Cuộc sống trên những con phố 'Hàng...'

Từ bao giờ, 36 phố cổ vẫn luôn là một bài toán khó đối với người ở nơi khác về, và đôi khi, khó cả với chính bản thân những cư dân của nó.

Tôi là một người sống trên phố Hàng Nón cả tuổi ấu thơ. Thời ấy, phố Hàng Nón đã không còn bán nón như cái tên của nó nữa. Nó đã trở thành một phố nổi tiếng làm khuôn bánh, thùng tôn, và những vật dụng phục vụ cuộc sống từ tôn, thép, sắt tây…

Xưa, phố Hàng Nón gồm 2 con phố gộp lại. Mỗi con phố lại có một thứ hàng hóa đặc trưng của làng nghề. Tại sao phố lại còn bán đồ của làng nghề? Thế bởi vậy mới khoan hãy nói Hà Nội ngàn năm văn vật, hay người Hà Nội gốc. Theo nhiếp ảnh gia Nguyễn Hữu Bảo, anh cũng vốn là cư dân của phố cổ - người gốc phố Hàng Đào: “Lúc nông nhàn, người dân từ các miền quê mang nghề thủ công của mình ra Hà Nội. Đến vụ mùa, họ lại rút về quê, nhưng có thể để lại một bộ phận của gia đình mình ở lại. Chính vì vậy mà hình thành nên lớp thị dân đầu tiên của Thăng Long, có nền tảng gốc là nông dân. Khi đời sống cao lên, dần dần các nhà ở của tiểu thương có tiền đã khác với “các túp lều” trên các gò đầm của nông dân tạm bợ khi xưa. Các ngôi nhà của người giàu theo phong cách “hình ống” cũng xuất hiện”.

Phố Hàng Nón (tiếng Pháp gọi là Rue des Chapeaux, có nghĩa là phố Hàng Mũ) đã có từ thời Pháp thuộc. Phía Đông là phố Mã Vĩ chuyên làm và bán những thứ hàng phục sức dùng cho quan lại, cho phường hát tuồng, hát chèo và việc tế lễ, thờ phụng như áo xiêm, mũ, mãng, cờ, quạt… Có thể là do mũ cánh chuồn và một số đạo cụ tuồng chèo làm bằng lông đuôi ngựa nên phố mới có tên “Mã Vĩ”.

Đoạn phía Tây mới chính là phố Hàng Nón, nơi làm và bán các loại nón khác nhau như nón lá già, nông và dày, khâu bằng móc đen, nón mũ chảo giống như cái chảo gang, nón lính giống như cái đĩa to, ken bằng cật tre, ở giữa có chỏm bằng đồng như cái mũi giáo nhỏ, khi đội phải buộc quai chặt vào cằm. Các loại nón ở đây vô cùng phong phú: Nón nghệ to như cái bánh xe, nón ba tầm, nón thầy đề, thầy lý, nón cho nhà giầy, quan to, nón dành cho nhà sư ở các chùa…

Người Hàng Nón, có thể nói là đặc trưng của người tiểu thương thành thị buôn bán nhỏ nơi phố cổ

Trong bức ảnh chụp Tonkin đen trắng xưa kia, phố Hàng Nón ngất ngưởng với các sạp bán nón bày ra trên vỉa hè. Đầu thế kỷ 20, Hàng Nón chỉ còn một đoạn ngắn bán nón, dạng ba tầm là chính, và một số lọng che bằng vải, quạt giấy. Cho tới những năm 50 của thế kỷ trước, Hàng Nón bán những chiếc nón Chuông, nón Huế, theo phong cách hiện đại gọn nhẹ. Không còn bán những loại nón đắt tiền, mà còn bán cả những loại nón thông dụng. Thời kỳ chiến tranh, người bán nón phố Hàng Nón mua những cốt mũ do làng Hồ ép bằng bột giấy, rồi dùng vải kaki xanh lợp lên thành những chiếc “mũ cối” rất thông dụng ưa chuộng được cả miền Bắc sử dụng thời kỳ ấy.

Rồi thời gian trôi, các phố hàng dần mất đi bản sắc, do chợ búa đã được họp bán đông đúc nhiều mặt hàng, người ta không còn phải lên phố Hàng Nón mua nón về. Tuy nhiên, trên phố Hàng Nón có nhiều cửa hàng nổi tiếng, buôn bán giống như các phố sát bên như Hàng Thiếc, Hàng Quạt. Một vài cửa hàng bán khuôn bánh, thùng nước, thùng ô – doa tưới cây, gầu nước, thùng gạo… Một số bán quạt giấy, quạt vải, lọng, trướng… giống phố Hàng Quạt.

Với tôi, người hàng phố luôn là người ăn to, nói lớn. Lúc bé, tôi không hiểu vì sao bố tôi cứ phải nói to như vậy. Tôi khó chịu với bố, và tôi thích mẹ, một người thợ may ăn nói nhẹ nhàng. Nhưng, có lẽ, cứ phải có tuổi, thẩm thấu, trải nghiệm, mới hiểu rằng: Người lao động ở phố cổ luôn phải nói to tiếng, nhất là phố Hàng Nón, Hàng Thiếc là bởi do yếu tố ngoại cảnh tác động. Trong tiếng gò-hàn-đập-uốn, tiếng bễ than thở phì phò, mùi a xít, mùi thiếc xộc vào mũi… tạo nên một âm thanh hỗn độn. Người ta chẳng thể trao đổi với nhau bằng thứ tiếng trang nhã, nhẹ nhàng, thanh lịch. Người ta phải nói, như hét vào mặt nhau… là vậy! Tiếng gò đập uốn những mảnh tôn tạp nham trở thành một vật hữu ích như chiếc thùng gánh nước, thùng ô doa tưới cây luôn làm tôi thấy thích thú, khi thấy bố mình quả là một người thợ khéo tay.

