác ở đây vì thế chỉ có thể dựa vào sức người và gia súc.

Trong khi đó, tại bản Pà Khốm (xã Yên Tĩnh, Tương Dương), những lúc nông nhàn, phụ nữ trong bản lại dắt díu nhau xuống sông, suôi xúc cá. Công việc này không chỉ mang lại nguồn thu nhập, hay cải thiện thức ăn cho gia đình mà còn là bản sắc văn hóa của người dân bản Pà Khốm nói riêng và người phụ nữ Thái nói chung.

Người phụ nữ dân tộc Thái ở xã Châu Kim, huyện Quế Phong cùng chồng xúc cát từ dòng Nậm Giải. Việc ngâm mình dưới dòng nước đục suốt nhiều giờ liền cũng đủ nói lên được sự vất vả của công việc này.

Hồ Phương

Nguồn Nghệ An: http://www.baonghean.vn/cuoc-song-tren-vai-nguoi-phu-nu-vung-cao-235768.html