Nhất là vào mỗi dịp trung thu, cả họ nhà tôi, xuất thân từ làng Khương Hạ, (xưa là Thanh Trì, giờ là Thanh Xuân, Hà Nội), cho tới các phố lớn như phố Hàng Nón đều quay ra làm đồ chơi bằng sắt tây bán cho các nhà buôn phố Hàng Mã. Những con thỏ, con bướm, tàu thủy, ca nô xinh xinh làm bằng sắt tây được làm từ những giọt mồ hôi, mũi hít khí độc từ than hoa, than đá, hít cả luồng hơi axit khi gặp thiếc trên mỗi mũi hàn… Làm sao tôi có thể quên được, đôi mắt những người thợ phải tập trung uốn từng chi tiết nhỏ, không có cái gì được phép ẩu…

Quanh phố cổ, toàn những người ở làng quê ngoại thành Hà Nội, những người làng nghề từ khắp nơi trên cả nước, từ mang hàng tới các chợ nhỏ buôn bán, đến khi đóng đô ở đó, mở cửa hàng, rồi dần trở thành “người Hà Nội”, họ chẳng bao giờ quên được gốc gác mình. Chen chúc nhau nơi phố cổ, nơi đại gia đình túm tụm trong 8m2, đi vệ sinh phải ra tận chợ Hàng Gai, mọi sinh hoạt đều “tập thể” và đa phần trên vỉa hè Hà Nội, bám vào vỉa hè để sinh sống, đó là đặc trưng của các phố Hàng Hà Nội.

Trên phố Hàng Nón có đình Đông Thổ (số 2 Hàng Nón) và Đình Yên Thổ (số 48 Hàng Nón). Những ngôi đình ngày nay đã bị dân xâm chiếm nhiều nên đã mất đi nét xưa, đặc biệt, đình Yên Thổ nay không còn dấu vết gì. Hướng phố này giáp với phố Hàng Quạt, nên có nhiều nhà trên phố Hàng Nón quay sang mở các cửa hàng, hợp tác xã thêu thùa cờ quạt, chức sắc…

Số nhà 12 Hàng Nón một thời gian dài là Hiệu bánh giò Quốc Việt nổi tiếng, với mấy câu thơ quảng cáo cả trên báo chí lẫn tại cửa hàng: ”Bánh giò Quốc Việt vệ sinh sao/Miếng miếng kèm thêm chả quế vào/Còn khách sành ăn còn Quốc Việt/12 Hàng Nón thú thanh tao!”

Cơn bão kinh tế thị trường không cho phép ai được giữ “nếp” cũ, tất cả buộc phải thay đổi, “bung” ra, và tự biến đổi mình. Họ không làm nghề của làng quê mình giữa chốn đô thị nữa, mà rút lại, cho thuê cửa hàng và lấy tiền đó sinh sống.

Đến quãng những năm cuối 1960s, đầu 1970s, hiệu Quốc Việt vẫn còn dấu vết, dù không còn kinh doanh nữa. Đoạn Hàng Nón đâm vào Đường Thành, là nhà của Tổng Đốc Bắc Giang Hoàng Thụy Chi, rộng mấy nghìn mét vuông. Ông là thân sinh bác sĩ Hoàng Thụy Ba-thân sinh của nhà thơ Hoàng Hưng. Hiện tại, vẫn còn dấu vết thời huy hoàng xưa, thể hiện ở cổng phù điêu cầu kỳ quay ra mặt phố và khu biệt thự tây phía trong, dù giờ đã chia năm xẻ bảy tan tác hết.

Một con phố, cũng như một đời người, có nhiều biến đổi thăng trầm theo con tạo xoay vần. Lúc đầu bán nón, bán quạt giống phố Hàng Quạt, ở giữa làm đồ nhôm thiếc, tôn, giống phố Hàng Thiếc, kính gương tủ cửa… Cuối phố không bán gì đặc trưng mà cho thuê… Giờ đây hầu như mất hết các cửa hàng truyền thống, gia truyền. Một số nhà vẫn trưng bày các đồ chơi thủ công truyền thống mỗi dịp Trung thu về. Cơn bão kinh tế thị trường không cho phép ai được giữ “nếp” cũ, tất cả buộc phải thay đổi, “bung” ra, và tự biến đổi mình. Họ không làm nghề của làng quê mình giữa chốn đô thị nữa, mà rút lại, cho thuê cửa hàng và lấy tiền đó sinh sống. Chính vì vậy, nghề gia truyền của dòng họ dần mất đi, và chuẩn bị biến mất hoàn toàn. Một số được lưu giữ, “vinh danh” trong bảo tàng dân tộc học như một sự tri ân những thứ sắp biến mất.

Cũng như các con phố cổ khác, đời sống của người dân trên phố cổ khá chật vật và bám vào vỉa hè mà sống là điều đặc trưng. Có những con ngõ chỉ đi lọt một người. Tuy nhiên, các cửa hàng mặt đường ở phố Hàng Nón vẫn chiếm ưu thế về giá. Chúng thuộc top các shop có giá cho thuê đắt đỏ nhất nhì Hà Nội. Dù thế nào đi nữa, lang thang trên những con phố nhỏ, để cảm nhận sự biến chuyển của nó xen lẫn hồn xưa bóng cũ, cũng sẽ là một cảm giác khó quên!

Bảo Tuệ

Nguồn Thương Gia: http://thuonggiaonline.vn/cuoc-song-tren-nhung-con-pho-hang-9081.htm